Tạo lập chiến lược cho ngành lúa gạo
Bộ KHCN vừa công bố bản đồ công nghệ, lộ trình chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Bản đồ cho thấy vị trí ứng dụng công nghệ của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang ở đâu và triển vọng để thương hiệu gạo Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Nhập khẩu 35 triệu USD giống lúa lai mỗi năm
TS Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, việc xây dựng bản đồ công nghệ nhằm xác định được tình trạng công nghệ của Việt Nam gắn liền với thị trường lúa gạo. Bản đồ chỉ ra Việt Nam đang sở hữu công nghệ nào, năng lực ra sao, khả năng phát triển như thế nào.
Việt Nam có nhiều loại gạo ngon nhưng gạo xuất khẩu lại chưa có thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: I.T
Theo Bản đồ công nghệ trong ngành sản xuất lúa gạo và chọn tạo giống lúa mới được cung cấp, dù Việt Nam ở trong top 3 các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng lại chưa có giống lúa gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt. Đánh giá của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia cho thấy hiện Việt Nam sử dụng nhiều giống lúa nhưng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận thấp và thiếu giống chất lượng để sản xuất gạo loại 1-2-3. Cụ thể, giống lúa mới được tạo ra nhiều, nhưng trụ lại trong sản xuất ít, khó kiểm soát được chất lượng giống lúa trong sản xuất. Phần lớn giống có nguồn gốc nhập nội và thuần hóa thành giống của Việt Nam nên hạn chế trong việc xuất khẩu có thương hiệu. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu các giống lúa chất lượng cao còn thấp, chưa có giống lúa xuất khẩu mang thương hiệu Việt. Bộ NNPTNT cũng cho biết hiện nay Việt Nam đáp ứng được 100% nhu cầu giống lúa thuần nhưng khả năng đáp ứng giống lúa lai chỉ là 35%. Còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn độ với giá trị nhập khẩu gần 35 triệu USD/năm.
GS-TSKH Trần Duy Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương cho hay: “Hiện chúng ta tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi còn yếu, thiếu tiêu chuẩn gạo phù hợp với thị trường thế giới và chưa có thương hiệu gạo quốc gia”.
50% gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam…
Video đang HOT
Mục tiêu phát triển ngành lúa gạo Việt Nam được đặt ra trong bản đồ công nghệ ngành sản xuất lúa gạo là đến 2030 phải tăng cường sử dụng giống lúa thơm hạt dài, giống đặc sản bản địa; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch dưới 6%. Đồng thời, 50% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam; 30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.
Để đạt mục tiêu đó, cần xây dựng bản đồ sinh thái giống lúa theo vùng; lai tạo giống lúa thơm hạt dài và cải tiến các giống đặc sản bản địa đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam đến 2030 có 10 giống cấp 1-2-3. Các nhà khoa học cũng đề nghị cơ quan nhà nước cần ưu tiên cải tạo các giống bản địa tăng năng suất, kháng sâu bệnh, tạo ra các giống thương hiệu Việt Nam…
Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KHCN:
“Bản đồ công nghệ trong ngành sản xuất lúa gạo là sự thành công của kết quả nghiên cứu trong nhiều năm. Nhờ đổi mới công nghệ, việc sản xuất lúa gạo tăng trưởng 35%, đây là vấn đề rất có ý nghĩa. Những nước khác trên thế giới họ có cơ sở dữ liệu rất đáng tin cậy cũng mất vài chục năm. Bản đồ công nghệ được công bố cho thấy chúng ta đang dùng công nghệ gì và trình độ như thế nào trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Từ đó định hướng nghiên cứu trong tương lai, tập trung nguồn lực một cách đúng đắn nhất”. GS-TS Nguyễn Thị Lang – Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long:
“Chúng tôi đã nghiên cứu tạo thành công 7 giống lúa có khả năng chống chịu hạn, mặn phù hợp với canh tác ở ĐBSCL. Trong đó có những giống có khả năng cùng lúc chống chịu hạn, mặn và bệnh rầy nâu. Các giống nghiên cứu thử nghiệm có khả năng chống chịu môi trường hạn trong 2 – 3 tuần, mặn từ 4/1.000 trở xuống, chống chịu rầy nâu và bệnh đạo ôn cấp 3 – 5″.
Theo Danviet
Chân dung "vua giống nếp" miền Tây
Không những được biết đến là một ND có nhiều năm tâm huyết sản xuất lúa giống, ông Từ Bá Đạt - hội viên Hội ND ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) còn được người dân trong vùng mệnh danh là "vua giống nếp". Bởi ông là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo thành công giống nếp thơm đặc sản.
LTS: Với các cấp Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), hội viên nòng cốt chính là những cán bộ, nông dân có trách nhiệm với tổ chức Hội ND, dám nghĩ, dám làm và năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh. Suy nghĩ, hành động của những hội viên nòng cốt đã tác động, lôi cuốn, cổ vũ phong trào, làm lợi cho cộng đồng... Trong chuyên đề Những nông dân "hạt giống đỏ", NTNN xin giới thiệu một số chân dung nhà nông như thế.
Từ ông tổ trưởng nhiệt tâm...
Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây được thành lập năm 2004, với 23 thành viên. Ban đầu tổ được Hội ND chủ trì thành lập với 2 loại hình sản xuất là trồng trọt và chăn nuôi. Về sau, nhận thấy phong trào sản xuất lúa giống tại địa phương phát triển mạnh, ông Đạt với cương vị là tổ trưởng đã mạnh dạn đề nghị Hội ND và các tổ viên chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực lúa giống.
Tổ hợp tác Thạnh Mỹ Tây do ông Từ Bá Đạt làm tổ trưởng cung cấp khoảng 500 tấn lúa giống/năm cho thị trường. Ảnh: C.L
"Giống nếp thơm do anh Đạt nghiên cứu có chất lượng cao hơn các giống nếp khác tại địa phương, tuy nhiên để được công nhận thương hiệu giống cấp quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích anh Đạt nghiên cứu thêm để nâng cao năng suất, mở rộng diện tích trồng". Ông Lương Hoàng Tuấn - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú.
Ông Đạt kể, năm 2004, ông được Trạm Khuyến nông huyện mời tham dự lớp kỹ năng chọn tạo giống lúa. Sau đó ông lại tiếp tục được học lớp nâng cao ở Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Sau khóa học, ông hướng dẫn lại kỹ thuật cho tổ viên, cùng bà con mở rộng diện tích để cung cấp lúa giống cho ND trong vùng.
Đến năm 2005, THT nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Từ đó, thương hiệu lúa giống của THT có tên trong danh sách những nhà cung cấp giống hàng đầu của tỉnh, được ND nhiều nơi tin tưởng.
Ông Đạt chia sẻ: "Để cho hạt lúa giống được tốt hơn, anh em trong tổ bàn bạc mua một máy tách hạt. Khi ấy, máy tách hạt trên thị trường có giá 135 triệu đồng. Vì nguồn vốn của tổ khá eo hẹp nên tôi quyết định tự làm cái máy rẻ hơn. Sau nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng máy cũng hình thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, với chi phí khoảng 100 triệu đồng...".
Khi THT đã đi vào ổn định, cũng chính ông Đạt là người khởi xướng THT hoạt động với phương thức mới. Đó là các thành viên thu hoạch lúa giống giao cho tổ thực hiện các công đoạn sàng lọc, đóng bao và tiêu thụ, lợi nhuận sẽ trích lại 50% cho tổ. Ngoài ra, đối với lúa giống mà thành viên gieo trồng bằng phương pháp cấy, THT sẽ mua với giá cao hơn 10-15% so với giá lúa thương phẩm. Với cách làm này, chất lượng giống không những được đảm bảo mà lợi nhuận của ND cũng được nâng lên.
Sau nhiều năm cải tổ, sắp xếp, đến nay THT có 18 thành viên với 30ha lúa giống. Vốn điều lệ của tổ đến nay đạt hơn 500 triệu đồng, sản xuất và tiêu thụ khoảng 500 tấn lúa giống/năm, đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho các tổ viên.
... đến "Vua giống nếp"
Không dừng lại ở đó, từ chuyện bức xúc tại sao nước ta luôn phải nhập nếp Thái trong khi điều kiện đất đai phù hợp để tự sản xuất, ông Đạt tiếp tục nghiên cứu để quyết tâm lai tạo thành công giống nếp thơm mới.
Sau gần 4 năm miệt mài với nhiều lần thử nghiệm, kết quả ông Đạt cho ra đời giống nếp có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng gây bất ngờ cho nhà nông trong vùng. Điều đặc biệt là năng suất giống nếp này vượt trội so với các giống nếp đặc sản của những vùng chuyên canh nếp ở An Giang, hay giống nếp ngoại nhập từ 1- 1,5 tấn/ha.
Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, ông Đạt được Bộ NNPTNT tặng bằng khen ND sáng tạo năm 2009. Ông đạt được Hội ND công nhận danh hiệu ND sản xuất giỏi cấp tỉnh từ năm 2002 đến nay và nhiều hình thức khen thưởng khác...
Ông đặt tên cho giống nếp của mình là BĐ 1, sau đó đổi thành TMT 1, rồi chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều ND trong vùng. Kết quả là ở vụ đông xuân 2013-2014, những ND trồng thử giống nếp này trúng mùa với năng suất vượt trội 10 tấn/ha.
Mặc dù đứa con tinh thần của mình chưa được công nhận giống nếp ở cấp quốc gia, nhưng ông Đạt quyết tâm nuôi dưỡng và tiếp tục giữ gìn nó cho đến cùng. Ông Đạt cho biết, ưu điểm nổi trội của giống nếp thơm đặc sản TMT 1 là khá cứng cây, đẻ nhánh mạnh, kháng sâu bệnh tốt, thích hợp với vùng đất sản xuất 3 vụ/năm. Cơm nếp có mùi đặc trưng, thơm mùi lá dứa, dẻo và mềm. Thời gian sản xuất vụ đông xuân khoảng 97 ngày, hè thu và thu đông khoảng 100 ngày, năng suất từ 9-10 tấn/ha. Hiện ông Đạt đang nghiên cứu để giảm thời gian sinh trưởng của giống nếp còn 90 ngày.
Theo ông Đạt, việc sản xuất ra giống nếp đã khó, mất thời gian gần 4 năm, nhưng việc giống được công nhận còn khó hơn nhiều. Nhà nước nên tạo cơ chế đặc thù để công nhận những nghiên cứu giống của nông dân. "Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm lúa nếp giống. Đề nghị Hội ND, ngành nông nghiệp, các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để hợp thức hóa giống nếp, nhằm nhân rộng cho vùng sản xuất ĐBSCL, giúp ND làm giàu" - ông Đạt bày tỏ.
Theo Danviet
Vì sao Việt Nam lọt top 3 gạo ngon thế giới? Lọt top 3 gạo ngon nhất thế giới nhưng đến nay gạo Hạt ngọc trời vẫn chưa thể xuất khẩu nhiều sang thị trường các nước. Gạo ngon thế giới nhờ chuỗi giá trị khép kín Lần đầu tiên Việt Nam có loại gạo được Tổ chức nghiên cứu lúa gạo thế giới (The Rice Trader) công nhận lọt vào top 3 gạo...