Tát ao, bắt cá đìa ăn Tết
Mấy ngày cận Tết, thằng Út chợt hỏi tôi: “ Tát đìa bắt cá ăn Tết là sao hả ba?”. Ký ức ngày xưa chợt hiện về.
Vậy là một cái Tết nữa lại đến. Nhanh quá! Mới đó mà gần 30 năm tôi đã rời quê lên thành thị lập nghiệp. Ngày ấy, cũng vào dịp Tết Nguyên đán, tôi còn là một thằng bé 12 tuổi như thằng con út bây giờ khăn gói rời quê lên thành phố để nương nhờ người chú nuôi ăn học, bởi ba mẹ tôi quá nghèo.
Hồi còn nhỏ, tôi cũng từng đi lặn mò cá, nên trong tiềm thức hễ Tết đến là nhớ chuyện bắt cá cùng với đám bạn trong xóm. Năm đó là lần cuối cùng tôi và đám bạn trong xóm còn tham gia tát đìa bắt cá ăn Tết với vui buồn lẫn lộn.
Ở quê tôi, cứ đến 26, 27 tháng chạp trở đi, đồng loạt các gia đình ở xóm tôi tát ao, đìa bắt cá để ăn Tết. Suốt một năm trời, những cái đìa này đều được chủ nhân cắm chà, thả lục bình và cho ăn thông với kênh rạch bên ngoài. Ao đìa của gia đình tôi lại nằm trong khu nghĩa địa của dòng họ nên bình thường ít ai bén mảng đến thành thử cá, tôm vào trú ngụ rất nhiều. Mỗi lần đến ngày bắt cá ai nấy đều chộn rộn chuẩn bị vật dụng bắt cá, rộng cá. Sáng ra, người thì xách gàu dai, gàu giãy; người thì cầm cuốc, cầm xẻng đi be bờ; người thì xách rổ, xách giỏ theo đựng cá…
Lũ trẻ chúng tôi trong những ngày bắt cá cạn này cũng bận rộn không kém. Tuy “bắt hôi” cá với người lớn nhưng rất thú vị. Một khung cảnh hết sức náo nhiệt mà cũng thật yên bình.
Khi nước trong đìa ngày một cạn dần, cành chà được kéo lên hết cũng là lúc những chú cá to nhỏ đua nhau phóng lên loạn xạ, táo bạo nhất là cá lóc, cá chài, mè vinh… Thỉnh thoảng, một vài con thuộc hàng “vô địch nhảy cao” bay vút lên không, định vượt qua bờ để thoát ra kênh nhưng bị chúng tôi chộp ngay. Nước cạn, ba tôi và mấy chú bắt đầu mò bắt cá, còn bên trên lũ trẻ chúng tôi và những người trong xóm chờ bắt hôi tha hồ chỉ chỗ có cá động dưới sình bên dưới đìa. Hàng chục con cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc… lần lượt được chuyền lên bờ để người nhà rộng cá.
Video đang HOT
Không khí làm việc hết sức khẩn trương nhưng cũng vui vẻ nhất là khi có người bắt được vài con tôm càng xanh. Khi người lớn đi bắt hơn nữa đìa là chúng tôi ào xuống bắt hôi. Dù chỉ bắt sau nhưng có lần, tôi kiên trì thò tay vào một hang sâu và bắt ra được một con cá lóc nặng gần hai ký. Tôi mừng rơn hai tay cầm làm đầu con cá giơ cao trước những ánh mắt thán phục của mọi người.
Suốt mấy tiếng đồng hồ quần thảo dưới đìa, mình mẩy đầy bùn đất nhưng lũ trẻ chúng tôi không ai than mệt mà cứ hỏi nhau xem hôm sau ở đâu có tát đìa nữa để đi bắt hôi nữa. Có lẽ chính cái tiết trời se lạnh cộng với không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp nên chuyện tát đìa bắt cá lúc cận Tết dường như hấp dẫn hơn bình thường.
Suốt bao nhiêu cái Tết đi qua như thế vậy mà chưa bao giờ gia đình tôi cúng hay ăn những con cá lớn hay tôm, vì chúng được đem ra chợ huyện bán để lấy tiền may quần áo mới cho anh em tôi. Có lúc thấy tôi nuốt nước miếng nhìn những con tôm đem bán, ba tôi an ủi: “Thôi ráng nhịn chừng vài năm nữa khi gia đình mình khá lên, bắt được con tôm nào ba cho con nướng ăn hết!”.
Mấy ngày cận Tết, thằng Út chợt hỏi tôi: “Tát đìa bắt cá ăn Tết là sao hả ba?”. Ký ức ngày xưa chợt hiện về. Tôi ngồi say sưa kể lại chuyện cũ trước ánh mắt tròn xoe của con tưởng chừng đang nghe chuyện cổ tích. Và đêm ấy, trong mơ, tôi thấy mình cùng đám bạn ngày xưa bắt hàng ký cá lóc, tôm, rùa… đem về cho ba mẹ làm món cúng tổ tiên trong ba ngày Tết.
LÊ QUANG HUY
Theo thegioitiepthi.vn
Gian bếp cũ trong ngôi nhà tự
Tết nhất, khách khứa đến nhà cứ trầm trồ lối thiết kế tối giản nhưng hiện đại của nhà tôi. Nhưng ai cũng khựng lại khó hiểu khi lướt mắt qua gian bếp nhỏ xíu, cũ kỹ, nép mình trong góc nhà.
Dẫu trông nó khá lạc quẻ so với kiến trúc tổng thể, nhưng gia đình tôi vẫn muốn giữ lại, để có cảm giác bà ngoại vẫn đang ở đây, bên con cháu, sáng tối cặm cụi nấu nướng...
Ngoại tôi không như những người bà khác: không tóc búi trắng xóa, không nụ cười bà tiên hiền lành hay chăm chỉ may vá, đan áo... Ngoại vốn là dân buôn bán, từ Huế xuôi vào Nam, rồi dừng chân tại thành phố biển dọc duyên hải Nam trung bộ. Một tay bà nuôi ba, bốn người em khôn lớn. Lao động quanh năm suốt tháng từ thanh xuân cho đến tuổi trung niên, cả khi về già, bàn tay ngoại vẫn không lúc nào ngơi nghỉ. Nơi ngoại lui tới nhiều nhất là gian bếp.
Căn bếp nhỏ gợi nhớ gian bếp cũ của ngoại (Ảnh minh hoạ)
Người ta nói món Huế cầu kỳ, chỉ muối thôi cũng đã trăm loại. Nhưng tôi lại chẳng thấy điều đó ở mâm cơm của ngoại. Bà không bày chén đũa gọn ghẽ trên mâm đúng kiểu cách xứ kinh kỳ, mà cứ bày thẳng ra đất, đúng chất dân miền biển. Những món ngoại nấu đúng nghĩa "chặt to kho mặn", hương vị cũng chẳng ổn định, nay ngọt nhiều, mai lại quá đậm vị. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn thấy chúng ngon lạ thường. Vì tất cả điều đó được làm ra từ một phụ nữ Huế tất tả ngược xuôi nuôi người chồng tính nghệ sĩ, hai đứa con thơ và bầy em học hành đến nơi đến chốn.
Ngoại tôi khác bao người bà trên thế gian này không chỉ chừng ấy. Ngoại nóng tính, thiếu kiên nhẫn lắm. Gọi con cháu một, hai tiếng mà không đứa nào chạy lại thì kiểu gì cũng bị ăn đòn. Ngoại không biết ôm tôi vào lòng kể chuyện cổ tích. Ngoại không xoa đầu tôi cười hiền như bà người ta. Ngoại không ôm tôi nằm trên võng đu đưa những buổi trưa hè. Có những hôm tôi hối hả dắt xe vì sắp trễ học, ngoại gọi giật ngược chỉ để gửi mua cho bà vài ngàn trầu cau.
Nhưng mà...
Tóc ngoại ngắn, thỉnh thoảng lại ngồi chải đầu bằng cây lược nhỏ của người Huế. Hồi tôi còn nhỏ, ngoại hay kéo tôi lại và chải luôn tay, muốn tróc cả đầu. "Tao chải coi có chấy (chí) không" - ngoại nói. Rồi chiều chiều, ngoại hay mua quà bánh cho tôi, mặc dù tôi chẳng ăn được món nào. Ngoại không kể chuyện cổ tích, nhưng câu chuyện ma trong những đêm cúp điện là sự thử thách thần kinh thú vị mà chị em tôi luôn mê mẩn. Những lúc tôi bệnh hay đau nhức, ngoại cầm chai dầu nóng và gọi: "Nhí, qua tao bóp chân, cạo gió, xoa bụng cho".
Ngoại hay kéo tôi lại và chải luôn tay, muốn tróc cả đầu... (Ảnh minh hoạ)
Ngoại vẫn hay gọi giật ngược những lúc tôi hối hả lên xe, như cái lần tôi đang quýnh quáng ngồi sau xe ba chở ra ga tàu vào Sài Gòn, chỉ để dúi vào tay tôi số tiền ít ỏi ngoại dành dụm được từ trợ cấp người cao tuổi hằng tháng...
Ngoại tôi không phải là người bà hoàn hảo, nhưng đến khi không còn bà trên đời, tôi mới nhận ra sự không hoàn hảo ấy là phần thiêng liêng làm nên một phần đời mình và nó mãi nằm lại ở đó. Như cái bếp cũ kỹ của bà vẫn ở lại im lìm bên trong ngôi nhà tự, dù không gian xung quanh đã thay đổi ít nhiều.
Lưu Trần
Theo phunuonline.com.vn
7 năm hôn nhân, tôi luôn nhớ kỹ: 'Tiền của chồng chưa hẳn của mình, tiêu nhiều ắt bị khinh' Sau tất cả, tôi nhận ra rằng không phải lấy chồng giàu sướng mà bản thân mình giàu mới sướng. Đúng là phụ nữ phải kiếm ra tiền, phụ nữ có gia đình càng cần có tiền. "Khóc trong ô tô còn hơn cười trên xe đạp", câu nói này được một đứa bạn lấy chồng sớm nói với tôi không biết bao...