Tập đoàn BP mua phần lớn cổ phần của dự án năng lượng tái tạo trị giá 36 tỷ USD
Ngày 15/6, “đại gia” dầu mỏ và khí đốt BP (Australia) thông báo đã mua 40,5% cổ phần của Trung tâm năng lượng tái tạo châu Á (AREH), ở phía Tây Australia, tiềm năng trở thành dự án năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới.
Theo đó, BP sẽ vận hành dự án AREH với diện tích 6.500 km tại vùng Pilbara, bờ Tây của Australia, một trong những khu vực khai thác mỏ lớn nhất thế giới. AREH có kinh phí 52 tỷ AUD (khoảng 36 tỷ USD), dự kiến có công suất 26 GW điện gió và Mặt trời, tức hơn 90 TWh mỗi năm, chiếm hơn 30% tổng sản lượng điện được sản xuất tại Australia năm 2020. Trung tâm này cũng sẽ sản xuất 1,6 triệu tấn hydro xanh mỗi năm.
Hydro xanh là hydro được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo và tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn nhiều so với hydro được sản xuất qua quá trình truyền thống như sử dụng khí tự nhiên. Do đó, hydro xanh được xem là giải pháp then chốt nhằm khử cacbon trong các ngành khó điện hóa như ngành khai thác mỏ khổng lồ ở Tây Australia.
AREH là một phần trong mục tiêu chiến lược của BP nhằm đạt 10% thị phần hydro cốt lõi trên toàn cầu.
Video đang HOT
Phần Lan tìm ra giải pháp thay thế khí đốt của Nga
Phần Lan cho biết họ có thể bù đắp lượng thiếu hụt khí đốt từ Nga bằng các nguồn khác và các mạng lưới năng lượng của Phần Lan sẽ tiếp tục "hoạt động bình thường".
Một nhà máy khí đốt của Gasum ở Rikkl, Imatra, miền Đông Phần Lan. Phần lớn khí hóa thạch nhập khẩu từ Nga đến Phần Lan qua thị trấn biên giới Imatra. Ảnh: Lehtikuva
Theo đài truyền hình công cộng Phần Lan YLE (yle.fi), nhà điều hành mạng lưới khí đốt Phần Lan Gasgrid cho biết rằng nguồn cung cấp khí đốt cho nước này vẫn ổn định bất chấp việc Nga cắt nguồn cung vào hôm 21/5.
Olli Sipil, Giám đốc điều hành của Gasgrid, thông báo việc cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga cho Phần Lan đã kết thúc vào sáng thứ Bảy (21/5). Thay vào đó, khí đốt đã bắt đầu chảy đến Phần Lan từ Baltic và việc chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
"Hệ thống của Phần Lan hiện đang cân bằng về mặt thương mại và vật lý. Tất nhiên, điều bất ngờ luôn có thể xảy ra; các lỗi kỹ thuật có thể xảy ra trong hệ thống. Đó là hoạt động bình thường", ông Sipil cho biết.
Kể từ 21/5, công ty năng lượng Gasum của Phần Lan đã nhập khẩu khí hóa thạch thông qua đường ống Balticconnector, kết nối Inkoo trên bờ biển phía Nam của Phần Lan với Paldiski ở Estonia.
Theo Jukka Leskel, Giám đốc điều hành của hiệp hội Năng lượng Phần Lan, việc gián đoạn nhập khẩu khí đốt từ Nga "không phải là vấn đề lớn" đối với hệ thống năng lượng Phần Lan. Đối với một số công ty riêng lẻ, nó có thể gây khó khăn trong tương lai, nhưng không có vấn đề trong vòng vài tháng tới.
Trước đó một ngày, công ty năng lượng Gasgrid của Phần Lan đã ký một thỏa thuận với Excelerate Energy có trụ sở tại Texas (Mỹ) để thuê tàu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu cuối Exemplar trong 10 năm. Con tàu sẽ giúp đáp ứng một phần nhu cầu khí đốt của Phần Lan trong trường hợp thiếu hụt.
Chính phủ Phần Lan lưu ý trạm đầu cuối trên sẽ được sử dụng vào mùa Đông năm sau và sẽ được đặt tại miền Nam Phần Lan. Nếu các cấu trúc cảng cần thiết ở Estonia được hoàn thành trước, kế hoạch là đặt trạm này tạm thời trên bờ biển Estonia. Chi phí của dự án LNG ước tính vào khoảng 460 triệu Euro theo thỏa thuận 10 năm.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Matti Vanhanen cho biết quyết định của Nga ngừng bán khí đốt cho nước này không liên quan đến quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan.
"Nhìn bề ngoài, có thể dễ dàng nói rằng các quyết định liên quan đến năng lượng là một phần áp lực do tìm kiếm tư cách thành viên NATO, nhưng không phải vậy. Điều đó có liên quan đến các lệnh trừng phạt và thực tế là chúng tôi không sẵn sàng chấp nhận thanh toán năng lượng của Nga bằng đồng rúp. Và họ (Moskva) đã thông báo trước với chúng tôi rằng việc giao hàng sẽ sớm bị cắt", ông Vanhanen nói.
Theo ông Vanhanen, việc ngừng cung cấp khí đốt từ Nga cũng mang rất nhiều ý nghĩa vì nó đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên. Đường ống sẽ được đóng lại và điều đó sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 5% tổng lượng tiêu thụ năng lượng ở Phần Lan. Nó chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp, giao thông vận tải, kết hợp phát nhiệt và điện. Hiện khoảng 30% khí đốt của Phần Lan đang được nhập khẩu từ các nước Baltic thông qua đường ống Balticconnector. Lượng nhập khẩu này cùng với trạm LNG, được cho là đủ để đáp ứng nhu cầu của Phần Lan.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho nước láng giềng Phần Lan hôm 21/5. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã "ngừng hoàn toàn việc giao khí đốt" vì chưa nhận được khoản thanh toán bằng đồng rúp từ công ty năng lượng nhà nước Gasum của Phần Lan "vào cuối ngày làm việc ngày 20/5".
Gazprom đã cung cấp khoảng 1,5 tỷ mét khối khí đốt cho Phần Lan vào năm ngoái. Lượng khí đốt đó chiếm khoảng 2/3 lượng tiêu thụ khí đốt của cả nước nhưng chỉ chiếm 8% tổng lượng năng lượng sử dụng.
Anh kêu gọi các tập đoàn dầu khí Shell, BP đầu tư vào năng lượng tái tạo Thủ tướng Anh - Boris Johnson kêu gọi các công ty dầu khí BP Plc và Shell Plc đầu tư nhanh vào năng lượng tái tạo để củng cố an ninh năng lượng của Vương quốc Anh, vì giá cả tăng cao "bóp nghẹt" ngân sách của các hộ gia đình. Ảnh minh họa. Thủ tướng nói với Sky News hôm 6/5 rằng,...