“Tập đoàn” cho vay lãi nặng, thu nợ bằng ảnh “khỏa thân” bị đề nghị án tù nghiêm khắc
Chiều 29-8, phiên tòa xét xử 135 bị cáo trong đường dây cho vay lãi nặng qua App chuyển sang phần tranh luận.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên xử phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.
Theo đó, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Zhang Min, Nguyễn Quang Vũ từ 10-11 năm về tội “ Cưỡng đoạt tài sản” và từ 2-3 năm về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tổng hợp hình phạt từ là 12-14 năm tù.
Đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Nghiêm Đức Giang từ 4-6 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, từ 2-3 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tổng hợp hình phạt là từ 6-9 năm tù. Tiếp đến, bị cáo Phạm Quang Yên bị đề nghị từ 4-5 năm tù về về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, từ 2-3 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tổng hợp hình phạt là từ 6-8 năm tù.
Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.
Nhóm bị cáo giữ vai trò tổ trưởng trong đường dân cho vay lãi nặng qua app là Bùi Đức Hoàng, Nguyễn Xuân Nam, Lê Xuân Điệp cùng bị đề nghị từ 18-24 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Nhóm bị cáo giữ vai trò là nhân viên truy thu hồi nợ bị đề nghị từ 3 – 3 năm 6 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và từ 12-15 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tổng hợp hình phạt là từ 4-5 năm tù.
Cùng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, bị cáo Trần Thị Hằng (tổ trưởng Telesales, thẩm định) bị đề nghị từ 24-30 tháng tù; Tổ trưởng tổ nhắc nợ Trần Thúy Vân bị đề nghị từ 18-24 tháng tù. Các bị cáo là nhân viên nhóm Telesales, thẩm định bị đề nghị từ 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách từ 36-48 tháng.
Những bị cáo có nhân thân xấu (có tiền án, tiền sự) đều áp dụng hình phạt tù không được hưởng án treo.
Theo đại diện VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án này chủ yếu là do tư lợi bản thân, muốn kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền.
Video đang HOT
Ngoài số lượng bị cáo đặc biệt lớn, nhiều bị hại và người liên quan cũng được triệu tập tới phiên xét xử.
Các bị cáo tham gia phạm tội có tổ chức hoạt động chuyên nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của Li Zhao Qiang, các bị cáo đã thành lập công ty, song chỉ hoạt động cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản của khách vay để có tiền chi phí cho hoạt động của công ty và trả lương nhân viên…
Các bị cáo trong nhóm telesale (mời chào) với các thủ đoạn mời chào, câu khách vay tiền cho công ty … để những người bị hại có nhu cầu vay tiền nhanh chóng đồng ý vay, sau đó trở thành các con nợ với lãi suất cao, lãi suất “cắt cổ”, mức phí ép buộc, (lãi suất quá hạn ấn định, ép buộc)…
Các bị cáo trong nhóm nhắc nợ, truy thu nợ với các thủ đoạn gọi điện từ nhắc trả nợ, chửi bới, đe dọa, cắt ghép hình ảnh đồi trụy, bậy bạ làm người vay lo sợ phải trả tiền.
Các bị cáo trong nhóm thẩm định hồ sơ, thông qua đồng ý cho vay thủ tục đơn giản, không có thế chấp tài sản đã giúp sức tích cực giúp cho các bị cáo có các khách vay với lãi suất “cắt cổ” dẫn tới không thể trả nợ được.
Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra nhiều hậu quả xấu. Các bị hại trở thành các “con nợ” không có khả năng thanh toán, bản thân bị bêu xấu, mất danh dự nhân phẩm; nhiều bị hại có người thân là bố mẹ, anh chị em, bạn bè người thân bị yêu cầu thanh toán trả nợ tiền đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tài chính, an ninh tiền tệ, gây bất ổn xã hội.
Theo VKS, vụ án có yếu tố nước ngoài, do các đối tượng nước ngoài điều hành đã chuyển số lượng lớn tiền ra nước ngoài, làm mất trật tự trị an xã hội nghiêm trọng; gây bức xúc, hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Do vậy, cần áp dụng mức hình phạt thật nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả mà bị cáo gây ra, mới có tác dụng giáo dục bị cáo và đáp ứng yêu cầu phòng ngừa chung cho xã hội.
Trước đó, theo cáo buộc, đối tượng Li Zhao Qiang (quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh Việt Nam, thuê máy chủ đặt tại Hong Kong và tạo lập các app như “Cash Vn”, “Vaynhanhpro”… cho khách là người Việt Nam vay tiền.
Nhóm này lấy lãi suất cao ngất ngưởng 43.000 đồng – 60.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương mức lãi suất từ 1.570% – 2.190%/năm) trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành trên cả nước.
Khi “con nợ” đến hạn không trả, Li Zhao Qiang chỉ đạo các đối tượng khác thực hiện các chiêu đòi nợ là dùng các số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa hoặc cắt ghép ảnh của khách vay và người thân trong danh bạ đăng lên các trang mạng xã hội để bôi nhọ, gây sức ép.
CQĐT xác định “trùm” Li Zhao Qiang đã điều hành các công ty, cho vay qua các App tổng số 120.780 khách với số tiền hơn 1.607 tỷ đồng, thu lợi bất chính 732 tỷ đồng.
Xét xử 135 bị cáo trong đường dây cho vay lãi nặng và ghép ảnh khỏa thân để đòi nợ
Ngày 22/8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 135 bị cáo trong vụ án: "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", "Trốn thuế" và "Cưỡng đoạt tài sản" do nhóm người Trung Quốc cầm đầu.
Hành vi phạm tội của nhóm người Trung Quốc thể hiện qua việc, thuê máy chủ tại Hồng Kông, lập hàng loạt app cho người Việt Nam vay tiền với lãi suất hơn 2.190% một năm, sau đó đòi nợ bằng cách ghép ảnh khỏa thân, ảnh quan tài, ảnh truy nã...., qua đó hưởng lợi bất hợp pháp 732 tỷ đồng.
Ngoài 135 bị cáo hầu tòa, Hội đồng xét xử còn triệu tập nhiều bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng rất nhiều người vắng mặt.
Các bị cáo bị bắt tạm giam (áo xanh) tại phiên tòa sáng 22/8.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, tháng 10/2017, Li Zhao Qiang (SN 1988, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam và tạo lập các app: "Cash Vn", "Vaynhanhpro"..., máy chủ đặt tại Hồng Kông. Các app này cho khách là người Việt Nam vay tiền với lãi suất cao, từ 43.000 đồng đến 60.000 đồng trên một triệu đồng một ngày (tương đương mức lãi suất từ 1.570% đến 2.190% một năm). Đường dây của Li Zhao Qiang hoạt động chủ yếu trên địa bàn TP Hà Nội, tuy nhiên cũng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Để tổ chức hoạt động cho khách vay tiền, Li Zhao Qiang bàn bạc và thuê Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, ở quận Ba Đình, Hà Nội) cùng nhiều đối tượng khác đứng tên thành lập, quản lý, điều hành một số công ty.
Li Zhao Qiang cũng đưa Zhang Min (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc), Liu Dan Yang (SN 1992, quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam, đồng thời tuyển dụng nhân viên làm việc tại các bộ phận mời chào (Telesale), thẩm định, nhắc và truy thu nợ.
Trong trường hợp khách vay chậm trả tiền thì nhóm đối tượng làm việc tại Công ty Metag và Công ty CSKH DCS do Zhang Min quản lý sẽ truy thu nợ bằng hình thức, sử dụng các số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa hoặc cắt ghép ảnh của khách vay và người thân trong danh bạ đăng lên các trang mạng xã hội để bôi nhọ nhằm gây sức ép để người vay phải trả tiền.
Toàn bộ hoạt động của đường dây phạm tội này được điều hành bởi hai "Tổng" là Công ty TNHH Công nghệ Newstar Việt Nam và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngôi Sao Việt. Hai công ty "Tổng" trên điều hành mọi hoạt động các công ty chi nhánh, trả lương cho nhân viên, phụ trách việc thẩm định toàn bộ hồ sơ vay của khách hàng.
Các bị cáo tại ngoại tại phiên tòa sáng 22/8.
Trong đó, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngôi Sao Việt trực tiếp giao dịch tiền cho vay qua các công ty trung gian thanh toán điện tử, chủ yếu là Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam. Công ty này không được cấp phép hoạt động thanh toán trung gian tại Việt Nam, nhưng do Li Zhao Qiang thành lập, đầu tư tiền rồi thuê đối tượng người Trung Quốc phụ trách kỹ thuật lập trình hệ thống thanh toán điện tử, trong đó có hệ thống giải pháp "Chi hộ" và "Thu hộ"- là giải ngân và thu tiền của khách vay.
Tại Việt Nam, Nguyễn Quang Vũ (ở Hà Nội) làm Phó Giám đốc phụ trách, cấp dưới là các trưởng bộ phận phụ trách từng mảng riêng biệt như Phan Đức Diễn (ở Hà Nội) làm ở bộ phận điều hành, Trần Thị Hằng (ở Hà Nội) phụ trách bộ phận thẩm định khách vay...
Các công ty chi nhánh của hai công ty "Tổng"ở Việt Nam gồm: Công ty Phát triển tầm nhìn Metag và Công ty Dịch vụ chăm sóc khách hàng DCS, hoạt động chính là để nhắc, truy thu nợ, sử dụng các khoản thu nợ để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên.
Mô hình hoạt động của nhóm cho vay nặng lãi trong vụ án này được thể hiện trong cáo trạng.
Với mô hình hoạt động trên, từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2022, các bị cáo đã thực hiện việc cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, trốn thuế, thu lợi bất hợp pháp tổng số tiền hơn 732 tỷ đồng.
Quá trình điều hành đường dây phạm tội này, Li Zhao Qiang nạp tiền vào các tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngôi Sao Việt để làm vốn cho vay qua các app "Cash VN", "Vay nhanh Pro"... và để Nguyễn Quang Vũ điều hành.
Sau đó, Nguyễn Quang Vũ giao cho cấp dưới là Trần Thị Hằng phụ trách, quản lý, hướng dẫn điều hành 28 nhân viên chuyên mời chào khách vay.
Mỗi nhân viên mới đều sẽ được cung cấp một máy tính cố định, có cài đặt phần mềm X-Lite để gọi đến khách hàng miễn phí và file hướng dẫn trả lời điện thoại cho từng tình huống xảy ra. Nhân viên của Nguyễn Quang Vũ phải học thuộc kịch bản trong file này.
Trường hợp khách đồng ý vay, nhân viên yêu cầu tải app và đăng ký tạo tài khoản, cung cấp các thông tin nhân thân, địa chỉ... Bộ phận thẩm định xác thực lại thông tin và duyệt khoản vay.
Để thu hồi tiền vay, các bị cáo chia nợ theo từng nhóm để áp dụng phương pháp đòi. Với nhóm M1 (quá hạn từ 4 đến 9 ngày), các bị cáo sẽ gọi điện chửi bới, lăng mạ, đe dọa....
Nhóm M2 (quá hạn từ 10 đến 17 ngày), các bị cáo sẽ đăng ảnh của khách hàng vào các tài khoản Facebook của khách hàng hoặc ghép ảnh khách hàng khỏa thân, quan tài, làm tình, truy nã....
Nhóm M3 (quá hạn từ 18 đến 25 ngày), các bị cáo đăng ảnh cắt ghép lên các trang mạng xã hội, khu vực quanh nhà, trực tiếp đến nhà riêng để đe dọa...
Cáo trạng xác định, đường dây phạm tội này đã cho 120.780 khách hàng vay tổng số tiền hơn 1.607 tỷ đồng lãi suất cao, qua đó thu lời bất chính hơn 732 tỷ đồng. Trong đó, app "Vay nhanh pro" thu lợi hơn 177 tỷ đồng; app "Cash VN" thu lợi hơn 547 tỷ đồng, app "Ovy"thu lợi hơn 7,5 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Li Zhao Qiang được xác định là đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Nhưng Li Zhao Qiang không có mặt tại Việt Nam nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã trong nước, đồng thời phối hợp làm thủ tục truy nã quốc tế đối với Li Zhao Qiang, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Theo kế hoạch, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.
Vẫn còn nhiều người bị sập bẫy khi vay tiền qua App Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, thời gian qua, các đối tượng cho vay tín dụng đen đã lập ra các website, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, các App (ứng dụng) cho vay tiền trên không gian mạng để tiếp cận người vay và cho vay với lãi suất "cắt cổ", gây ra nhiều hệ lụy, gây mất an...