Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình
Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực gia đình đang có diễn biến phức tạp hiện nay.
Đó là ý kiến thống nhất của các đại biểu Quốc hội đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8/4.
Tại hội thảo, các đại biểu Quốc hội, đại diện các sở, ngành, tổ chức chính trị- xã hội của thành phố như: Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Viện Kiểm sát nhân dân… cùng nhất trí cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc”.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của pháp luật trong bảo vệ quyền, lợi ích của những người yếu thế, bà Trần Thị Đoan Trang, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, cần bổ sung vào Điều 11 dự thảo Luật về “quyền của người bị bạo lực gia đình được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực gia đình”. Bởi vì, qua các trường hợp thực tế, người phải ra khỏi nhà đều là người bị bạo lực gia đình.
Video đang HOT
Cùng quan điểm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trên thực tế, đa số nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và lại là người phải tạm lánh, chạy trốn khỏi nơi ở; trong khi người bạo hành thì không phải ra đi. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng có những biện pháp xử lý thỏa đáng với người bạo hành. Đồng thời, trong dự thảo Luật cần chi tiết, cụ thể hóa vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình tại các địa phương.
Quan tâm đến đối tượng trẻ em, ông Lê Mạnh Hà, đại diện Sở Công an thành phố đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung các quy định đặc thù về giới, độ tuổi đối với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây ra hành vi bạo lực là trẻ em, bao gồm: các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực; phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực.
Theo ông Lê Mạnh Hà, thực tế cho thấy, dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư cho người bị bạo lực, đặc biệt là trẻ em ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý; bảo đảm trẻ được phục hồi, tái hòa nhập và phát triển toàn diện sau khi bị bạo lực. Đồng thời, bổ sung các chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế (trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, bệnh tật, phụ nữ có thai) bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hình thức răn đe, xử lý người có hành vi bạo lực, các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình gắn với các quy định trong Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội, thể hiện lối sống thiếu trách nhiệm, việc ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, phản ánh sự suy thoái về đạo đức của một vài cá nhân, thành viên trong gia đình. Với tính tự giác, mỗi người dân, mỗi cá nhân trong xây dựng môi trường văn hóa phải chủ động điều chỉnh các hoạt động, hành vi của mình theo các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa.
Theo các đại biểu, nhằm kịp thời phòng ngừa, xử lý bạo lực gia đình, các cấp, ngành, địa phương bên cạnh các biện pháp pháp lý cần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng khu dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tính cấp bách và thách thức về bạo lực gia đình để đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, rèn luyện thể chất, vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân; phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, đa dạng về hình thức, phong phú và lành mạnh về nội dung; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa trở thành cơ sở vững chắc trong việc xây dựng con người văn hóa, là pháo đài vững chắc trong phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo còn đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) về kỹ thuật lập pháp, văn phong, nội dung…
Triển khai Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025
Ngày 24/3, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác gia đình.
Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức với sự tài trợ của Chính Phủ Australia với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố...
Tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh: baochinhphu.vn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc.
Thời gian qua, gia đình Việt Nam có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để tiếp cận kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống ngày càng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, đã xuất hiện sự khủng hoảng chức năng của gia đình; tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên gia đình, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó là khó khăn giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của gia đình, dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại..., dẫn đến sự thiếu ổn định của thiết chế gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược, Đề án, Chương trình của lĩnh vực gia đình giai đoạn 2010-2020, từ đó xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Đây là những văn bản định hướng, tạo nền tảng cho công tác gia đình trong giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng: "Trách nhiệm của chúng ta trong thời gian tới là phải tăng đầu tư nguồn lực; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, giáo dục; hoàn thiện khung khổ pháp luật để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ban hành".
Tại hội nghị, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Naomi Kitahara khẳng định: UNFPA rất vinh dự hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kỹ thuật trong công tác xây dựng Chương trình về Phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới nhằm hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức ngăn chặn người gây ra bạo lực gia đình. Trong 5 năm tới, UNFPA sẽ cam kết hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chương trình nhằm đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, bao gồm cả các đối tượng dễ tổn thương nhất được sống một cuộc sống không có bạo lực...
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang quyết tâm chấm dứt bạo lực gia đình thông qua ưu tiên sửa đổi pháp luật, chính sách về phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức nhằm chuyển đổi hành vi của người dân một cách hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp chính của Chương trình về phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Trong đó có việc hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình; xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình...
Thời gian làm thêm của người lao động không quá 60 giờ/tháng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc....