Tất cả vì sự an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân
Từ ngày 6-10, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn liên tiếp tại các tỉnh miền Trung khiến một số khu vực xảy ra ngập sâu, chia cắt giao thông, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và gây thiệt hại về người và tài sản.
Để ứng phó với mưa lũ xảy ra ở các tỉnh miền Trung, cán bộ, chiến sĩ BĐBP sẵn sàng lực lượng và phương tiện đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị đưa người dân trong vùng lũ thuộc xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đến nơi an toàn. Ảnh: Phước Trung
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến sáng ngày 9-10, mưa lũ làm 5 người chết (Quảng Trị 2 người; Quảng Ngãi 1 người; Gia Lai 1 người; Đắk Lắk 1 người) và 8 người mất tích (Quảng Trị 6 người, Thừa Thiên Huế 1 người, Gia Lai 1 người). Đồng thời, mưa liên tiếp kéo dài trên diện rộng khiến 88 xã bị ngập lụt. Tình trạng ngập lụt trên diện rộng cũng làm 772ha nuôi trồng thủy sản của người dân ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị thiệt hại. Ở vùng núi tỉnh Quảng Trị có 32.500 gia cầm bị chết, cuốn trôi. Mưa lớn cũng gây thiệt hại về giao thông, 2.100m đường bị sạt lở, 30 điểm ách tắc, 1 cầu tại Quảng Trị bị hư hỏng; 9km bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các đơn vị BĐBP đã chủ động theo dõi, nắm chắc diễn biến thời tiết; duy trì nghiêm túc các ca kíp trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra. Với tinh thần “cứu dân như cứu người thân trong gia đình”, các đơn vị BĐBP thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, nắm chắc các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, ngập úng để kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, BĐBP Quảng Bình đưa các cháu nhỏ ở vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đến nơi an toàn. Ảnh: CTV
Cụ thể, tại Quảng Trị, từ ngày 7 đến ngày 8-10, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa rất to, lượng mưa đo được có nơi lên đến 500-1000mm nên đã gây ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tại huyện Đakrông, nhiều tuyến đường ngập lụt gây chia cắt nhiều điểm ở các xã Ba Nang, A Bung, A Ngo. Tuyến đường Hồ Chí Minh (Km 17,23 trên đường Quốc lộ 9), nhiều điểm sạt lở với khối lượng lớn, đặc biệt điểm sạt lở Km 50 150 gây tắc đường. Tại các xã Thanh, Thuận, Tân Thành, Tân Long… của huyện Hướng Hóa, phần lớn các thôn, bản bị ngập lụt trên 1m, nhiều thôn bản bị cô lập hoàn toàn. Ngay lập tức, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới triển khai 62 tổ với gần 600 cán bộ, chiến sĩ và 7 xuồng, ca nô, 34 ô tô đến các địa bàn xung yếu giúp dân phòng, chống lũ. Đến 16 giờ, ngày 9-10, BĐBP Quảng Trị đã di dời 1.631 hộ với 7.732 người đến nơi trú ẩn an toàn; cứu 1 người dân bị lũ cuốn trôi trên sông Sê Pôn; cứu 5 người trên tàu Thanh Thành Đạt 55 trôi dạt vào bờ biển, 2 người trên tàu Việt Ship 01. Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đã dầm mình trong mưa lũ để chằng chống nhà cửa và đưa tài sản của nhân dân đến nơi an toàn và tổ chức chốt chặn không cho người dân qua lại các khu vực nguy hiểm, nước chảy xiết.
Video đang HOT
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết: “Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục bám nắm địa bàn để di dời người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, chia cắt, ngập lụt đến nơi an toàn và đảm bảo hậu cần tại chỗ cho bà con; phối hợp với các ngành chức năng địa phương tìm kiếm người mất tích do mưa lũ; tập trung chằng chống nhà cửa, di dời tài sản của người dân đến địa điểm an toàn. Đồng thời, lực lượng quân y đảm bảo thuốc men để phòng, chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn ngập lụt; tổ chức lực lượng để duy trì và đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.
Tại Quảng Bình, từ ngày 7 đến ngày 8-10, mưa lớn kéo dài làm ngập lụt cục bộ khiến 25 thôn, bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các Quốc lộ 15, Quốc lộ 12, 9B, 12A bị ngập với độ sâu từ 0,5 – 1m; tỉnh lộ: 562, 559B bị ngập 1,5 – 2m gây cản trở giao thông. Hiện nay, nước đã rút, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình điều động 215 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng với 3 ca nô, 2 ô tô phối hợp chốt chặn, cảnh báo hướng dẫn người, phương tiện qua lại các đoạn đường ngập lụt, sạt lở đất; neo đậu tàu thuyền tại các cửa sông, cứu nạn 1 người bị điện giật đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa; di dời 58 hộ với 152 nhân khẩu; kéo 1 tàu cá bị trôi dạt ở khu vực cửa sông Nhật Lệ vào bờ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry, BĐBP Quảng Nam cùng các lực lượng san lấp đất đá, kịp thời thông tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Văn Vinh
Tại Quảng Nam, từ ngày 7-10, trên địa bàn 2 huyện biên giới Tây Giang và Nam Giang có mưa to đến rất to, gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu, làm ách tắc giao thông, nhiều nhà dân có nguy cơ bị sập và cuốn trôi. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã điều động 125 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương di dời 152 hộ với 315 nhân khẩu đến nơi an toàn; ứng trực tại các điểm ngập lụt; khẩn trương giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi cao ráo để đề phòng nước lũ dâng cao và sạt lở núi. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam cùng với nhân dân địa phương và lực lượng dân quân có mặt kịp thời tại các điểm sạt lở để san lấp đất, đá thông tuyến cho bà con đi lại và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con.
Tại Thừa Thiên Huế, mưa lũ làm hơn 1.100 ngôi nhà bị ngập; thôn Tam Lanh xã Lâm Đớt và thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị cô lập. Mưa to liên tiếp khiến nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt như Quốc lộ 49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 – 1m; nhiều tuyến tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 – 0,5m. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã cử 620 cán bộ, chiến sĩ với 18 phương tiện kịp thời giúp dân ứng phó với mưa lũ.
Chạy đua với thời gian triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn
Đợt mưa lũ trong những ngày qua trên khu vực các tỉnh Trung Bộ đã gây ra ngập lụt trên diện rộng.
Nhiều tàu thuyền đã bị chìm, hư hỏng do sóng to, gió lớn. Công tác cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị cứu hộ thành công các thuyền viên tàu Thanh Thành Đạt 55. Ảnh: Do BĐBP Quảng Trị cung cấp
Quảng Trị là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt mưa lũ từ ngày 6-10 đến nay với 2 người chết, 6 người mất tích. Trên đất liền, Quảng Trị có 68 xã thuộc 9 huyện bị ngập sâu từ 1m đến 2m, nhiều khu vực bị chia cắt. Trên vùng biển có 6 tàu bị sự cố (3 tàu bị chìm, 2 tàu mắc cạn, 1 tàu hư hỏng, trôi dạt).
Trong đó, tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 Cửa Việt, Quảng Trị vào sáng sớm ngày 8-10. Trên tàu có 5 người, 3 người đã được tàu Vietship 01 cứu, đưa lên tàu, còn 2 người đang mất tích.
Tàu Vietship 01 sau đó bị hỏng máy, mắc cạn cách cảng Cửa Việt khoảng 500 m. Trên tàu có 12 thuyền viên. 2 thuyền viên đã bơi được vào bờ an toàn.
Lực lượng BĐBP Quảng Trị đang cứu hộ tàu Thanh Thành Đạt 55. Ảnh: BĐBP Quảng Trị cung cấp
Công tác cứu hộ chiếc tàu này đã được lực lượng BĐBP Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác triển khai ngay sau đó.
Tuy nhiên, do thời tiết khu vực tàu bị nạn rất xấu, sóng to, gió lớn, dòng nước xoáy nên các tàu cứu hộ không thể tiếp cận được tàu bị nạn. Rất nhiều phương án đã được đưa ra để cứu hộ như sử dụng trực thăng, dùng tàu cá, ngư dân giỏi ra biển ứng cứu nhưng đều không khả thi bởi sóng rất to và gió lớn.
Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, sau rất nhiều nỗ lực của lực lượng cứu hộ và bản thân thuyền viên trên tàu, có thêm 2 thuyền viên của tàu Vietship 01 đã được cứu thành công. Hiện, trên tàu còn 8 thuyền viên.
Trong sáng nay, 10-10, tình hình thời tiết có chuyển biến tốt hơn, các lực lượng chức năng đang chạy đua với thời gian triển khai các biện pháp ứng cứu các thuyền viên còn lại trên tàu Vietship 01.
Cũng trong sáng 8-10, tàu chở hàng Thanh Thành Đạt 55 gồm 11 thuyền viên neo đậu tại vùng nước cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) thì bị sóng đánh trôi dạt ra khu vực biển phao số 1. Đến 11 giờ cùng ngày, tàu bị hỏng máy và phát tín hiệu cứu nạn.
Sau đó, tàu Thanh Thành Đạt 68 tiếp cận nhưng chỉ đưa được 6 thuyền viên của tàu bị nạn vào bờ. Do sóng to, đến 15 giờ 40 phút ngày 8-10, tàu Thanh Thành Đạt 55 bị chìm tại cửa biển, 5 thuyền viên còn lại trên tàu bị rơi xuống biển. Các lực lượng cứu hộ đã kịp thời cứu được 5 thuyền viên này ngay trong đêm.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hiện, tàu Thanh Thành Đạt 68, gồm 15 thuyền viên, bị hư hỏng, thả neo tại phao số 1, cách cảng Cửa Việt 1,5km.
Ngoài ra, do sóng to, tàu Vietship 09 bị chìm ở vùng biển Quảng Trị, 4 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn. Còn tàu Hoàng Tuấn 26, gồm 12 thuyền viên, mắc cạn tại vùng biển Gio Linh, hiện vẫn giữ được liên lạc.
Tại tỉnh Bình Định, tàu cá mang số hiệu BĐ 97055 TS/11 thuyền viên bị chìm tại vùng biển thành phố Quy Nhơn lúc 0 giờ ngày 8-10. BĐBP Bình Định đã cứu hộ an toàn các ngư dân.
BĐBP Quảng Trị đưa thuyền viên tàu Thanh Thành Đạt 55 đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Ảnh: CTV
Trên vùng biển Đà Nẵng có 4 tàu cá bị mất liên lạc. Theo thông tin của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng, lúc 6 giờ ngày 9-10, tàu ĐNa 90988 TS/2 lao động do ông Đinh Văn Thanh (sinh năm 1977) điều khiển tàu rời cầu cảng công trình 15 về tránh gió tại âu tàu Thọ Quang. Tuy nhiên, đến 10 giờ chưa thấy tàu về đến nơi trú gió, không liên lạc được với người trên tàu. BĐBP Đà Nẵng đã phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo cho các tàu hoạt động gần khu vực tìm kiếm. Đến trưa 10-10 vẫn chưa liên lạc được với thuyền viên trên con tàu này.
Cũng trong ngày 9-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã nhận được yêu cầu cứu hộ từ 3 tàu: ĐNa 91099 TS, ĐNa 30873/TS và tàu ĐNa 07070. Triển khai các biện pháp ứng cứu, chiều 9-10, tàu BP 08.12.02 BP Đà Nẵng đã tiếp cận lai dắt tàu ĐNa 91066/2 lao động về bờ. Trong quá trình lai dắt, tàu ĐNa 91066 bị chìm, 2 người được cứu an toàn. Tàu ĐNa 30873/2 lao động và tàu ĐNa 07070/2 lao động cũng bị chìm. 4 người trên 2 tàu trên đã được đưa vào bờ an toàn.
Quân y BĐBP Thừa Thiên Huế chăm sóc sức khỏe cho các thuyền viên của tàu Công Thành 27 được cứu, đưa vào bờ sau khi tàu bị chìm. Ảnh: CTV
Còn tại Thừa Thiên Huế, ngày 7-10 xảy ra vụ chìm tàu vận tai Công Thành 27 có 11 thuyền viên trên tàu, ở cách cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) về hương Đông Băc khoảng 3 hải lý. Các thuyền viên đã sử dụng phao rời khỏi tàu.
Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã huy động 1 phương tiện của ngư dân và điều động 26 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm, cứu hộ thành công cả 11 thuyền viên.
Vượt qua mưa to, lũ lớn đưa sản phụ vượt 20 km đi sinh con Ngày 10/10, Trung tá Hoàng Trung Dũng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cho biết đơn vị đã phối hợp cùng người dân vượt lũ hơn 20km đưa một sản phụ chuyển dạ đến bệnh viện chờ sinh. Theo đó, khoảng 15h cùng ngày, chị Nguyễn Thị Tường Vy (ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc)...