Tăng tuổi nghỉ hưu, Luật Lao động có gì mới?
Sau khi Trung ương có Nghị quyết 28-NQ/TW hồi đầu năm, trong đó có định hướng tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo hướng này, với đề xuất nữ tăng tuổi nghỉ hưu nhanh hơn nam.
Dự luật cũng đưa ra những thay đổi về tiền lương, giờ làm thêm, tổ chức đại diện người lao động (LĐ) tại doanh nghiệp (ngoài tổ chức Công đoàn)…
Có thể, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động sẽ tăng lên so với hiện hành. Ảnh: Phạm Thanh
Nam tăng thêm 2 tuổi, nữ thêm 5 tuổi
Dự thảo Bộ luật LĐ (sửa đổi) được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện từ năm 2016 tới nay. Khi Nghị quyết 27-28 của Trung ương được ban hành, dự luật này tiếp tục được sửa lại cho phù hợp. Tháng 8 vừa qua, bản thảo Bộ luật LĐ sửa đổi có một số nội dung tiếp tục sửa đổi so với các bản thảo đã công khai trước đó.
Về tăng tuổi nghỉ hưu (theo Nghị quyết 28), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trong dự luật: Từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với LĐ nam và 4 tháng với LĐ nữ, cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi (hiện nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi nghỉ hưu). Người LĐ suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu trước độ tuổi trên (nghỉ hưu non). Người LĐ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác được làm vượt tuổi trên nhưng không quá 5 năm.
Về tiền lương, thực hiện Nghị quyết 27, dự luật đưa ra định nghĩa mới về tiền lương: Là tiền lương gồm cả tiền lương theo công việc hoặc chức danh (không thấp hơn lương tối thiểu) và các khoản phụ cấp bổ sung khác được đưa ra trong hợp đồng và thỏa ước lao động tập thể. Quy định này nhằm ngăn chặn doanh nghiệp “lách luật”, để đưa ra nhiều mức trợ cấp, phụ cấp tăng thu nhập cho người LĐ nhưng không được tính vào tiền lương, nhằm giảm các mức đóng góp khác (như bảo hiểm, phí công đoàn).
Dự luật cũng bổ sung tiền lương tối thiểu vùng theo giờ (bên cạnh theo tháng), để áp dụng trường hợp công việc không thường xuyên, làm thêm.
Tăng giờ làm thêm lên gấp đôi
Video đang HOT
Về giờ làm thêm, tổ soạn thảo dự luật này đề xuất giờ làm 1 ngày (cả chính thức và làm thêm) không quá 12 giờ, tổng số giờ làm thêm 1 năm không quá 400 giờ. Không quy định về giờ làm thêm tối đa trong tuần, tháng (để phù hợp với doanh nghiệp sản xuất theo các đơn hàng). Tổng thời gian làm thêm trên tăng gấp đôi so với giờ làm thêm hiện nay (1 năm không quá 200 giờ).
Cùng với tăng số giờ làm thêm, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thêm phương án tiền lương làm thêm giờ (bên cạnh quy định hiện hành, lương làm thêm giờ cao hơn lương bình thường từ 150-300%). Theo đó, đơn vị soạn thảo đề xuất lương làm thêm giờ tính theo bậc thang, như với làm thêm ngày thường, giờ đầu lương bằng 150% lương giờ chính, các giờ tiếp theo tối thiểu 200%; tương tự vào ngày nghỉ hàng tuần, lương làm thêm tối thiểu là 300% (từ giờ thứ 3) và ngày lễ tết là 400%.
Về tổ chức đại diện người LĐ tại doanh nghiệp (ngoài tổ chức công đoàn hiện nay), dự luật cho phép người lao động được thành lập, gia nhập, hoạt động tổ chức đại diện người LĐ tại nơi mình làm việc. Tổ chức này hoạt động độc lập và bình đẳng với tổ chức công đoàn, thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi đoàn viên. Để được phép thành lập, tổ chức đại diện người LĐ phải được cấp phép, có tổ chức bộ máy, điều lệ hoạt động, phải tối thiểu từ 20 đoàn viên trở lên…
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung – Trưởng ban soạn thảo dự luật này cho biết, Bộ luật LĐ có tác động sâu rộng đến xã hội, liên quan đến quyền và lợi ích của người LĐ. Lần sửa đổi này nhằm chuyển đổi toàn diện bộ luật, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp Hiến pháp 2013; đảm bảo sự đồng bộ các luật đã được ban hành, đồng thời giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế thị trường LĐ, hội nhập quốc tế…
Về tuổi nghỉ hưu, ông Dung cho hay, Nghị quyết 28 của Trung ương đã định hướng rõ về nội dung này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cụ thể hóa đến từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực ngành nghề. Theo lộ trình, dự kiến cuối năm nay Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng, đầu năm 2019 trình Thường vụ Quốc hội; Dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục giữ lại các quy định riêng với lao động nữ, như công việc trong thai kỳ, nghỉ thai sản. Đặc biệt, dự luật vẫn giữ lại quy định: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc và vẫn hưởng lương…
LÊ HỮU VIỆT
Theo TPO
Tăng tuổi nghỉ hưu: Chuyên gia muốn quy định linh hoạt
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án về tuổi nghỉ hưu, trong đó có phương án từ 1.1.2021 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên đến 62 (đối với nam) và 60 ( đối với nữ) đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ các chuyên gia.
Một số chuyên gia cho rằng không nên đưa vào luật, số khác lại cho rằng tăng nhưng vận dụng hình thức linh hoạt, không quy định cứng ngắc để phù hợp nhu cầu từng đối tượng.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mọi chính sách đều hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người lao động (Ảnh: khoảnh khắc Thủ tướng về thăm và ăn bữa cơm cùng công nhân ở Đồng Nai - Hồ Văn)
Phải làm điều tra xã hội học
Trả lời phóng viên Dân Việt về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng bộ môn Đô thị học, Đại học KH-XH&NV TP.HCM, cho rằng một dự luật hay quy định nào đưa ra mà có tác động lớn đến số đông người lao động trước hết phải có dự án điều tra xã hội học về tác động hai chiều của vấn đề. Về tăng tuổi hưu, có người muốn nghỉ sớm, có người muốn kéo dài.
"Theo tôi, người dân thì không cần lắm việc này, chỉ cán bộ công chức, lãnh đạo... muốn mà thôi", TS Hòa cho biết.
Theo các chuyên gia, lao động nữ hầu hết đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể hơn, TS Hòa cho rằng mỗi nhóm làm công việc khác nhau thì có nguyện vọng khác nhau. Như nhóm lao động hành chính, văn phòng thì có thể muốn kéo dài tuổi hưu, trong khi nhóm lao động tay chân, lao động sản xuất ở các lĩnh vực nặng nhọc thì muốn về đúng tuổi (60 và 55), thậm chí muốn về sớm hơn.
"Theo tôi, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên khuyến khích, không nên cứng nhắc đưa vào luật. Ai còn sức khỏe, có nhu cầu tiếp tục làm việc thì đáp ứng nguyện vọng cho họ kéo dài tuổi hưu, ai không muốn cũng để họ về hưu đúng tuổi. Như ở Nhật và một số nước tiến tiến khác họ đang áp dụng mô hình linh hoạt này. Việt Nam ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, không nên quy định cứng ngắc về tăng tuổi nghỉ hưu", TS Hòa nói.
Cũng theo TS Hòa, việc tăng tuổi hưu có thể do lo vỡ quỹ, điều này cũng thể hiện bộ máy quản lý quỹ làm việc không hiệu quả, không cân đối được nguồn quỹ. Thứ hai, bộ máy quản lý quỹ cũng cồng kềnh, mỗi năm phải tiêu tốn số tiền khá lớn cũng là vấn đề cần được giải quyết.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa-xã hội, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, cho rằng không nên quy định cứng ngắc độ tuổi nghỉ hưu mà phải linh hoạt.
"Phải chia nhóm, ví dụ như lao động chân tay nên nghỉ sớm ở tuổi 50, nghề giáo viên, cán bộ y tế ... thì nghỉ ở độ tuổi 60 là hợp lý. Ở nữ cũng vậy, chỉ có thể cao nhất là phương án 58 tuổi, còn cá nhân tôi cho rằng phụ nữ nên nghỉ đúng ở độ tuổi 55 là hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi phải thực hiện theo xu hướng mở, ai có nguyện vọng thì đáp ứng theo nguyện vọng của họ, không nên quy định cứng mà phải uyển chuyển", ông Thành chia sẻ.
Doanh nghiệp muốn thay thế lao động trẻ, khỏe
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng Việt Nam đang hội nhập sâu, cơ hội việc làm ngày càng mở rộng. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể để phù hợp xu thế và phát triển của nền kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng lao động tay chân trong lĩnh vực thâm dụng lao động như da giày, may mặc... đến 50 tuổi là đã hết sức khỏe làm việc.
"Tuy nhiên, vận dụng phải linh hoạt, phải tùy vào từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực công việc khác nhau. Phải tính đến việc, tăng tuổi hưu một năm thì thị trường lao động mất cơ hội nghề nghiệp của cả một thế hệ. Ngoài ra, cũng phải tính đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng lao động, sản xuất nặng nhọc như dệt may, da giày... thì họ cần sự thay thế nguồn lao động trẻ khỏe hơn, đáp ứng sản xuất kinh doanh của họ. Hơn nữa, nhóm lao động trong lĩnh vực này cũng muốn nghỉ sớm, không ai muốn tăng tuổi hưu. Việc tăng tuổi chỉ phù hợp với nhóm lao động văn phòng, hành chính, công chức".
Cũng theo ông Tuấn, tăng tuổi hưu phải theo xu hướng tiệm cận với sự phát triển của thị trường lao động, sự phát triển của nền kinh tế. "Không nên quy định cứng ngắc mà có thể linh hoạt khung thời gian. Ví dụ, trong khoảng 5-10 năm khi vận dụng chính sách này thì cần linh hoạt ai có nhu cầu nghỉ sớm nên cho nghỉ, ai muốn kéo dài tuổi hưu thì đáp ứng. Trong khoảng thời gian đó cũng sẽ kiểm nghiệm được hiệu quả của chính sách này để tiếp tục thực thi hay ngưng lại", ông Tuấn đề xuất.
Còn chuyên gia Lê Văn Thành cho rằng, ở cấp độ quản lý, lãnh đạo, nên chấm dứt và nghỉ ở độ tuổi 60 (nam) và 55 (nữ). Nếu có ở lại theo quy định tuổi 62 và 60 chỉ giữ làm chuyên gia, tham mưu vì đằng sau họ còn cả một thế hệ trẻ, năng động, cần tạo cơ hội nghề nghiệp cho thế hệ kế tiếp. Nếu cứ khăng khăng quy định nghỉ hưu tuổi 62 và 60 có thể làm mất cơ hội nghề nghiệp, việc làm của thế hệ kế tục.
Theo Danviet
Bảo vệ Sở TT&TT Cần Thơ tự tử vì nợ nần Ông Dũng có nợ tiền của bạn bè, ngân hàng, công đoàn, cả xã hội đen. Ngày 29-8, Ban Tuyên giáo Cần Thơ tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 8-2018. Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ Đỗ Hoàng Trung đã thông tin chính thức đến báo chí về việc ông Lê Minh Dũng (48 tuổi, nhân viên bảo vệ...