Tạo cơ hội xuất khẩu lao động cho hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp
Đây là mục tiêu mà Bộ LĐTBXH hướng tới khi xây dựng dự thảo Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025″ sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel…
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chiều ngày 8.2, ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết đơn vị này đang gấp rút xây dựng đề án.
“Muốn triển khai trước mắt cần phải thực hiện việc đánh giá nhu cầu thị trường cần tuyển lao động có trình độ kỹ thuật cao. Tiếp sau đó, thực hiện đánh giá nguồn cung về nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Từ đó khớp nối dữ liệu mới có thể lên đề án thực hiện” – ông Nam nói.
Theo ông Nam, mặc dù Việt Nam hiện nay có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp nhưng chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy những cử nhân này thuộc ngành nào. Ngoài ra, đa số cử nhân của Việt Nam cũng có hạn chế về ngôn ngữ, kỹ năng. Do đó, nếu muốn xuất khẩu lao động với nhóm này thì cần thực hiện đào tạo tăng cường về ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Chỉ khi có dữ liệu thì đơn vị mới tính toán lập đề án được.
“Qua tìm hiểu, một số thị trường như Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel… đang cần tuyển lao động trình độ kỹ thuật cao. Các thị trường đó chỉ cần lao động ở một số chuyên ngành như: Điều dưỡng, kỹ thuật, cơ khí, xây dựng… không có nhu cầu lao động ở các chuyên ngành nghiên cứu, xã hội” – ông Nam nói thêm.
Điều dưỡng vlên đang cho thu nhập cao nhưng không nhiều lao động đáp ứng nhu cầu để đi làm việc ở Nhật. Ảnh minh hoạ IT.
Ông Nguyễn Xuân An – Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nhìn nhận đây là cơ hội rất tốt cho lao động Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều nước chưa có chính sách tiếp nhận lao động phổ thông, mà chỉ ưu tiên tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn.
“Mục tiêu của xuất khẩu lao động là giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đào tạo nguồn nhân lực. Nếu đề án sớm triển khai, chúng ta sẽ giảm xuất khẩu lao động có trình độ tay nghề thấp, làm những việc nặng nhọc, độc hại, lương thấp. Với lao động có trình độ tay nghề cao, việc học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt chuyên môn sẽ nhanh chóng hơn, hình ảnh và uy tín của lao động Việt Nam cũng sẽ được nâng lên”, ông An nói.
Về phía Bộ, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, thời gian qua Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động có trình độ tay nghề thấp. Vài năm gần đây, Bộ bắt đầu đưa những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E7. Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế.
Video đang HOT
“Chúng ta đang có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Do đó, xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật là hướng đi mới giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định”, ông Diệp nói.
Theo Danviet
Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Trình độ cao, kỹ năng kém
Gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Con số này một lần nữa lại được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng GD&ĐT tại phiên chất vấn vừa qua.
Bà Trần Thu Hương, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Shihen Việt Nam cho biết 5 năm trở lại đây, sinh viên mới ra trường về cơ bản đã trang bị cho mình vốn ngoại ngữ tối thiểu để viết được CV (hồ sơ xin việc), đủ giới thiệu khái quát về bản thân.
"Nhưng chỉ dừng ở đó, số đông chưa thể trao đổi hoàn toàn bằng ngoại ngữ trong một buổi phỏng vấn. Các kiến thức học tại trường gần như chưa đủ để đáp ứng công việc. Ví dụ, công ty mình là lĩnh vực điện tử, nhiều ứng viên học điện tử, tỏ ra rất hiểu biết (kiểu như em mở tung điện thoại ra, sửa được main điện thoại) nhưng khi công ty đưa cho một bản mạch, yêu cầu đọc tên các linh kiện gắn trên đó, các mạch cấu thành, dòng điện đi theo hướng nào... thì chịu", bà Hương cho hay.
Phân tích về tình trạng sinh viên, thạc sĩ thất nghiệp chiếm số lượng khá lớn tại Việt Nam, PGS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng vừa qua, dư luận chưa công bằng khi "đổ" nguyên nhân thất nghiệp tại các trường đào tạo.
Theo ông Vinh, một trong những nguyên nhân quan trọng là sự phát triển của kinh tế xã hội. Doanh nghiệp mở ra ít, đóng cửa nhiều nên việc làm mới không có. Trong khi đó, tại phiên chất vấn đại biểu Quốc hội vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chất lượng giáo dục ĐH đang là vấn đề được cử tri cả nước quan tâm.
Theo Phó thủ tướng, các số liệu đánh giá khác nhau nhưng ngay tổ chức năng suất châu Á Thái Bình Dương làm việc với chúng ta có lần nói, nhìn chung ở Việt Nam trình độ càng cao thì kỹ năng so với mặt bằng thế giới càng kém.
Nếu phân làm 3 tầng, những người quản lý cao, tức là trình độ cao nhất có tới 80% số nhân lực của Việt Nam khi các công ty đa quốc gia đăng tuyển đánh giá chưa đạt yêu cầu, phải bồi dưỡng tiếp.
Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao nhưng làm trực tiếp, tỷ lệ này tùy từng ngành nghề từ 40%-60% chưa đạt yêu cầu phải đào tạo bổ sung. Điều đáng ngạc nhiên là những người lao động kỹ thuật đơn giản chỉ có khoảng 20% cần phải đào tạo tiếp.
Tình trạng sinh viên, thạc sĩ thất nghiệp chiếm số lượng khá lớn tại Việt Nam. Ảnh: Như Ý/Tiền Phong.
Thiếu quy hoạch, dự báo tổng thể
Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, PGS Đoàn Quang Vinh cho rằng đang có thực tế là tốc độ đào tạo của nhà trường lớn hơn tốc độ xã hội cần.
"Bây giờ, nguồn thu của các trường chủ yếu phụ thuộc học phí. Có nhiều trường đã tăng quy mô đào tạo để tăng nguồn thu. Điều cốt yếu là chúng ta đang thiếu dự báo chính xác nhu cầu nguồn nhân lực, thiếu quy hoạch tổng thể", ông Vinh cho hay.
Mặt khác, theo ông Vinh, không chỉ các trường mà bản thân sinh viên cũng phải đáp ứng nhu cầu xã hội. Với các doanh nghiệp, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng không mong họ chủ động tìm đến trường mà chỉ mong họ sẵn sàng giúp khi trường cần.
Trong khi đó, bà Trần Thu Hương, Công ty TNHH Shihen Việt Nam cho rằng các trường ĐH đào tạo chuyên ngành rộng quá. Các trường nghĩ tạo ra khoa có lĩnh vực đào tạo rộng để tạo điều kiện cho sinh viên dễ tìm việc, nhưng xét về khía cạnh nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp lại cần người chuyên môn sâu.
Còn với các kỹ năng mềm, bà Hương cho rằng mỗi năm, các trường nên gửi sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp một tháng thôi, chỉ cần đến mà xem cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Đồng ý với ý kiến của PGS Đoàn Quang Vinh, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay.
Ở cấp vĩ mô là phụ thuộc sự phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế, kinh tế không tăng trưởng thì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Vì vậy, sinh viên thất nghiệp là đương nhiên, chưa kể họ không có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Thứ hai việc sinh viên tốt nghiệp không có việc làm phải được đánh giá một cách chính xác hơn. Nguyên nhân thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Chất lượng đào tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bởi vậy, điều này cũng tác động đến chuyện sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.
Theo GS.VS Đào Trọng Thi, hai nguyên nhân có thể giải quyết được là chất lượng nguồn nhân lực và tăng hiệu quả tính dự báo của thị trường lao động. Các trường ĐH cũng đã nhận thức được vấn đề này nhưng cần thời gian để có chuyển biến rõ rệt.
Còn hiệu quả dự báo, GS Đào Trọng Thi cho rằng quy hoạch nguồn nhân lực của Việt Nam cần chi tiết, cụ thể hơn. Nếu quy hoạch tốt, chúng ta sẽ giải quyết được những bất cập trong nội bộ nguồn nhân lực của đất nước.
"Quy hoạch nguồn nhân lực không phải nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT. Đơn vị trực tiếp nhất là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, vì đây là đơn vị phụ trách điều phối theo dõi việc làm, thị trường lao động; nhưng vẫn cần sự phối hợp của các bộ khác.
Công tác này phải có sự thống nhất chỉ đạo của chính phủ và do tất cả các bộ ngành cùng phối hợp làm. Từ quy hoạch nguồn nhân lực mới ra được quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành giáo dục và ngành Lao động Thương binh và Xã hội", GS.VS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Cả nước có hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp
Chiều 2/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2016. Đáng chú ý, bản tin lần đầu cập nhật về biến động của lực lượng lao động theo từng khu vực sở hữu.
Theo đó, tổng số lao động trong khu vực nhà nước quý 3 giảm hơn 187.000 người so với quý 2, và giảm 184.000 người so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giảm mạnh nhất là người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (giảm 124.000 người so với quý 2), tổ chức nhà nước giảm 49.000 người...
Trong khi đó, lao động làm việc trong cơ quan lập pháp, tư pháp dù quý 3 giảm 43.000 người so với quý 2, nhưng lại tăng tới 83.000 người so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả của quá trình tinh giản biên chế, và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính hết quý 3/2016, Việt Nam có 54,43 triệu lao động, trong đó chiếm 20,9% là lao động có bằng cấp từ 3 tháng trở lên. Cùng thời gian, cả nước có hơn 1,11 triệu lao động thất nghiệp, tăng tới 29.000 người so với quý trước đó.
Theo Nghiêm Huê - Hữu Việt / Tiền Phong
6 giải pháp cho tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp "Thay đổi nhận thức đầu ra, định hướng sơ bộ về nghề, phối hợp cùng doanh nghiệp tạo việc làm"... là những bước quan trọng một trường đại học nên thực hiện. Thống kê vừa công bố của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu, cử nhân, thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người). Đóng góp cho cách...