Tập trận chung, Mỹ-Trung dò xét nhau
Mỹ mời Trung Quốc tham gia tập trận để thăm dò khả năng hải quân của nước này, nhưng Trung Quốc cũng chẳng vừa…
Mặc dù đang tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), Trung Quốc vẫn điều một tàu do thám đến vùng biển quốc tế ngoài khơi bang Hawaii (Mỹ) để theo dõi cuộc tập trận.
Ngày 19/7, đại tá Darryn James, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết, Hạm đội này đang giám sát một tàu do thám Trung Quốc hoạt động gần Hawaii ngay bên ngoài lãnh hải Mỹ.
“Chiếc tàu này không đi vào lãnh hải Mỹ và tuân thủ theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải. Nó không cản trở RIMPAC và chúng tôi không nghĩ nó sẽ làm vậy”, ông James nói.
Tàu do thám của Trung Quốc xuất hiện trong khu vực sau khi RIMPAC chính thức bắt đầu hôm 26/6 và trước khi các tàu hải quân chuẩn bị ra khơi để bắt đầu tập trận. Các nước khác tham gia RIMPAC không cử tàu do thám tập trận như Trung Quốc.
Video đang HOT
Mỹ-Trung hợp tác trong sự ngờ vực lẫn nhau
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quân sự RIMPAC theo lời mời của Mỹ. Giới quan sát cho rằng mục đích của lời mời này là Mỹ muốn thông qua diễn tập chung để tăng cường quan hệ với hải quân Trung Quốc, làm giảm căng thẳng quân sự Trung – Mỹ.
Ngoài ra Mỹ muốn đánh tan sự nghi ngờ của Trung Quốc về mục đích cuộc diễn tập này chính là nhằm vào họ. Nhưng trên hết, Mỹ muốn thăm dò mức độ hiện đại hóa và thực chất khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc.
Thế nhưng “kẻ cắp, bà già” đã gặp nhau khi Trung Quốc chẳng vừa, cử ngay tàu do thám đến do thám tập trận.
Dĩ nhiên Mỹ không dễ dàng để nắm thóp. “Chúng tôi đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ thông tin tối quan trọng của chúng tôi”, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết.
Trung Quốc đã gửi 4 tàu hải quân, 2 trực thăng và 1.100 binh sĩ. Đây là quốc gia gửi lực lượng tham gia với quy mô lớn thứ 2, sau Mỹ.
Cùng với cuộc tập trận RIMPAC, quân đội Trung Quốc cũng sẽ lần đầu tiên tham gia diễn tập quân sự với Mỹ và Úc vào tháng 10/2014
Theo thông tin từ Lầu Năm góc, cuộc tập trận diễn ra ở miền bắc nước Úc sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng và giải toả căng thẳng cùng hiểu lầm giữa hai bên.
Đại tá quân đội Mỹ, Steven Warren cho biết, đây chỉ là cuộc tập trận quy mô nhỏ với sự tham gia của dưới 100 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, với mục đích luyện tập cách sống sót và phản công trong những điều kiện khắc nghiệt.
Trung Quốc đã từng bày tỏ quan ngại về việc binh lính Mỹ luân phiên đóng quân ở Úc và cáo buộc Washington đang tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực này.
Đây có thể cũng lại là một cách để Mỹ trấn an Trung Quốc thế nhưng từ chuyện ở RIMPAC, rõ ràng chẳng có chuyện Mỹ-Trung tin nhau và sự hòa hợp ở một số lĩnh vực nhiều khi chỉ là bề nổi, mang tính chất ngoại giao nhiều hơn.
Bằng chứng là tại Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung hồi đầu tháng 7 vừa qua, các quan chức Mỹ, Trung chỉ chăm chăm bày tỏ quan điểm của mỗi bên về các vấn đề quan trọng, thế nhưng họ chẳng thuyết phục được nhau về ý đồ chiến lược của mình. Cả hai bên đều không thể khiến cho bên kia thay đổi lập trường hay suy nghĩ.
Bất đồng lớn nhất của hai nước chính là vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thẳng thắn nói rằng Mỹ không chấp nhận việc Bắc Kinh phá vỡ hiện trạng trên biển nhằm đạt được tham vọng kiểm soát ở Biển Đông và Hoa Đông. Trong khi đó, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định trong “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải” của mình và yêu cầu Mỹ đứng ngoài tranh chấp trên biển.
Mỹ-Trung khó có thể dàn xếp được với nhau trong khi sự ngờ vực ngày càng gia tăng. Vì thế, trong khi hai nước tiếp tục cải thiện quan hệ kinh tế thì chắc chắn họ cũng đã sẵn sàng cho kịch bản chống lại nhau.
Theo Đất Việt