Tàu 400 tấn chìm trên sông Đáy, 5 người thoát nạn
Tàu vận tải đang chở đá trên sông Đáy thì va chạm với tàu chở phụ gia nên chìm, 5 thuyền viên nhảy xuống sông bơi vào bờ an toàn.
Hơn 7h ngày 10/6, tàu vận tải của ông Trần Xuân Bảy (trú xã Gia Thịnh, Gia Viễn, Ninh Bình) chở khoảng 400 tấn đá mạt và sắt từ cầu Gián Khẩu (Gia Viễn) đi giao hàng. Đang chạy trên sông Đáy, đến gần cầu Non Nước ( TP Ninh Bình) tàu này va chạm với tàu của ông Trần Xuân Luận (Hải Dương) chở khoảng 800 tấn phụ gia.
Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: Phương Vy.
Cú va mạnh khiến tàu chở đá chao đảo rồi chìm tại vị trí cách chân cầu Non Nước về phía hạ lưu khoảng 200 m.
Ông Trần Xuân Bảy cho biết, lúc tai nạn trên tàu có 5 thuyền viên. “Rất may cả 5 người biết bơi nên sau khi tàu chìm đều bơi vào bờ an toàn”, ông Bảy nói.
Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an Ninh Bình) đã tạm giữ tàu gây tai nạn để điều tra nguyên nhân.
Phương Vy
Theo VNE
Chuyến đi định mệnh của 53 hành khách trên sông Hàn
Hai ngày trước tai nạn, tàu Thảo Vân 2 bị phát hiện hoạt động chui và kéo về khu quản lý, nhưng đã trốn thoát. Con tàu hoán cải này chở 56 người và lật trên sông Hàn, khiến 3 hành khách ra đi mãi mãi.
Video đang HOT
Đà Nẵng đang mùa du lịch cao điểm, du khách khắp nơi tìm đến thành phố biển được mệnh danh "đáng sống nhất Việt Nam". Ngoài tắm biển, thưởng thức hải sản, rất nhiều du khách sử dụng dịch vụ thưởng ngoạn sông Hàn về đêm.
Thảo Vân 2 vốn được hoán cải từ tàu cá, không được cấp phép vận tải hành khách, nhưng vẫn đón khách ở bến cảng sông Hàn, ngay trước Cảng vụ Đà Nẵng. Con tàu 2 tầng thuộc loại nhỏ nhất trong các tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn, với công suất chỉ 24CV, dài chừng hơn 10 m.
Tàu Thảo Vân 2 chìm trên sông Hàn, khi được kéo vớt, con tàu hoán cải cho thấy sự tạm bợ. Ảnh: Nguyễn Đông.
20h30 ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 xuất bến chở 56 người (3 nhân viên tàu), gấp đôi số chỗ theo đăng kiểm. Du khách phần lớn đi theo gia đình, trong đó có đoàn 19 người từ Bắc Kạn, Thái Nguyên xuống. Chuyến du lịch là phần thưởng cho những đứa trẻ học giỏi. Hành khách hầu hết chọn ghế ngồi tầng 2 ngắm cảnh, một số cho con mặc áo phao, nhưng nhân viên khuyên trời nóng không cần mặc.
Vừa rời bờ được 300 m, tàu bất ngờ nghiêng sang trái rồi lật úp, hất văng toàn bộ khách xuống lòng sông Hàn. Tiếng kêu cứu, gào khóc cùng tiếng những cánh tay vùng vẫy đập xuống mặt nước gây náo động một khúc sông. 56 nạn nhân, trong đó có 19 trẻ em, 4 người Malaysia, một phụ nữ mang thai tháng thứ 7, tự cứu mình bằng cách vùng thoát khỏi những người hoảng loạn đang níu lấy nhau.
Con tàu chìm rồi nổi phần bụng lên khỏi mặt sông. Những người biết bơi vội kéo, đẩy tất cả mọi người lên ngồi trên phần nổi của Thảo Vân 2. Nhưng khi thấy có tàu, ca nô cứu nạn chạy tới gần, nhiều người lại nhốn nháo. Mất thăng bằng, con tàu lại chìm một lần nữa.
Nhìn thấy tàu Thảo Vân 2 đang chạy giữa trời gió nhẹ bỗng tắt ngấm đèn, ông Đặng Ngọc Anh, thuyền phó tàu du lịch For you Sông Hàn, biết có chuyện chẳng lành nên giục thuyền trưởng chạy nhanh tới chỗ ánh đèn vừa tắt. Tới nơi, ông Anh thấy hàng chục cánh tay chới với giữa dòng sông.
Lao xuống nước, ông Anh đẩy chiếc phao bè hò mọi người bám vào và đưa lên tàu. Lát sau 4 tàu và một cano du lịch cùng tới hỗ trợ. Thuyền trưởng Thảo Vân 2 Lê Công Chí, cùng nhân viên tên Lợi, ngụp lặn tìm kiếm người gặp nạn, chuyển lên tàu, cano xung quanh. Nạn nhân còn sức thì ném áo phao, phụ giúp kéo người khác lên tàu. Một số khách biết bơi cố gắng kéo người thân vào bờ.
Bờ sông Hàn, đoạn cách Trung tâm hành chính và HĐND TP Đà Nẵng vài trăm mét, trở nên hỗn loạn. Tiếng xe cứu thương hú còi, át đi những tiếng người thân gọi nhau. Nhưng vẫn còn hai đứa trẻ ở Bắc Kạn và một người đàn ông ở Bình Định chưa được tìm thấy.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm các nạn nhân mất tích tối 4/6. Ảnh: Nguyễn Đông.
Khoảng 20 phút sau tai nạn, công an, cảnh sát đường thủy, biên phòng... có mặt. Phương án tìm kiếm 3 nạn nhân mất tích được triển khai dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ. Một tấm lưới được giăng chắn ngang cửa sông Hàn, đề phòng nạn nhân trôi ra biển. Hàng chục cano, tàu biên phòng quần thảo; 10 tàu giã cào của ngư dân làm nhiệm vụ kéo lưới; lính đặc công của Quân khu 5 xuống sông lặn tìm, nhưng suốt nhiều giờ không có kết quả.
Ngồi trên bờ, lả đi vi mệt, chị Đặng Thị Xuân (quê Bắc Kạn) vẫn không rời mắt khỏi dòng sông, nơi hai con là Trịnh Kim Phượng (7 tuổi) và Trịnh Tiến Huy (4 tuổi) chưa được tìm thấy. "Tôi uống quá nhiều nước, muốn tắt thở nên tuột mất con", người mẹ nói trong nước mắt.
Sống sót kỳ diệu khi không biết bơi, lại đang ôm đứa con gái 10 tháng tuổi, chị Lưu Phương Thúy (Hà Nội) hớt hải chạy đi khắp nơi tìm con gái lớn 7 tuổi đang thất lạc. Hai mẹ con tìm được nhau ở Trung tâm y tế quận Sơn Trà, mừng nhưng không đủ sức khóc thành tiếng.
3h sáng 5/6, Chủ tịch Đà Nẵng lệnh dừng tìm kiếm. 16 trẻ em được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trong đó 4 ca nặng do bị nước tràn vào phổi. Những người lớn được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Đêm đó, nhiều nạn nhân không thể ngủ vì "cứ nhắm mắt vào cảnh tượng kinh hoàng lại hiện ra".
6h sáng 5/6, Đà Nẵng huy động 70 thợ lặn chuyên nghiệp là bộ đội và ngư dân xuống sông Hàn tìm kiếm. Sở chỉ huy tiền phương được lập ngay tại cầu cảng sông Hàn để chỉ đạo công tác tìm kiếm. Trên mặt nước, hàng trăm lượt cano, thuyền nhỏ lượn nhiều vòng quan sát tất cả mọi động tĩnh.
Nhưng phải đến 16h30 cùng ngày, thi thể của hai cháu nhỏ quê Bắc Kạn mới được tìm thấy trên sông Hàn, cách nơi tàu lật khoảng 1.000 m. Xác anh Phạm Tấn Cường (46 tuổi, quê Bình Định) vượt ra khỏi cửa sông, trôi dạt vào bờ biển Thanh Khê.
Nằm trong bệnh viện theo dõi thai 7 tháng và chăm sóc 7 cháu nhỏ trong gia đình, chị Nguyễn Thị Hồng Hà (quê Thái Nguyên) nói đoàn có 19 người, nhưng bây giờ về chỉ còn 17. "Đúng là chuyến đi định mệnh. Con gái tôi bảo, biết thế con chẳng cần được học sinh giỏi nữa, bây giờ về không thấy hai em đâu!".
Đà Nẵng đã phải huy động hàng trăm lượt tàu thuyền và hàng nghìn người tìm kiếm 3 nạn nhân mất tích. Ảnh: Nguyễn Đông.
Một ngày sau tai nạn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan nhằm truy trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan. "Qua vụ chìm tàu phát hiện còn rất nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà nước. Trách nhiệm của chúng ta rất lớn đối với nhân dân, nên không thể chấp nhận một tổ chức, cá nhân nào lơ là trong việc này", ông Thơ nói.
Theo lãnh đạo thành phố, tai nạn sẽ không xảy ra nếu Cảng vụ thủy nội địa và Đội quản lý bến sông Hàn làm việc nghiêm túc. Bởi 2 ngày trước khi xảy ra tai nạn, cảnh sát thủy nội địa phát hiện tàu Thảo Vân 2 không đủ điều kiện vận tải khách nhưng vẫn đi lại trên sông, nên đề nghị Sở Giao thông Vận tải đưa lên bờ, giao cho biên phòng quản lý.
Và theo Giám đôc Cảng vụ thủy nội địa Lê Sáu, khi kéo tàu Thảo Vân về quản lý thì tàu này đã bỏ trốn. Ông Nguyễn Công Hiệu, Đội trưởng Quản lý bến nói tối 4/6 đã phát hiện tàu Thảo Vân 2 đón khách tại cảng, đã báo cho Cảng vụ, nhưng chính sự lơ là khiến con tàu hoạt động du lịch chui chở gấp đôi số khách theo đăng kiểm rồi "gây tai tiếng cho Đà Nẵng".
Ngay tại cuộc họp, hai ông Sáu và Hiệu bị đình chỉ chức vụ, phục vụ cho công tác điều tra. Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án hình sự - tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. "Ngoài trách nhiệm của chủ tàu và lái tàu, chúng tôi sẽ xem xét cả những cá nhân, tổ chức có liên quan với quan điểm xử lý quyết liệt, đến cùng", đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an Đà Nẵng, nhấn mạnh.
Tàu Thảo Vân 2 lật như thế nào. Đồ họa: Tiến Thành - Nguyễn Đông.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Chìm tàu ở Đà Nẵng: Đình chỉ Giám đốc Cảng vụ, Đội trưởng đội quản lý bến Liên quan đến vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn vào tối 4/6 làm 3 người chết, TP Đà Nẵng đã tạm đình chỉ chức vụ với ông Lê Sáu - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Đà Nẵng và ông Nguyễn Công Hiệu - Đội trưởng đội quản lý bến cảng của Cảng vụ. Sáng nay, (6/6) UBND...