Tập Cận Bình có nghiêm túc giúp Trump “trói tay” Kim Jong-un?
Bị Triều Tiên 5 lần 7 lượt làm “mất mặt”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liệu có thành ý giúp chính quyền Donald Trump kiềm chế Triều Tiên, “trói tay” nhà lãnh đạo Kim Jong-un một cách nghiêm túc hay không?
Vụ thử hạt nhân thứ 6 của chính quyền Kim Jong-un hôm 3.9 được cho là sẽ không thay đổi lập trường lâu nay của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên.
Trung Quốc đã mạnh mẽ lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên hôm 3.9. Đặc biệt, Bắc Kinh lần này gửi công hàm phản đối đến đại diện ngoại giao Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế, không làm leo thang căng thẳng.
“Chúng tôi đã trao công hàm phản đối nghiêm khắc cho người phụ trách Đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại cuộc họp báo thường kỳ.
Động thái này của Bắc Kinh dấy lên hy vọng, chính quyền Tập Cận Bình sẽ nghiêm túc giúp Mỹ kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên bởi viễn cảnh chính quyền Kim Jong-un sở hữu vũ khí hủy diệt cũng là điều Bắc Kinh không hề mong muốn.
Hơn nữa, Bình Nhưỡng đã 5 lần 7 lượt vừa làm “mất mặt” Trung Quốc vừa đặt nước này vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi liên tục thử tên lửa, hạt nhân vào những thời điểm nhạy cảm đối với Bắc Kinh.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên hôm 3.9 diễn ra vào đúng ngày khai mạc hội nghị các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Hạ Môn (Trung Quốc), một sự kiện đối ngoại lớn do đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì. Theo đó, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo từ Nga, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc tại Hạ Môn trong phút chốc bị các tin tức về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên làm lu mờ.
Trước đó, hồi tháng 5, Triều Tiên cũng bị cho là đã làm Trung Quốc “ nóng mặt” khi phóng một tên lửa ra Biển Nhật Bản vào đúng ngày Diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế khai mạc tại Bắc Kinh.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, theo sau tuyên bố lên án của Bắc Kinh sẽ là lời kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán và nhấn mạnh đây là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân trong 1/4 thế kỷ. Các cuộc đàm phán, những lời đe dọa hay bất cứ lý do gì cũng không thể thay đổi tiến trình đó của nước này.
Đặc biệt là kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đẩy mạnh đáng kể tốc độ thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Chỉ mới tuần trước, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên qua không phận Nhật Bản đẩy căng thẳng trong khu vực lên tới đỉnh điểm. Căng thẳng còn chưa kịp hạ nhiệt, nước này tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 6.
Dù vẫn còn một chặng đường dài để Triều Tiên sở hữu kho vũ khí hạt nhân đầy đủ năng lực, nhưng Bình Nhưỡng sẽ sớm khắc phục được các vấn đề kỹ thuật trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, khả năng tái xâm nhập khí quyển của tên lửa để thực sự trở thành một cường quốc hạt nhân.
Chuyên gia về hạt nhân Cheng Xiaohe của Đại học Nhân Dân (Trung Quốc) nhận định, đối với Bắc Kinh, một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân vẫn ít nguy hiểm hơn một Triều Tiên sụp đổ về mặt chính trị. Khi đó, bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất và nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ cùng đồng minh Hàn Quốc. Do đó, vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên cũng sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi lập trường lâu nay của mình về vấn đề Triều Tiên.
“Vụ thử hạt nhân thứ 6 có thể khiến Trung Quốc làm gì đó mạnh tay. Đây là một phép thử chính trị. Dù vậy, mọi thứ sẽ không đi về hướng đó”, ông Cheng Xiaohe nhấn mạnh.
Ngoài ra, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng diễn ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình còn đang bận rộn chuẩn bị cho đại hội đảng toàn quốc vào giữa tháng 10 này. Trước những sự kiện quan trọng, Trung Quốc luôn muốn duy trì sự ổn định trong nước. Do đó, Bắc Kinh được cho là sẽ nỗ lực duy trì hiện trạng hơn là bắt tay với chính quyền Trump – động thái có thể khiến Triều Tiên quay lưng lại với đồng minh ruột lâu năm, gây hậu quả khôn lường cho Trung Quốc.
Theo Danviet
Triều Tiên - 'kỳ đà cản mũi' tham vọng quyền lực của Trung Quốc
Các động thái của Triều Tiên khiến Trung Quốc khó thực hiện được tham vọng thế chỗ Mỹ như cường quốc có sức chi phối ở châu Á.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và quan chức Trung Quốc Lưu Vân Sơn. Ảnh: KCNA.
Hai người đàn ông đứng cùng nhau trên lễ đài quan sát cuộc duyệt binh tại quảng trường ở Bình Nhưỡng năm 2015: một người là quan chức hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn, người kia là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đã gần hai năm trôi qua kể từ cuộc viếng thăm cấp cao cuối cùng giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng cách giữa hai quốc gia này ngày càng nới rộng: một cường quốc đang lên muốn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, một nước láng giềng khó đoán với tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc từ lâu đã thể hiện rõ mục tiêu lâu dài của họ là thay thế vị trí của Mỹ để trở thành một cường quốc có sức chi phối ở châu Á, theo NYTimes. Nhưng Triều Tiên, nước cuối tuần qua thử hạt nhân lần thứ sáu, đã trở thành trở ngại khó ngờ và dai dẳng trên con đường vươn tới đỉnh cao quyền lực đó.
Để đạt được tham vọng về quyền lực của mình, Trung Quốc muốn Mỹ rút lui khỏi châu Á và gửi thông điệp đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng họ không thể trông đợi vào sự bảo vệ của Washington. Nhưng tham vọng hạt nhân ngày càng lớn của Triều Tiên đang khiến Mỹ can thiệp sâu hơn vào châu Á và khiến Trung Quốc khó có thể thuyết phục các nước đồng minh của Mỹ rằng họ không cần "cái ô hạt nhân" của Washington.
Những rào cản lớn khác cũng chặn bước Trung Quốc trên con đường gia tăng ảnh hưởng. Tuy Mỹ có những dấu hiệu rút lui khỏi châu Á dưới thời chính quyền Trump, họ vẫn có sức mạnh quân sự rất lớn tại khu vực này. Ấn Độ và Nhật Bản, các đối thủ truyền thống của Trung Quốc trong khu vực, đã thể hiện rõ ý định chống lại sức ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Đồng thời, vị trí chiến lược và năng lực hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên cũng khiến Trung Quốc khó kiềm chế được họ.
"Triều Tiên có thể không phải là vấn đề lớn nhất đối với Trung Quốc, nhưng họ đặt ra một thách thức đặc biệt và nghiêm trọng với tham vọng của Trung Quốc là hất cẳng Mỹ khỏi Đông Á", Hugh White, cựu chiến lược gia của Bộ Quốc phòng Australia, nói.
Ngay cả khi Mỹ rút khỏi khu vực, "sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể không bao giờ chi phối được khu vực như các nhà lãnh đạo của họ hy vọng".
Trong một cuộc hội thảo chuyên ngành kéo dài ba ngày ở Thượng Hải hồi tháng trước, các học giả Trung Quốc đã đặt câu hỏi liệu Triều Tiên có thực sự có giá trị với Bắc Kinh như một vùng đệm chiến lược đối trọng với Hàn Quốc và Nhật Bản hay không. Họ cũng cảnh báo rằng mối đe dọa từ Triều Tiên có thể thúc đẩy Nhật - Hàn tự phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe Bình Nhưỡng.
"Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc cảm thấy buộc phải đi đến các lựa chọn cực đoan như tự phát triển vũ khí hạt nhân, việc đó sẽ ảnh hưởng xấu đến ngoại giao khu vực", Zhu Feng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nói.
Sự phổ biến của vũ khí hạt nhân trong khu vực sẽ đẩy Trung Quốc vào "một cuộc chiến tranh lạnh mới" ở châu Á và có thể khiến Mỹ tăng hiện diện quân sự tại đây. Điều đó sẽ cản trở đáng kể tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, đồng thời khiến họ có nguy cơ bị coi là nhân tố kích động phổ biến hạt nhân, ảnh hưởng đến uy tín trên trường quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biết rõ những rủi ro đó và đã tỏ thái độ không hài lòng đối với ông Kim.
Nhưng cũng giống như những người tiền nhiệm, ông Tập phản đối các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn có thể khiến chính quyền Triều Tiên sụp đổ, vì Bắc Kinh luôn lo ngại nguy cơ nổ ra bất ổn ở biên giới và khủng hoảng tị nạn tại đông bắc Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng phản đối viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất bằng vũ lực từ phía liên minh Mỹ - Hàn.
Các chiến lược gia Trung Quốc từ lâu coi sự tồn vong của chính quyền Triều Tiên là vấn đề liên quan đến lợi ích và an ninh quốc gia của nước này. Khi phải lựa chọn giữa gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và đảm bảo an ninh quốc gia sát sườn, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải thiên về yếu tố thứ hai.
Trong các hội thảo quốc tế, giới học giả và tướng lĩnh về hưu Trung Quốc cũng luôn khẳng định luận điểm này. Đối với họ, sự ổn định của chế độ chính trị ở Bình Nhưỡng là bất di bất dịch, bởi vậy, khả năng gây tác động của Trung Quốc tới Triều Tiên là rất hạn chế.
Phương Vũ
Theo VNE
Putin cảnh báo nguy cơ 'thảm họa toàn cầu' từ khủng hoảng Triều Tiên Putin cảnh báo về hậu quả nếu không có giải pháp ngoại giao về Triều Tiên, nói rằng áp đặt thêm lệnh trừng phạt sẽ vô dụng. Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters. "Nga lên án các cuộc diễn tập của Triều Tiên, chúng tôi cho rằng đó là một hành động khiêu khích, nhưng việc tăng cường hăm dọa quân sự sẽ...