Tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát đảo tranh chấp với Nhật lâu kỷ lục
Hai tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật trên biển Hoa Đông gần 58 tiếng trước khi rút đi.
Hai tàu hải cảnh của Trung Quốc tiến gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư lúc 10h47 ngày 11/10 và chỉ rời đi lúc 20h19 ngày 13/10, cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) hôm 14/10 cho biết. Với thời gian hiện diện liên tục 57 giờ 39 phút, đây là lần áp sát Senkaku/Điếu Ngư lâu nhất từ trước tới nay của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Trong thời gian hoạt động gần nhóm đảo, hai tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách tiếp cận một tàu cá Nhật Bản. JCG điều một số tàu tuần tra tới khu vực và yêu cầu tàu hải cảnh Trung Quốc rời đi, song họ phớt lờ.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, tháng 11/2013. Ảnh: JCG.
Video đang HOT
Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư từ khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo ở đây từ tháng 9/2012. Hồi tháng 7, một số tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào khu vực 12 hải lý quanh nhóm đảo, ở lại trong khu vực trong gần 39 tiếng rưỡi trước khi rời đi.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 13/10 cho biết các tàu Trung Quốc áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư “trong hơn hai ngày là điều rất đáng tiếc”. Kato nói đã bày tỏ “phản đối mạnh mẽ” với Trung Quốc thông qua đường ngoại giao và khẳng định Nhật Bản “sẽ tiếp tục tuần tra và giám sát” quanh nhóm đảo tranh chấp.
Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hồi năm 2013. Căng thẳng Trung – Nhật quanh nhóm đảo đang nóng trở lại trong bối cảnh Trung Quốc liên tục điều tàu tuần tra hiện diện gần khu vực trong thời gian dài.
Vị trí nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đồ họa: Reuters.
Trung Quốc năm nay 21 lần điều tàu hải cảnh áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản đang kiểm soát và tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo, trong khi Trung Quốc thường xuyên điều tàu công vụ tới khu vực xung quanh để thách thức tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản.
Tàu Trung Quốc rút khỏi đảo tranh chấp với Nhật sau 111 ngày
Tàu hải cảnh Trung Quốc rút khỏi nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư để tránh bão, kết thúc 111 ngày hiện diện liên tục ở khu vực.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 3/8 không còn xuất hiện tại vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, kết thúc thời gian dài liên tục áp sát. Các quan chức cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) cho biết 4 tàu hải cảnh Trung Quốc rời vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp một ngày trước đó để tránh bão Hagupit.
Các tàu Trung Quốc bắt đầu hiện diện gần nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản từ ngày 14/4. Đây là đợt áp sát liên tục lâu nhất từ khi Tokyo quốc hữu hóa một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ tháng 9/2012, khiến căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần nhóm đảo Sekaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh: JCG.
JCG cho biết một số tàu Trung Quốc theo dõi hoặc truy đuổi tàu đánh cá của Nhật Bản hoạt động gần nhóm đảo tranh chấp hồi tháng 5. JCG đã triển khai tàu tuần tra tới hiện trường để buộc tàu hải cảnh Trung Quốc rời khỏi khu vực.
Hồi đầu tháng 7, tàu Trung Quốc tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo thuộc nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, ở lại trong khu vực trong 39 tiếng trước khi rút đi. JCG cho biết đây là vụ tàu Trung Quốc áp sát lâu nhất trong khu vực Nhật coi là lãnh hải tính từ năm 2012.
Nhật Bản đang kiểm soát và tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo họ gọi là Senkaku. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền với nhóm đảo này và gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc thường xuyên điều tàu tới khu vực quanh nhóm đảo tranh chấp để thách thức tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản.
Vị trí nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đồ họa: Reuters
Tàu Trung Quốc vào vùng biển gần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cố tiếp cận tàu cá Nhật Cảnh sát biển Nhật Bản hôm 11/10 cho biết 2 tàu Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp NHK đưa tin hôm Chủ nhật (11/10), cảnh sát biển Nhật Bản cho biết hai tàu Trung Quốc vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cố gắng tiếp cận các tàu đánh cá của Nhật Bản....