Tàu cá không thể vào cảng vì cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng
Nhiều năm qua, cửa biển Nhật Lệ đang bị cát bồi lấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào cảng. Tại cửa biển này đã xảy ra nhiều vụ tàu mắc cạn gây thiệt hại lớn cho ngư dân, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của địa phương.
Cửa biển bị bồi lấp
Với chiều dài bờ biển lên đến 120km, tỉnh Quảng Bình có 5 cửa biển, trong đó, cửa biển Nhật Lệ là nơi có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào ra mỗi ngày.
Cửa biển Nhật Lệ bị cát bồi lấp nghiêm trọng
Thế nhưng tại cửa biển Nhật Lệ, tình trạng cát bồi lấp đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Nguyên nhân là do đặc điểm địa hình, chế độ thủy triều, dòng chảy ven biển và cả tác động của bão lũ đã khiến cát bồi tụ diễn ra nhanh chóng. Trong khi chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền chưa tìm ra cách giải quyết phù hợp.
Cát bồi lắng thời gian dài cũng đang khiến cửa biển Nhật Lệ ngày càng bị thu hẹp, điều này khiến các tàu cá của ngư dân rất khó khăn trong việc ra vào, đặc biệt là các tàu vỏ thép công suất lớn.
Tình trạng này đang khiến các tàu cá ra vào cảng vô vùng khó khăn
Tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới hiện có trên 400 tàu cá. Trong đó, khoảng 300 chiếc tàu có công suất trên 90CV. Tình trạng cửa biển bị bồi lấp, hẹp luồng lạch đã khiến nhiều tàu cá của xã biển này đành phải phải neo đậu ở các địa phương hoặc tỉnh thành khác.
“Tình trạng cát bồi lấp tại cửa biển Nhật Lệ đã kéo dài nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng. Ở đây ngày càng xuất nhiện nhiều gò cát chắn ở cửa biển, nếu không để ý là tàu bị mắc cạn ngay. Bây giờ tàu nhỏ và vừa mới dám ra vào chứ tàu lớn đành phải neo ngoài khơi hoặc vào cảng khác nhập cá”, ngư dân Nguyễn Văn Phú, tại xã biển Bảo Ninh cho biết.
Video đang HOT
Ngư dân gánh thiệt hại
Nhiều năm trước đây, cảng Nhật Lệ là nơi neo đậu, buôn bán thuận lợi của tàu thuyền Quảng Bình và các tỉnh miền Trung. Từ tiếp nhiên liệu, bán thủy hải sản đến dịch vụ sửa chữa hậu cần, tránh trú bão.
Thế nhưng tình trạng cát bồi lấp cửa biển đang hạn chế lượng tàu thuyền ra vào tại khu vực cảng này. Nhiều tàu cá khi vào cửa biển Nhật Lệ cũng đã bị mắc cạn, gây hỏng hóc, thiệt hại nặng cho ngư dân.
Một tàu cá mắc cạn khi vào cửa biển Nhật Lệ
Ngư dân Phạm Anh Đức, trú thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết, những tàu cá lớn của địa phương khi đánh bắt về đều phải xuống hàng ở Đà Nẵng hoặc Thừa Thiên – Huế. Nếu vào cửa Nhật Lệ thì chỉ có thể tìm cách neo đậu ngoài khơi, sau đó thuê tàu có công suất nhỏ trung chuyển hết số hàng hóa vào xuất bán. Việc này khiến các tàu cá phải mất thêm chi phí nên lời lãi sau mỗi chuyến đi biển không được là bao.
“Đa số tàu lớn ra cửa đều bị mắc cạn, nên ngư dân thường chờ con nước lớn mới ra. Khi nước lớn mới đưa cá từ tàu vào bán kịp phiên chợ, đôi khi vào cửa không lọt thì hàng hóa, cá bị hư hỏng nhiều. Có những tàu bị mắc cạn nặng, ngư dân phải bốc hết số hàng trên tàu để cho tàu nhẹ nổi lên mặt nước thì mới vào cửa được”, ngư dân Đức nói.
Tình trạng cửa biển bị bồi lấp đang gây ảnh hưởng lớn đến các tàu thuyền của ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới
Tình trạng cửa biển Nhật Lệ bị bồi lấp không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân trực tiếp đánh bắt cá trên biển mà còn ảnh hưởng đến người dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá và người buôn bán hải sản trong khu vực. Cùng với đó là việc tàu thuyền vào tránh trú bão khi mùa mưa bão đang đến gần.
Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh này cũng đã giao Sở Giao thông vận tải lên phương án nạo vét, chỉnh trị dòng sông, cửa biển Nhật Lệ theo hướng lâu dài và bền vững.
Tỉnh Quảng Bình cũng vừa kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cho phép lấy nguồn kết dư từ việc đền bù sự cố môi trường biển để làm kinh phí nạo vét cửa biển, đảm bảo an toàn cho bà con vươn khơi bám biển.
Tiến Thành – Trần Hùng
Theo Dantri
Tàu vỏ thép chục tỷ nằm bờ, ngư dân nợ nần chồng chất
Sau sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân ở Quảng Bình đã mạnh dạn vay mượn ngân hàng hàng chục tỷ đồng để đầu tư đóng mới tàu vỏ thép với hy vọng sớm thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều tàu cá của ngư dân đã hư hỏng nặng, phải nằm bờ hoặc có ra khơi thì cũng thua lỗ. Tình cảnh trên đang khiến nhiều chủ tàu lâm vào cảnh nợ chồng nợ.
Càng ra khơi càng thua lỗ
Mùa này đang là mùa cao điểm đánh bắt cá nhưng chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QB 91568 TS của ngư dân Trương Ngọc Tú (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) được đóng mới theo Nghị định 67 vẫn neo chặt ở cửa biển Nhật Lệ gần 5 tháng nay.
Nhìn con tàu đang xuống cấp từng ngày, anh Tú xót xa cho biết, năm 2016, anh vay vốn ngân hàng để đóng mới con tàu vỏ thép này với giá 16 tỷ đồng. Năm 2017, khi nhận tàu về, anh Tú cùng bạn thuyền ra khơi một vài lần nhưng không hiệu quả, phần nữa tàu xuống cấp quá nhanh, phải bỏ ra khá nhiều tiền để sửa chữa, tân trang lại.
Một ngư dân ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình xót xa khi nhìn vào con tàu vỏ thép mới đầu tư hàng chục tỷ đồng đã hư hỏng nặng, ra khơi không mang lại hiểu quả
"Tàu mới đóng được hơn một năm nhưng đã tróc sơn, gỉ sét, nhiều bộ phận hư hỏng nặng giờ phải nằm bờ chứ ra khơi là sợ lỗ vì không đủ tiền sửa chữa. Tàu nằm bờ gần nửa năm nay, còn lãi ngân hàng thì ngày một chất thêm. Cứ đà này kéo dài chắc rồi cũng phải bán tàu mà trả nợ mất thôi", anh Tú buồn bã.
Còn ông Ngô Xuân Cảnh (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) cầm tờ giấy báo nợ ngân hàng với vẻ mặt thất thần, đầy lo lắng cho biết, tàu của ông đóng mới với trị giá hơn 10 tỷ đồng với gần 80% vốn vay ngân hàng. Tháng 9 năm ngoái, khi tàu đang đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, một cơn bão quét qua đã cuốn sạch toàn bộ ngư cụ gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Để tiếp tục ra khơi, ông Cảnh đã vay thêm 5 tỷ đồng để sắm lại toàn bộ ngư cụ khiến ông lâm cảnh nợ nần chồng chất. "Mặc dù tàu mới đóng và sửa chữa thường xuyên nhưng tàu vỏ thép xuống cấp rất nhanh. Tàu nằm bờ suốt, tiền làm không ra nhưng lãi ngân hàng thoáng cái là đến kỳ hạn nộp. Nếu tình cảnh này kéo dài chắc nhiều ngư dân cũng phải bán tàu, bỏ biển thôi các chú ơi!", ông Cảnh than thở.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Phượng (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn) cho hay, ngoài việc con tàu của ông xuống cấp rất nhanh thì việc đơn vị đóng tàu thiết kế không phù hợp với tập quán khai thác nên dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Ngoài 3 ngư dân nói trên, ở Quảng Bình hiện còn có rất nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Xin giãn nợ, gia hạn thời gian trả nợ
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tỉnh Quảng Bình phê duyệt và triển khai hoàn thành đóng mới 88 tàu cá. Trong đó có 56 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite, 31 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, hiện tại có 29 tàu cá hoạt động cơ bản có hiệu quả, trả nợ bình thường, chiếm 33%. 36 tàu cá hoạt động hòa vốn, chiếm 41%, còn 23 tàu cá hoạt động lỗ, trả nợ chưa đúng kỳ hạn cam kết, chiếm 26%. Đáng chú ý, có 2 tàu vỏ thép, trị giá trên 10 tỷ đồng phải nằm bờ dài ngày, đó là tàu của ông Ngô Xuân Cảnh và tàu ông Nguyễn Phượng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cho biết, vừa qua 14 ngư dân ở xã biển Bảo Ninh đã làm đơn kiến nghị xin giãn nợ, gia hạn thời gian trả nợ tàu từ 15 năm lên 20 năm. Hiện tại, trung bình mỗi chủ tàu phải trả số nợ, cả gốc lẫn lãi trên 1 tỷ đồng/năm.
Tàu vỏ thép xuống cấp nghiêm trọng, làm ăn thua lỗ nên nhiều ngư dân, chủ tàu ở Quảng Bình đã kiến nghị xin giãn nợ, gia hạn thời gian trả nợ
"Một số tàu do ngư trường khai thác, nguồn lợi hải sản bị hạn chế nên các chủ tàu làm ăn thua lỗ, chưa có hiệu quả. Chúng tôi đang tiếp tục động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển, qua đây chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành nên có chủ trương, tạo điều kiện giúp đỡ thêm cho các đội tàu Nghị định 67", ông Bình cho hay.
Nguyên nhân dẫn đến hàng chục tàu cá đóng theo Nghị định 67 hoạt động không hiệu quả được Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình nhận định, thứ nhất là việc thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần, chất lượng một số tàu chưa đảm bảo; thứ hai là các quy định của bảo hiểm về bồi thường ngư cụ cho ngư dân bất cập gây thiệt thòi cho ngư dân.
"Bảo hiểm chỉ bồi thường ngư lưới cụ với trường hợp cả tàu cá lẫn ngư lưới cụ bị chìm hoặc mất tích. Trong khi thực tế, nhiều ngư dân bị mất ngư lưới cụ do thiên tai, do sự cố và con tàu vẫn còn trở về đất liền nhưng lại không được bảo hiểm chi trả đó là bất cập", một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình phát giác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục trưởng, Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã kiến nghị lên Trung ương về chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá bị hư hỏng. Các sự cố bất khả kháng như chủ tàu bị bệnh dài ngày, tàu bị tai nạn dẫn đến tàu dừng hoạt động thời gian dài thì cần được xem xét để giãn nợ.
Đặng Tài - Trần Hùng
Theo Dantri
Nước đen ngòm, rác lẫn xác cá trên dòng sông đẹp nhất Quảng Bình Sáng 12/7, người dân tại phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) phát hiện tình trạng cá chết nổi bất thường trên kênh thoát nước cầu Phóng Thủy đổ ra sông Nhật Lệ. Người dân cho biết tình trạng cá chết xuất hiện từ ngày 11/7, mùi tanh, hôi thối bốc lên khiến họ lo lắng. Theo quan sát của PV, đoạn...