“Tấp nập” các cuộc gặp đa phương và song phương bên lề G20
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, đã diễn ra hàng loạt các cuộc gặp song phương và đa phương nhằm tăng cường hợp tác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Pena Nieto dự lễ ký kết Hiệp định thương mại 3 bên USMCA trước hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 30/11 đã có cuộc gặp ba bên bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Ba nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp, xây dựng đồng thuận và gia tăng hợp tác chung nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.
Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ là các nước có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và là đối tác hợp tác chiến lược quan trọng của nhau. Ba nước cũng có những lợi ích chung và mục tiêu phát triển giống nhau, gánh vác trách nhiệm lớn lao vì tương lai của khu vực và thế giới. Sự phát triển chung và hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc, Nga và Ấn Độ trong hoàn cảnh hiện nay trở thành lực lượng quan trọng đối với sự ổn định và chắc chắn cho sự chuyển mình của thế giới. Ông kêu gọi thúc đẩy hợp tác ba bên nhằm đối phó với những thách thức mới trên thế giới.
Cùng quan điểm, Tổng thống Ấn Độ Modi cho rằng, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những nước lớn trên thế giới có trách nhiệm duy trì hợp tác chặt chẽ và đóng vai trò quan trọng bảo vệ sự ổn định của khu vực và thế giới, thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm và giải quyết những thách thức chung, qua đó bảo vệ và duy trì cơ chế và hệ thống đa phương.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cho rằng, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là các quốc gia thân cận của nhau. Mối quan hệ giữa ba nước được dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Trong hoàn cảnh hiện nay, mối quan hệ đó mang lại lợi ích cho cả ba nước. Ông Putin kêu gọi ba nước cùng nhau xây dựng hệ thống quốc tế công bằng và bình đẳng hơn, thúc đẩy hòa bình và sự ổn định của hòa bình thế giới, tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính, cũng như những vấn đề khác trong khuôn khổ chương trình nghị sự của G20.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 lần này diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành tâm điểm của sự công kích. Theo đó, đa phần các ý kiến chỉ trích cho rằng ông chính là người phá đi tính thống nhất trước đây của G20 về thương mại và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã gỡ được thế bí khi ký kết Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cũng như đưa ra “các tín hiệu tốt” trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào ngày mai (2/12).
Video đang HOT
Phát biểu tại lễ ký, ông Donald Trump đã đề cao tầm quan trọng lịch sử của Mỹ – Mexico – Canađa, cho rằng, đây là một hiệp định mẫu làm thay đổi vĩnh viễn toàn cảnh nền thương mại, hỗ trợ lao động Mỹ, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế tạo ôtô, đồng thời giúp triển khai bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Donald Trump nói: “Những điều khoản mới sẽ mang lại lợi ích và sự phát triển của công nghệ và lao động ở mỗi nước cũng như tăng trưởng và cơ hội ở mỗi nước và khu vực Bắc Mỹ. Đây là một thỏa thuận hình mẫu làm thay đổi viễn cảnh thương mại mãi mãi và đây cũng là thỏa thuận đầu tiên và trên hết mang lại lợi ích cho người lao động, có ý nghĩa quan trọng với cả Mỹ – Mexico và Canada”.
Cuối tháng 9 vừa qua, ba nước nói trên đã hoàn tất việc nâng cấp, hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, sau một năm thương lượng khó khăn. Tổng thống Donald Trump đã mô tả Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada là một “thỏa thuận thương mại tuyệt vời”, thay thế cho phiên bản cũ hay một “thỏa thuận thương mại tồi nhất từ xưa đến nay”./.
Hồng Nhung/VOV1
BRICS chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phủ bóng hội nghị G20
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đang bị phủ bóng đen với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng như căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khai mạc ngày 30/11 tại Buenos Aires, Argentina với sự tham dự của lãnh đạo các nước, cùng đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.
Lãnh đạo các nước tham dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina.
Diễn ra trong 2 ngày (30/11-1/12), Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là một phép thử quan trọng đối với Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới kể từ sau cuộc gặp lần đầu tiên năm 2008 nhằm giải cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 7 thập niên qua.
Với chủ đề chính "Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững", Tổng thống Argentina Mauricio Macri hy vọng hội nghị năm nay sẽ là cơ hội để các nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng của thế giới, hướng tới việc đạt được một tuyên bố chung chú trọng tới phát triển cân bằng và bền vững.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế đang phát triển đã lên án chủ nghĩa bảo hộ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu.
Chủ tịch Tập cùng các nhà lãnh đạo khác từ nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã ra tuyên bố chung kêu gọi mở cửa thương mại quốc tế và đẩy mạnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong bối cảnh sự nổi lên của xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở nhiều quốc gia, G20, với 2/3 dân số toàn cầu phải đối mặt với những câu hỏi lớn về khả năng đối mặt với căng thẳng thương mại đang gây gián đoạn thị trường toàn cầu, cũng như giảm bớt các tranh chấp về địa chính trị.
Ngoài chương trình nghị sự chung thì sự kiện trọng tâm thu hút các bên nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 1/12. Hai nhà lãnh đạo được trông đợi sẽ mang lại tín hiệu tích cực giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại đang tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo giới phân tích, kết quả từ cuộc gặp quan trọng của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị G20 được cho là sẽ định hình quỹ đạo kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Hiện Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và bị đáp trả 110 tỷ USD theo chiều ngược lại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên án chủ nghĩa bảo hộ tại hội nghị G20.
Trước cuộc gặp, Tổng thống Trump vẫn tỏ ra mập mờ về quyết định mà chính quyền Mỹ sẽ đưa ra sắp tới. Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal hồi đầu tuần, ông nói sẽ tăng thuế từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ đầu năm 2019 và nếu đối thoại không thành công thì sẽ "chơi tất tay" đối với lượng hàng còn lại chưa bị đánh thuế, ước tính là 267 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Trump hy vọng sẽ đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Bắc Kinh hy vọng sẽ thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ kế hoạch tăng thuế quan từ 10% hiện nay lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 1/2019.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Buenos Aires cho biết hiện có những dấu hiệu của sự đồng thuận giữa hai bên trước cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, mặc dù sự khác biệt vẫn còn.
Một số nhà phân tích nhận định, đây có thể sẽ là một trong những hội nghị căng thẳng nhất trong lịch sử các cuộc gặp của G20 khi bị phủ bóng bởi một loạt căng thẳng từ cảnh báo của chính quyền Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, cũng như leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay cũng gây ra một tình thế khó xử cho các nhà lãnh đạo, trong bối cảnh vẫn còn những tranh cãi liên quan vụ hạ sát nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 2/10.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung thảo luận một loạt các vấn đề lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, tương lai việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển, tương lai của lương thực bền vững... Các nhà lãnh đạo G20 hy vọng sẽ đạt đồng thuận trong các vấn đề cơ bản từ những thỏa thuận đã đạt được trong hơn 80 cuộc họp trong suốt quá trình chuẩn bị từ đầu năm đến nay.
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế.
Theo Dantri
Trump đích thân tiết lộ lý do "cạch mặt" Putin tại G20 Trump bác nghi ngờ ông hủy gặp Putin vì không muốn thêm bê bối khi cựu luật sư nhận tội khai man về dự án bất động sản ở Moskva. Tổng thống Mỹ Donald Trump (hàng trước, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các lãnh đạo G20 tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AFP. "Lý do duy nhất cho quyết định này...