Táo quân 2014 gây sốc khi Người Dân “ném giày” vào Táo Điện lực
Táo quân 2014 đã thực sự “gây sốc” khi để nhân vật Người Dân phẫn nộ yêu cầu cách chức Táo Y tế trước những sai phạm nghiêm trọng của ngành Y trong năm qua. Và vẫn Người Dân ấy đã… ném giày vào Táo Điện lực!
Táo quân 2014 tái hiện lại hình ảnh bảo mẫu “dúi” trẻ vào thùng nước
Vì sự cố sau chuyến vi hành của Ngọc hoàng, một Người Dân đã vô tình được dự buổi chầu cuối năm của các Táo trên thiên đình. Không những thế, Người Dân còn đóng vai trò quan trọng, còn là người có tiếng nói quyết định trong buổi chầu. Những bi hài bắt đầu từ đây, khi Người Dân xưa nay vốn quen bị “đè đầu cưỡi cổ”, đã quen với thân phận “thấp cổ bé họng”, nay đứng giữa thiên đình để tận mắt chứng kiến những “chiêu trò”, những bản báo cáo “làm hàng” của các Táo.
Trước sự chứng kiến của Người Dân, Bắc Đẩu (Công Lý) và Nam Tào (Xuân Bắc) sẽ có những thay đổi khi dẫn dắt buổi chầu cuối năm nay
Đây là lần đầu tiên, kịch bản Táo quân dành một vai diễn dài hơi cho Người Dân. Lần đầu tiên, Người Dân trở thành nhân vật chính có tiếng nói, có “số phận”, có tính cách riêng biệt, có cả sự phát triển phức tạp trong diễn biến tâm lý, cảm xúc… Lần đầu tiên, Người Dân từ một người “thấp cổ bé họng” luôn bị “đè đầu cưỡi cổ”, luôn bị sai khiến quát nạt đã vùng lên trở thành người đấu tranh khẳng khái giữa thiên đình.
Sự xuất hiện của Người Dân đã làm thay đổi cục diện buổi chầu cuối năm của các Táo. Nam Tào, Bắc Đẩu bối rối điều hành một buổi chầu không có trong kịch bản. Hàng loạt tình tiết “nằm ngoài tầm kiểm soát” liên tục nảy sinh trong suốt buổi chầu. Đôi khi là một câu nói bâng quơ của Người Dân, đôi khi là những hành động hồn nhiên, và nhiều khi là sự phẫn nộ tột đỉnh…
Buổi chầu sẽ có những thay đổi cơ bản về cục diện
Các Táo năm nay lên chầu cũng “choáng váng” trước sự đổi thay của buổi chầu. Họ không còn bị chỉ trích, bị “ném đá” nhiều như mọi năm. Trái lại, Nam Tào, Bắc Đẩu lại có ý cắt ngang báo cáo, buông lời khen ngợi chung chung, và “đuổi khéo” các Táo về.
Chỉ có Người Dân là ngồi chứng kiến tất cả.
Dự buổi chầu, tận mắt chứng kiến những “chiêu trò”, những bản báo cáo “làm hàng” của các Táo trước Ngọc Hoàng, Người Dân càng thấm thía lý do của sự “thấp cổ bé họng” của mình dưới dương gian.
Từ một Người Dân (làm nghề trông xe dưới hạ giới) nghèo khổ, nhút nhát, bị “lôi cổ” lên thiên đình một cách bất đắc dĩ đã trở thành Người Dân phẫn nộ tột cùng. Chứng kiến những trò chối tội dối trá, một Người Dân hiền lành đã trở thành một Người Dân dám… ném giày vào Táo Điện lực vì giải thích loanh quanh vụ xả lũ lung tung và tăng giá điện vô tội vạ.
Cũng vẫn Người Dân ấy đã khẳng khái đề nghị cách chức Táo Y tế vì sự xuống cấp của y đức và những sai sót nghiêm trọng của ngành Y trong năm 2014…
Táo Điện lực bị… ném giày
Y đức của Táo Y tế đang ở “định dạng”… ngàn cân treo sợi tóc
Kịch bản Táo quân năm nay đã có những thay đổi. Ngoài nhân vật Người Dân, nhiều nhân vật khác cũng có những biến đổi nhất định trong tính cách và phong thái trình diễn. Táo Giao Thông đã… khác hẳn khi được giao cho Tự Long. Rời bỏ vai Táo Giao thông, NSƯT Chí Trung đảm nhận vai Táo Điện lực với những nỗ lực, cố gắng mang đến nét sinh động, hài hước cho nhân vật này.
Không chỉ đầu tư cho kịch bản, Táo quân 2014 còn sử dụng nhiều “chiêu bài” dàn dựng sân khấu gây bất ngờ, sử dụng những đạo cụ “độc và lạ” để phục vụ cho phần báo cáo của các Táo.
Video đang HOT
Táo Kinh tế Quang Thắng tiếp tục kêu ca kinh tế khó khăn, nợ nần chồng chất, doanh nghiệp sống dở chết dở
Tự Long được chọn vào vai Táo Giao thông thay Chí Trung. Táo Giao thông năm nay tự kể tội nhiều hơn và… hát nhiều hơn.
Một số ý kiến cho rằng, Táo quân 2014 không có những tình tiết gây cười đặc sắc như những năm trước. Không có những bất ngờ như cuộc thi Hoa táo hay Táo Idol. Những màn hát, múa đã có phần nhàm đi. Nhưng không thể phủ nhận, vượt lên trên tầm vóc một chương trình hài, Táo quân 2014 không chỉ dừng lại ở những tràng cười sảng khoái, kịch bản năm nay được đầu tư có chiều sâu với nhân vật Người Dân để lại nhiều suy nghĩ.
Bài: Hiền Hương
Ảnh: Dương Nguyễn
Theo Dantri
Công Lý: 'Đá cuội giũa mãi cũng đâu thành ngọc'
Gặp "cô Đẩu" trong những ngày giáp Tết, sau lần hẹn bị cho "leo cây", những tưởng Công Lý giờ sợ đăng đàn bởi sau vụ "vạ miệng" hài Bắc, hài Nam và những ồn ào nổi sóng từ cuộc chia tay với MC Thảo Vân...
Nhưng rồi cũng chẳng giận nổi trước điệu cười nhăn nhó, khổ sở dễ khiến người khác thấy mủi lòng, cả bản mặt gồ ghề, vốn chẳng "hài" chút nào của Công Lý: "Tươi lên chứ, chẳng gặp đây còn gì! Tôi không quên mà mấy hôm nay tập Táo chẳng được sống cơ bản như một con người. Này nhé, cơm ăn không nổi ba bữa, ngủ chẳng đủ bốn giờ...".
"Sợ "khắc cốt" với... Đẩu"
Công Lý với vai Bắc Đẩu trên sân khấu Táo quân.
- Khoác chiếc áo Bắc Đẩu từ năm 2003 đến nay, bỗng dưng phải thay mới vai của Nam Tào. Chắc trong tâm tư, lòng dạ anh cũng ngổn ngang lắm?
- Tôi vui chứ! (cười) Thực ra, gắn với Bắc Đầu gần mười năm nay là một khó khăn với tôi. Mười năm rồi, cũng cần thiết có sự thay đổi, tráo vai để đổi vị cho khán giả.
- Và một khi đã đổi thì chắc chắn khán giả sẽ phải chuẩn bị tinh thần "sốc" với hình ảnh Công Lý trong vai Nam Tào nhỉ?
- Nói thế nào nhỉ? Bất ngờ và thú vị thì đúng hơn. "Sốc" thì chưa chắc...
- Bất ngờ vì "nàng Đẩu" lâu nay sẽ đột nhiên "chuẩn men" ư?
- Về giọng nói thì "men" hơn đấy! Sau mười năm tham gia Táo quân, Bắc Đẩu của năm nay sẽ lần đầu tiên được thay một bộ trang phục mới hoàn toàn, tóc cũng khác hẳn.
- Công Lý gây ấn tượng và chiếm được sự yêu mến của công chúng khi thăng hoa trong diễn xuất "nàng Đẩu" đầy duyên dáng, liến thoắng. Đổi sang Nam Tào, anh có sợ khán giả sẽ thất vọng?
- Thay vì lo lắng, khán giả hãy đón đợi trải nghiệm mới trước một Nam Tào theo kiểu của Công Lý.
- Kỷ niệm nào "khắc cốt ghi tâm" với anh sau mười năm trong vai "nàng Đẩu"?
- Để nhớ về kỷ niệm đóng Bắc Đẩu thì năm nào cũng có. Nhưng với Táo Quân2011 thì đúng là kỷ niệm khắc vào cốt thật (cười nhăn nhó). Theo kịch bản lần đó, tiết mục mở màn là múa, tôi và Xuân Bắc phải chịu treo mình trên cao khoảng 5 phút rồi hạ xuống sân khấu.
Chẳng hiểu trục trặc thế nào, cái khóa cài bảo vệ quanh bụng bị kẹt, thít vào đau thấu xương thấu thịt. Năm phút đó với tôi như địa ngục trần gian, mồ hôi vã ra như tắm.
Tôi vẫn còn nhớ, khi được hạ xuống theo kịch bản tôi phải thoại với Táo giao thông nhưng mồm tôi cứ cứng lại không thể thoại nổi vì quá đau. Và trong suốt ba tiếng đồng hồ Bắc Đẩu phải cười trong sự tra tấn thịt da chẳng ai hay.
""Chưa ăn" với áo... đạo diễn"
- Ngoài Bắc Đẩu, Công Lý còn được nhớ tới với những vai diễn để đời như Khoái trong "Gió làng Kình", Hòa "Điện thoại di động... Song dường như bấy nhiêu đó vẫn còn quá ít ỏi trước ý kiến "Công Lý như tài nguyên chưa được khai thác hết"?
- Thực sự tôi rất cảm ơn trước lời nhận xét ấy. Phải là người thực sự quan tâm và thường xuyên theo dõi diễn xuất của Công Lý thì mới có nhận định đó. Đã là người diễn viên, nghệ sỹ luôn có ước mơ được làm khác mình trong từng vai diễn để phá đi sự mặc định của khán giả về mình.
Nếu người ta cảm giác Công Lý vẫn còn có thể làm được hơn nữa thì tôi cũng vậy, vẫn chưa thực sự bằng lòng và chờ đợi nhưng vai diễn mới phá cách hơn.
- Phải chăng do cái "duyên" chưa gõ cửa hay Công lý vẫn coi nghiệp diễn như cuộc dạo chơi để đào sâu vào nó?
- Trong nghiệp diễn của mình, tôi chưa bao giờ khước từ một cơ hội nào dù nhỏ nhất với mình. Thậm chí, chỉ cần tia thấy, ngửi thấy một trải nghiệm mới mẻ, thú vị, chắc chắn Công Lý sẽ không để cơ hội tuột khỏi tay mình.
Tôi chỉ từ chối một vai diễn khiến người ta nói "diễn cũng được, không cũng chẳng sao" hay đem đến cảm nhận "ôi, tưởng thế nào, hóa ra vẫn như lâu nay".
- Và chính vì thế Công Lý "leo thang" lên vị trí đầy lạ lẫm là đạo diễn?
- Quả thực đến thời điểm này tôi vẫn loay hoay với vị trí đạo diễn. Nếu ví công việc này như chiếc áo mới tôi đang cảm giác "chưa ăn" với cơ thể của mình. Tôi cũng đang uốn nắn để thoải mái với nó.
- Khổ sở vậy, cớ sao anh không đào sâu vào diễn xuất để trở thành diễn viên truyền hình gạo cội?
- Không. Tôi cho rằng suy nghĩ đó là sự an phận. Với người diễn viên khi được nhận xét là "đóng đinh" với một mô tuýp, hay thể loại nào thì đó là sự thành công và không dễ đạt được. Nhưng đó chỉ là sự "đóng đinh" của khán giả với diễn viên, không phải người nghệ sỹ tự đóng đinh cho nghiệp diễn của mình.
Là diễn viên chuyên nghiệp thì luôn thấu hiểu một điều "bỏ bầu thì tròn mà bỏ ống thì dào". Họ luôn mong muốn đến cuối đời mình không chỉ dừng lại ở mỗi dạng nhân vật.
Một điều trong giới của chúng tôi, người nghệ sỹ bên cạnh niềm tự hào thì cũng rất sợ bị "chết vai".
"Đá giũa mà thành... ngọc đã chẳng ngại"
- Với vẻ ngoài mộc và sấn sổ, sao Công Lý vẫn đem tới cảm giác cho nhiều người về sự khó gần thế?
- Công nhận những người mới gặp lần đầu, hay nói chuyện qua điện thoại đều nói... sợ sợ tôi (cười).
Chắc bởi trong cuộc gặp gỡ xã giao, hay chạm trán lần đầu tiên, thường tôi không cởi mở, không thể hiện, hay bô lô ba la ngay được. Đừng nghĩ Công Lý tỏ ra nguy hiểm để dò xét, nghe ngóng đối phương chỉ đơn giản mình đâu biết người ta có cởi mở và và hiểu mình không?
- Xem ra anh cũng cẩn thận và nguyên tắc đấy chứ?
- Chẳng phải cẩn thận hay lo sợ gì đâu! Nguyên tắc thì lại hơi quá... Trong quan hệ và công việc tôi thích sự nghiêm túc. Cái gì nó đúng thì thôi. Đúng thì Công Lý sẽ trải hết lòng dạ...
Như với đĩa khoai tây này, tôi và bạn ăn thì phải chấm magi chứ không thể chấm với mắm tôm. Muốn sáng tạo thì có thể chấm tương ớt nhưng không thể "phá" một cách nhí nhố, khác người.
- Tôi vẫn nhớ, có lần đọc đâu đó lời nhận xét Công Lý của một nghệ sỹ đàn anh "mộc thì tốt nhưng thô chưa hẳn đã hay." Liệu đó có phải lý do khiếnCông Lý thất bại đến hai lần trong hạnh phúc riêng?
- Thực ra con người sống cùng nhau, hiểu và thương nhau không phải ai cũng đưa ra lời nhận xét mà khiến người ấy vừa tự ái lại vừa biết ơn. Nếu nghĩ về nhận xét ấy và câu hỏi của bạn tôi thừa nhận đó là hạn chế của tôi. Đúng, mộc là tốt nhưng thô ráp quá lại là yếu điểm.
Đôi khi tôi nghĩ về câu nói đó, tôi cũng dặn mình phải giũa một chút cho bớt thô, gồ ghề. Nhưng lúc này, để nói thật lòng mình với bạn quả thật, nhìn lại những gì đã qua, tôi vẫn thấy thỏa mãn với mình đã sống thẳng, thật với con người mình.
Vẫn biết trong gia đình, công việc, đối ngoại không thể giải quyết bằng cách chìa mình ra "đây, có thế này thôi dùng thể nào thì dùng". Vẫn biết phải linh hoạt, khéo léo, tiểu xảo một chút để hóa giải, hài hòa mọi thứ nhưng với tôi điều này thật khó.
Với tôi mọi thứ vừa phải thôi, tôi không thể ép mình mềm nắm rắn buông, khó chịu lắm! Gặp một chuyện tôi rất tức giận nhưng vì một ai đó, hay một mục đích nào đó lại phải cười xòa, phẩy tay, ôm vai bá cổ thì tôi chịu.
- Nhưng trong tình thế của một người cha, cũng đáng hy sinh vì những đứa trẻ chứ?
- Tôi hoàn toàn đồng ý, bố mẹ phải hy sinh vì con cái. Con mình cơ mà, sao mình tính toán điều gì được. Nhưng ai cũng chỉ được chọn một. Để dung hòa giữa cái tôi và hy sinh chắc không có. Nếu xác định hy sinh để không là Công Lý mà tất cả đều vui tôi vẫn làm được.
Nhưng không còn là mình thì phía người đón nhận chắc gì đã vui lòng... Vì ngay "chính chủ" cũng nhận ra "A, nó thay đổi thế này là vì mình lắm đây" hay "nó cũng chẳng thích thú gì đâu..." Điều cuối cùng là sự hy sinh có nhận lại được sự thoải mái, vui lòng cho tất cả hay không?
Với tôi đã là chữ duyên có cố chẳng được, cố quá lại hóa buồn cười... Như viên đá cuội giũa mà thành ngọc được thì tôi ngại gì.
- Phó mặc chữ duyên nên Công Lý đem lại cảm giác "như con ngựa bất kham không thuộc về gia đình và những đứa trẻ." Anh thấy ý kiến đó có thực sự công bằng với mình?
- Đã là cảm giác của người khác, có lẽ khi nhìn vào cuộc sống riêng của tôi, họ cũng có cái lý của họ. Tôi chỉ muốn nói, nếu đúng là con người như vậy tôi đã chẳng lao vào cuộc làm gì. Tôi sẽ đứng ngoài cuộc, sống một thân một mình như anh Quốc Khánh.
Tuy không phải cuộc chiến, hai người không phải kẻ thù nhưng hôn nhân và hạnh phúc cũng như ván cờ, có thể anh sẽ thắng hoặc thất bại.
- Tự do và bạn bè là điều rất cần thiết với nghệ sỹ, nhưng những lúc ốm đau, lễ Tết anh có thấy cô đơn và nuối tiếc một chữ "giá như..."?
- Tất nhiên. Ai cũng sẽ vậy thôi, lúc cô quạnh cũng cần bàn tay chăm sóc, vui đùa bên lũ trẻ... Nhưng bản thân tôi đã không làm thì thôi, đã làm thì hết mình nhưng cái gì đã quyết đã qua thì không nhìn lại, nuối tiếc, hối hận.
Những ý nghĩ dằn vặt như "ừ, giá lúc đó mình cố tí nữa thì sẽ thế này thế nọ" với tôi không bao giờ có.
- Trong những ngày lễ Tết, anh có cảm thấy bất lực vì không đem lại cho các con không khí sum họp, ấm cúng gia đình?
- Việc đó với tôi cũng tự nhiên và đơn giản thôi. Tôi gần gũi các cháu mọi lúc, mọi nơi có thể không cứ phải đợi Tết. Được cái các con tôi rất hiểu, thông cảm với bố mẹ và hoàn cảnh của gia đình mình. Chúng không đòi hỏi mà rất người lớn, tự các cháu liên lạc, lên lịch trình hôm nào sang bà, hôm nào đi với bố...
Tôi chẳng biết các cháu có hiểu thật hay đó là cảm nhận của mình. Nhưng với tình thế của chúng tôi hiện giờ, như vậy đã quá hạnh phúc.
Theo Vietnam Plus
Vì sao Táo Quân bị... tuýt còi? "Mấy năm qua chẳng biết do đâu mà bóng đá hơi buồn. Đá SEA Games vẫn cứ thua đau cho dù ta đã thay thầy mới. Cứ thanh minh rồi phán linh tinh. Và sang mùa sau vẫn thế. Tại kém chuyên môn hay do cá độ, ông nào cũng đổ lỗi quanh..." Không khó để nhận ra đây là mấy câu đầu...