Tất cả ôtô vào trung tâm TP.HCM phải đóng phí?
Dự kiến mức thu phí ôtô sẽ từ 40.000-60.000 đồng/lượt xe tùy theo loại ôtô, xe tải, xe chở khách nhỏ hoặc lớn. Không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ.
Ôtô vào trung tâm TP.HCM phải đóng phí?
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã họp với Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, TP.HCM – đơn vị đề xuất lập dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP – để khởi động dự án này. Đây là một trong số các giải pháp cấp bách trong năm 2017 nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Vào trung tâm phải chịu phí
Ông Ngô Hải Đường – trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP – cho biết như trên.
Dự án này được thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP từ hơn bốn năm trước, tháng 3-2012. Tuy nhiên, do dự án được lập cách đây đã lâu nên lần này Sở Giao thông vận tải đề nghị Công ty Tiên Phong bổ sung để hoàn chỉnh dự án mới.
Theo đó, sẽ xem xét vành đai thu phí, công nghệ thu phí, mức thu phí giờ cao điểm, giờ thấp điểm, tổng mức đầu tư dự án và phương án hoàn vốn.
Đây là dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công – tư). Với dự án này, Nhà nước không bỏ vốn. Vốn do doanh nghiệp đầu tư.
Trước khi thực hiện dự án này, Sở Giao thông vận tải sẽ nghe ý kiến của người dân và các nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM.
Mục tiêu của dự án này là làm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực trung tâm TP. Do đó, việc thu phí sẽ thực hiện trong các giờ cao điểm, còn các giờ thấp điểm hoặc buổi tối có thể thu tượng trưng hoặc không thu.
Đồng thời, chủ đầu tư dự án phải tính đến việc bố trí bãi đậu xe, việc trung chuyển người đi vào trung tâm TP, ông Đường cho biết.
Video đang HOT
Khu vực thu phí được ITD đề xuất (bên trong đường màu đỏ).
Sơ đồ vành đai thu phí khi ôtô đi vào khu vực trung tâm – Đồ họa: Tấn Đạt
Thu phí bằng “mắt điện tử”, không dừng xe
Theo lãnh đạo Công ty Tiên Phong, dự kiến mức thu phí ôtô từ 40.000-60.000 đồng/lượt xe (tùy loại ôtô, xe tải, xe chở khách nhỏ hoặc lớn), không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ.
Chỉ thu phí chiều xe vào trung tâm. Xe từ trong ra không phải nộp phí. Những cư dân ở khu trung tâm có xe ra vào vẫn phải nộp phí.
Để người dân biết được khu vực trung tâm TP có thu phí ôtô, trên đường vành đai thu phí (xem sơ đồ) sẽ lắp đặt các biển quang báo điện tử.
Theo đó, khi xe vào đường khu trung tâm, hệ thống tự động sẽ tự thu phí do trên ôtô đã gắn sẵn thiết bị nộp phí. Đơn vị thu sẽ trừ tiền thẳng vào tài khoản chủ xe hoặc số tiền đã được nộp trong thiết bị.
Công ty Tiên Phong cho biết họ chỉ là nơi cho thuê công nghệ, phần thu phí sẽ do Nhà nước điều hành. Phương thức thu phí và hoàn vốn như thế nào sẽ được tính toán cụ thể và trình các cơ quan chức năng xem xét.
Được biết, vào năm 2012, dự án thu phí này đã được trình các sở ban ngành như Tư pháp, Khoa học – công nghệ, Kế hoạch – đầu tư…, phần lớn ý kiến đều đồng thuận và yêu cầu bổ sung để hoàn chỉnh. Hiện nay, một số nước đã áp dụng biện pháp thu phí vào khu vực trung tâm TP nhằm hạn chế kẹt xe như Singapore, Anh, Ý, Thụy Điển…
Hà Nội từng tính thu phí ôtô vào trung tâm
Theo báo cáo về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” mà Sở GTVT Hà Nội cùng Viện chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) đang xây dựng để lấy ý kiến tham vấn từ các chuyên gia và tổ chức liên quan, giải pháp tác động bằng kinh tế là một trong những giải pháp cần được thực hiện.
Theo đó, đề án đề cập các giải pháp như thực hiện lộ trình tăng phí giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, các khu vực không khuyến khích sử dụng xe cá nhân; một số khu vực cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí. Đồng thời xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe cá nhân theo hướng tăng lũy tiến theo thời gian và theo khu vực; nghiên cứu, đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với xe con đăng ký lần đầu; thu phí ôtô vào khu vực nội ô giờ cao điểm, lấy đường vành đai 2 là vành đai nghiên cứu để tổ chức thu phí khu trung tâm bốn quận nội thành.
Tuy nhiên vào tháng 9-2016, khi các nội dung trên được truyền thông đăng tải đã gặp nhiều ý kiến khác nhau từ người dân, chuyên gia và cả các nhà quản lý.
(Theo Tuổi Trẻ)
Dân đưa ôtô chặn cầu Bến Thủy phản đối trạm thu phí
Sáng 3-12, hàng chục người dân ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đưa ôtô chặn cầu Bến Thủy 1 nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh để phản đối chủ đầu tư đặt trạm thu phí.
Các phương tiện bị ùn ứ không thể qua cầu Bến Thủy 1 do bị người dân chặn cầu - Ảnh: Doãn Hòa
Từ 8g30 sáng 3-12, một số người dân ở huyện Nghi Xuân đưa ôtô có dán biểu ngữ chặn đầu cầu Bến Thủy 1 đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc đặt trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) quản lý.
Lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự TP Vinh và huyện Nghi Xuân phải tăng cường thêm lực lượng để điều tiết giao thông. Chỉ xe máy, xe thô sơ có thể qua cầu còn ôtô, xe tải phải di chuyển sang cầu Bến Thủy 2.
2km hai trạm thu phí
Một số người dân phản ảnh mặc dù "không đi mét đường BOT nào" của Cienco 4 nhưng họ vẫn phải "gánh" phí đường bộ qua hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.
Hai trạm thu phí (khoảng cách chưa đến 2km) này đều do Cienco 4 quản lý, thu phí để hoàn vốn cho tuyến tránh TP Vinh và đoạn quốc lộ 1 mở rộng, từ chân cầu Bến Thủy đến huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Thời gian thu phí hoàn vốn dự án BOT của hai trạm đến năm 2031.
Các phương tiện bị ùn ứ không thể qua cầu Bến Thủy 1 do bị người dân chặn cầu - Ảnh: DOÃN HÒA
Lực lượng chức năng phân luồng giao thông qua cầu Bến Thủy 1 - Ảnh: DOÃN HÒA
Ông T.V.K (47 tuổi, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thường xuyên công tác ở TP Vinh băn khoăn: "Tại sao chúng tôi không đi đường của BOT mà vẫn phải nộp phí qua cầu Bến Thủy? Tôi sử dụng ôtô 4 chỗ, đã đóng đủ các loại phí rồi. Mỗi ngày 4 lượt đi, về mất thêm 160.000 đồng qua trạm. Nếu mua vé tháng cũng hết 1.200.000 đồng".
Cử tri huyện Nghi Xuân đã gửi đơn đến Văn phòng Quốc hội, Bộ GTVT, Bộ Tài chính kiến nghị xem xét miễn phí qua trạm cho họ, khi có ôtô đi qua TP Vinh để học tập, làm việc, hoặc dừng việc thu phí tại cầu Bến Thủy 1 để tạo công bằng cho người dân không đi trên tuyến đường tránh Vinh và tuyến quốc lộ 1A mở rộng.
Trước đó, cuối tháng 12-2015, ông Nguyễn Xuân Đường - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Cienco 4 đề nghị xem xét giảm giá vé, tạo điều kiện cho người dân sinh sống, phù hợp với mức sống của người dân thường trú hai bên cầu Bến Thủy.
Đặt 1 trạm sẽ không đảm bảo hiệu quả tài chính?
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT cho rằng hai dự án BOT này có mức đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng, nếu chỉ đặt một trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 2 sẽ không đảm bảo hiệu quả tài chính và các ôtô sẽ trốn trạm bằng cách đi qua cầu Bến Thủy 1.
Tháng 9-2016, trả lời kiến nghị của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất di chuyển hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2, đại diện Cienco 4 cho rằng việc di dời hai trạm thu phí cầu Bến Thủy sẽ phá vỡ quy định khoảng cách giữa các trạm, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án khiến nhà đầu tư vay vốn từ ngân hàng tài trợ vốn chịu nhiều rủi ro.
Đại diện chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh cho biết, nhà đầu tư đã hỗ trợ tiền chênh lệch giữa vé tháng, vé quý mới so với vé tháng, vé quý cũ cho các cá nhân, tổ chức có hộ khẩu thường trú ở địa bàn các xã huyện Nghi Xuân khi qua hai trạm thu phí.
Ngoài ra, từ 6g30 sáng 20-11 đơn vị đã chính thức giảm giá vé cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các lọai xe khách vận tải hành khách công cộng từ 45.000 đồng xuống 40.000đồng/lượt) và loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 60.000 đồng xuống còn 55.000đồng/lượt) khi lưu thông qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2.
Các loại phương tiện khác đều đang giữ nguyên giá vé chưa có sự thay đổi.
Đến 9g30 sáng 3-12, sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích, người dân đã đưa ôtô rời cầu Bến Thủy 1, đảm bảo giao thông thông suốt trở lại trên tuyến quốc lộ 1.
Theo Tuổi Trẻ
Đường nhà nước đầu tư sao lại thu phí? Đoạn đường được đầu tư theo nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng cơ quan chức năng đang dự định hướng điểm cuối qua trạm thu phí BOT để doanh nghiệp thu phí. Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) dài gần 30 km với tổng đầu tư gần 575 tỉ đồng...