Tàu chiến Mỹ diễn tập sát đảo nhân tạo trên Biển Đông
Một tàu chiến Mỹ đã thực hiện hoạt động diễn tập khi đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho biết ngày 25/5.
Tàu khu trục USS Dewey của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho biết, ngày 25/5, tàu khu trục USS Dewey của Hải quân nước này đã thực hiện bài diễn tập cứu hộ thủy thủ đoàn bị rơi xuống biển khi đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn chủ quyền của Việt Nam và đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Một quan chức giấu tên cho biết: “USS Dewey tiến hành các hoạt động thông thường khi diễn tập cứu hộ bên trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn”. Động thái này cho thấy Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Đá Vành Khăn ngay cả khi Bắc Kinh đã ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở đây.
Video đang HOT
Lầu Năm Góc hiện chưa chính thức xác nhận về các hoạt động tuần tra, diễn tập của tàu hải quân tại Biển Đông. Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross, nhấn mạnh hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ không nhằm vào bất cứ quốc gia nào và Lầu Năm Góc sẽ công bố văn bản tóm tắt các hoạt động này trong báo cáo thường niên.
Ông Ross khẳng định: “Chúng tôi (Mỹ) sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải, hàng không định kỳ như đã làm trước kia và sẽ làm trong tương lai”.
Những thông tin trên được đưa ra sau khi Thời báo phố Wall ngày 24/5 cho biết, tàu USS Dewey đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn. Đây được xem là thách thức đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các động thái bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích động thái của Mỹ. Tại cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết, Hải quân Trung Quốc ngày 25/5 đã điều động hai tàu hộ vệ tên lửa Liuzhou và Luzhou “tiến hành nhận dạng, kiểm tra, cảnh cáo và trục xuất” tàu khu trục tên lửa USS Dewey của Mỹ.
Ông Nhậm lớn tiếng nói rằng, hành động “phô trước sức mạnh” của quân đội Mỹ rất dễ dẫn đến những “sự cố” trên không và trên biển”. “Hành động sai lầm của quân đội Mỹ sẽ chỉ thúc đẩy quân đội Trung Quốc tăng cường sức mạnh,” ông Nhậm nói.
Minh Phương
Theo Dantri
Tàu Mỹ lần đầu tuần tra tự do hàng hải Biển Đông dưới thời Trump
Tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa, trong chuyến tuần tra tự do hàng hải đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tàu khu trục USS Dewey của Mỹ. Ảnh: USNavy
Tàu khu trục USS Dewey tuần tra xung quanh Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, trong chiến dịch được biết với tên gọi tự do hàng hải, Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết. Đây là cuộc tuần tra đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái, cũng là lần đầu tiên kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hồi tháng một.
Đá Vành Khăn là một trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Trung Quốc đã xây ba đường băng cấp quân sự trên các đảo nhân tạo này, dù Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015 tuyên bố sẽ không tiếp tục "quân sự hóa" chúng.
Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, từ chối bình luận về chiến dịch, nhưng cho biết Mỹ hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hàng ngày, trong đó bao gồm Biển Đông. "Chúng tôi hoạt động theo luật quốc tế", ông nói, thêm rằng các cuộc tuần tra "không nhằm vào bất cứ nước nào hay tập trung vào bất cứ vùng biển nào".
Tuần tra tự do hàng hải (FONOP) thể hiện sự "thách thức với tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức", theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Các chiến dịch phải diễn ra trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo hoặc thực thể để cấu thành một cuộc tuần tra tự do hàng hải về mặt pháp lý.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Việt Nam nhiều lần khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị. Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo, tuyên bố hải quân Mỹ sẽ hoạt động ở mọi nơi luật pháp quốc tế cho phép.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tàu chiến Mỹ, tiêm kích Nga trong áp phích ca ngợi hải quân Trung Quốc Áp phích kỷ niệm 68 năm thành lập hải quân Trung Quốc bị coi là thảm họa với hàng loạt lỗi như sử dụng khí tài Nga, Mỹ mà Trung Quốc không có. Áp phích tuyên truyền kỷ niệm 68 năm hải quân Trung Quốc. Ảnh: SCMP. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 23/4 đăng trên tài khoản Weibo chính thức của mình...