Tát người yêu để cảnh cáo, có gì là sai?
Bạn lấy cơ sở nào mà cho rằng mình có quyền cảnh cáo người yêu, dạy bảo người yêu bằng hành động vũ phu, hành động chứng tỏ sự thiếu tôn trọng, chứng tỏ quyền sở hữu, cai trị như vậy?
Chào mọi người.
Em và bạn gái cũng được nửa năm, em rất yêu bạn ấy. Nhưng hôm nọ em có tát bạn ấy vì em không kìm chế được. Chuyện như sau: ” Hôm đó mẹ bạn ấy mời em qua chơi. Bạn ấy có nói em qua sớm giúp làm đồ nhưng em hỏi mấy giờ thì không nói. Em đã qua lúc 10h26p sáng rồi giúp mọi người làm cơm trưa. Nhưng em thấy lạ khi bạn ấy không chào, không nói chuyện với em như mọi khi nên em rất khó chịu. Em đã hỏi bạn ấy xem có chuyện gì nhưng bạn ấy không nói. Em bực lắm nhưng cứ im xem sao?
Thế rồi bạn ấy chỉ mở mồm nhờ em đón bà. Lúc đó em lôi bạn ý vào phòng nói chuyện mới biết bạn ấy giận em vì em đến muộn và cho là em trốn việc. Em mới nhận ra là mình cũng sơ xuất quá nên cũng muốn giải thích cho bạn ý hiểu nhưng bạn ý tỏ thái độ không thèm nghe và toàn nói trống không với em nên em đã hành xử thế này:
Video đang HOT
” Anh nói cho em nghe nhé, thứ nhất anh là người lớn đã đi làm và anh là người hiểu chuyện nên không có chuyện anh trốn việc nhà làm gì. Anh rất khó chịu khi em cứ im lìm và nói trống không với anh, anh đã nhắc nhiều lần mà em không nghe còn nói năng kiểu đó với anh. Thứ hai anh chả ngu gì mà không đến sớm giúp gia đình em để được lòng mọi người, lại mát mặt em và tránh được nắng. Em thừa biết bà nội anh ốm, anh vào thăm bà rồi mới qua em. Bà nằm cấp cứu thì chỉ được một người vào một chứ vào đông người ta đuổi nên anh mới xuống muộn. Em chả thèm hỏi han mà đã trách anh, như vậy là em rất ích kỉ có biết không?
Anh đã nhắc em rất nhiều là anh không thích im lặng mà có gì phải nói, và anh rất ghét kiểu nói trống không hay văng tục mà em vẫn không nghe lời. Em thử nghĩ xem khi em chưa làm ra, mọi chi tiêu đi với anh đều là anh chi cho em, đến nhà anh chơi cũng là anh đưa đón em chứ em chưa hề có ý tự giác lên thăm gia đình anh mà đều là anh mời em lên chơi. Nếu sau này em kiếm ra không còn dựa vào anh nữa liệu em sẽ nghe anh nữa không? Nếu con cái học em không nghe lời anh thì anh còn giá trị gì trong nhà nữa? Gia đình sẽ tan nát chứ em? Anh cho rằng đây là tật rất xấu của em và em cần bỏ nó”.
Nói xong, em tát cô ấy nhưng chỉ là để cảnh cáo thôi. Bây giờ cô ấy đọc bài này xong bảo em gia trưởng và muốn chia tay. Theo mọi người, em có lỗi nặng như vậy sao? Em vẫn rất yêu và chỉ muốn cô ấy hiểu những gì em cần cô ấy hiểu. Mong mọi người góp ý thẳng thắn để em sửa sai ạ.
Anh Tuan
Chào bạn,
Người ta có thể vì chút giận dữ, thiếu kiềm chế mà tát người yêu, cũng đã là lỗi lớn. Giờ đọc thư bạn, thấy bạn bình tĩnh “hạch tội” người yêu, xong bình tĩnh tát thẳng vào mặt cô ấy, chính Hạnh Dung cũng thấy… lạnh cả sống lưng.
Trong cách cư xử của bạn, trong lý luận của bạn về gia đình, về quan hệ giữa hai người yêu nhau và sau này sẽ là vợ chồng, Hạnh Dung thấy nếu dùng từ gia trưởng, có lẽ còn là quá nhẹ. Bạn lấy cơ sở nào mà cho rằng mình có quyền cảnh cáo người yêu, dạy bảo người yêu bằng hành động vũ phu, hành động chứng tỏ sự thiếu tôn trọng, chứng tỏ quyền sở hữu, cai trị như vậy? Trong gia đình, chuyện cha mẹ dạy con bằng đòn roi cũng là điều đáng cân nhắc. Vậy mà bạn cho quyền mình tát vào mặt người mà bạn nói yêu thương, thử hỏi bạn: bạn coi cô ấy là gì?
Bạn lo lắng rằng cô ấy khi làm ra tiền sẽ không còn nghe lời bạn nữa, con cái sẽ học cô ấy mà không nghe lời bạn. Vậy có nghĩa là tương lai trong gia đình bạn tiền sẽ nắm quyền thống trị? Và con cái bạn cũng sẽ học từ bạn để sau này nếu là con trai thì có thể tát, có thể đánh bất cứ ai không nghe lời mình, nếu là con gái sẽ phải đưa mặt cho người yêu cho chồng đánh nếu làm điều gì đó mà anh ta không vừa ý? Đó có phải là kiểu mẫu gia đình mà bạn muốn hướng tới hay không?
Bạn có thể bất bình với thái độ của người yêu. Nhưng trò chuyện, phân tích phải trái với nhau. Lắng nghe nhau để tìm ra được tiêu chuẩn chung trong cư xử hành động. Nếu không đồng ý thì đó cũng là cơ sở để tiếp tục mối quan hệ, tiến tới xây dựng gia đình hay không. Với cách hành xử của bạn, nghĩa là bạn đã cho rằng dù gì, cô ấy cũng sẽ phải là vợ bạn. Nếu cô ấy phản đối sẽ bị bạn dạy bảo, hành hung cho đến khi biết nghe lời thì thôi? Và nếu cuối cùng cô ấy dứt khoát từ chối mối quan hệ này, với bản tính hung dữ, với lý luận về sự sở hữu, cai trị của bạn, liệu bi kịch nào sẽ xảy ra nữa đây? Chỉ nghĩ thôi, Hạnh Dung đã thấy… lạnh sống lưng và hiểu vì sao cô ấy đòi chia tay!
Theo Baophunu