Tàu chiến Trung Quốc áp sát Mỹ
4 tàu chiến Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Aleutian ở Alaska, khiến Mỹ triển khai tàu tuần duyên để giám sát.
Tàu tuần tra USCGC Bertholf của Mỹ chạm mặt 4 tàu hải quân Trung Quốc gần quần đảo Aleutian ngoài khơi bang Alaska cuối tháng 8, nhưng các bức ảnh chỉ được Tuần duyên Mỹ công bố hôm 13/9, sau khi Bắc Kinh chỉ trích những chuyến tuần tra tự do hàng hải do Washington tiến hành tại Thái Bình Dương.
Tàu tuần tra Bertholf bám theo nhóm chiến hạm Trung Quốc hôm 30/8. Ảnh: USCG .
“Trong chuyến tuần tra thường kỳ ở biển Bering và vùng Bắc Cực hôm 30/8, tàu tuần tra Bertholf đã phát hiện và thiết lập liên lạc vô tuyến với biên đội tàu hải quân Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ ngoài khơi quần đảo Aleutian. Tương tác giữa hai bên đều tuân thủ quy tắc và luật pháp quốc tế. Lực lượng Trung Quốc không xâm phạm lãnh hải Mỹ”, Tuần duyên Mỹ cho biết khi công bố bức ảnh.
Tuần duyên Mỹ không tiết lộ danh tính các tàu trong biên đội Trung Quốc, cho biết chúng gồm một tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, một tàu tình báo và một tàu hậu cần.
Video đang HOT
Giới chức Nhật Bản hôm 24/8 thông báo nhóm 4 chiến hạm Trung Quốc di chuyển qua eo biển Soya và hướng tới vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ ngoài khơi bang Alaska. Lực lượng này gồm một tàu tuần dương hạng nặng Type-055, một tàu khu trục phòng không Type-052D, một tàu tiếp vận Type-093 và một tàu do thám mang số hiệu 799.
Hành trình của nhóm tàu chiến Trung Quốc và vùng đặc quyền kinh tế Alaska (màu xanh). Đồ họa: Twitter/Vcdgf555 .
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 8/9 chỉ trích hoạt động của các chiến hạm Mỹ tại Thái Bình Dương, bao gồm sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tại Biển Đông.
“Hy vọng Mỹ sẽ tuân thủ tiêu chuẩn về tự do di chuyển khi các tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển Caribe hay Guam. Điều đó sẽ sớm diễn ra”, Hồ Tích Tiến viết trên Twitter.
Aleutian là chuỗi đảo núi lửa trải dài từ đất liền Alaska đến rìa phía tây biển Bering. Đây là nơi có thời tiết khắc nghiệt nhất và lãnh thổ hoang vắng nhất trên lục địa Bắc Mỹ, nhưng có vai trò chiến lược khi các đảo tạo thành một hành lang tự nhiên giữa bán cầu Đông và Tây.
Triều Tiên phóng thử 'tên lửa hành trình tầm xa' mới
Triều Tiên thông báo vừa phóng thử một loại "tên lửa hành trình tầm xa" mới hồi cuối tuần qua, mô tả đây là vũ khí "chiến lược quan trọng".
Những vụ phóng thử tên lửa mới, diễn ra vào cả hai ngày 11 và 12/9, được các quan chức cấp cao Triều Tiên giám sát và đều "thành công", hãng thông tấn KCNA đưa tin.
Tên lửa di chuyển trong 7.580 giây theo "quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8" phía trên lãnh thổ Triều Tiên và vùng lãnh hải của nước này, sau đó bắn trúng mục tiêu cách 1.500 km.
Một tên lửa dẫn đường chiến thuật kiểu mới của Triều Tiên được phóng thử hồi tháng ba. Ảnh: Reuters.
Bản tin của KCNA gọi mẫu tên lửa mới là một "vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng", thêm rằng "hiệu quả và tính thực tiễn của hệ thống vũ khí mới được xác nhận là tuyệt vời".
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên, việc phát triển hệ thống tên lửa mới mang đến cho Bình Nhưỡng "một công cụ răn đe hiệu quả khác" và giúp "kiềm chế những cuộc diễn tập quân sự của các thế lực thù địch".
Lầu Năm Góc chưa đưa ra bình luận. Vụ phóng thử được thực hiện chỉ vài ngày sau cuộc duyệt binh quy mô ở Bình Nhưỡng kỷ niệm 73 năm ngày thành lập đất nước. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng thử tên lửa kể từ tháng ba. Bình Nhưỡng cũng chưa thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kể từ năm 2017.
Triều Tiên đang phải chịu hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ đến nay vẫn chưa có nhiều bước tiến đáng kể. Sung Kim, đặc phái viên về Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gặp các đối tác Triều Tiên "ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào".
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không cho thấy họ muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời bác bỏ các nỗ lực của Seoul nhằm khôi phục đối thoại.
Tháng trước, Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Triều Tiên dường như đã khởi động lại lò phản ứng tái chế sản xuất plutonium ở Yongbyon, gọi đây là một động thái "nghiêm trọng".
Hàn Quốc tuần trước thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, một công nghệ mà Triều Tiên đã tìm cách phát triển từ lâu. Triều Tiên đã phô diễn 4 thiết bị như vậy tại một cuộc duyệt binh hồi tháng một, gọi chúng là những "vũ khí mạnh nhất thế giới".
Tuần duyên Mỹ hiện đại hóa lực lượng, tăng hiện diện ở Thái Bình Dương Tuần duyên Mỹ đang nỗ lực hiện đại hóa hạm đội và duy trì sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một tàu Nhật Bản diễn tập chung với tàu tuần duyên Mỹ ở biển Hoa Đông (Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản). Đô đốc Linda Fagan, Phó tư lệnh Lực lượng Tuần duyên...