Tập thể Bộ Chính trị làm việc với Thường vụ Quân ủy Trung ương
Sáng 12/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Thường vụ Quân ủy Trung ương, cho ý kiến về dự thảo văn kiện và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội đại biểu Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Sau khi nghe Thường vụ Quân ủy Trung ương báo cáo về dự thảo văn kiện và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI Đảng bộ Quân đội, các vị Ủy viên Bộ Chính trị đã phát biểu ý kiến phong phú, cụ thể, xác đáng.
Bộ Chính trị đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội XI Đảng bộ Quân đội được tiến hành khoa học, công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, đúng quy trình, quy định, bám sát Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Các dự thảo văn kiện được xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tiễn, hội thảo nhiều lần, xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan, ban, ngành liên quan, các đảng ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Báo cáo Chính trị phản ánh khá toàn diện những thành tựu, kết quả nổi bật của Đảng bộ Quân ủy trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Đại hội X Đảng bộ Quân đội; làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội 5 năm tới (2020-2025), tầm nhìn đến năm 2030 và từ năm 2030 sát với thực tế.
Tại cuộc làm việc, Bộ Chính trị cũng phân tích, làm rõ một số hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị; nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ Quân đội cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Bộ Chính trị cơ bản nhất trí về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ quân sự quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020-2025 nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI; nhất trí dự kiến nhân sự và thời gian tổ chức Đại hội, các kiến nghị, đề xuất của Đảng bộ Quân đội.
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI của Đảng bộ Quân đội đã được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, đúng quy định, hướng dẫn, bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn cơ cấu. Bộ Chính trị đề nghị Quân ủy Trung ương tiếp tục triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Quân đội tập trung chăm lo xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng trong Quân đội thật sự trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực.
Từ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đến cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội nhất quán thực hiện tốt phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các biểu hiện quan liêu, mất dân chủ, dân chủ hình thức, bệnh “thành tích”…
Video đang HOT
Đảng bộ Quân đội tiếp tục thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước xử lý thắng lợi các tình huống; kiên quyết không bị động, bất ngờ; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chiến lược, đề án đã ban hành; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ biên giới, vùng trời, vùng biển; nâng cao năng lực tác chiến không gian mạng, chiến tranh thông tin; sẵn sàng ứng phó thắng lợi các tình huống an ninh phi truyền thống.
Đồng thời, Đảng bộ Quân đội luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động phòng thủ; thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế, chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc bằng biện pháp hòa bình.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhất trí với ý kiến đánh giá của các vị Ủy viên Bộ Chính trị về kết quả, thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong nhiệm kỳ tới đề ra trong dự thảo Báo cáo Chính trị; đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa những đặc điểm, thuận lợi, ưu thế của Đảng bộ Quân đội – cơ quan tham mưu, lực lượng nòng cốt, đội quân xung kích, chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước, chế độ. Đảng bộ Quân đội là Đảng bộ lớn, một tổ chức bao gồm tập hợp đội ngũ những người có sức khỏe tốt, được chọn lọc, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên…, điều kiện sống tập trung, kỷ luật chặt chẽ, truyền thống vẻ vang; được Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh Quân đội cần tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống, bản chất Bộ đội cụ Hồ; khơi dậy niềm tin, niềm tự hào và thấy rõ trách nhiệm của mình; luôn là tấm gương, hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận thời gian qua, Đảng bộ Quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, làm rất nhiều việc và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong thời bình, Quân đội đã làm tốt công tác dân vận, được dân quý, dân tin, nơi nào bão lũ, khó khăn, dịch bệnh COVID-19, là bộ đội xuất hiện. Quân đội cũng đã làm tốt công tác đối ngoại, một số đơn vị tham gia làm kinh tế thành công, giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời, Quân đội hết sức quan tâm vấn đề xây dựng lực lượng, mua sắm trang thiết bị, nâng cao sức mạnh tổng hợp…
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật, những việc làm chưa tốt, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, vừa qua một số vụ việc tiêu cực đã xảy ra, phải làm sao quản lý cho tốt. Bên cạnh đó, việc sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy chưa được chú ý đúng mức. Quan hệ phối hợp giữa Quân đội với các lực lượng khác, đặc biệt với Công an cần chặt chẽ hơn nữa từ trong chiến lược, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Về dự báo tình hình sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý cần thường xuyên nghiên cứu kỹ để có các phương án đối phó kịp thời, tuyệt đối không để bị động bất ngờ, đánh địch từ sớm, từ xa, chủ động xây dựng phương án chiến lược, chú ý toàn diện trên tất cả mặt trận.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, thường xuyên cảnh giác, đặc biệt chú ý xây dựng lực lượng thật sự vững mạnh; làm tốt công tác quản lý sử dụng đất đai, công tác dân vận, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân-dân, tăng cường phối hợp giữa quân đội và công an, trong đó quân đội phải là lực lượng nòng cốt, đi đầu.
Tập thể Bộ Chính trị làm việc với Thường vụ Quân ủy Trung ương Trụ sở Trung ương Đảng.(Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng lực lượng, xây dựng Đảng bộ Quân đội thực sự trong sạch vững mạnh, mẫu mực nêu gương; không để xảy ra tiêu cực, một số hiện tượng đáng tiếc như thời gian vừa qua; nơi nào khó khăn gian khổ nhất thì bộ đội phải có mặt.
Quân đội cần gương mẫu đi đầu, tiếp tục đấu tranh phản bác mạnh hơn nữa trên mặt trận tư tưởng chính trị; giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, đấu tranh chống tiêu cực ngay trong nội bộ, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc, hiện tượng tiêu cực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Quân đội tham gia đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xung phong, tình nguyện đến những địa bàn phức tạp, miền núi khó khăn…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý Thường vụ Quân ủy Trung ương cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc, tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện, chuẩn bị thật tốt công tác nhân sự, tiến hành thành công Đại hội XI Đảng bộ Quân đội theo đúng kế hoạch.
Tạo sự cân bằng chiến lược cho đất nước
"Hiện nay, Việt Nam đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, tham gia vào công việc chung, tạo ra sự cân bằng chiến lược cho đất nước", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trao đổi với Tiền Phong.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân đủ mạnh
Trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, sự độc lập, tự do của đất nước được chuyển tải như thế nào, thưa ông?
Khi tham gia các hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới, cơ sở đặc biệt quan trọng giúp chúng ta thành công là lịch sử của đất nước. Lịch sử của chúng ta rất đặc biệt và đáng tự hào. Trước đây, chúng ta quan niệm bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ lãnh thổ, không theo ai, không dựa vào ai và không xâm phạm ai. Cái đó hoàn toàn đúng trong thời gian dài và phát triển như hôm nay. Nhưng trong giai đoạn hiện nay còn cần phải đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, tham gia vào công việc của thế giới, tạo ra sự cân bằng chiến lược cho đất nước.
Để làm việc đó, ngoài ứng xử khôn khéo, đường lối đúng thì quân đội phải mạnh, đất nước phải mạnh. Đất nước mạnh mà quân đội yếu thì đất nước không thể vững, nhưng nếu quân đội trở thành gánh nặng của nền kinh tế - xã hội, sẽ kéo theo sự suy yếu của đất nước. Do đó, hiện nay, chúng ta vừa phải phát triển đất nước, vừa phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền, độc lập tự chủ mà không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Theo ông, đâu là những thách thức mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới?
Độc lập, tự do đã giành được rồi, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và quyết tâm gìn giữ. Song những thách thức ở phía trước cũng không nhỏ. Hiện chúng ta đang sống trong xã hội hòa bình, xu thế chung là hòa bình và ổn định, tức là không bị xâm hại từ bên ngoài và không bị phá vỡ từ bên trong. Tuy nhiên, cũng đang có rất nhiều thách thức ở phía trước. Đó là những thèm muốn, dòm ngó bên ngoài với những giá trị cơ bản của đất nước ta. Đó là những nguy cơ "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong chính nội bộ. Chỉ cần chúng ta lơ là điều đó giây lát thôi thì nguy cơ đối với độc lập, tự do sẽ thành sự thật.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đối diện nguy cơ tụt hậu. Tụt hậu trong quốc phòng là giảm khả năng bảo vệ đất nước, giảm khả năng tránh cho đất nước bị tổn thương bởi các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Phải tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Đó là tăng cường quan hệ quốc tế, giữ để không có kẻ thù, chỉ có bạn, đối tác để hợp tác và đối tượng để chúng ta đấu tranh.
Dự báo sớm
Trong bối cảnh có nhiều thách thức phi truyền thống, chiến lược giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc có điều gì cần lưu ý?
Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Dự báo sớm, dự báo đúng thì khả năng chiến thắng sẽ rất cao, để những người đang có dã tâm nhòm ngó lợi ích của chúng ta từ bỏ cái dã tâm đó đi. Chúng ta không làm hại đến ai nhưng luôn bảo vệ lợi ích của mình và tôn trọng lợi ích của người khác. Dự báo sớm để hóa giải nguy cơ từ sớm, từ xa, chứ không phải để ngồi đó và chờ đợi kẻ thù đến.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hòa bình, hội nhập, toàn cầu hóa và chúng ta có quan hệ với tất cả các nước thì việc dự báo hết sức khó khăn. Hiện nay xuất hiện nhiều vấn đề mới, nhất là những thách thức phi truyền thống như an ninh nguồn nước, an ninh biển, an ninh lương thực, năng lượng, môi trường... ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước. Vì thế, vấn đề dự báo sớm càng đặc biệt quan trọng.
Trong cuộc họp đầu tiên của Quân ủy Trung ương khóa 12 (năm 2016), Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng, mà tôi nhớ có hai điểm đặc biệt. Một là, trong nhiệm kỳ này phải xây dựng cho được Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự... để hoàn thiện hệ thống văn bản về bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước. Hai là, đối với vấn đề an ninh phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh...), không quan niệm là giúp dân nữa, mà cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Quân đội trong thời bình.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và thông qua các chiến lược định hướng toàn bộ các nhiệm vụ của Quân đội đồng bộ với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Đảng, đất nước, nhân dân và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp củng cố quốc phòng - xây dựng quân đội thắng lợi trong nhiệm kỳ qua. Đối với các thách thức an ninh phi truyền thống, quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Quân đội đã vào cuộc một cách bài bản, nhanh chóng, chuẩn bị đầy đủ, thực hiện nghiêm "4 tại chỗ".
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Quân đội là lực lượng nòng cốt, tiên phong triển khai các đơn vị vào cuộc, tham gia phòng, chống dịch đồng bộ; tham mưu đúng đắn, phối hợp nhuần nhuyễn, kế hoạch bài bản và chỉ huy thống nhất. Nhờ dự báo sớm, tầm nhìn xa của Quân ủy Trung ương thể hiện qua chỉ đạo chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư như dân gian thường ví von "một người lo bằng kho người làm" đã định hướng, giúp chúng ta chủ động thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, không bị bất ngờ trong mọi tình huống.
Nhìn xa trông rộng
Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ông kỳ vọng gì về đại hội, nhất là trong việc lựa chọn nhân sự để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới?
Đại hội XIII phải dự báo cho được tình hình, cả thời cơ lẫn nguy cơ, từ đó lựa chọn con người đáp ứng được yêu cầu mới của Đảng, của đất nước. Đất nước ta đang phát triển, thời cơ, thuận lợi rất nhiều, nhưng thách thức không ít. Đó là thách thức về bất ổn xã hội, những thế lực thù địch muốn thay đổi chế độ; rồi nhiều thế lực muốn chính sách của chúng ta bị chi phối theo lợi ích của họ. Bên cạnh việc kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phải giữ cho được hòa bình, ổn định. Rồi những cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn trong khu vực ảnh hưởng đến an ninh, ổn định của đất nước...
Một thách thức nữa là sự phát triển. Thế giới giờ đây chuyển động rất nhanh. Bây giờ khi nói về chiến tranh, xung đột thì không khói súng vẫn có thể đạt được mục đích. Cho nên nhìn thấy sự phát triển của thế giới mà ứng xử cho đúng với các nguy cơ, các tình huống có thể xảy ra. Ngoài ra, các thách thức phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh và không loại trừ con người lợi dụng điều này để chiếm đoạt lợi ích của người khác. Vậy trong tình huống đó, bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân như thế nào? Tất cả những thách thức đó đòi hỏi người lãnh đạo phải có đầy đủ năng lực, dự báo được tình hình, xử lý thành công các tình huống diễn ra. Chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới, nếu có tầm nhìn rộng ra, xa ra và hình dung được tương lai.
Cảm ơn ông.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - con người hành động Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không còn nữa! Cả cuộc đời ông sống giản dị, gần gũi với đồng đội, đồng chí cũng như lớp trẻ, cấp dưới. Thế hệ chúng tôi, qua những câu chuyện với những người quen biết ông cũng như các bài viết, bài phát biểu trên cương vị là người lãnh đạo Đảng của quân đội,...