Tập đoàn Hoàng gia Hà Lan sẵn sàng xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khổng lồ tại Tây Nguyên
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lãnh đạo De Heus Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhà máy sơ chế, kho trữ tại Tây Nguyên, nhằm giảm áp lực nhập khẩu.
De Heus sẵn sàng phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhà máy sơ chế, kho trữ
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18 – 22%.
“Mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con, nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí không ít nông dân và chủ trang trại đang bị thua lỗ”, ông Dương Tất Thắng nhận định.
Cục Chăn nuôi dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Lí do là giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 vẫn ở mức tăng. Trong khi đó, năng lực năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH De Heus Việt Nam.
Tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng lời giải cho bài toán này chính là từng bước chủ động sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước, giảm áp lực nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Hoàng gia De Heus – Hà Lan) cho biết, bản thân các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.
“Trong bối cảnh này, chúng tôi kiến nghị Bộ NNPTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương. De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để góp phần chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi”, ông Hiếu nói.
Trong mảng chăn nuôi heo, ông Hiếu cho biết De Heus đang có vùng chăn nuôi, nhà máy giết mổ quy mô 2.500 con/ngày ở tỉnh Nam Định. Doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu thịt heo tươi và sản phẩm chế biến.
Video đang HOT
Năm 2021, De Heus cùng đối tác đã chính thức đưa vào hoạt động Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk, quy mô 200ha; tiếp tục khởi công các Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh…
Tại các tổ hợp này, ngoài trang trại chăn nuôi heo, gà, De Heus cùng đối tác xây dựng nhà máy giết mổ, xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhằm phục vụ hệ thống nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mà De Heus đang sở hữu.
Cũng trong năm 2021, De Heus đã mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi và premix của Tập đoàn Masan. Sau thương vụ này, De Heus trở thành doanh nghiệp có nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi nhất tại Việt Nam trong mảng thị trường độc lập. Vì vậy, hàng năm De Heus cần rất nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để cung cấp cho hoạt động của các nhà máy.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 – 3 năm tới.
Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 – 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.
Nhà máy thức ăn chăn nuôi của De Heus Việt Nam.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của Báo Dân Việt, ông Johan van den Ban – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia cho biết, tính từ lần tăng giá đầu tiên vào cuối năm 2020, đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 10 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cả doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi.
“Việc chúng ta bị phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập đã khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng “phi mã”. De Heus vẫn luôn chủ động tìm nguồn nguyên liệu nội địa, thu mua từ các nhà sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu. Chúng tôi đang mua cám gạo, cám mì, bột cá basa, bột cá biển, đường, một phần bắp từ nguồn cung nội địa…” – ông Johan van den Ban cho biết.
Cũng theo ông Johan van den Ban, hiện nay nhà máy của De Heus ở Bình Định đang thu mua rất nhiều bắp của Việt Nam. “Tuy nhiên, chúng tôi rất tiếc là sản lượng bắp nội địa hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của chúng tôi” – vị Tổng Giám đốc này cho hay.
Người chăn nuôi "ngấm đòn" do giá thức ăn chăn nuôi tăng "dựng đứng", hơn 1 năm tăng đến 10 lần
Giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 10 lần chỉ trong vòng hơn 1 năm khiến người chăn nuôi "ngấm đòn".
Trong khi giá lợn hơi, gia cầm bấp bênh, từ sau Tết Nguyên đán tới nay có xu hướng giảm.
Thường xuyên duy trì quy mô 200 con nái và 600 lợn thịt, thế nhưng so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán, thì giờ đây, ông Đỗ Xuân Nhung, ở xã Kim Quan, huyện Thạch Thất (Hà Nội) phải chi thêm 6 triệu đồng mỗi ngày cho chi phí thức ăn chăn nuôi.
Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Tháng 3/2022, nhiều công ty tiếp tục thông báo tăng giá. Tính từ cuối năm 2020 tới nay thì đây là lần tăng giá thứ 10.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá lợn hơi từ sau Tết đến nay chỉ loanh quanh từ 50.000 - 55.000 đồng/kg khiến ông Nhung gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất.
"Giá thức ăn chăn nuôi từ năm ngoái đến nay tăng rất cao, hiện nay đang có chiều hướng tăng mà giá thực phẩm thì hạ nên người chăn nuôi gặp rất khó khăn. Mọi khi các trại làm còn có công có lãi nhưng giá thị trường thế này đối với người chăn nuôi thì chẳng được gì, chưa nói đến việc thua lỗ", ông Nhung buồn bã chia sẻ.
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng "dựng đứng" lên lần thứ 10, người chăn nuôi gặp khó. Ảnh: M.N
Với những nông hộ quy mô nhỏ hơn như ông Nguyễn Văn Sáu, ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn khi mỗi kg cám đã tăng từ 200 - 300 đồng/kg.
Mỗi ngày, ông Sáu đang phải chi thêm khoảng 200.000 đồng tiền cám cho đàn lợn thịt hơn 60 con. Đây cũng là lý do ông Sáu chưa dám tái đàn sau Tết để khôi phục sản xuất.
"Nếu giá thế này chăn nuôi không có công, đấy là còn chưa kể rủi ro về dịch bệnh", ông Sáu nói.
Hiện, cám dành cho lợn nái tiếp tục tăng khoảng 25.000 - 30.000 đồng/bao (loại 25 kg) lên 270.000 - 290.000 đồng/bao, còn cám dành cho lợn thịt ở mức 330.000 - 360.000 đồng/bao. Riêng một số loại thức ăn đậm đặc có giá lên đến 600.000 - 700.000 đồng/bao.
Sáng nay, 18/3, tại Hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 65% giá thành chăn nuôi lợn. Người chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Tổng đàn lợn trong nước phục hồi trở lại, năm 2020 đạt 22 triệu con, năm 2021 là 28 triệu con. Tuy nhiên, trái ngược với đà phục hồi của tổng đàn thì giá lợn hơi từ đầu năm 2021 đến nay bấp bênh và xu hướng chủ yếu là giảm.
Cụ thể, từ tháng 1/2021 - 8/2021, giá lợn hơi xuất chuồng giảm 30 - 35%, duy trì ở mức thấp 43.000 - 49.000 đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên 50.000 đồng/kg; tháng 12/2021 tăng lên 54.000 - 57.000 đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 2/2022.
Đến cuối tháng 2/2022 giảm xuống còn 53.000 - 56.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 3/2022 giảm xuống còn 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Công nhân đổ thức ăn chăm sóc đàn lợn nái tại trang trại của ông Phan Văn Miền (ở Yên Mô, Ninh Bình). Ảnh: HĐ
Theo Cục Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung (căng thẳng Nga - Ukraine). Hiện Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu lên tới 65%.
So với cùng kỳ tháng 3/2021, giá nguyên liệu thức ăn tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đồng/kg, khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg, DDGS (bã ngô) 10.300 đồng/kg, lúa mì 9.850 đồng/kg. Cục Chăn nuôi dự báo giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022.
Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh kéo theo giá thức ăn công nghiệp trong nước cũng tăng. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg; thức ăn cho gà lông màu 13.400 đồng/kg, thức ăn cho gà lông trắng 14.100 đồng/kg.
Để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài, theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chúng ta cần phải phát triển các vùng trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn công nghiệp (ngô, sắn...)
Tiếp đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần thức ăn công nghiệp từ nguyên liệu trong nước để hạ giá thành sản phẩm thức ăn công nghiệp.
Mặt khác, từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm. Tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu...
Tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn công nghiệp cho gia súc ăn cỏ.
Chân dung Tập đoàn Hoàng gia Hà Lan sở hữu số lượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhiều nhất Việt Nam Với việc sở hữu 22 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH De Heus Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi thị trường độc lập cả về quy mô, sản lượng và doanh thu. De Heus xây dựng vị trí vững chắc trên thị trường thức...