Tập kết máy móc cỡ lớn, chuẩn bị tháo dỡ cầu Phong Châu
Đơn vị thi công đã tập kết trang thiết bị, máy móc cỡ lớn sẵn sàng tháo dỡ phần còn lại cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sau sự cố sập cầu xảy ra vào tháng 9 vừa qua.
Ghi nhận của PV VietNamNet, tại phần cầu Phong Châu phía bờ huyện Lâm Thao, 5 máy xúc đào bánh xích cỡ lớn đã được tập kết. Trên các phương tiện này có dán biểu tượng của Binh đoàn 12, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.
Các phương tiện được tập kết chuẩn bị tháo dỡ phần còn lại của cầu Phong Châu. Ảnh: Đức Hoàng
Phía bên ngoài khu vực chuẩn bị tháo dỡ, các hàng rào sắt đang được lắp đặt, đảm bảo an toàn cho khu vực thi công. Dãy nhà điều hành cũng đã được hình thành.
Trao đổi với PV, ông Trần Hoài Giang, Giám đốc Sở GTVT Phú Thọ cho biết, hạng mục tháo dỡ phần còn lại của cầu Phong Châu nằm trong tổng thể gói thầu dự án xây dựng cầu Phong Châu mới. Dự án này do ban QLDA Thăng Long, Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Ông Giang thông tin thêm, dự kiến ngày 22/12, dự án sẽ được khởi công.
Video đang HOT
Trước đó, Bộ GTVT đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, nhằm kịp thời xử lý sự cố sập cầu Phong Châu vào ngày 9/9.
Theo phương án xây dựng cầu Phong Châu mới được phê duyệt, cây cầu sẽ có chiều dài gần 653m, tổng mức đầu tư hơn 635 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024. Trong đó, dự kiến bố trí năm 2024 khoảng 100 tỷ đồng, năm 2025 khoảng hơn 535 tỷ đồng.
Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với bề rộng cầu 20,5m phù hợp với bề rộng nền đường.
Một số hình ảnh tập kết máy móc cỡ lớn:
Dãy nhà điều hành dự án được lắp đặt ngay cạnh khu vực tháo dỡ, thi công cầu Phong Châu mới. Ảnh: Đức Hoàng
Một phần cầu bị sập được trục vớt, tháo dỡ tập kết phía bờ huyện Tam Nông. Ảnh: Đức Hoàng
Phương tiện bị rơi xuống sông Hồng cũng được trục vớt, tập kết tại đây. Ảnh: Đức Hoàng
Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ nói về sự cố sập cầu Phong Châu
Đại tá Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, ngay sau khi vụ sập cầu Phong Châu xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo các biện pháp cấp bách, phục vụ khắc phục, điều tra nguyên nhân sự cố.
Ngày 11/10, Bộ Công an tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, cơn bão số 3 khiến Phú Thọ bị thiệt hại 1.700 tỷ đồng.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Phước, về sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra ngày 9/9, ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo các biện pháp cấp bách, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phục vụ công tác khắc phục, điều tra nguyên nhân sự cố; phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời kiểm tra, đánh giá phần cầu Phong Châu còn lại và các cây cầu khác trên địa bàn để kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tạm dừng hoạt động trên 4 cầu mất an toàn.
Công an tỉnh cũng thành lập ngay Trung tâm chỉ huy dã chiến tại hai đầu cầu Phong Châu; phối hợp với lực lượng quân đội, lực lượng tìm kiếm cứu nạn; điều tra nguyên nhân sự cố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đi lại của người dân.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân và các xe rơi xuống sông. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Với phương châm "nạn nhân là người thân của mình", lực lượng Công an tỉnh đã cố gắng hết mình. "Suốt một tháng qua, hầu như ngày nào tôi cũng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo tìm kiếm các nạn nhân. Đến nay đã tìm thấy 4/8 nạn nhân, một phần cầu Phong Châu cùng phương tiện mắc kẹt trong gầm khi cầu sập xuống", Đại tá Nguyễn Hữu Phước cho hay.
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, phương án cứu trợ cứu nạn rất tích cực và khẩn trương nhưng TP Việt Trì là nơi hợp lưu của 3 con sông là sông Đà, sông Lô và sông Hồng; vị trí cầu Phong Châu nước chảy xiết, nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Hai nhịp cầu Phong Châu còn lại có nguy cơ sập bất kể lúc nào, nhưng Công an tỉnh vẫn cố gắng tìm kiếm trong sự hiểm nguy.
Theo Bộ Công an, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản đối với nhân dân các tỉnh khu vực phía Bắc, nhất là tại các địa phương Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang...
Thiên tai đã gây thiệt hại lớn với 348 người chết, mất tích; gần 2.000 người bị thương; hơn 230.000 ngôi nhà hư hỏng; thiệt hại ước tính hơn 31.000 tỷ đồng.
Phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", "lúc dân cần, lúc dân khó, có công an", lực lượng công an đã có nhiều tấm gương tiêu biểu sẵn sàng hy sinh, đã có 1 cán bộ công an hy sinh, 2 cán bộ tử vong. Ngoài ra, còn có 3 cán bộ công an tham gia lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, vì thực hiện nhiệm vụ mà không thể giúp gia đình mình sơ tán, không thể cứu cha mẹ, vợ con, tài sản.
Có những trường hợp hết sức éo le như: Một cán bộ công an phường tại Yên Bái có mẹ, em trai tử vong do sạt lở đất; 1 chiến sỹ nghĩa vụ Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái có 3 người thân trong gia đình tử vong; 1 tổ trưởng tổ an ninh trật tự bị tử vong cùng 5 người trong gia đình.
Chi hơn 9 tỉ đồng trục vớt cầu Phong Châu Cục Đường bộ Việt Nam vừa phê duyệt khoản kinh phí hơn 9 tỉ đồng để trục vớt cầu Phong Châu và các phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu. Theo đó, dự án khắc phục hậu quả thiên tai tại cầu Phong Châu (Phú Thọ) sẽ được triển khai theo lệnh khẩn cấp với kinh phí tạm tính 9,13 tỉ đồng...