Tất cả xe taxi phải lắp thiết bị giám sát hành trình?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông -Vận tải cho rằng: “Cần có nghị định ban hành bắt buộc tất cả các xe taxi phải lắp các thiết bị giám sát hành trình và các thiết bị ấy phải được giám sát thường xuyên bởi các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa bàn…”
Đối với taxi, có thành phố hạn chế, có tỉnh, thành thì không hạn chế. Vậy điều đó có gây ra tình trạng “nước chảy chỗ trũng” không thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Thực ra, không thành phố nào hạn chế theo nghĩa tuyệt đối cả. Vừa rồi Hà Nội có tạm dừng cấp phép, thực chất là để đánh giá, kiểm tra lại bởi dẫu sao nó cũng là phương tiện vận tải công cộng, là bộ mặt của thành phố. Việc các thành phố quy hoạch lại về giao thông cũng liên quan đến taxi. Như ở Hà Nội có đề án sắp xếp, quy hoạch lại taxi còn TP HCM có đề án quy hoạch vận tải công cộng, trong đó có taxi. Cả hai nơi đều có việc tạm ngừng để quy hoạch lại chứ không cấm. Việc ấy sẽ bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi chính đáng. Việc ấy không có nghĩa là không quan tâm đến taxi nữa mà có sự “trao đổi” với các doanh nghiệp kinh doanh taxi.
Ông Khuất Việt Hùng,
Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải , Bộ Giao thông -Vận tải trao đổi với phóng viên
Có hiện tượng là các hãng taxi đăng ký tem hồng (dịch vụ vận tải) ở tỉnh khác rồi hoạt động kinh doanh ở Hà Nội. Ông có đánh giá gì về hiện tượng này?
Ông Khuất Việt Hùng: Đúng là có hiện tượng ấy, và chúng ta không thể tránh được, vì đây là lỗi ở các doanh nghiệp chứ không phải là lỗi của nhà nước. Tôi cho rằng hiện nay thường có tâm lý đám đông. Tức là thấy các doanh nghiệp taxi làm ăn có lãi thì ồ ạt đi kinh doanh taxi, đến khi nhà nước có các chính sách điều chỉnh, thì lại nghĩ rằng nhà nước cấm đoán, rồi có những phản ứng hay lách luật. Tôi cho rằng hiện nay thị trường taxi cũng tương đối bão hòa rồi. Nếu có càng nhiều doanh nghiệp thì lợi nhuận sẽ ít đi. Có nhiều doanh nghiệp cũng không quan tâm đến chất lượng dịch vụ mà họ chỉ quan tâm mua một chiếc taxi về, đưa cho tài xế rồi xem cuối tháng thu được bao nhiêu tiền. Một số hãng cho rằng họ làm ăn nghiêm chỉnh, nhưng thực tế với cách quản lý như vậy thì các lái xe làm ăn nghiêm chỉnh sẽ không thể nào tồn tại được, họ buộc phải gian lận trong việc tính cước với khách hàng. Vì vậy các doanh nghiệp làm ăn chính đáng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Có quy định là taxi đăng ký ở các tỉnh chỉ được đưa khách vào Hà Nội mà không được đón khách ở Hà Nội. Vậy làm thế nào để phân biệt được chuyện ấy?
Ông Khuất Việt Hùng: Tôi nghĩ rằng chẳng có cách nào phân biệt được. Ở nước ngoài người ta có việc giám sát hành trình và cho công bố công khai, vì vậy người dân biết xe nào được đón khách ở đâu. Nếu trường hợp đi ra ngoài địa bàn đăng ký thì phải có hợp đồng cả đi cả về. Còn ở ta thì vẫn có chuyện xe ở tỉnh lẻ vào Hà Nội đón khách.
Sau khi có được “Tem hồng”, một số đơn vị đã đưa xe taxi về Hà Nội để hoạt động
Video đang HOT
Chung quy là do bị vướng chuyện hạn chế, dừng cấp mới “tem hồng” (tem được phép kinh doanh vận tải hành khách), nên một số đơn vị taxi mới lách luật như thế. Có cách nào quản lý không thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Việc ấy là do các doanh nghiệp họ không tuân thủ các quy định thôi. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không có giám sát hành trình tập trung thì không có cách nào quản lý được cả.
Tức là ông bi quan về việc quản lý được các hãng taxi?
Ông Khuất Việt Hùng: Về mặt công nghệ thì tôi không bi quan, nhưng tôi bi quan về việc chúng ta chưa thực sự sẵn sàng làm việc ấy. Bởi vì nhiều doanh nghiệp taxi không muốn điều ấy, họ muốn chạy ở đâu cũng được, miễn là có lợi nhuận. Xét về mặt thị trường, nếu tôi chạy xe và tôi chỉ đảm bảo cho quyền lợi và nghĩa vụ của mình, thì tôi sẽ thực hiện Luật Giao thông đường bộ với tư cách cá nhân. Còn nếu tôi kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh A, thì khi đó cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh A sẽ có trách nhiệm về chất lượng dịch vụ vận tải nói chung. Nhà nước có trách nhiệm ban hành luật pháp và giám sát quá trình thực hiện luật pháp. Khi sự cố xảy ra chúng ta hay đổ lỗi cho nhà nước không kiểm tra nghiêm ngặt. Nhưng khi nhà nước kiểm tra nghiêm ngặt, thì chúng ta lại nói rằng sao nhà nước lại làm quá như thế. Xét trên địa bàn từng địa phương, khi Sở GTVT có các quy định thì các doanh nghiệp nên tôn trọng quy định ấy và thực hiện quy định ấy.
Tôi tin vào công nghệ giám sát và tôi cho rằng sẽ quản lý được.
Ví dụ như taxi ở Hà Nội đăng ký vận tải ở Bắc Ninh nhưng thực tế lại hoạt động ở Hà Nội thì trách nhiệm thuộc về thanh tra giao thông của Hà Nội hay Bắc Ninh?
Ông Khuất Việt Hùng: Nếu Hà Nội để phương tiện của địa phương khác vận tải trên địa bàn Hà Nội thì đấy là trách nhiệm của thanh tra giao thông Hà Nội, bởi làm sao thanh tra Bắc Ninh sang đây làm việc được? Thanh tra Hà Nội có trách nhiệm xác định tất cả các phương tiện trên địa bàn Hà Nội, là đúng với các quy định do Sở GTVT Hà Nội quy định theo đúng Luật Giao thông đường bộ.
“Tem hồng” do Sở GTVT Vĩnh Phúc cấp nhưng hoạt động ở Hà Nội
Trong ví dụ trên, Sở GTVT Bắc Ninh đã cấp phép thì cũng phải có trách nhiệm gì chứ?
Ông Khuất Việt Hùng: Nếu nói là liên đới thì cũng không sao. Nhưng không thể bắt như thế được bởi vì các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Bắc Ninh thì doanh thu sẽ đóng thuế trên địa bàn Bắc Ninh, người ta sẽ theo dõi trên địa bàn Bắc Ninh. Mỗi địa phương sẽ có trách nhiệm thi hành luật pháp trên chính địa phương đó. Những xe ấy vi phạm trên địa bàn Hà Nội thì đầu tiên sẽ do thanh tra giao thông Hà Nội chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ cần có nghị định ban hành bắt buộc tất cả các xe taxi phải lắp các thiết bị giám sát hành trình và các thiết bị ấy phải được giám sát thường xuyên bởi các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa bàn. Nếu có quy định như thế thì trong ví dụ trên, thanh tra giao thông Bắc Ninh mới làm được. Tôi nghĩ họ không có trách nhiệm trực tiếp mà chỉ có trách nhiệm không cho chủ doanh nghiệp ấy tiếp tục kinh doanh. Nếu họ cho chủ doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh thì lúc ấy họ sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Bởi vì họ trực tiếp ủng hộ doanh nghiệp vi phạm.
Còn trong trường hợp này, khi phát hiện ra các trường hợp vi phạm và xử phạt, tiền phạt sẽ được nộp cho Hà Nội thì đương nhiên trách nhiệm xử lý phải thuộc về Thanh tra GTVT Hà Nội chứ. Quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ mà. Còn về bản chất người nào thực hiện hành vi thì người đó chịu trách nhiệm. Ở các nước, người ta hay gắn với trách nhiệm cá nhân hơn là gắn với trách nhiệm phương tiện. Thế nên người ta hay tịch thu bằng chứ ít khi tịch thu phương tiện. Ở ta thì hay bàn đến việc phương tiện là tài sản nên việc tịch thu phương tiện sẽ làm người ta sợ, hành động ấy mang tính chất răn đe. Còn về mặt bản chất thì cá nhân vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện về việc nên tịch thu xe đua trái phép để tiêu hủy, hay phạt người đua xe trái phép. Bởi tôi nghĩ rằng những đối tượng đua xe có thể xem như khủng bố, bởi vì họ âm mưu gây rối trật tự công cộng và ảnh hưởng đến mạng sống của nhiều người tham gia giao thông.
Theo ANTD
Hé lộ kiểu làm ăn "khác người" của bầu Đức ở Lào
Cái khách sạn 5 tầng bề thế có một không hai ở thị xã Attapeu này, toàn bộ vật liệu đều phải chở từ Việt Nam sang, vậy mà thời gian hoàn thành nghe đâu chỉ trong vòng 7 tháng...
Nổi lên là một nhà đầu tư số 1 của Việt Nam vào Lào trong những năm gần đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không chỉ đem đến hàng chục ngàn cơ hội việc làm, mở ra những ngành công nghiệp mới cho nước bạn mà còn mang đến cung cách làm ăn mới trên những vùng đất vốn chỉ quen nếp làm ăn truyền thống...
Trên dải đất nghèo Attapeu
Từ đỉnh Đèo 52 nhìn xuống, giữa thung lũng Attapeu trải rộng ngút mắt đã thấy vệt xanh cao su Hoàng Anh Gia Lai chạy dài nối từ Tây sang Đông. Dưới cái nắng gay gắt đầu tháng 3, khoảng xanh ấy gần như là duy nhất giữa cái thung lũng trơ lì một màu đất xỉn đang thiêm thiếp "ngủ" đợi lúc sang mùa...
Lễ khánh thành Cụm công nghiệp Mía đường Hoàng Anh- Attapeu.
Attapeu là tỉnh giáp giới với Kon Tum của Việt Nam, có chừng 120.000 dân. Thị xã chỉ cách cửa khẩu Bờ Y hơn một giờ chạy ô tô. Đấy là vùng đất có truyền thống cách mạng nhưng lại là một trong những tỉnh nghèo nhất nước Lào. Thị xã Attapeu phần lớn là những căn nhà mái tôn truyền thống phơi mình dưới nắng nôi bụi bặm. Ngày đầu thị xã nhà vườn còn ở lẫn với cây rừng.
Có cảm giác là trình độ canh tác của cư dân ở đây còn rất lạc hậu. Không hiếm những vườn nhà chẳng có một bóng cây nuôi sống được người. Ruộng rẫy mỗi năm chỉ canh tác một vụ theo lối "chọc lỗ tra hạt" rồi bỏ hoang hóa. Cả đồng đất mênh mông là thế mà vụ đông xuân này chỉ loi thoi vài vạt lúa nước còi cọc. Khái niệm "sản xuất cây hàng hóa" dường như vẫn còn rất mờ nhạt với hầu hết cư dân...
Thấy được tiềm năng đất đai rộng lớn của Attapeu, từ những năm 2005, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư để bắt đầu từ năm 2007 chính thức đầu tư vào vùng đất này. Cây cao su được coi là cây công nghiệp nằm trong chiến lược đầu tư số 1. Tại Attapeu, Hoàng Anh Gia Lai hiện đã trồng được 25.000ha cao su, kế đến là công nghiệp mía đường. Tại các huyện Sanxay, Saysetha, Samakhixay và Phuvong, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng xong hơn 5.000ha mía và phát triển 6.000ha mía trong dân, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu lên 12.000ha...
Ngày 25/2 vừa qua, nhà máy chế biến mủ cao su công suất 25.000 tấn/năm, trị giá 19 triệu USD cùng cụm công nghiệp mía đường gồm nhà máy đường công suất 7.000 tấn mía cây/ngày nhà máy nhiệt điện dùng nguyên liệu bã mía công suất 30MW đã được cắt băng khánh thành... Như vậy nếu kể cả 5 dự án thủy điện tổng công suất 400MW, 2 dự án khai thác mỏ đồng và sắt tại Sê Kông cùng 2 dự án sân bay khác thì Hoàng Anh Gia Lai hiện đang dẫn đầu các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào với tổng số vốn đạt gần 1 tỷ USD. Dự tính nếu tất cả các dự án của Hoàng Anh Gia Lai thực hiện và đưa vào sử dụng trong năm 2014 thì kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn này sẽ đạt khoảng 400 triệu USD - trong đó 90% là ở Attapeu...
Làm ăn kiểu... bầu Đức
Đất ở Attapeu không được tốt. Nó là thứ đất na ná như dạng rừng nghèo được chuyển sang trồng cao su ở Tây Nguyên. Chỉ móc sâu xuống chừng vài tấc đã thấy lổn nhổn đá. Ấy thế nhưng giữa cái nắng mùa khô như vốc lửa, cao su Hoàng Anh vẫn một sắc xanh ngăn ngắt. Tìm hiểu mới hay rằng công nghệ trồng lẫn chăm sóc của "ông bầu" này đều rất khác người...
Thường thì trồng cao su người ta chỉ đào hố sâu đến 60cm nhưng ở đây hố được khoan sâu tới 1,2m. Hố sâu, rễ cây sẽ ăn sâu, hấp thụ tốt chất dinh dưỡng và lại còn được tưới nước suốt trong những tháng mùa khô. Từ đầu lô, nước được bơm vào những bể chứa, sau đó sẽ theo một hệ thống ống tỏa đến từng cây. Đây là công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel được nhập khẩu. Bình quân mỗi ngày đêm, mỗi cây cao su được cung cấp 2 lít nước.
Hệ thống tưới này quả là lợi hại. Được cấp nước thường xuyên, cao su không rụng lá về mùa khô, tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản xuống chỉ 4 năm (thông thường phải từ 6 - 7 năm), đồng thời kéo dài được thời gian khai thác mủ do cân bằng được cung cấp dinh dưỡng (mùa khô vẫn bón được phân, thay vì chỉ tập trung vào mùa mưa). Từ những lợi thế này, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến năng suất mủ ở đây đạt bình quân 2,5 tấn/ha tổng sản lượng hàng năm sẽ vào khoảng 100.000 tấn...
Giữa cái nắng mùa khô như vốc lửa, cao su Hoàng Anh vẫn một sắc xanh ngăn ngắt. Tìm hiểu mới hay rằng công nghệ trồng lẫn chăm sóc của "ông bầu" này đều rất khác người...Sự "khác người" trong cung cách làm ăn của Hoàng Anh Gia Lai đã tạo được sự quan tâm của các hãng sản xuất lốp xe lớn như Michelin (Pháp), Dunlop và Bridgestone (Nhật Bản). Chuyên gia của các hãng này đã nhiều lần đến Lào đánh giá tiềm năng và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm với Hoàng Anh Gia Lai...
Chẳng riêng cao su, lĩnh vực mía đường cũng một cung cách làm ăn "kiểu Hoàng Anh Gia Lai" ấy... Sản xuất mía ở đây đã được cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, làm cỏ, bón phân đến sản xuất và đóng gói thành phẩm. Áp dụng cơ giới hóa lại được tưới nước nên năng suất mía ở đây rất cao. Sản lượng bình quân năm đầu đã đạt 120 tấn/ha.
Điều này đã cho phép giá thành phẩm mía đường Hoàng Anh Gia Lai sẽ ở mức rất thấp. Chính vì vậy mà "ông bầu" của tập đoàn này mới tuyên bố: "Chúng tôi có sự tin tưởng lớn rằng sản phẩm mía đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào đủ sức cạnh tranh với bất kỳ công ty sản xuất đường nào trên thế giới" !
Tôi chưa có dịp để đi hết các dự án đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào nhưng chỉ riêng ở Attapeu này đã có thể nói: Ở đâu có Hoàng Anh Gia Lai, ở đó mang dấu ấn Hoàng Anh Gia Lai. Từ tường rào bao quanh đến model của các hội sở - và đặc biệt là làm ăn thì đấy là cung cách không thể trộn lẫn - hiện đại, gấp gáp mà rất khoa học, bài bản. Ngoài những điều trên đây có thể kể rất nhiều về cung cách làm ăn ấy... Một thí dụ như là việc xây khách sạn Hoàng Anh - Attapeu. Cái khách sạn 5 tầng bề thế có một không hai ở thị xã Attapeu này, toàn bộ vật liệu đều phải chở từ Việt Nam sang, vậy mà thời gian hoàn thành nghe đâu chỉ trong vòng 7 tháng...
Rồi nhà máy đường, trung tâm nhiệt điện - một nhà máy rất hiện đại, vốn đầu tư gần 69 triệu USD, điều kiện nhân công rất khó khăn vậy mà thời gian hoàn thành chỉ 14 tháng... Chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng ngay ở Việt Nam cũng chưa có dự án nào thực hiện nhanh như thế. Còn Phó Thủ tướng Lào Xômxavat Lênhxavăt thì đánh giá: Thành công của Hoàng Anh Gia Lai là bài học quý cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào...
Việc đầu tư lấy hiệu quả làm đầu là vậy nhưng việc "chơi" lại cũng rất khoáng đạt đại gia. Người ta nói cứ mỗi lần Hoàng Anh Gia Lai tổ chức sự kiện gì thì thị xã Attapeu bình lặng lại sôi động hẳn lên. Chẳng rõ lễ khánh thành cụm công nghiệp mía đường và nhà máy chế biến mủ cao su hôm 25.2 đã lớn nhất chưa nhưng ô tô huy động để chở khách Lào, khách từ ViệtNam sang dễ cả trăm chiếc. Khách sạn Hoàng Anh Attapeu không đủ chỗ, khách mời phải thuê thêm cả nhà nghỉ bên ngoài...
Chợt ngẫm, kinh doanh hay bất cứ nghề gì, thước đo của sự thành công biểu hiện ở tính cách. Không tính cách, tất cả sẽ chỉ trộn lẫn trong một sự làng nhàng, vô danh với thời gian...
Theo Dantri
Kiếm 30 triệu/tháng nhờ làm "cò lúa" Cứ đến mùa thu hoạch lúa, các "cò" gặt lúa cũng như các "cò" chuyên gạ nông dân bán lúa tươi cho các thương lái tha hồ hốt bạc. Trung bình một "cò" gặt lúa có thể kiếm từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày. "Cò" gặt lúa: 0 vốn 2 lời Lâu nay ở thị thành, người ta biết đến nhiều nghề "cò" như...