Tạo sinh kế, giúp giảm nghèo bền vững
Tạo sinh kế, giúp hộ khó khăn tăng thu nhập, cải thiện đời sống bằng cách hỗ trợ con giống, phân bón, phương tiện sản xuất… là cách MTTQVN các xã, phường của TP.Vũng Tàu triển khai thực hiện để giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Hoài (trái), Chủ tịch UBMTTQVN phường 11 trao máy may cho bà Nguyễn Thị Vân.
Buổi sáng, sau khi đi chợ, bà Trương Thị Ba (66 tuổi, 6/13, Bắc Sơn, phường 11) tranh thủ băm rau. Số rau già này được mấy tiểu thương cho hoặc bán với giá rẻ, bà đem về băm và trộn cám cho gà ăn. Hơn 20 con gà trưởng thành được bà nhốt cẩn thận trong chuồng, chuẩn bị xuất nốt trước khi nuôi bầy gà mới. Chồng mất đã lâu, bà Ba có 2 người con thì cậu con trai có gia đình, ở riêng, hai vợ chồng đều làm công nhân nên không dư giả gì, cô con gái sau bị khuyết tật, ở chung với bà. “Trước đây ai kêu gì tôi làm nấy, sau này có tuổi, đau khớp nên chỉ ở nhà, mượn đất trồng vài luống rau, nuôi vài con gà. Cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau…”, bà Ba nói.
Tháng 10/2020, bà Ba được hỗ trợ 160 con gà giống và cám (tổng trị giá 5 triệu đồng). Bà mừng lắm, chăm chút đàn gà mỗi ngày và đã xuất chuồng 140 con vào dịp Tết Nguyên đán. 20 con “còi” hơn được bà giữ lại, chăm cho béo tốt, mượt mà để bán dần. “Trừ 5 triệu đồng tiền vốn ban đầu tôi cũng lại được gần 4 triệu đồng tiền lãi. Mừng lắm. Tôi để dành cả vốn và gốc, mai mốt tiếp tục làm vốn chuẩn bị tái đàn. Sau này đường phía trước nhà mở rộng, tôi có thể mua ít đồ, mở tiệm tạp hóa nhỏ, túc tắc bán qua ngày”, bà Ba nhẩm tính.
Video đang HOT
Cũng được MTTQ phường 11 hỗ trợ 5 triệu đồng vào cuối tháng 10/2020, bà Nguyễn Thị Vân (69 tuổi, 988/34/5B, đường 30/4) đã góp thêm 1 triệu đồng để mua chiếc máy may mới. Bà Vân là hộ nghèo chuẩn tỉnh, hiện ở với hai vợ chồng người con trai và 2 cháu nội. Anh Phạm Hữu Trí, con bà Vân bị tật ở chân, khó khăn trong đi lại, nhưng được mẹ truyền cho nghề may. Hai mẹ con ở nhà nhận may mới hoặc sửa chữa quần áo cho khách. “Cái máy may cũ đã mấy chục năm, mỗi lần may vất vả lắm vì hiệu quả thấp. Giờ được địa phương hỗ trợ máy mới, mẹ con tôi làm khỏe re. Trong hẻm sâu, ít khách, tôi nhận thêm hàng ráp đồ cho các tiệm may lớn. Dịp lễ, Tết, hai mẹ con cũng kiếm được vài trăm ngàn/ngày”, bà Vân chia sẻ.
Đối với gia đình bà Phạm Thị Xem (1658/4, đường 30/4, phường 12) thì số tiền 3 triệu đồng được MTTQ phường hỗ trợ đã được “chuyển đổi” thành 12 cặp ếch giống. Vợ chồng bà Xem ở Gò Công, Tiền Giang dắt díu nhau tới TP.Vũng Tàu hơn 20 năm trước, từng được xem là hộ “nghèo bền vững” khi nghề nghiệp không có, lại nuôi 4 người con. Chồng làm thợ hồ, vợ làm thuê mướn, ai kêu gì cũng làm, chăm chỉ, chịu khó nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Bà được Hội LHPN phường giới thiệu vay vốn nuôi gà, vịt, nuôi tôm và lo cho con ăn học. Vài năm trước, các con trưởng thành, ra riêng, hai vợ chồng bà mới đỡ vất vả. Năm 2017, cậu con út tốt nghiệp ĐH Nông-Lâm TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn mẹ nuôi ếch. Sau vài lần thất bại, bà Xem đã thành thạo với mô hình nuôi ếch giống và ếch thành phẩm. Hiện chuồng của bà có 40 cặp ếch trưởng thành giữ lại làm ếch giống. Không chỉ cung cấp ếch giống, bà còn nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho những người muốn nuôi ếch. Bà Xem còn nuôi thêm đàn gà, vịt khoảng 60 con các loại, cung cấp lẻ ra thị trường. Nhờ siêng năng, hay lam hay làm, hai vợ chồng bà Xem đã trả hết nợ, đồng thời dành dụm cất được căn nhà rộng rãi. Năm 2020, bà Xem thoát nghèo.Theo bà Nguyễn Thị Mai Diễm, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, các mô hình trồng trọt triển khai trên địa bàn thành phố không còn phù hợp. Vì vậy, nhiều năm qua, các xã, phường đã linh động hỗ trợ người nghèo, hộ khó khăn (nhất là những gia đình có người khuyết tật, yếu thế) chuyển đổi phương thức sản xuất, như: tặng máy may, tặng con giống, hỗ trợ mở tiệm tạp hóa hoặc tiệm bánh cuốn, xe nước mía… phù hợp nhu cầu thực tế của từng hoàn cảnh. Điều này tạo sự phấn khởi cho các hộ khó khăn, đồng thời là động lực để họ vươn lên, có sinh kế tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó thoát nghèo bền vững.
Sinh kế đồi - rừng nâng thu nhập cho người dân Đắk Lắk
Từ thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng khó khăn.
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng quan điểm "trao cần câu, không trao con cá", các mô hình sinh kế từ chương trình giảm nghèo bền vững đang được tỉnh Đắk Lắk thực hiện hiệu quả. Từ thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng khó khăn.
Vui vẻ giới thiệu về đồi keo lai phát triển xanh tốt, ông Sùng Minh Phương, ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, thành quả này phần lớn là nhờ nguồn vốn từ Dự án giảm nghèo bền vững hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước kia, trên 3 ha đất cằn, gia đình ông trồng ngô, sắn, đậu..., năng suất thấp, giá cả bấp bênh nên cái nghèo cứ luẩn quẩn.
Mô hình sinh kế đồi - rừng đang phát huy hiệu quả ở xã đặc biệt khó khăn Cư Pui của Đắk Lắk.
Tháng 5/2019, từ sự hỗ trợ của dự án giảm nghèo bền vững, ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng keo. Tuy thời gian kéo dài 4-5 năm mới khai thác, nhưng chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, có thể trồng xen các cây khác dưới tán cây đã giúp ông yên tâm chuyển đổi.
"Trước đây đất đồi chỉ trồng cây mì nên tốn nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả thu về không được bao nhiêu. Từ ngày được chính quyền hỗ trợ chuyển đổi qua trồng cây keo lai đã thấy rõ hiệu quả vì không tốn công nhiều công chăm sóc, giá thu mua keo lai hiện nay cũng cao. Khoảng 2 năm nữa rừng keo sẽ cho thu hoạch, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư trồng cây keo và mong muốn mở rộng thêm diện tích trồng keo", ông Sùng Minh Phương nói.
Cũng là một người dân được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ từ Dự án giảm nghèo bền vững khu vực Tây Nguyên, từ tháng 8/2018, bà Hà Thị Hồng, thôn Ea Bar đã chuyển đổi 6 sào cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng dứa nếp lai không gai.
Trái dứa ở Cư Pui nói riêng, Krông Bông nói chung có ưu điểm quả to, giòn và nhiều mật nên được khách hàng rất ưa chuộng. Hiện với giá bán từ 15.000 - 18.000 đồng/trái, vườn dứa đem lại thu nhập cho gia đình bà từ 50 - 70 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, với giá 1.000 đồng/chồi dứa giống, gia đình còn có khoản thu gần 10 triệu đồng.
"Gia đình được hỗ trợ từ dự án 6 sào đất trồng với 6.000 mắt dứa, sau đó gia đình bỏ tiền đầu tư mua mắt và trồng thêm 1 ha, năm ngoái đã cho thu. Dự tính năm nay gia đình sẽ mở rộng diện tích khoảng 8 sào trồng dứa nữa", bà Hà Thị Hồng chia sẻ.
Dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ người dân Krông Bông trồng dứa trên đất đồi cho thu nhập cao.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, Cư Pui là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk với 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhờ sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, trong 3 năm qua, 200 ha đất đồi cằn cỗi đã được người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng keo lai, bạch đàn, dứa nếp lai đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Từ hiệu quả của mô hình đồi - rừng kết hợp, nhiều hộ dân ở Cư Pui đã đăng ký trồng rừng để phát triển kinh tế. Với lợi thế về đất đai rộng, kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng nguyên liệu, cũng là một trong những định hướng phát triển của địa phương trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, riêng năm 2021 này, xã Cư Pui phấn đấu trồng được 300 ha rừng sản xuất thông qua các chương trình của dự án, cũng như các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo của nhà nước, địa phương đang đẩy mạnh trồng rừng trên địa bàn xã.
"Với mục đích chuyển đổi những diện tích không thích hợp trồng hoa màu sang trồng rừng, nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, hạn chế tình trạng xói mòn ở khu vực... sau 5 năm trồng rừng, nhiều bà con đã cải thiện được thu nhập. Tới đây, xã tiếp tục tạo điều kiện cho người dân bằng cách thông qua dự án giảm nghèo bền vững hỗ trợ giống, tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn từ ngân hàng chính sách để hỗ trợ trồng rừng", ông Tâm khẳng định.
Hiệu quả từ mô hình tạo sinh kế đồi - rừng ở Cư Pui đã giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất, không còn tư tưởng ỉ lại, thụ động, biết khai thác những lợi thế của địa phương để tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp. Đây cũng là cách làm của nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk nhằm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo bền vững./.
Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 2-3 lần sau 5 năm Dự kiến sáng nay (11/12) sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Hội nghị sẽ tập trung đánh giá Kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76 của Quốc hội thực hiện giảm...