Tập huấn chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính
Trong 2 ngày 30 và 31/7, tại TP Cần Thơ, Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) – Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính cho đại diện UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Ông Đặng Thanh Sơn – Cục trưởng Cục quản lý XLVPHC và TDTHPL phát biểu tại hội nghị
Ông Đặng Thanh Sơn – Cục trưởng Cục quản lý XLVPHC và TDTHPL – cho biết, thời gian qua công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ tại các Bộ, ngành, địa phương đang được khẩn trương triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về XLVPHC và TDTHPL.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật XLVPHC và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật này về xử phạt vi phạm hành chính đang đặt ra nhiều nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp; quá trình triển khai thực hiện xử phạt vi phạm hành chính tại các cơ quan còn nhiều lúng túng, chưa thật sự thống nhất, đồng bộ và đi vào nề nếp.
“Một trong những nguyên nhân quan trọng là do trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi pháp luật về XLVPHC còn nhiều bất cập, chưa chuyên nghiệp, nhận thức về quy định pháp luật XLVPHC còn nhiều điều chưa thống nhất”, ông Sơn nói.
Đợt tập huấn lần này nhằm cung cấp, trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về Luật XLVPHC, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xử phạt vi phạm hành chính; các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính…
Video đang HOT
Hoàng Tùng
Theo Dantri
Chuyển hình phạt tiền sang án tù có dễ thực hiện?
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đề xuất giảm hình phạt tù, hạn chế hình phạt tử hình, tăng cường các hình phạt không phải tù, hiện đang có nhiều luồng ý kiến.
Theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Hình sự hiện hành, phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Tuy nhiên, tội phạm khác trong điều luật này có bắt buộc là tội ít nghiêm trọng hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, ở phần các tội phạm cụ thể khi cấu thành một số tội phạm nghiêm trọng cũng có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính. Điều này dẫn tới trường hợp, thẩm phán lựa chọn việc không áp dụng hình phạt tiền đối với tội nghiêm trọng mà thay vào đó lựa chọn hình phạt không tước tự do khác như cải tạo không giam giữ.
Mặt khác, vẫn còn có ý kiến chưa đồng thuận với việc coi phạt tiền là hình phạt chính, lo ngại rằng quy định như vậy chỉ có lợi cho người giàu nên không ít thẩm phán e dè khi áp dụng hình phạt này. Thực tế cho thấy, số người bị phạt tiền chỉ chiếm 10% - một phần rất nhỏ trong số người bị kết án đối với tội ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính.
Một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là giảm hình phạt tù, hạn chế hình phạt tử hình, tăng cường các hình phạt không phải tù như phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Nội dung sửa đổi, bổ sung này nhằm thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, đối với phạt tiền là hình phạt chính (Điều 35), Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, theo đó, số khoản có quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với tội ít nghiêm trọng trong dự thảo Bộ luật tăng 35 khoản (từ 76 khoản lên 111 khoản) so với quy định hiện hành cũng như mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng.
Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng. Đồng thời, nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt tiền, dự thảo quy định trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt tiền chuyển thành hình phạt tù có thời hạn, nếu đó là hình phạt chính.
Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36), Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với cả tội rất nghiêm trọng do vô ý (theo quy định hiện hành chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng), đồng thời, quy định trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù có thời hạn theo tỷ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt cải tạo không giam giữ.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất bổ sung quy định về trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ; thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần; không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.
Đối với hình phạt tù, Bộ Tư pháp đề xuất không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37). Đồng thời, tại Phần các tội phạm, số lượng các khoản (khoản 1) không quy định hình phạt tù tăng từ 6 khoản lên 28 khoản so với quy định hiện hành.
Mặc dù đã có những quy định hoàn thiện hơn so với pháp luật hiện hành, bảo đảm tính chặt chẽ tạo điều kiện để thẩm phán áp dụng có hiệu quả hình phạt này song vẫn còn nhiều điểm cần cân nhắc.
Rõ ràng, nếu không cân nhắc giữa phạt tiền và phạt tù sẽ dễ dẫn tới trường hợp số tiền ít quy đổi thành hình phạt tù quá dài, không cân đối. Đối với trường hợp quy đổi số tiền quá cao so với một ngày tù thì bị cáo sẽ lựa chọn cố tình không trả tiền mà chấp hành hình phạt tù ngắn, như vậy sẽ khó bảo đảm tính răn đe.
Theo đó, quy định mức độ nhất định bao nhiêu tiền tương ứng với một ngày tù trong Bộ luật Hình sự vừa có điểm tích cực vừa có điểm hạn chế. Nếu quy định tỷ lệ cố định sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng khi xét xử, tránh tình trạng áp dụng thiếu thống nhất, nhưng thiếu mềm dẻo đối với vụ án mà bị cáo có hoàn cảnh đặc biệt hay phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt.
Nếu quy định số tiền cố định cũng dẫn tới thực tế là khi đời sống xã hội được nâng lên thì áp dụng theo quy định cũ sẽ khó bảo đảm tính răn đe hoặc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung luật. Do vậy, không nên quy định tỷ lệ cố định mà cần cân nhắc đối với từng vụ án hay vụ việc cụ thể.
Ở một góc độ khác, chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Công Hồng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đề nghị: Để hạn chế việc án tuyên bị bỏ lửng (không thể thi hành) vốn đang xảy ra rất nhiều ở nước ta thì khi tuyên án, thẩm phán phải cân nhắc. Với cùng một vụ án, nếu xét các bị cáo đều có thể tuyên phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ được thì lúc này tòa phải xem xét là người nào có điều kiện nộp phạt thì tuyên phạt tiền, còn không có điều kiện (không nghề nghiệp, không tài sản, vô gia cư...) thì phải tuyên phạt tù. Bởi lẽ không thể tuyên phạt tiền với họ vì họ không có khả năng thi hành án, cũng không thể tuyên cải tạo không giam giữ, giao về cho địa phương giáo dục vì trong điều kiện này là không thể giáo dục được.
Ông Hồng cũng cho hay hình phạt tiền ít được áp dụng xuất phát từ tâm lý e ngại của đội ngũ thẩm phán: "Đôi khi thẩm phán xác định có thể phạt tiền bị cáo thay cho phạt tù nhưng nếu họ tuyên như vậy lại sợ bị hiểu sai nên sinh tâm lý e ngại. Ngoài ra, do quy định của pháp luật có nhiều hình phạt khác nhau để lựa chọn nên khi xét xử, thẩm phán sẽ lựa cái gì đỡ phiền hà về sau".
Một nguyên nhân nữa là do thực tiễn lạm dụng tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra. "Khi phát hiện nghi phạm, thông thường cơ quan điều tra sẽ tạm giữ, tạm giam để thuận lợi trong việc lấy lời khai. Mà một người khi đã bị tạm giữ, tạm giam thì rất khó để được tòa tuyên phạt tiền hay cải tạo không giam giữ mà thường là án tù", ông Hồng nêu ý kiến.
GIA HUY
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Chuyển hình phạt tiền sang án tù có dễ thực hiện? Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đề xuất giảm hình phạt tù, hạn chế hình phạt tử hình, tăng cường các hình phạt không phải tù, hiện đang có nhiều luồng ý kiến. Theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Hình sự hiện hành, phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít...