Tàu cảnh sát biển kiên trì chấp pháp tại khu vực giàn khoan
PV Hoàng Sang đang có mặt trên tàu CSB 8003 ở Hoàng Sa chuyển về những thông tin mới nhất về việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam.
12 tàu TQ cùng với máy bay áp sát
Theo PV Hoàng Sang, lúc 14h ngày 27/5, thông tin mới nhất nhận được là TQ đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 cách vị trí cũ khoảng dưới 30 hải lý về phía Đông Nam đảo Tri Tôn.
Lúc 18h ngày 27/5, PV cho hay, hôm nay các tàu TQ tiếp tục gây căng thẳng tại khu vực đặt giàn khoan trái phép, bao vây và húc các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Cụ thể, vào lúc 16h50 phút chiều cùng ngày, trong khi đang tiến hành tuyên truyền yêu cầu phía TQ rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, tàu kiểm ngư mang số hiệu 635 đã bị tàu 4610 của TQ đâm vào đuôi khiến bị hư hỏng nhẹ.
Đây là hành động mang tính khiêu khích mới nhất mà các tàu TQ thực hiện nhằm vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Cũng trong chiều cùng ngày, vào lúc 15h30 phút, trong khi các tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển Việt Nam thực hiện các hoạt động chấp pháp nơi TQ đặt giàn khoan trái phép thì đã bị các tàu TQ dàn đội hình ngăn cản.
Ước chừng có khoảng 12 tàu TQ cùng với máy bay áp sát, chặn hoạt động của các tàu chấp pháp Việt Nam.
Mặc dù các tàu TQ gia tăng hoạt động, ngăn cản trái phép, các lực lượng chấp pháp trên biển Việt Nam vẫn kiên trì, xử lý bằng phương pháp hòa bình, mở loa tuyên truyền, yêu cầu phía TQ rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, vào lúc 5h30 sáng 27/5, tàu CSB 8003 đã phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển chừng dưới 30 hải lý về phía Đông Nam đảo Tri Tôn.
Video đang HOT
Đây là vị trí vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Lực lượng chấp pháp VN thực hiện đúng theo luật pháp!”
Rất nhiều phóng viên quốc tế cũng đang có mặt trên tàu CSB Việt Nam để ghi nhận tình hình.
Theo các nhà báo này, TQ cần phải rút giàn khoan ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
TQ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại thềm lục địa VN. Ảnh: AP
Vào lúc 10h30 ngày 27/5, Mc Kirdy, Phóng viên hãng CNN cho hay, đây là lần đầu tiên phóng viên này đến Hoàng Sa để ghi nhận tình hình.
Hiện tại, tất cả độc giả của CNN đều đang rất quan tâm đến tình hình Biển Đông, nhất là kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Hoàng Sa.
Phóng viên Marabu Sasaki, trưởng ban đại diện của thời báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) tại Việt Nam cho biết, trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông, thời báo Asahi Shimbun đã gửi phóng viên ra Hoàng Sa để ghi nhận những hoạt động chấp pháp của chính phủ Việt Nam tại vùng biển này.
Đánh giá về hành vi TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Sasaki cho biết: Hành động của TQ với Việt Nam cũng giống như với Nhật Bản trước đây, đã làm dấy lên nhiều quan ngại.
Nhân dân Nhật Bản cũng như nhân dân Việt Nam đều mong muốn có một nền hòa bình cùng sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hòa bình đó chỉ có thể có được trên đều nỗ lực xích lại gần nhau. Hiện tại, dư luận thế giới đang rất ủng hộ những nỗ lực của lực lượng chấp pháp Việt Nam.
“Trung Quốc nên ngồi xuống để nói chuyện với thiện chí hòa bình. Về phía Việt Nam, tôi thấy các lực lượng chấp pháp của nước bạn đang thực hiện đúng theo luật pháp quốc tế. Người dân Nhật Bản rất đồng tình với cách nghĩ và hành động của Việt Nam giải quyết vấn đề trên cơ sở hòa bình. Tôi chỉ muốn hòa bình cho mọi người”, ông Sasaki cho biết.
Về việc kiện ra tòa án quốc tế, theo ông Saskia, đây cũng là một biện pháp, đương nhiên điều này phải phụ thuộc vào chính phủ Việt Nam.
“Hành động TQ hạ đặt giàn khoan và huy động nhiều tàu bảo vệ theo tôi là rất nguy hiểm. TQ nên dừng lại, dư luận quốc tế đang rất lên án TQ và ủng hộ mạnh mẽ những hành động hiện tại của chính phủ Việt Nam”, ông Sasaki nói.
Được biết, sau khi nhận được thông tin TQ đặt giàn khoan trái phép tại Hoàng Sa, PV Marabu Sasaki đã làm các thủ tục gửi lên Bộ Ngoại giao để xin phép ra tận nơi TQ đặt giàn khoan trái phép, để chứng kiến xem TQ hành động như thế nào trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam…
Trong khi đó, PV của Đài truyền hình Fuji, trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) cho biết: “Tôi cảm thấy tình hình trên biển Đông ngày càng căng thẳng sau khi TQ điều rất nhiều tàu đến khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Hành động của TQ đã gây ra tình trạng căng thẳng trên Biển Đông.
Theo ý kiến của tôi, TQ nên dừng lại, rút giàn khoan để giảm bớt tình trạng căng thẳng. Hiện tại, Việt Nam đã chứng minh cho dư luận thế giới rằng, bằng mọi giá Việt Nam sẽ bảo vệ độc lập, chủ quyền bằng phương pháp hòa bình”.
Theo Vietnamnet
Biển Đông: "Nga không hỗ trợ Trung Quốc mà ủng hộ Việt Nam"
Nga có quan hệ đặc biệt với Việt Nam, trên thực tế Nga là một người bạn thân của Việt Nam và rõ ràng rằng Nga sẽ tiếp tục quan hệ với Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tờ The Moscow Times ngày 27/5 đăng phân tích của Morena Skalamera, một học giả thuộc Dự án Năng lượng - địa chính trị của trung tâm Belfer trường Kennedy, đại học Harvard bình luận, Nga lo ngại về ý định của hải quân Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Ngay cả khi Bắc Kinh - Moscow phát triển quan hệ gần gũi hơn, Nga vẫn tiến hành cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Nga không hỗ trợ yêu sách chủ quyền rộng lớn (bành trướng) của Trung Quốc và gần đây đã ủng hộ Việt Nam - một khách hàng vũ khí lớn của Nga trong vấn đề Biển Đông.
Hôm 23/5, Dmitry Mosyakov, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á - Úc và châu Đại Dương từ Moscow nhận xét trên Đài Tiếng nói Nước Nga, trước đây trong một số lĩnh vực của đời sống quốc tế, lợi ích của Nga và Trung Quốc trùng nhau.
Nhưng ở các khu vực khác, nơi 2 nước có lợi ích khác nhau, Nga và Trung Quốc không thực hiện bất kỳ chính sách chung nào cùng nhau, đó là một thực tế. Nga có quan hệ đặc biệt với Việt Nam, trên thực tế Nga là một người bạn thân của Việt Nam và rõ ràng rằng Nga sẽ tiếp tục quan hệ với Việt Nam.
Đối với Trung Quốc, họ cũng có bạn bè và kẻ thù của mình, vì vậy Trung Quốc có chính sách của Trung Quốc, Nga có chính sách của Nga, nhưng sẽ có sự phối hợp nhiều hơn giữa Moscow và Bắc Kinh.
Mặc dù Nga - Trung đẩy mạnh hợp tác song phương, nhưng Nga có lợi ích riêng của Nga, Trung Quốc có lợi ích riêng của Trung Quốc. Ảnh: RIA Novosti / Alexey Druzhinin.
Franois Godement, giáo sư khoa học chính trị từ trung tâm Sciences Po, giám đốc chiến lược Trung tâm Châu Á tại Paris phân tích, Nga là một nước ủng hộ truyền thống của Việt Nam trong khi Việt Nam có nhiều khả năng đối mặt với xung đột vũ trang vì bị Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông. Và Nga sẽ mất bạn bè rất nhanh một khi có những bước tiến gần tới Trung Quốc.
Tầm nhìn ngoại giao của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin là ông luôn luôn kiểm soát hành động của Nga ở Đông Á để cân bằng giữa Trung Quốc và các nước khác, bao gồm cả Hàn Quôc và Nhật Bản.
Cả 2 nước này đều đã khá miễn cưỡng thực hiện ngay lập tức các biện pháp trừng phạt Moscow trong cuộc khủng hoảng Crimea.
Nếu ông Putin có những hành động khuyến khích 2 nước này đối phó với Nga, thì ngay lập tức sẽ thấy được những hỗ trợ hơn nữa của Nhật Bản và hàn Quốc cho chính sách của phương Tây, đặc biệt là Mỹ đối với Nga.
Giáo sư Đinh Ngọc Thụ từ Viện Quan hệ Quốc tế đại học Chính trị Đài Loan nói với Đài Tiếng nói Nước Nga, ông không biết Tập Cận Bình sẽ làm thế nào để dung hòa hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau mà ông tuyên bố tại Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, tổ chức tại Thượng Hải vừa qua.
Tại đây Tập Cận Bình vừa đề xuất cái gọi là một mô hình mới của thỏa thuận an ninh, hợp tác toàn diện và bền vững ở châu Á, cam kết giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao, thương lượng hòa bình. Nhưng cũng chính ông Bình khẳng định sẽ bảo vệ cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
(Theo Giáo Dục)
Mưu đồ của Trung Quốc khi bố trí 2 đội tàu Hải cảnh trên đảo Hải Nam Hải Nam đang dần trở thành trung tâm trong các mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc khi có đến 2 đội tàu Hải cảnh được bố trí ở hòn đảo này. Đảo Hải Nam có diện tích 33.920 km2, là tỉnh nhỏ nhất ở điểm cực Nam của Trung Quốc. Do đặc điểm địa lý là một hòn đảo nằm...