Tàu điện Cát Linh – Hà Đông hoạt động vào cuối năm 2016
Ban quản lý dự án đường sắt vừa đưa ra mốc tiến độ chạy thử tàu điện Cát Linh – Hà Đông vào tháng 9 và đưa vào khai thác thương mại từ 31/12 năm sau.
Sáng 2/12, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã kiểm tra hiện trường dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, hiện dự án đã hoàn thành gần 70% khối lượng, trong đó hoàn thành toàn bộ 112 trụ nhà ga, 101 trong số 112 xà mũ các nhà ga.
Tại ga mẫu La Khê, các đơn vị thi công đã hoàn thành phần kết cấu bê tông, thép và phấn đấu hoàn thiện trước 31/12/2015 để người dân tham quan góp ý kiến. Nhà thầu sẽ phấn đấu hoàn thành lao lắp dầm toàn tuyến trước 31/1/2016.
Mẫu thiết kế tàu điện đã được giới thiệu đến người dân. Ảnh: Bá Đô
Ban quản lý dự án Đường sắt đã đưa ra tiến độ hoàn thành phần xây lắp dự án trước 30/6/2016 (trừ ga Cát Linh và một phần khu depot) để ngày 30/9/2016 bắt đầu căn chỉnh, chạy thử đồng bộ. Vào ngày 31/12/2016, tàu điện sẽ bắt đầu chạy toàn tuyến.
37 học viên đào tạo đợt 1 tại Trung Quốc đã kết thúc khóa học và trở về Việt Nam. Ban Quản lý dự án Đường sắt đang phối hợp với Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội tuyển dụng các đợt học viên tiếp theo, hoàn thành đào tạo trước tháng 6/2016.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phải thường xuyên đôn đốc, làm việc với Tổng thầu và các nhà thầu phụ để đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cần tăng cường công tác rà soát thiết kế chống lãng phí, rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật vật liệu, nếu trong nước có thì sử dụng vật liệu trong nước. Bộ trưởng Thăng đã đánh giá một số kết cấu tại nhà ga mẫu La Khê quá nặng nề, lãng phí.
Đoàn Loan
Video đang HOT
Theo VNE
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông được thiết kế như thế nào
Đoàn tàu chạy tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được lắp ráp sản xuất tại Trung Quốc với 4 toa, dài gần 80m, có chiều cao 3,8m sức chứa 1.362 người.
Đoàn tàu mẫu cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã được Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông) chuyển về Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) một vài ngày nay và vẫn được phủ bạt, bảo vệ nghiêm ngặt.
Đến sáng 28/10, công tác chuẩn bị cho việc trưng bày toa tàu mẫu về cơ bản đã gần hoàn tất, hệ thống thảm cỏ nhân tạo, bậc lên xuống trải thảm, hay lối đi vào có hàng rào hai bên cũng được hoàn thiện.
Nhóm công nhân đang chỉnh trang, lau dọn và mở những tấm pano, áp phích giới thiệu chi tiết về đoàn tàu. Toa tàu mẫu sẽ được mở cửa cho người dân tham quan, đóng góp ý kiến từ 29/10 đến 30/11.
Theo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng đoàn tàu B1, vỏ làm bằng inox có chiều dài gần 20m, chiều rộng lớn nhất 2,8m, chiều cao 3,8m, tốc độ thiết kế 80km/h, năng lực vận chuyển tối đa của đoàn tàu gồm 4 toa là 1.362 người.
Tại khu vực trưng bày, Ban quản lý dự án đưa ra một số thông tin về sự khác biệt giữa tàu trưng bày và tàu sẽ đưa vào khai thác để người dân và các chuyên gia nhận biết, đặc biệt là phần cản trước.
Hệ thống máy móc, dây truyền sản xuất đoàn tàu cũng được công khai cạnh tàu mẫu để người dân có thông tin và góp ý.
Công ty hữu hạn thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (đơn vị sản xuất đoàn tàu), có hơn 1.300 công nhân viên. Theo thông tin tự giới thiệu, đến năm 2014, Công ty này chế tạo mới 2.349 toa xe, cung cấp cho các tuyến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Ghế ngồi bên trong mỗi toa tàu sử dụng vật liệu composite có độ bền cao, tránh được cảm giác lạnh vào mùa đông. Dãy ghế được bố trí dọc theo toa, dưới cửa sổ. Tại hai đầu của mỗi toa có hai dãy ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai, người tàn tật. Tại hai đầu của toa xe có động lực sẽ bố trí khu vực dành cho xe lăn...
Phần buồng lái của tàu, được thiết kể nhỏ gọn. Theo hợp đồng đã ký kết với phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Chi phí mua tàu là hơn 63,2 triệu USD đã được Bộ Giao thông thẩm định.
Màu sắc chủ đạo của nội thất là ghi sáng, các tấm ốp đầu ghế, tay vịn cho khách hàng đứng trên toa sử dụng màu xanh lá cây.
Theo nhà sản xuất, khung tàu được chế tạo bằng kết cấu thép không rỉ, nhập khẩu từ Đức. Linh kiện động cơ của tàu được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Bỉ...
Sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân và chuyên gia, Ban quản lý dự án sẽ tổng hợp và đưa ra mẫu tầu cuối cùng. Theo tiến độ của Bộ Giao thông, 30/5/2016 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành phần thô và 30/6/2016 sẽ hoàn thành xây lắp để khai thác thử.
Bá Đô
Theo VNE
Trưng bày mẫu tàu điện Cát Linh - Hà Đông trong tháng 10 Một toa tàu mẫu của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ được Tổng thầu Trung Quốc đưa về Việt Nam trong tháng 10 tới. Theo Ban quản lý dự án đường sắt, Ban và Tổng thầu Trung Quốc đã cơ bản thống nhất nội dung hợp đồng mua sắm thiết bị, đoàn tàu. Theo tiến...