Tập đoàn Tuần Châu chính thức lên tiếng về vở “Tinh hoa Bắc Bộ”
Để tránh những tranh cãi không đáng có, tập đoàn Tuần Châu đã lên tiếng với các cơ sở pháp lý rõ ràng.
Cách đây không lâu, vụ việc tranh cãi giữa đạo diễn trẻ Việt Tú và “ chúa đảo Tuần Châu” Đào Hồng Tuyển xung quanh lùm xùm hai vở kịch sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam khiến cho dư luận quan tâm. Vở kịch “Tinh hoa Bắc Bộ” do ông Đào Hồng Tuyển và công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (TCHN) bất ngờ bị cho là “đạo nhái” vở kịch “Ngày xưa” hay “Thủa ấy, xứ Đoài” của đạo diễn Việt Tú. Vở “Ngày xưa” là sự kết hợp giữa công ty TCHN và đạo diễn Việt Tú.
Tranh cãi xung quanh hai vở diễn sân khấu thực cảnh “Thủa ấy, xứ Đoài” và “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Mới đây, Công ty TCHN đã gửi thông báo chính thức ý kiến của mình về vụ việc kể trên. Theo đó, công ty cho biết: “Với ý tưởng Biểu diễn thực cảnh của lãnh đạo Tập đoàn Tuần Châu, từ năm 2007, Công ty TCHN đã triển khai dự án đầu tư “Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội”, trong đó có hạng mục “biểu diễn rối nước, biểu diễn thực cảnh” với diện tích 2118 m2, nằm trong khu 3500 m2 mặt nước tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội (được UBND Thành phố Hà Nội công nhận theo quyết định số 1668/QĐ-UBND)”.
Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào dự án sân khấu thực cảnh này.
Để triển khai ý tưởng trên, ngày 16.11.2015, Công ty TCHN và Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (CTCP DS), do ông Nguyễn Việt Tú làm Tổng giám đốc, đã ký hợp đồng nguyên tắc số 0111/2015/HĐNT/DS với nội dung CTCP DS nhận tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh “Ngày xưa” (được tạm hiểu là “Thuở ấy. Xứ Đoài” – thực ra đó là tên của sân khấu thực cảnh, không phải tên vở diễn) cho Công ty TCHN.
Video đang HOT
Công ty TCHN cho rằng sự bản chất sự việc đó chính là CTCP DS đã sáng tác dựa trên ý tưởng và yêu cầu của chủ đầu tư, chính là Công ty TCHN. Do đó, Công ty TCHN là Chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm sân khấu này.
Một cảnh trong vở “Tinh hoa Bắc Bộ”. Ảnh: Na Sơn
“Trong quá trình thực hiện, chương trình đã đưa ra biểu diễn thử nghiệm, nhưng chưa đạt được kỳ vọng của Công ty TCHN, cũng như công chúng thưởng thức nghệ thuật trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian đó, phía CTCP DS, cá nhân ông Nguyễn Việt Tú đã đơn phương tiến hành Công bố tác phẩm mà không xin ý kiến của Công ty TCHN. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của Công ty TCHN.”. Công ty TCHN nhấn mạnh.
Để làm rõ thêm tính độc lập của vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”, công ty TCHN cho biết thêm: “”Tinh Hoa Bắc Bộ” là sự chắt lọc những tinh hoa của vùng quê Bắc Bộ dựa trên chất liệu văn hóa dân gian, những loại hình nghệ thuật, phong tục tập quán được lưu truyền qua bao thế hệ cha ông được thể hiện trong các lĩnh vực nghệ thuật Thi – Ca – Nhạc – Họa, các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc nhằm tái hiện các hoạt động vui chơi giải trí, lao động sản xuất, văn hóa tín ngưỡng, trí thức… của người dân Bắc Bộ xưa.
Đây là tác phẩm hoàn toàn độc lập không có bất kỳ sự ảnh hưởng, sao chép nào từ tác phẩm Ngày xưa (được tạm hiểu là”Thưở ấy. Xứ Đoài”) của ông Nguyễn Việt Tú. Điều này được chứng minh bằng việc Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận quyền tác giả số 3642/2017/QTG ngày 31.07.2017 đối với kịch bản chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”.”
Cảnh trong vở “Tinh hoa Bắc bộ”. Ảnh: Na Sơn
Như vậy có thể thấy về tính pháp lý của vụ việc, vở kịch “Thủa ấy, xứ Đoài” là sự phối hợp làm việc giữa Công ty TCHN và Công ty cổ phần DS. Vì vậy, Công ty TCHN nhấn mạnh rằng sẽ can thiệp nhiều biện pháp pháp lý nếu đạo diễn Việt Tú tiếp tục có nhiều ý kiến không phù hợp với Công ty TCHN, đặc biệt đối với Tập đoàn Tuần Châu và cá nhân ông Đào Hồng Tuyển.
Theo Danviet
"Chúa đảo" Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú tranh cãi về 2 vở kịch
Ông Đào Hồng Tuyển và Đạo diễn trẻ Việt Tú đã có những chia sẻ về quá trình phối hợp để sản xuất ra vở kịch thực cảnh "Thủa ấy xứ Đoài".
Mới đây, dư luận đang hướng sự chú ý về tranh cãi giữa Đạo diễn Việt Tú và "Chúa đảo Tuần Châu"- ông Đào Hồng Tuyển xung quanh hai vở kịch "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Thủa ấy xứ Đoài". Vụ việc diễn ra sau khi Tập đoàn Tuần Châu đầu tư vốn cho đạo diễn Việt Tú để thực hiện vở kịch thực cảnh đầu tiên có tên "Thủa ấy xứ Đoài" diễn ra tại Sài Sơn - Chùa Thầy vào tháng 6.2017. Được biết vở kịch này tiêu tốn tới hàng triệu đô của Tập đoàn Tuần Châu, sử dụng trực tiếp diễn viên là 140 người dân Sài Sơn để tái tạo khung cảnh nguyên gốc làng quê Bắc Bộ, nhà thủy đình 10 tấn nhô lên từ mặt nước, vở diễn là sự kết hợp giữa chất liệu dân tộc với hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại.
Thuỷ đình nguyên bản nặng gần 10 tấn trong "Thủa ấy xứ Đoài"
Thế nhưng bất ngờ chỉ sau 10 buổi công diễn, vở kịch "Thủa ấy xứ Đoài" đã đóng lại. Ngày 28.10, vở "Tinh Hoa Bắc Bộ" ra mắt với danh xưng "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn.
Khi được hỏi về lý do vì sao vở diễn "Thủa ấy xứ Đoài" được đầu tư công phu nhưng lại đóng cửa sớm. Ông Đào Hồng Tuyển chia sẻ: "Tôi nói thật, Việt Tú làm chưa tới đâu cả, chưa chạm được vào trái tim của mọi người nhưng giữ danh dự cho cậu ấy nên tôi không nói ra. Mà cậu ấy tiêu tốn của tôi không biết bao nhiêu tiền cho đến giờ này. Tiêu công nhân, tiền nông dân luyện tập hàng năm trời, đạo cụ sắm sửa... bây giờ phải bỏ hết... Vậy mà khi xem xong, trước mặt Việt Tú người ta khen ngoại giao, sau lưng Tú, trước mặt tôi thì người ta đều lắc đầu", ông Đào Hồng Tuyển nói".
Đạo diễn Việt Tú (trái) và ông Đào Hồng Tuyển.
Về phía đạo diễn Việt Tú, anh lại có những băn khoăn, bức xúc khác. Anh cho rằng vở kịch bị đóng cửa bởi những lý do khác nằm ngoài chuyên môn: "Cho đến thời điểm này tôi chưa nhận được bất kỳ lời phàn nàn nào về chất lượng cũng như yêu cầu sửa chữa hay thay đổi vở diễn từ nhà đầu tư... Trong dự án này tôi chỉ lấy 40% số lương đáng lí mình được hưởng, đổi lại là 10% kinh phí bán vé trong suốt vòng đời của sản phẩm. Và có thể đây là mấu chốt của việc xuất hiện lí do vở diễn không đạt yêu cầu như họ đang quy chụp?".
"Tinh hoa Bắc Bộ" ra mắt quần chúng vào tháng 10.2016.
Sự trùng hợp về cách thức biểu diễn (sử dụng toàn bộ diễn viên là nông dân, thực cảnh được đầu tư qui mô...) cũng là điều gây tranh cãi khá nhiều trong dư luận. Đạo diễn Việt Tú khẳng định đây là ý tưởng của anh, ai cũng rõ điều này, vấn đề còn lại là lòng tự trọng và đạo đức mà thôi. Ông Đào Hồng Tuyển cho hay: "Tôi khẳng định lại, ý tưởng về vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là của tôi và tôi thuê đạo diễn Việt Tú làm. Tôi đã bỏ rất nhiều tiền cho dự án này nhưng hiệu quả không đạt được như mong muốn nên phải bỏ đi để thuê đạo diễn khác. Và cái đó là quyền của ông chủ, quyền của nhà đầu tư. Chẳng có ai lại dại đến mức bỏ tiền ra rồi giờ tốn thời gian, tốn công sức... để bỏ đi. Nếu Tú làm tốt thì tôi bỏ đi làm gì".
Đạo diễn Việt Tú nhấn mạnh anh không muốn rỡi vào bẫy tranh cãi, từ đó PR miễn phí cho bất kỳ sản phẩm nào. Đạo diễn trẻ khẳng định rằng vở diễn "Thủa ấy xứ Đoài" của anh được đăng ký bản quyền vào tháng 8.2016. Để chấm dứt những tranh cãi ông Đào Hồng Tuyển cho rằng, nếu đạo diễn Việt Tú sửa lại kịch bản, ông sẽ sắp xếp cho đạo diễn Việt Tú một suất diễn, nghĩa là một đêm diễn hai suất. Ví dụ, suất của đạo diễn Việt Tú trước rồi suất của người khác kế tiếp. Vì mỗi suất có thời lượng 45 phút, từ 7h30 đến 8h30 một suất, từ 8h30 đến 9h30 một suất.
"Tôi khuyên Tú hôm nào gặp lại tôi, anh em ngồi nói chuyện với nhau, chứ càng nói Tú lại càng sai đấy... ", ông Tuyển nói thêm.
Theo Danviet
Ồn ào quanh tranh chấp về vở "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" Vở diễn thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" của đạo diễn Việt Tú được nhà đầu tư thay bằng một vở diễn khác cũng được quảng bá là "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" khiến nhiều người đặt ra câu hỏi. Vào tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam...