Tập đoàn điện lực Việt Nam: “Đập Sông Tranh 2 an toàn”
Trước ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng “cần chuẩn bị kịch bản xấu nhất cho Sông Tranh 2″, ông Trần Văn Được, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) khẳng định không cần thiết phải làm điều này vì đập Sông Tranh 2 an toàn.
“ Nền đá granite rất rắn chắc”
Lý do theo ông Được, tính toán của các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu (VLĐC) đã khẳng định, đập Sông Tranh 2 chịu được động đất cực đại 5,5 độ Richter. Lãnh đạo EVN cũng cho rằng, nền đá của đập thủy điện Sông Tranh 2 là một trong những nền đá tốt nhất.
Cán bộ H.Bắc Trà My tham quan đập Sông Tranh 2 trước khi dự tập huấn – Ảnh: Hoàng Sơn
Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1, khẳng định quy trình đặt nền đập phải tiến hành qua nhiều giai đoạn. Những nghiên cứu về chuyển động kiến tạo khu vực đã được cơ quan chuyên ngành là Viện VLĐC thực hiện. Ông Sơn cũng cho biết, đơn vị tư vấn đã phải tiến hành khoan hàng nghìn mũi để khảo sát, nghiên cứu.
Nền đá granite (đá hoa cương) là một trong những nền đá rắn chắc nhất. Nếu các nhà khoa học chỉ đứng phía trên đập thì làm sao biết dưới hố móng đập làm bằng đá gì? Phải nghiên cứu nghiêm túc, xem lại đầy đủ tài liệu rồi hãy kết luận
Ông Nguyễn Tài Sơn – Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1
“Nền đá granite (đá hoa cương) là một trong những nền đá rắn chắc nhất. Nếu các nhà khoa học chỉ đứng phía trên đập thì làm sao biết dưới hố móng đập làm bằng đá gì? Phải nghiên cứu nghiêm túc, xem lại đầy đủ tài liệu rồi hãy kết luận. Nói nền Sông Tranh 2 là nền đá granite yếu là chưa hiểu đặc tính, vì thời điểm để granite phong hóa phải hàng nghìn năm”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, ở VN cũng có một số đập làm trên nền yếu nhưng đã làm thành công vì xây dựng được các giải pháp an toàn, điển hình nhất là đập Hòa Bình (tầng cuội sỏi dày 30 m), đập Cửa Đạt, đập Tuyên Quang…
Dẫn lại kết luận của Hội đồng Nghiệm thu (HĐNT) nhà nước (Bộ Xây dựng), ông Sơn khẳng định, đập Sông Tranh 2 không bị lún nứt, không bị chuyển vị bất thường, kết cấu đập an toàn. “Sau khi có động đất, nhiều nhà khoa học nói là do kết cấu công trình, nhưng bây giờ khi HĐNT khẳng định độ an toàn của thân đập, thì họ lại quay ra nền đập. Người dân sẽ rất hoang mang khi có quá nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau giữa các nhà khoa học”, ông Sơn cho hay. Cũng theo ông Sơn, nghiên cứu của GS Cao Đình Triều nói trước khi xây Sông Tranh 2 khu vực này chưa có động đất là không đúng, vì theo số liệu của Viện VLĐC đã ghi nhận được các trận động đất trước đó.
Dẫn lại kết luận của HĐNT và Viện VLĐC, ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), cho rằng “cần phải tin tưởng vào số liệu của các cơ quan chính thống”. Trong khi đó, ông Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), cũng khẳng định nền đá granite rất rắn, khó phong hóa, không rạn vỡ.
Video đang HOT
Đập chỉ cách đới đứt gãy 2 km
PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện VLĐC), cho biết kết quả nghiên cứu của Viện VLĐC khẳng định trên các đới đứt gãy ở khu vực xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 có thể gây ra động đất mạnh nhất là 5,5 độ Richter đã được công bố rộng rãi từ năm 2003 sau khi đã được nghiệm thu. Kết quả này mang thương hiệu của Viện VLĐC.
Tôi rất băn khoăn trước các số liệu khảo sát trước khi xây dựng công trình thủy điện này. Các số liệu chính xác về tình hình động đất, các hoạt động của đới đứt gãy cũng không rõ ràng. Có hay không việc sao chép tài liệu, các số liệu đó có thực sự an tâm không?
Ông Trần Xuân Vinh – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Bình luận về việc GS Cao Đình Triều vừa công bố động đất kích thích tại Bắc Trà My liên quan đến việc tích nước của thủy điện Sông Tranh 2 có thể lên tới 6,1 độ Richter, TS Phương cho rằng số liệu này không có cơ sở. Ông Phương khẳng định, hiện chưa có cơ sở nào để nói động đất đất ở Bắc Trà My có thể mạnh tới 6,1 độ Richter. Trên thực tế, trong 300 năm qua (tính đến trước khi có thủy điện Sông Tranh 2), chúng ta mới chỉ ghi nhận 8 trận động đất xảy ra tại khu vực này, trong đó trận động đất có cường độ mạnh nhất cũng chỉ ở mức 4,8 độ Richter mà thôi.
Thêm vào đó, theo nguyên tắc đã được các nhà khoa học trên thế giới thừa nhận từ nhiều năm qua, động đất kích thích xảy ra không bao giờ mạnh hơn động đất kiến tạo mạnh nhất có thể xảy ra trên các đới đứt gãy đã được xác định.
TS Phương cho biết thêm, trong báo cáo tiền khả thi của Viện VLĐC thực hiện năm 2003 đã trình bày rất rõ ràng trên các bản đồ về vị trí của các đới đứt gãy, khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 chỉ cách đớt đứt gãy Trà Bồng chưa đầy 2 km. Đặt đập thủy điện gần đới đứt gãy thì nguy cơ xảy ra động đất kích thích là có thật và về mặt này, rõ ràng chọn vị trí đập tại đó là chưa phù hợp. “Tôi muốn nói rõ là, khi biết được mức độ nguy hiểm đó, chúng ta có thể thiết kế kháng chấn cho thân đập chịu được các rung chấn mạnh hơn, không gây thiệt hại cho đập. Tuy nhiên, cũng phải tính toán đến sự an toàn của người dân vì nhà của họ không thể chịu đựng được sức công phá của các trận động đất lớn. Đấy là sơ suất của chủ đầu tư”, TS Phương bày tỏ quan điểm.
Đưa ra Quốc hội
Tại kỳ họp Quốc hội (QH) sắp tới, chúng tôi sẽ đưa chuyện động đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 ra để làm sáng tỏ vấn đề. Những kết luận của các chuyên gia vừa qua chỉ là kết luận bước đầu của nhà quản lý trong hệ thống nhà nước dựa trên thực tế và hồ sơ thi công. Thú thực là từ sau kết luận đó, chính quyền địa phương và người dân vẫn chưa thật sự an tâm. Theo tôi cần phải có hội đồng phản biện độc lập của các chuyên gia. Và tôi phấn khởi, bởi nhóm chuyên gia độc lập của GS Cao Đình Triều đã có nghiên cứu về tình hình động đất như hiện nay. Không những vậy, theo tôi cần phải có chuyên gia nước ngoài.
Tôi rất băn khoăn trước các số liệu khảo sát trước khi xây dựng công trình thủy điện này. Các số liệu chính xác về tình hình động đất, các hoạt động của đới đứt gãy cũng không rõ ràng. Có hay không việc sao chép tài liệu, các số liệu đó có thực sự an tâm không? Vì chưa an tâm, và không thể lường trước được việc biến đổi khí hậu nên cần phải có kịch bản trong tình huống xấu nhất. Tôi cho rằng, cần thiết phải có một hội thảo để thống nhất giữa các bên liên quan. (Ông Trần Xuân Vinh – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam)
Có phải hai loại động đất hoạt động cùng lúc ?
Sáng qua mở báo ra đọc, lại thấy chuyên gia độc lập thông tin cường độ động đất tại Sông Tranh 2 có thể lên đến 6 độ Richter, tôi rất lo lắng. Động đất kích thích do tích nước lại rơi đúng vào đới đứt gãy là trường hợp cực kỳ nguy hiểm. Theo tôi, các nhà khoa học cần lưu tâm đến việc nghiên cứu, động đất tại Sông Tranh 2 có thể kết hợp cả hai dạng, động đất kiến tạo và động đất kích thích. Không loại trừ trường hợp động đất kích thích và động đất kiến tạo xảy ra đồng thời và cộng hưởng lẫn nhau. Nếu có trường hợp này thì rất nguy hiểm. (Ông Lê Trí Tập – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam)
Chỉ nghe nguồn chính thống
Theo chỉ đạo của Chính phủ thì chỉ có một cơ quan tuyên bố mức độ động đất ở Bắc Trà My nên huyện chỉ công nhận số liệu chính thức từ Viện VLĐC. Huyện vẫn tin tưởng kết luận được đưa ra trước đó, nếu có thay đổi thì Viện VLĐC sẽ thông báo.(Ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, Quảng Nam)
Động đất 6 độ Richter nhà cửa sẽ ra sao ?
Nhà tôi cách đập thủy điện Sông Tranh 2 khoảng gần 1 km về phía hạ lưu, hơn ai hết tôi rất lo lắng về sự an toàn của đập trong động đất. Động đất hơn 4 độ Richter đã nghe nổ long trời, nhà cửa đã nứt toác hết. Không biết động đất 6 độ Richter sẽ như thế nào? Nhà cửa sẽ ra làm sao? Đập có thể chịu được cấp 8, hay cấp 9 thì nghĩa lý gì khi nhà tôi đã sập. (Ông Lê Đình Thu – trú tại thôn 4, xã Trà Tân, H.Bắc Trà My)
Theo TNO
"Kịch bản ứng phó" nếu vỡ đập Sông Tranh 2
Một kịch bản giả định thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ do động đất xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My vừa được Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Trà My trình trước đoàn công tác của lãnh đạo Quân khu 5 đi khảo sát tại Sông Tranh 2 vào ngày 2/10.
Để kịp thời ứng phó với những bất thường của thời tiết, đặc biệt là trước mùa mưa bão đang đến gần, Quân khu 5 đã cử đoàn công tác đến khảo sát thực địa tại vùng động đất Trà My và thủy điện Sông Tranh 2.
Qua hơn 1 ngày khảo sát thực địa, đoàn công tác đã nghe báo cáo kịch bản giả định tình huống xấu nhất sau động đất là hồ chứa Sông Tranh 2 bị vỡ. Bên cạnh đó là phương án di chuyển dân cũng như các phương án tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Kịch bản vỡ đập Sông Tranh 2 sau động đất đã được chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu nhất.
Kịch bản giả định đưa ra: Sau trận động đất mạnh, đập Sông Tranh 2 bị vỡ, hàng chục nghìn hộ dân tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang và thị trấn Trà My phải sơ tán đến các điểm cao gần nhất để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tại mỗi điểm sơ tán, công tác hậu cần, y tế và tìm kiếm cứu nạn cũng được đưa ra tùy đặc điểm địa hình, số lượng dân và độ dâng của nước lũ.
Các lều trại, lương thực, thuốc men, đội ngũ nhân viên y tế được huy động để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân được lên sẵn sàng trong kịch bản chờ phê duyệt và triển khai diễn tập.
Với giả thiết này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lập tức triển khai hợp đồng tác chiến với 7 đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Sở Y tế để sẵn sàng ứng phó và xử lý trong mọi tình huống xấu nhất sau khi nhận được tin báo.
Ngay sau khi nghe báo cáo, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 nhấn mạnh, các biện pháp cần lưu ý bổ sung vào kịch bản này là phải tính đến các chi tiết nhỏ nhất như quãng đường đi, phương tiện, thời gian sơ tán, hiệu lệnh và lực lượng ứng phó cần huy động bao nhiêu tại chỗ và thời gian di chuyển quân để tăng cường...
Thiếu tướng Nhơn khẳng định: Phương châm 4 tại chỗ là quan trọng nhất. Người dân và chính quyền, ngành chức năng địa phương và các đơn vị quân đội cần phổ biến kỹ năng đến tận người dân và sẵn sàng ứng trực 24/24 trong mùa bão lũ này.
Được biết, sau khi có phương án được cơ quan chức năng phê duyệt, lực lượng quân đội và chính quyền địa phương sẽ tổ chức diễn tập thực tế tại địa bàn.
Như vậy, đến thời điểm này, các kịch bản cho tình huống xấu nhất với thủy điện Sông Tranh 2 và vùng động đất Trà My đã được lực lượng quân đội vào cuộc.
Theo Dantri
Lên kịch bản cho tình huống vỡ đập Thủy điện sông Tranh 2 "Cần phải lên phương án xấu nhất cho các hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm nay để có cách ứng phó thích hợp", đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong cuộc họp với các "ông chủ" hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ngày 1/10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp...