Tàu chiến nhỏ, sức mạnh lớn
Nhỏ gọn, tốc độ cao, hỏa lực đa dạng là những ưu điểm giúp tàu chiến tấn công nhanh đóng vai trò quan trọng trong phòng thủ gần bờ.
Trên tạp chí Jane’s Defence Weekly số tháng 5, chuyên gia hải quân Richard Scott có bài đánh giá về sự phát triển của tàu chiến tấn công nhanh (FAC). Theo đó, nhiều bên đang chú trọng chiến lược sử dụng FAC làm nền tảng phòng thủ gần bờ và đảm trách tuần tra ven biển. Loại tàu này trước nay luôn được đánh giá cao nhờ ưu điểm chi phí đầu tư thấp, dễ triển khai nên rất thuận tiện trong việc bảo vệ vùng biển. FAC cũng có thể được sử dụng để phòng ngừa các cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào cơ sở hạ tầng trên biển như giàn khoan dầu. Loại tàu chiến này được thường xuyên cải tiến bằng nhiều loại vũ khí linh hoạt, có độ chính xác cao. Trong đó, các thay đổi đáng kể nhất là tăng cường tính chính xác nhờ công nghệ điều khiển tự động và định vị điện tử cũng như bổ sung những phiên bản tên lửa hạng nhẹ.
Tàu Super Dvora MK III có khả năng chiến đấu đa nhiệm – Ảnh: Fresh.co.il
Nổi bật cho thế hệ FAC mới phải nói đến tàu chiến tấn công nhanh lớp Super Dvora MK III do Israel sản xuất, theo i. Tàu Super Dvora MK III đạt tốc độ 90 km/giờ, tầm hoạt động 700 hải lý (1.300 km) nên có thể sớm ngăn chặn các vụ xâm nhập và thừa sức tác chiến trong vùng đặc quyền kinh tế. Lớp tàu này được trang bị 2 pháo cỡ nòng từ 20 – 30 mm, 2 súng máy, tên lửa đối hải và có thể lắp đặt thêm súng phóng lựu để chống người nhái hoặc xe tăng sát bờ biển. Ngoài ra, tàu còn tích hợp thiết bị ngắm quang điện kết nối với tên lửa siêu thanh và hệ thống pháo chính được điều khiển tự động nên đạt khả năng tấn công chính xác cao. Gần đây, Israel còn phát triển phiên bản tên lửa dẫn đường bán chủ động LAHAT dành cho tàu chiến tấn công nhanh. Với cải tiến này, các FAC có thể tấn công lên đất liền để hỗ trợ các cuộc đổ bộ, chiếm đảo và dần trở thành tàu chiến đa nhiệm.
Video đang HOT
Châu Á sôi động
Từ thập niên 1980, Đài Loan đã chọn FAC làm vũ khí phòng vệ biển chủ lực. Theo tạp chí Asian Military Review, Đài Loan hiện sở hữu 60 chiếc FAC, trong đó có 35 tàu thuộc lớp Dvora do Israel chuyển nhượng bản quyền sản xuất. Gần đây, khi Trung Quốc công bố tàu sân bay đầu tiên, Đài Loan cũng xúc tiến kế hoạch đóng 7 – 11 chiếc FAC lớp Tấn Hải với tổng trị giá khoảng 850 triệu USD và dự kiến biên chế chính thức vào năm 2014. Tàu Tấn Hải sẽ được trang bị tên lửa chống hạm Hùng Phong 3 có tầm bắn 300 km và nhanh gần gấp đôi tốc độ âm thanh. Ở bên kia eo biển, Bắc Kinh đang cấp tập bổ sung tàu tấn công nhanh lớp Hồng Bại 022 với mức giá trung bình khoảng 40 triệu USD mỗi chiếc. Mới đây, tạp chí Wired dẫn nguồn tin từ giới chức quốc phòng Mỹ cho hay Trung Quốc hiện sở hữu 83 chiếc Hồng Bại 022 và sẽ còn đóng thêm.
Ấn Độ cũng tham gia tích cực cuộc đua trang bị tàu tấn công nhanh. Từ tháng 2.2009 đến nay, nước này chính thức biên chế thêm 10 chiếc FAC thuộc lớp Car Nicobar. Với chi phí chỉ 10 triệu USD mỗi chiếc, tàu lớp Car Nicobar được trang bị đầy đủ súng pháo 30 ly, 2 súng máy cùng hệ thống tên lửa. Cuối tháng 4, Đài NDTV dẫn lời Phó đô đốc G Mahadeven của hải quân Ấn Độ thông báo kế hoạch đóng thêm 80 chiếc FAC từ nay đến năm 2020. Không thể ngồi yên, Pakistan ngày 24.4 loan báo hạ thủy tàu tấn công nhanh đầu tiên thuộc lớp Azmat, được trang bị tên lửa đối hạm, do Trung Quốc chế tạo. Theo IRNA, Islamabad sẽ sớm nhận thêm FAC loại này và có thể mua bản quyền để tự sản xuất.
Bên cạnh đó, có tin cho hay một số nước Đông Nam Á cũng dự định tăng cường thêm tàu tấn công nhanh, nhất là trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao tại các vùng biển trong khu vực.
Tàu không người lái cho thị trường Đông Nam Á
Tàu không người lái Integrator – Ảnh: Shephard
Tại triển lãm quốc phòng DSA 2012 ở Malaysia hồi tháng 4, Công ty 5G International của Mỹ giới thiệu tàu nổi không người lái (USV) mang tên Integrator. Đây là thế hệ USV thứ 5 mà công ty này chế tạo kể từ thập niên 1990. Hãng tin Shephard dẫn lời Tổng giám đốc Robert Murphy cho biết công ty đang hướng tới việc xâm nhập thị trường Đông Nam Á.
Theo Thanh Niên
Mỹ thử nghiệm lựu pháo mới XM1203 NLOS-C
Mỹ đang tiến hành thử nghiệm một loại vũ khí tương lai mới - lựu pháo tự hành XM1203 None-Line of Sight Cannon (NLOS-C) cỡ 155 mm.
Lựu pháo tự hành loại này được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo trong khuôn khổ chương trình "hệ thống tác chiến tương lai" của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nó có khả năng bắn và tiêu diệt mục tiêu ngay tại vị trí trú ẩn.
Đối với một số chuyên gia, trong thời đại vũ khí có điều khiển và chính xác cao như hiện nay thì lựu pháo tự hành chỉ là "tàn dư" của thế kỷ trước. Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn không phải vậy.
Đạn pháo tự hành khi bắn ra không bị tác động của các thiết bị gây nhiễu bằng vô tuyến điện, đồng thời các phương tiện phòng không của đối phương cũng rất khó để có thể đánh chặn được nó, thậm chí còn khó hơn nhiều so với đánh chặn tên lửa.
Hơn nữa, pháo tự hành lại có tốc độ bắn rất cao (gần tương đương với hệ thống hỏa lực bắn giàn phản lực), cơ số đạn khá nhiều mà lại rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa, trong khi hiệu quả hoạt động lại không hề thua kém.
Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm lựu pháo NLOS-C đầu tiên vào tháng 10/2006, biến thể đầu tiên dạng tháp pháo kín của loại lựu pháo này vào tháng 5/2008 từ thiết bị chuyền tải của nhà máy BAE Systems.
Các chuyên gia thiết kế của Mỹ cho rằng, khả năng cơ động linh hoạt của pháo tự hành là phương pháp bảo vệ tốt nhất, thay vì quá chú trọng vào lớp vỏ thép bảo vệ bên ngoài như các phương tiện tác chiến khác.
Do vậy, họ đã quyết định chế tạo lớp vỏ bằng nhôm chỉ có thể giúp bảo vệ cho kíp lái trước các mảnh vỡ của bom, đạn. Nhờ lớp vỏ ngoài bằng nhôm nên trọng lượng của NLOS-C là gần 20 tấn và có thể dễ dàng vận chuyển bằng đường không.
NLOS-C được trang bi thiết bị làm mát rất hiệu quả nên có thể bắn liên tục 8 cơ số đạn (24 viên đạn) trong vòng 4 phút, có khả năng tự động nạp điện, có thể theo dõi quỹ đạo bay của đạn bằng radar.
Máy tính tính hợp trên xe sẽ phân tích các thông tin về quỹ đạo bay của viên đạn trước so với mục tiêu để điều chỉnh cho các lần bắn sau được chính xác và hiệu quả hơn.
Do được trang bị động cơ điện, lại có khả năng tự động nạp điện nên biên chế kíp lái trên xe chuyên dụng chở NLOS-C chỉ có 2 người: lái xe kiêm kỹ thuật viên và hỏa lực viên kiêm chỉ huy.
Theo dự kiến ban đầu, bắt đầu từ năm 2012 Mỹ sẽ đưa khoảng 20 mẫu lựu pháo NLOS-C để thử nghiệm. Nếu kết quả thử nghiệm thành công thì sẽ bắt đầu cung cấp hàng loạt cho quân đội vào năm 2014.
Tuy nhiên, chương trình "hệ thống tác chiến tương lai" đã bị tạm dừng triển khai từ năm 2009. Do đó, việc phát triển pháo tự hành nói chung và NLOS-C nói riêng đến nay vẫn là vấn đề mở, chưa có lời đáp.
Theo Giáo Dục VN