Tàu cá gặp nạn trôi tự do, 10 ngư dân cầu cứu
Chiều ngày 2/3, Ban phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết tàu cá QNg 98984-TS bị gãy láp, gãy chân vịt và đang trôi tự do sang địa phận nước ngoài ở tọa độ 18-00N và 110-35E.
Ngay sau khi bị nạn, vào sáng nay, thuyền trưởng tàu QNg 98984-TS phát tín hiệu cầu cứu đến tần số thuộc Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (DNR), tình trạng tàu cá đang trôi dạt tự do với vận tốc 1 hải lý/giờ theo hướng 25 độ, điều kiện thời tiết có gió mạnh cấp 4.
Trong điều kiện biển động cấp 4, nếu không ứng cứu kịp thời, tình mạng 10 ngư dân có nguy cơ rơi vào nguy hiểm (Ảnh minh họa).
Nhận thông tin cầu cứu, DNR phát tín hiệu đến các tàu cá trong khu vực tham gia ứng cứu. Đến chiều nay, tàu cá QNG 98984-TS đã liên lạc được với 2 tàu cá khác mang số hiệu QNg 98735-TS và QNg 98938-TS tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Dự kiến, đến tối nay, 2 tàu cá trên có thể cập mạn và ứng cứu tàu cá QNg 98984-TS cùng 10 ngư dân đang trôi dạt tự do.
Hồng Long
Theo Dantri
Video đang HOT
Nghiệt ngã nghề đi biển: Đại dương là mồ
Sống nhờ biển, chết vì biển và biển cũng là nơi yên nghỉ của nhiều người bởi phần lớn ngư dân tử nạn trên biển đều không tìm thấy xác.
Sau cái chết của ngư dân Thạch Lọt (ngụ phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), hằng ngày, bà Thạch Thị Lợi cứ mang bó nhang ra bờ biển thắp. Đối với bà Lợi, đại dương là mồ con trai bà vì thân xác của Lọt vẫn còn nằm dưới đó.
Mất xác vì chủ tàu kiêng kỵ
Lọt là 1 trong 10 ngư dân Bạc Liêu bị đắm thuyền trên biển hồi giữa tháng 12 năm ngoái. 10 người bấu víu vào 2 tấm xốp trôi dạt trên biển suốt 3 ngày. Do đuối sức, Lọt đã buông tay. "Nếu Lọt còn sức cố bám trụ một lát nữa là giữ được mạng vì chỉ chẳng lâu sau thì có tàu cá Bến Tre phát hiện chúng tôi" - ông Phan Văn Xuyên, thuyền trưởng con tàu gặp nạn, kể.
Một ngôi một gió ở đảo Lý Sơn Ảnh: TỬ TRỰC
Bà Lợi cho biết dù chỉ mới 20 tuổi nhưng Lọt đã là trụ cột của gia đình. "Bây giờ nó không về nữa, thân xác chìm dưới biển sâu chắc lạnh lẽo vô cùng" - bà Lợi rưng rưng.
Bà Thạch Thị Lợi không cầm được nước mắt khi nghĩ đến chuyện con trai phải bỏ xác ở biển Ảnh: DUY NHÂN
Cùng nỗi đau với bà Lợi là chị Nguyễn Việt Khang (34 tuổi), vợ ngư dân Nguyễn Thanh Hận. Thuyền trưởng Xuyên kể khi 10 người trôi dạt trên biển đến sáng ngày thứ ba thì anh Hận bắt đầu nói những lời trăng trối rồi gục chết trước anh Lọt. Nhờ chụp tay anh Hận lại được, ông Xuyên buộc vào tấm xốp rồi cùng thả trôi. Khi được tàu cá cứu, ông Xuyên xin được đưa xác anh Hận lên tàu. "Sau một phút lưỡng lự, thuyền trưởng của tàu cá Bến Tre điện thoại về cho chủ tàu xin ý kiến song chủ tàu cương quyết không cho mang xác chết lên tàu. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành để xác của Hận lại và xin một lá cờ cắm lên để làm dấu, chờ tàu cứu hộ ra tìm" - ông Xuyên nhớ lại. Tuy nhiên, khi tàu cứu hộ ra tìm thì thấy chỉ còn tấm xốp, xác người đã vuột mất.
Gia đình anh Hận là hộ cận nghèo, anh mất đi để lại vợ và 2 con nheo nhóc. Mỗi khi nhắc đến người chồng xấu số, nước mắt chị Khang cứ ứa ra. "Cùng đi trên một tàu nhưng chồng con người ta may mắn trở về nhà còn chồng tôi thì... Sau đám tang, con gái vô tình hỏi mộ cha đâu, tôi nghe như dao cắt vào lòng, đành chỉ về phía biển" - chị Khang khóc nghẹn.
Lật thúng là mất tích
Dù đã lập bàn thờ cho con trai là Phạm Ngọc Phương nhưng mỗi khi nghe có bước chân vào cổng nhà, tim bà Nguyễn Thị Thiều (ngụ xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) thắt lại, rồi bà dõi mắt nhìn ra. "Tôi vẫn nghĩ rồi một ngày nó sẽ về dù người ta bảo rằng nó đã chết rồi. Sao nó lại lặng lẽ đi như thế được!" - bà Thiều nghẹn ngào. Phương không phải là ngư dân chuyên nghiệp, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trong khi chờ tìm việc làm, Phương xin mẹ đi biển kiếm tiền phụ gia đình. Trong chuyến đi biển thứ hai, Phương tham gia câu mực để làm mồi câu cá ngừ đại dương và mất tích.
Theo thuyền trưởng Trần Văn Khâu (phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), nghề đi biển vốn nguy hiểm nhưng nguy hiểm nhất là công đoạn câu mực làm mồi để câu cá ngừ đại dương. Hầu hết các vụ chết mất xác đều liên quan đến công đoạn này. Mực tươi là món ưa thích của cá ngừ nên mỗi tối thuyền trưởng đều nhờ bạn thuyền lên thúng chai được thả xuống biển cách tàu vài trăm mét để câu. Mỗi thúng chai chỉ một người với ngọn đèn leo lét. "Biển đêm tối mịt, mênh mông, sợ lắm, chỉ cần một cơn sóng lớn cũng làm úp thúng. Bị rơi xuống biển rồi thì cầm chắc là chết vì có kêu cứu cũng không ai nghe. Dù nguy hiểm nhưng khi câu mực sẽ được thuyền trưởng trả nhiều tiền hơn, anh em mới xung phong" - một ngư dân giải thích.
Theo trực ban tác chiến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, năm 2014, dù ít bão tố nhưng tỉnh này có 8 ngư dân tử nạn trên biển, trong đó có đến 6 người không tìm thấy thi thể. Mỗi khi xảy ra tai nạn, chủ tàu thường mời một y tá đi cùng đến nhà nạn nhân báo tin (để kịp chăm sóc phòng khi gia đình nạn nhân ngất xỉu), trao tiền bảo hiểm và khoản tiền nhỏ hỗ trợ để chia buồn, lập bàn thờ cho người xấu số. Vậy là một đời ngư phủ khép lại trong lặng lẽ...
Xót xa những ngôi mộ gió
Chắc không địa phương nào có nhiều ngư dân mất tích trên biển bằng huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hòn đảo có trên 20.000 người này thì có đến hàng ngàn ngôi mộ gió. Nhắc đến chuyện này, có lẽ không ai buồn tủi như cụ Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn. Cụ có 6 người con nhưng có đến 2 người bỏ xác ở biển.
Cụ Thanh kể vào giữa tháng 3-2012, 2 người con của cụ cùng đi trên một tàu cá ra Hoàng Sa lặn bắt hải sâm. Trong lúc lặn, cả 2 bị đứt dây hơi và tử nạn. Khi các bạn thuyền phát hiện thì 2 cái xác đã bị dòng hải lưu mạnh cuốn đi mất. Sau đó, gia đình thuê một chiếc tàu ra Hoàng Sa với hy vọng tìm được xác 2 anh nhưng vẫn bặt vô âm tín. "Gia đình tôi đành mời người nặn hình nhân, lập mộ gió cho 2 đứa" - cụ Thanh nói trong tiếng thở dài.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, cho biết tập tục nặn hình nhân, xây mộ gió cho ngư dân tử nạn trên biển đã có từ hàng trăm năm trước. "Tập tục này cốt là để linh hồn người chết có chốn nương thân" - ông Chinh giải thích.
Nói đến mộ gió, người dân xứ Thanh lại kể về cơn bão kinh hoàng xảy ra vào năm Tân Mùi 1931. Trong cơn bão đó, có 344 ngư dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tử nạn ngoài khơi. Người ta đã lập miếu thờ 344 ngư dân trong chùa Liên Hoa, đây cũng được xem là ngôi mộ gió lớn nhất xứ Thanh. Hằng năm, cứ vào ngày 18-8 (âm lịch), người dân lại tổ chức lễ giỗ chung để tưởng nhớ những người đã khuất.
Từ đó tới nay, người dân xã Ngư Lộc cũng đón rất nhiều cơn cuồng phong của biển cả, cướp đi sinh mạng của rất nhiều ngư dân. Mỗi khi có người đi biển không về, ngôi miếu thờ này lại thêm một linh hồn nương náu. "Khi có người chết hoặc mất tích ngoài biển khơi không tìm thấy xác, người dân sẽ làm các thủ tục gọi hồn người chết rồi đưa về miếu để linh hồn họ bớt lạnh lẽo" - ông Trần Văn Hạnh, người trông giữ miếu thờ, cho biết.
Kỳ tới: Cướp "miếng ăn" của thần biển
Theo Nhóm phóng viên (Người lao động)
Tàu đâm vào bãi đá ngầm, 8 ngư dân may mắn thoát chết Ngày 25.1, thông tin từ chính quyền địa phương xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, tàu cá mang số hiệu NA 95225 TS do ông Hồ Văn Bắc làm thuyền trưởng đang đánh cá trên biển thì gặp nạn. Ngay sau đó tàu bạn đã kịp thời đến ứng cứu, 8 ngư dân trên tàu được cứu sống. Vào khoảng...