Tập trung nguồn lực vào ngành nghề bị tác động bởi dịch bệnh
Ngày 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Quang cảnh phiên họp sáng 7/1. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Xem xét lại mức giảm thuế suất phù hợp hơn
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình về nhóm giải pháp tài khóa tiền tệ trong việc đảm bảo mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế – xã hội; Quy mô gói hỗ trợ chính sách tài khóa, mức bội chi, khả năng huy động, khả năng giải ngân, quy mô, mức độ các chính sách thuế đề nghị miễn, giảm hoãn, các nội dung chi, tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo khả năng hấp thụ và triển khai chủ yếu trong năm 2022 – 2023.
Nhiều đại biểu cho rằng, về quy mô, mức độ gói hỗ trợ chính sách tiền tệ đã rõ ràng, đủ lớn; cần có các giải pháp cụ thể để thực thi, gắn kết đồng bộ với chính sách tài khóa tiền tệ…
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu của dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 – 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Đồng thời, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Trần Đình Văn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, các giải pháp tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được đưa vào dự thảo Nghị quyết khá tổng thể, toàn diện, đầy đủ từ quan điểm, mục tiêu, các giải pháp, phương án huy động nguồn lực, thí điểm cơ chế đặc thù, tổ chức thực hiện và giám sát. Đồng thời, do tính chất cấp bách của tình hình thực tiễn, đòi hỏi nội dung các cơ chế đặc thù trong dự thảo Nghị quyết cần được quy định cụ thể, rõ ràng, bảo đảm thi hành được ngay, không phải “chờ” văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với giải pháp tài khóa quy định tại khoản 1, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Đình Văn cho rằng còn có nhiều điểm chưa hợp lý khi quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng (điểm a, khoản 1 của Điều 3). Do đó, cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Bởi vì, làm được điều này, chúng ta vừa kích thích thị trường, vừa hỗ trợ cho cả cung – cầu, mang lại giá trị cho xã hội rất tốt. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp dễ thực hiện hơn so với giải pháp khác.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ, Quốc hội tính toán, cân đối lại: Thay vì giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong năm 2022, xem xét lại mức giảm thuế suất phù hợp hơn (có thể là giảm 1%) và áp dụng trong 2 năm 2022-2023 để hạn chế biến động lớn đến nguồn thu ngân sách và phù hợp hơn với lộ trình, diễn biến phục hồi kinh tế.
Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định. Ở giai đoạn hiện tại, tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, chi cho phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và do đó là khoản chi tất yếu. Tuy nhiên, chi cho phòng, chống dịch cần tính thêm khoản chi cho mua vaccine (tới đây không còn được viện trợ) và mua thuốc chữa trị COVID-19. Khoản chi này nên tách riêng thành một điểm riêng, không nên nằm trong quy định về chi đầu tư phát triển. Cùng với đó, cần phải tiến tới xã hội hóa tiêm vaccine và điều trị COVID-19 để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Video đang HOT
Đồng thời, phải chủ trương xem COVID-19 là một bệnh đặc hữu, từ đó, cho phép sự vào cuộc của y tế tư nhân.
“Đây là thời điểm vàng cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải. Tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân ít, nên tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng. Với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó, có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ cho xã hội, cuối cùng, sẽ đạt được đáp ứng mục tiêu kích cầu”, đại biểu Trần Đình Văn nêu ý kiến.
Hơn 346 nghìn tỷ, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị cụ thể hoá, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các nghị quyết về phân bổ ngân sách của Quốc hội là đảm bảo nguồn lực, hiệu quả, kết quả đầu ra. “Với hơn 346 nghìn tỷ, chúng ta sẽ thu được kết quả gì”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đặt vấn đề.
Cho rằng nguyên tắc phải rõ kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra, nhưng đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng điểm này chưa được cụ thể hoá, dù Dự thảo Nghị quyết đã có 3 mục tiêu khái quát: Tăng trưởng GDP 6,5-7%/năm; phục hồi sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
“Nếu không có cam kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả thực tế sau này. Vì thế, cần đưa ra cam kết cụ thể, có thể là sản phẩm hữu hình, vô hình nhưng đều có thể tính toán được”, Vũ Thị Lưu Mai nói.
Gói hỗ trợ lần này sẽ phân bổ cho các mục tiêu khác nhau như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết những tiêu chí, nguyên tắc cụ thể về đầu tư nguồn lực.
Về danh mục dự án, có ý kiến cho rằng cần bao quát mọi lĩnh vực, nhưng theo quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng.
“Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nghị quyết trình Quốc hội lần này là chủ trương đúng đắn, nhưng việc khó khăn, là thử thách nên đòi hỏi trí tuệ, sự quyết tâm.
“Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, cũng không chịu tác động của bất kỳ xu thế quốc tế nào vì mỗi quốc gia có con đường đi riêng, khác nhau, cũng như không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng, thành tích. Vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu quan điểm.
Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch
Chiều 6/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại Tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Cơ chế, chính sách đặc thù giúp TP Cần Thơ phát triển
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Nhiều đại biểu cho rằng, các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 59, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; đặc biệt, đã có những chính sách đặc thù khác với nhiều địa phương khác; tương thích với đặc điểm riêng, tạo cơ sở phát huy được thế mạnh của vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người.
Đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, để phát triển kinh tế, tạo đột phá thì cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh và có thể vượt rào, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả thì nên có thí điểm.
"Các địa phương đều có lợi thế, có đặc điểm riêng và cần có các cơ chế đặc thù để phát triển nhưng chúng ta cũng cần phải cso các chính sách ưu tiên, lựa chọn tập trung đầu tư trước một số tỉnh, một số địa phương có tiềm năng, thế mạnh hơn làm đầu tàu dẫn dắt và hỗ trợ các địa phương tiếp tục phát triển và cũng là bài học thực tiễn cho việc khái quát hóa thành các chủ trương để hoàn thiện thể chế, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn", đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Theo các ĐBQH những chính sách này đã tạo cho Cần Thơ hệ thống đồng bộ toàn diện để phát huy được mọi nguồn lực và đặc biệt khơi thông được những điểm nghẽn, phát huy được đặc thù, lợi thế của Cần Thơ, có tác động lan tỏa vùng miền thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Cần Thơ và vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhấn mạnh quan điểm Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới các vùng đẻ có sự phát triển đồng đều, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH Hà Nội) khẳng định, ý nghĩa và tầm quan trọng của sự cần thiết phải có đầu tàu kinh tế, có động lực để tạo sự lan tỏa cho sự phát triển của vùng.
Đại biểu Trương Xuân Cừ kiến nghị, các cơ chế, chính sách đưa ra tương đối toàn diện, đầy đủ, tuy nhiên để làm được yêu cầu trở thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long thì vấn đề giải pháp, cơ chế chính sách phải đủ mạnh.
Liên quan đến đề xuất tại dự thảo Nghị quyết về quy định thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm chỉ được áp dụng trong trường hợp TP Cần Thơ tự thực sự cân đối được ngân sách.
Cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của Dự án
Cũng trong phiên thảo luận chiều 6/1, các đại biểu đã thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 -2025.
Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định "Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông".
Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống quy hoạch và phát huy hiệu quả đầu tư.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH Hà Nội) lưu ý, khâu tổ chức thực hiện sau khi Quốc hội thông qua; quan tâm đánh giá tác động kỹ lưỡng về môi trường khi tiến hành giải phóng mặt bằng liên quan đến rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất lúa hai vụ.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng kiến nghị cần làm rõ một nội dung liên quan đến tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, phương thức huy động đầu tư...
Một số ý kiến khác đề nghị, Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của Dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công chủ trương này. Theo đó, cân nhắc xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi để nhà đầu tư tư nhân tiếp cận tham gia đầu tư Dự án; Cụ thể hóa trách nhiệm của các địa phương trong giải phóng mặt bằng, cơ chế giám sát cụ thể ra sao để đảm bảo hiệu quả;...
Đề xuất 350.000 tỉ đồng phục hồi kinh tế Chương trình phục hồi kinh tế gồm các gói hỗ trợ tài khóa 291.000 tỉ đồng, tiền tệ 46.000 tỉ đồng, qua các quỹ khác 10.000 tỉ đồng Ngày 4-1, Quốc hội (QH) khóa XV đã khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến. QH họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà QH...