Tăng tuổi trẻ em lên 18 có tăng tội phạm vị thành niên?
Việc nâng độ tuổi của trẻ em lên 18 tuổi đảm bảo cho trẻ em Việt Nam được chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ.
Trước việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi (thay vì 16 tuổi tại quy định cũ) Chất lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Ths. Nguyễn Linh Giang – Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người của Viện Nhà nước – Pháp luật.
-Bà có nhận định như thế nào về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, những mặt được và “mất” khi quy định này đi vào thực tiễn?
Ths. Nguyễn Linh Giang: Hiện nay, các Công ước quốc tế về quyền con người và các chương trình của Liên hợp quốc đều thống nhất xác định độ tuổi của trẻ em theo quy định của Công ước về Quyền trẻ em năm 1989. Theo điều 1 của Công ước này “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Như vậy, Công ước này đưa ra khả năng mở để cho các quốc gia, tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá, truyền thống của mình có thể quy định độ tuổi trẻ em phù hợp, có thể thấp hơn 18 tuổi.
Anh minh hoa
Tuy nhiên, trong tất cả các văn kiện của Liên hợp quốc cũng như trong các khuyến nghị, bình luận của các cơ quan công ước như Ủy ban Nhân quyền, Ủy ban về quyền trẻ em, hay trong Quy tắc của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh), các quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do (Quy tắc Havana), Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp của người chưa thành niên (Hướng dẫn Riyadh) đều ghi nhận trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Ngay cả khi pháp luật một quốc gia quy định độ tuổi của trẻ em không phải là dưới 18 tuổi mà là ở độ tuổi thấp hơn, thì với vai trò là một quốc gia thành viên của Công ước về Quyền trẻ em, quốc gia này cũng không thể thoái thác trách nhiệm của mình đối với những người dưới 18 tuổi.
Như vậy, việc Dự thảo Luật trẻ em đưa ra quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi là một quy định tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này và nhận thấy không có gì “mất mát” trong quy định này mà ngược lại chúng ta “được” rất nhiều. Cần phải nhận thấy rằng, trẻ em là đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương, cần được chăm sóc và bảo vệ một cách thích hợp. Việc thực hiện quyền trẻ em là nghĩa vụ của mỗi quốc gia, không phải là một sự ban tặng hay thiên vị nào dành cho chủ thể đặc biệt này. Vì thế, việc đưa ra quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi thay vì quy định dưới 16 tuổi như luật hiện hành sẽ là một cơ sở quan trọng để các em được hưởng sự chăm sóc, giáo dục, được kéo dài “giai đoạn chuẩn bị” trước khi bước vào cuộc sống độc lập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Quy định này cũng đồng thời thể hiện cam kết và quyết tâm rất cao của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Điều này cho thấy những quyền lợi của trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước.
Video đang HOT
Ths. Nguyễn Linh Giang – Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người của Viện Nhà nước – Pháp luật. Ảnh: gass.edu.vn
-Thưa bà, ngoài phù hợp với Công ước về Quyền trẻ em, đề xuất nâng độ tuổi xác định trẻ em từ 16 tuổi lên 18 tuổi có phù hợp với thực tế khi hiện nay trẻ đang phát triển trước độ tuổi không?
Ths. Nguyễn Linh Giang: Đúng là trẻ em hiện nay đang phát triển rất nhanh về mặt thể chất so với các thế hệ trước. Tuy nhiên, sự phát triển này chủ yếu vẫn chỉ là về mặt thể chất. Trong khi đó, để trở thành một người trưởng thành thực thụ, các em cần được chuẩn bị nhiều hơn thế. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giai đoạn dưới 18 tuổi là giai đoạn có những thay đổi nhanh chóng không chỉ về thể chất mà còn là thay đổi về tâm lý và nhận thức xã hội. Đây là độ tuổi các em đang dần hoàn thiện nhân cách, tiếp nhận kiến thức để dần gánh vác vai trò của người trưởng thành trong gia đình và xã hội. Đây cũng là giai đoạn có nhiều chuyển biến tâm sinh lý phức tạp: Các em dễ bị tổn thương, dễ phải chịu áp lực từ người thân, bạn bè, dễ bị lôi kéo, kích động… Vì thế, việc nâng độ tuổi của trẻ em lên 18 tuổi là có cơ sở khoa học và thực tiễn, đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc thể chất, tinh thần, trí tuệ một cách phù hợp nhất, giúp các em trưởng thành và trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.
Trẻ em sẽ là người dưới 18 tuổi? Ảnh minh họa.
- Cũng có ý kiến cho rằng những vụ việc vi phạm pháp luật, vụ án nghiêm trọng do người dưới 18 tuổi gây ra đã gia tăng trong thời gian qua. Nếu nâng độ tuổi xác định trẻ em lên 18 như đề xuất trên thì thống kê số trẻ em phạm tội sẽ tăng lên. Vấn đề này sẽ tác động như thế nào về mặt chính sách pháp luật liên quan thưa bà?
Ths. Nguyễn Linh Giang: Trẻ em phạm tội luôn là vấn đề gây đau đầu trong mọi xã hội. Tuy nhiên, phải nhìn nhận vấn đề này từ góc độ nguyên nhân gây ra hành vi phạm tội, chứ không phải từ góc độ hình phạt. Thông thường, trẻ em phạm tội thường xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến gia đình như bạo hành gia đình, sống xa cha mẹ, cha mẹ li hôn, cha mẹ không quan tâm, áp lực kinh tế khiến trẻ bỏ học đi làm sớm; hoặc từ nguyên nhân của nhà trường và xã hội như bạo lực học đường, chất lượng giáo dục đạo đức, nhân cách, trẻ em là nạn nhân của các vi phạm pháp luật bên ngoài xã hội…
Từ góc độ này có thể thấy, không phải cứ quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thấp, tăng nặng các hình phạt thì tỉ lệ trẻ em gây ra các vụ án nghiêm trọng sẽ giảm. Cần phải giải quyết bằng cách phòng ngừa và xử lý các vấn đề gây ra tình trạng phạm tội ở trẻ em như hỗ trợ các gia đình có nguy cơ cao, tăng cường vai trò của nhà trường, đổi mới phương pháp giáo dục về nhân cách, đạo đức, xây dựng lòng tin, sự tôn trọng của người lớn đối với trẻ em… Xu thế hiện nay của thế giới không chỉ là tăng độ tuổi của trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn là giảm hình sự hóa các hành vi của trẻ em. Công ước Quyền trẻ em luôn yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng và thực thi các chính sách tư pháp chưa thành niên toàn diện để ngăn ngừa và giải quyết việc phạm tội của trẻ em trên cơ sở phù hợp với quy định của Công ước. Công ước khuyến khích áp dụng các biện pháp thay thế để xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không sử dụng đến quá trình tố tụng hình sự.
Như vậy, về mặt chính sách pháp luật, chúng ta cần phải nghiên cứu xây dựng một chính sách tư pháp chưa thành niên nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước về Quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và quan niệm đạo đức của Việt Nam. Đồng thời, hiện nay, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, các nội dung liên quan đến tư pháp người chưa thành niên cần được xem xét cẩn trọng và cân nhắc tối đa đến quyền lợi của các em trong từng quy định. Việc bắt, giam giữ hay phạt tù đối với người chưa thành niên cần phải được nhìn nhận như là một biện pháp cuối cùng và chỉ áp dụng trong thời hạn thích hợp, ngắn nhất để đảm bảo tính nhân đạo, giáo dục phù hợp, hướng đến việc giúp các em hòa nhập cộng đồng sau giai đoạn thụ án.
Một điểm nữa cần lưu ý hiện nay là Luật tổ chức Tòa án 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/06/2015. Luật này đã quy định Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên trong tất cả các lĩnh vực. Để mô hình này hoạt động một cách hiệu quả, cần có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực. Đội ngũ thẩm phán, thư ký, hội thẩm, cán bộ điều tra, kiểm sát viên cần phải được đào tạo về quyền của trẻ em, các kiến thức về tâm sinh lý của đối tượng này để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em. Đồng thời, hệ thống buồng giam, nhà tù dành cho người chưa thành niên cũng cần được tách ra khỏi những người trưởng thành, bảo đảm phù hợp với mục đích giáo dục và cải tạo trẻ em.
Theo Chât lương Viêt Nam
Đề xuất quyền được chết: Không nên đưa vào Luật!
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bổ sung "quyền được chết" vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam...
Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế, đề xuất của Vụ Pháp chế đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.
Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa. Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản, nhưng không một bác sĩ nào, không một bệnh viện nào dám thực hiện điều này, bởi pháp luật không cho phép.
Nếu pháp luật không cho phép mà bác sĩ giúp người bệnh thì vô tình cũng vướng vào hành vi "giết người". Ngược lại, nếu pháp luật cho phép, thì bác sĩ có thể giúp người bệnh muốn chết vì bệnh trọng có một lối thoát...
Để làm rõ hơn về đề vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cung cấp cho độc giả cái nhìn trên góc độ pháp lý.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bổ sung "quyền được chết" vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam. Tưởng chừng là giải pháp tốt cho họ, nhưng hậu quả của nó sẽ không lường hết được như phát sinh khiếu kiện giữa các con người chết, giữa con người chết với cơ quan y tế.
Vấn đề đặt ra là ai có thẩm quyền quyết định việc này. Đến một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng còn phải được sự kiểm duyệt của Chủ tịch nước trước khi họ bị thi hành án tử hình, thì việc này khó mà thực hiện được, nếu có được thực hiện thì không thể kiểm soát được. Vì vậy không nên đưa vào luật quyền được chết như nhiều ý kiến nêu.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bi tươc đoat tính mạng trái luật".
Mặt khác, Điều 101 BLHS qui định Tội: Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát: "Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
Theo Luật sư Thơm, việc áp dụng quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa là vấn đề rất phức tạp và rất dễ bị lạm dụng vì những mục đích khác nhau.
Những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có thực sự mong muốn được chết hay không. Đây là có phải là ý chí hay nguyện vọng của họ hay không hay chỉ là do lúc túng quẫn, chán trường mới có suy nghĩ tiêu cực như vậy. Căn cứ nào để chứng minh rằng đó là ý chí, nguyện vọng thực sự của họ là muốn được chết. Họ có thực sự tỉnh táo, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi đưa ra quyết định đó hay không. Hôm nay họ có suy nghĩ tiêu cực như vậy nhưng ngày mai họ thay đổi thì như thế nào. Đã có cơ quan chuyên môn theo qui định của pháp luật giám định tâm thần của họ hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi quyết định hay chưa.
Mặt khác, họ bị bệnh hiểm nghèo mà không thể cứu chữa được thì cơ quan chuyên môn nào sẽ phải giám định sức khỏe theo qui định của pháp luật để kết luận họ không thể sống được trong thời gian bao lâu nữa.
Nếu khi người bệnh mong muốn được chết thì người nhà không đồng ý thì sẽ phải quyết định ra sao để tránh việc khiếu nại, kiện tụng sau này của những người thân. Người thân có thể là bố, mẹ, vợ, con, anh, chị em,.. Nếu một trong những người thân thuộc hàng thừa kế mà không đồng ý thì có thể giải quyết được không.
"Có thể nói hệ lụy của việc áp dụng quyền được chết là rất lớn. Nếu chúng ta không xây dựng một cơ chế pháp lý đồng bộ thì việc thực thi áp dụng quyền được chết là rất khó thực hiện trên thực tế và gây ra những hậu quả pháp lý sau khi người đó chết", luật sư Thơm băn khoăn.
Khánh Công
Theo_VnMedia
Dụ trẻ vị thành niên giao cấu, lãnh 12 năm tù Dùng lời lẽ ngon ngọt thuyết phục trẻ vị thành niên vào nhà nghỉ để thực hiện hành vi giao cấu, bị cáo phải lãnh mức án 12 năm tù giam Sáng 21-4, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử và tuyên y án sơ thẩm 12 năm tù giam đối với bị cáo Lê Minh Luân (SN 1995,...