Tàu kiểm ngư liên tục bị tàu TQ vây ép, tấn công
Tàu Trung Quốc hung hăng tìm cách vây ép, chặn đầu và dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam.
Vào lúc 6 giờ sáng 28/5, trong lúc tàu Kiểm ngư của Việt Nam mang số hiệu KN 630 đang ở vị trí cách khu vực giàn khoan khoảng 10 hải lý để làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Trung Quốc rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng lãnh thổ Việt Nam thì đã bị 3 tàu của Trung Quốc bao vây, chặn đầu, ép sát.
Sau đó, tàu Hải tuần mang số hiệu 22 của Trung Quốc đã tấn công tàu KN 630 của ta bằng vòi rồng công suất lớn phun trên cả hai hướng trước và sau mũi tàu. Chỉ đến khi tàu CSB 8003 cơ động đến hỗ trợ thì các tàu Trung Quốc mới tản ra.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc đang tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, hôm 28/5, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 120 tàu các loại bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 và bố trí các tàu này ở nhiều hướng. Trên mỗi hướng, Trung Quốc duy trì từ 6 đến 8 tàu để ngăn chặn lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Đặc biệt, đã phát hiện 2 tàu quét mìn của Trung Quốc hoạt động trên khu vực.
Video đang HOT
Cũng trong buổi sáng 28/5, tàu CSB 8003 đã tiếp cận gần khu vực mới mà Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981. Nhưng đến vị trí cách giàn khoan khoảng 9 hải lý đã bị các tàu bảo vệ của Trung Quốc dàn thành thế nan quạt nhiều lớp tiến ra ngăn cản trong đó có các tàu mang số hiệu 2406, 31, 3302, 3210 đã cơ động áp sát để ngăn chặn tàu của ta.
Đặc biệt, vào lúc 08h 15 phút, ta phát hiện 02 tàu quét mìn của Trung Quốc số hiệu 840, 843 ở vị trí 15 độ 16 phút Bắc – 111 độ 32 phút Đông và 15 độ 16 phút Bắc – 111 độ 33 phút Đông.
Đồng thời ta cũng phát hiện có 02 tàu Hộ vệ tên lửa không xác định được số hiệu luôn cơ động, thả trôi ở phía Đông giàn khoan Hải Dương 981.
Đến 9 giờ 10 phút tàu CSB 4032 ở vị trí 15026′N – 111038′E cách giàn khoan 7,4 hải lý thì các tàu của TQ số hiệu 210, 2410, 37101 và 2 tàu kéo cơ động bám đuổi, sẵn sàng tấn công.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSB cho biết hôm qua lực lượng chấp pháp của ta còn phát hiện tàu Hải cảnh 31101 của TQ được trang bị thêm đường ống và vòi màu đen, chưa rõ công dụng.
Tàu Hải cảnh 3210 của Trung Quốc áp sát tàu CSB 8003, ngăn cản không cho tiếp cận giàn khoan (Ảnh Cảnh sát biển)
Các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn cơ động theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của giàn khoan Hải Dương 981 và hoạt động của các tàu Trung Quốc. Chúng ta cũng tiếp tục kiên trì tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách gần nhất có thể, đồng thời sử dụng các biện pháp tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo PV (Giaothongvantai.com.vn)
Trung Quốc có những động thái uy hiếp, đe dọa
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã trao đổi với báo chí về những động thái gần đây của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã
Bên hành lang Quốc hội, ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đã có trao đổi với báo chí về những động thái gần đây của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyển của Việt Nam.
Theo ông Nhã, mọi hành động của TQ đều có tính toán trong bước đi chiến lược của họ và việc giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển hàng chục hải lý về phía đảo Tri Tôn cũng nằm trong tính toán đó. Có khả năng việc dịch chuyển có thể nhằm lựa chọn địa điểm chính xác hơn để thăm dò, "nhưng dù TQ dịch chuyển giàn khoan tới chỗ này hay chỗ kia thì cũng đều vẫn nằm trong vùng thềm lục địa của VN, vẫn gây khó khăn và căng thẳng cho VN" - ông Nhã nói và cho rằng VN rất nhất quán trong đường lối đấu tranh với TQ.
Ông Nhã khẳng định VN vẫn yêu cầu TQ phải rút giàn khoan và tàu bảo vệ khỏi vùng biển của VN. "Chúng ta có rất nhiều phương án đã được lên kế hoạch nhưng tùy vào thái độ và sự hành xử của TQ mà VN sẽ có những phản ứng phù hợp theo đúng luật pháp quốc tế và Luật Biển của VN. "Nếu TQ vẫn khăng khăng như hiện nay và tiếp tục hành xử sai trái thì VN phải đưa ra tòa án quốc tế để phân xử" - ông Nhã cho hay.
Cũng theo ông Nhã, việc TQ đưa tàu rà soát bom mình vào vùng biển thềm lục địa VN là hành vi uy hiếp đối với lực lượng chấp pháp của VN. "Theo luật pháp quốc tế, tàu thuyền quân sự cũng có thể đi qua vùng biển nước khác nhưng vũ khí trên tàu phải được che hết. Thế nhưng TQ không những không che mà còn chĩa súng về phía ngư dân VN, phô trương sức mạnh và đe dọa tàu bè của VN, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và Luật Biển nước ta" - ông Nhã nói.
Ông Nhã cũng cho hay từ trước tới nay, việc hỗ trợ ngư dân của ta có nhưng chưa đủ tầm. "Sắp tới, chúng ta sẽ có đề án để hỗ trợ mạnh hơn, nhiều hơn cho ngư dân, từ chuyện củng cố lại tàu thuyền cho tới những vấn đề khác" - ông Nhã thông tin.
Theo Bình Minh (Pháp luật TPHCM)
Ta bảo vệ chủ quyền, không phải tranh chấp biển đảo Trước thông tin xung đột quanh giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc là "tranh chấp biển đảo", hôm qua, Thượng tá Trần Quang Tuấn - Phó Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định: Chúng ta bảo vệ chủ quyền chứ không phải tranh chấp biển đảo! Những ngày này, tàu CSB 4033, con tàu đầu tiên...