Tập Cận Bình lập ADIZ để củng cố quyền lực nội bộ
Tập Cận Bình thiết lập ADIZ, chọn Nhật Bản là mục tiêu để củng cố quyền lực, bởi lẽ Trung Quốc chưa đủ sức mạnh để thách thức nước Mỹ.
Một bài viết trên tờ Mingjing News (Hong Kong) cho rằng, ông Tập Cận Bình muốn sử dụng vùng nhận dạng phòng không mới ở Hoa Đông (ADIZ) như một công cụ để củng cố quyền lực trong nước và dập tắt những tiếng nói đối lập trong đảng cũng như của một số quan chức vẫn ngấm ngầm ủng hộ chính trị gia thất sủng Bạc Hy Lai.
Bài báo cho rằng, ông Tập đang đứng trước áp lực phải tìm ra phương cách giải quyết nhiều vấn đề vốn chưa từng tồn tại dưới thời Đặng Tiểu Bình. Dù có quyết định sẽ tiếp tục đi theo tư tưởng Mao Trạch Đông hay không, ông Tập vẫn phải lo đối phó với khá nhiều nhân vật phản đối các chính sách của ông và xót thương ông Bạc, người vốn từng được coi là một “hạt giống đỏ” cho thượng tầng quyền lực ở Trung Quốc.
Mingjing cho rằng, trong tình thế đó, Tập Cận Bình đã tự rút ra kết luận rằng tương lai chính trị của ông trong thập kỷ tiếp theo phụ thuộc vào việc có kiểm soát được quân đội hay không. Cả Mao Trạch Đông và đặc biệt là Đặng Tiểu Bình trước đây đều củng cố quyền lực thông qua chiến tranh. Đặng Tiểu Bình đã dập tắt được các ý kiến đối lập trong đảng và quân đội, đồng thời thông qua được hàng loạt các chính sách sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, dù đây là một cuộc chiến mà Trung Quốc phải trả giá đắt, cả về khía cạnh tài chính lẫn con số thương vong của binh lính.
Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc mới thiết lập ở Hoa Đông có thể chỉ là công cụ giúp ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực trong nước
Theo bình luận của Mingjing, đến lượt mình, Tập Cận Bình đã chọn Nhật Bản là mục tiêu để củng cố quyền lực, bởi lẽ Trung Quốc chưa đủ sức mạnh để thách thức nước Mỹ. Cả quyền lực cứng và quyền lực mềm của Trung Quốc còn lâu nữa mới đạt đến trình độ có thể đấu với Mỹ, vì thế, tranh chấp với Nhật Bản có vẻ là một sự lựa chọn ít rủi ro hơn.
Nếu Nhật Bản thừa nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc tự lập ra ở Hoa Đông, Tập Cận Bình không những sẽ giành thắng lợi trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), mà còn có cơ hội mở rộng vùng ảnh hưởng ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời củng cố được quyền lực trong quân đội.
Video đang HOT
Ngay cả trong trường hợp Nhật không thừa nhận ADIZ (và điều này nhiều khả năng xảy ra hơn), thì Hải quân Trung Quốc vẫn có thể nhân cơ hội đó mà kéo dài tranh chấp Hoa Đông, gây hao tổn nguồn lực của Nhật và cải thiện vị thế của Trung Quốc trong khu vực này.
Mingjing cho rằng ADIZ là một khái niệm vô cùng mơ hồ, nhằm giúp Trung Quốc có đường lui nếu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc không chịu nhún. Khi thiết lập ADIZ, Trung Quốc không cấm máy bay quân sự các nước bay vào đó, mà chỉ yêu cầu phải thông báo. ADIZ hoàn toàn khác với vùng không phận.
Việc thiết lập ADIZ chỉ có nghĩa là các máy bay nước ngoài khi bay qua khu vực này sẽ bị quân đội Trung Quốc giám sát. Nhưng trên thực tế, việc giám sát này đã diễn ra từ lâu, trước cả khi khái niệm ADIZ được nhắc đến. Và như vậy, ý nghĩa lớn nhất của nó chỉ là chiêu trò để Tập Cận Bình củng cố quyền lực nội bộ.
Có cùng quan điểm với bài viết trên tờ Mingjing, cây viết bình luận William Pesek của Bloomberg (Mỹ ) cũng cho rằng, Tập Cận Bình, người đang được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở Trung Quốc kể từ sau Đặng Tiểu Bình đang chấp nhận nguy cơ đối đầu với Nhật Bản để phân tán dư luận chống đối các kế hoạch cải cách mà ông này đề ra, cũng như xoa dịu sự bất mãn ngày càng tăng của người Trung Quốc trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, thu nhập bất bình đẳng và tham nhũng của quan chức. Không gì đoàn kết 1,3 tỷ người Trung Quốc tốt hơn là khơi dậy tinh thần chống Nhật.
Tuy nhiên, việc thiết lập ADIZ có thể lợi bất cập hại đối với chính Trung Quốc. Nước này vốn luôn nhắc đi nhắc lại rằng tham vọng toàn cầu của họ là trỗi dậy hòa bình, và rằng hiếu chiến không phải là bản chất của người Trung Quốc. Họ cũng khẳng định Trung Quốc tin tưởng vào sự tôn trọng công việc nội bộ của các quốc gia khác. Và Trung Quốc muốn đem văn hóa vươn ra thế giới. Thế nhưng, ADIZ và những động thái trên thực tế gần đây của Trung Quốc lại khiến người ta cảm thấy khó mà tin vào những lời lẽ hay ho, tốt đẹp này.
Theo Tri Thức Trẻ
Trung Quốc "chém gió" về khả năng kiểm soát ADIZ?
Không quân Trung Quốc cho hay, công tác giám sát mục tiêu ở ADIZ có hiệu quả sau khi 12 máy bay nước ngoài đi vào khu vực này được nhận dạng.
Phát ngôn viên của lực lượng Không quân Trung Quốc là ông Shen Jinke đưa ra nhận xét trên sau khi hai máy bay giám sát của Mỹ và 10 máy bay Nhật đi vào ADIZ được nhận dạng.
Cũng theo phát ngôn viên này, Không quân Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh của mình kể từ khi cùng hải quân tuần tra vùng ADIZ. Ngoài ra, đơn vị này cũng đảm trách việc nhận dạng, thẩm tra các máy bay nước ngoài bay qua vùng này.
Trước đó, báo chí Trung Quốc, Tín báo của Hong Kong (Trung Quốc), đã phân tích về các hạn chế, thiếu sót trong việc thiết lập ADIZ của chính quyền Bắc Kinh.
Chiến đấu cơ Jian-10 của Trung Quốc.
Họ cho rằng, Trung Quốc đã ở vào thế "cưỡi hổ", tạo cớ cho Mỹ thực hiện chiến lược "trở lại châu Á". Bắc Kinh chưa suy nghĩ chu toàn khi đưa ra ADIZ.
Thứ nhất là về cơ sở vật chất phục vụ cho ADIZ. Nhằm thực thi nhiệm vụ của ADIZ, ngoài sự hỗ trợ của các căn cứ không quân, Nhật Bản đã xây dựng 28 căn cứ giám sát bằng radar chính xác cường độ mạnh, riêng ở quần đảo Ryukyu đã có 4 trạm radar, trong đó 1 trạm radar đặt ở đảo Miyako, chỉ cách đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền khoảng 200 km.
Phần cứng hỗ trợ thực thi nhiệm vụ của ADIZ do Mỹ thiết lập thậm chí còn mạnh hơn nhiều. Chỉ riêng ở miền Đông nước này, Mỹ đã xây dựng 178 trạm radar trong hệ thống ADIZ, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm AWACS, 8 căn cứ không quân và hàng loạt căn cứ tên lửa đạn đạo dọc bờ biển.
Khu vực Nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương thiết lập
Hiện nay, người ta không rõ Trung Quốc có bao nhiêu trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ nhận dạng phòng không ADIZ, nhưng từ những gì báo chí đưa tin thì thấy sau khi tuyên bố thành lập ADIZ, họ "điều hai đợt máy bay tuần tra một lượt."
Mấy trăm nghìn km2 mặt biển mà chỉ có tuần tra như vậy thì không khác nào "mò kim đáy biển".
Thứ hai, liệu Trung Quốc đã đủ năng lực chấp pháp để đối phó với nước lớn từ chối hợp tác (đáp ứng yêu cầu về ADIZ do Trung Quốc đặt ra) hay chưa? Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay Mỹ tiến vào ADIZ do Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông, không đi tiếp vào không phận của Trung Quốc, nhưng do Trung Quốc phán đoán sai lầm, dẫn tới xung đột leo thang thành chiến tranh khu vực. Khi đó, cuộc chiến tranh xảy ra ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc, lãnh thổ của Mỹ thì ở cách xa hàng vạn km, ai sẽ là người chịu thiệt?
Cuối cùng là về mặt kĩ thuật. Vì một nguyên nhân nào đó như khí tài bị hư hỏng, phương tiện bay tiến vào ADIZ do Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông không thể làm theo yêu cầu của phía Trung Quốc, không thể liên lạc vô tuyến được thì làm thế nào để bắn tín hiệu cảnh báo cho đối phương như chao nghiêng hay bật đèn sáng.
Trong trường hợp máy bay buộc phải hạ cánh, động tác chỉ thị và trả lời sẽ khá phức tạp, càng không thể không nói rõ.
Tuy nhiên, văn bản chính thức do Trung Quốc đưa ra lại thiếu chỉ dẫn cho những trường hợp này, là một biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp.
Theo NTD
Quan chức quân đội Mỹ: Sẽ tiến hành bay hàng ngày qua ADIZ của Trung Quốc Những tuyên bố và hành động gần đây của giới chức và quân đội Mỹ cho thấy các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ sẽ diễn ra dày hơn, dồn dập hơn ở khu vực mà Bắc Kinh đang cố gắng muốn kiểm soát. Trả lời phỏng vấn trên báo Bloomberg ngày 30/11/2013 một quan chức của quân đội Mỹ (giấu tên)...