Tăng tuổi làm việc không phải cách chống vỡ quỹ lương hưu
“Về câu hỏi quỹ lương hưu có vỡ vào năm 2034 như tính toán của Chính phủ không? Tôi tin với lộ trình cách tính tiền lương từ 2018 tới, thời điểm vỡ quỹ đó sẽ không xảy ra” – Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai khẳng định.
Câu chuyện về nguy cơ vỡ quỹ lương hưu vào năm 2034 đang đặt Quốc hội trước quyết định khó khăn về việc có tăng dần tuổi nghỉ hưu của người lao động (mỗi năm tăng 4 tháng cho đến khi đạt mức 60 tuổi đối với nữ – tăng 5 tuổi so với quy định hiện hành, 62 tuổi đối với nam – tăng 2 năm so với quy định hiện hành) mà Chính phủ đề xuất. UB Các vấn đề xã hội cũng “gật đầu” với hướng đề xuất này?
Quan điểm của chúng tôi là thực hiện theo Bộ luật Lao động, Điều 187 về tuổi nghỉ hưu đã được Quốc hội thông qua trước đó. Cụ thể, Bộ luật Lao động cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của một số nhóm lao động cụ thể là người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác nhưng một số nhóm lại có thể điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu theo đặc thù của ngành nghề.
Còn tờ trình của Chính phủ đưa ra phương án như đề cập thì tùy Quốc hội thảo luận, quyết định xem phương án nào.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai (ảnh: Việt Hưng).
Qua thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu bức xúc vì cho rằng nguy cơ vỡ quỹ lương hưu là do việc quản lý quỹ không ổn trong một thời gian dài?
Có rất nhiều yếu tố nhưng nói chung yếu tố quan trọng nhất là sự cân đối giữa đóng và hưởng, đóng ít, hưởng nhiều đã ảnh hưởng tới cân đối thu chi của quỹ, dẫn tới khả năng là quỹ không cân đối được. Việc này liên quan đến tuổi làm việc. Tuổi làm việc ngắn thì thời gian đóng ngắn còn tuổi làm việc dài thì tuổi thọ của quỹ có thể kéo dài ra. Vậy nên tất cả các nước đều điều chỉnh quỹ lương hưu trí bằng cách cân đối giữa thời gian đóng và thời gian hưởng. Việt Nam cũng sẽ xem xét lại yếu tố này.
Nhưng những con số đã được UB của bà đưa ra như 20% người lao động hiện vẫn “chui” đóng bảo hiểm, khoảng gần 5.000 tỷ đồng nợ đọng quỹ chỉ tính riêng năm 2013… thì rõ ràng không thể nói công tác quản lý quỹ là tốt. Không ít ý kiến lập luận, nếu tận thu được những nguồn này, quỹ lương hưu chưa phải đối mặt với nguy cơ đáng ngại như vậy?
Đúng là vấn đề cân đối quỹ còn những yếu tố khác như việc tuân thủ pháp luật. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 4-5 triệu người lao động không đóng bảo hiểm hưu trí. Một phần nào đó, việc này ảnh hưởng tới quỹ nhưng chỉ nhỏ thôi. Phần quan trọng nhất là không đóng bảo hiểm ảnh hưởng tới chính vấn đề an sinh của người đó, vì người này làm việc cả cuộc đời mà sẽ không được hưởng lương hưu; như thế về già khi không còn sức lao động nữa, họ sẽ sống bằng cái gì?
Vấn đề nợ đọng cũng ảnh hưởng khá lớn tới quỹ.
Rồi công thức tính lương hưu cũng là một yếu tố có khả năng tác động đến việc tăng đối tượng đóng bảo hiểm. Việc đóng ngắn hưởng dài cũng là một công thức chi phối đến sự bền vững của quỹ.
Chúng ta cần điều chỉnh nhiều vấn đề. Trước hết, cần đảm bảo nguyên tắc ai làm việc thì phải được đóng bảo hiểm để về hưu có lương mà sống. Không thể để hàng chục triệu người lao động không có nguồn thu nhập để sống khi về già. Cơ quan quản lý nhất quyết phải thu cho hết nợ đọng và dứt khoát không để tình trạng trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm của người lao động. Cần tăng chế tài để người sử dụng lao động chấp hành nghiêm túc quy định hơn.
Công đoàn cũng cần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động khi người lao động không được đóng đầy đủ bảo hiểm. Sổ bảo hiểm phải được giao cho người lao động để mỗi người biết quá trình đóng bảo hiểm của mình, giám sát đối với quá trình đóng bảo hiểm của chủ sử dụng. Lâu nay ta chưa giao sổ bảo hiểm cho người lao động là chưa được.
Video đang HOT
Bà vẫn tránh chưa nói đến việc BHXH mang tiền quỹ ra đầu tư, kinh doanh ngoài ngành gây thất thoát quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người đóng bảo hiểm. Rõ ràng có sự lỏng lẻo trong quản lý quỹ?
Gửi báo cáo thẩm tra ra Quốc hội, UB chúng tôi đã nói rõ, hiện nay, cơ bản nguồn tiền nhàn rỗi của quỹ thực hiện theo quy định chặt chẽ của pháp luật. Cơ quan quản lý mua trái phiếu Chính phủ, gửi vào các ngân hàng thương mại có sự bảo đảm an toàn tốt. Dù luật cho phép cả việc đầu tư vào một số dự án, công trình trọng điểm nhưng thực tế hiện nay, khi nền kinh tế như này việc đầu tư đó có thể mang lại rủi ro, thất thoát quỹ nên chúng ta chưa chấp nhận cho bỏ tiền vào dự án nào.
Chỉ có việc gần đây phát hiện quỹ được mang cho công ty cho thuê tài chính (ALC II) của ngân hàng NN&PTNN vay thì việc đó Chính phủ đang chỉ đạo giải quyết. Nếu không có sự kiện ALC thì toàn bộ quỹ rất an toàn vì thu chi theo đúng pháp luật.
Liệu chúng ta có đảm bảo được là sẽ không có một sự việc nào tương tự như ALC II lộ ra trong thời gian tới, có thể đem lại rủi ro cho quỹ?
Làm sao mà rủi ro được. Anh mang tiền đi mua trái phiếu, cho nhà nước vay, gửi vào các ngân hàng thương mại thì những khoản đó đều được đảm bảo, không có vấn đề gì. Tôi đã nói, chỉ trừ khoản cho ALC II vay thôi, còn toàn bộ các vấn đề còn lại, báo cáo ra Quốc hội, chúng tôi vẫn đánh giá quỹ lương hưu an toàn.
Một quan ngại khác được nêu ra là việc đóng bảo hiểm cũng như việc tính hưởng đều chưa dựa trên mức thu nhập thực của người lao động nên lương hưu dù thực tế chi trả rất èo uột, không đảm bảo mức sống của mỗi người khi về hưu mà cũng đã gây hệ quả đe dọa vỡ quỹ?
Việc đó rất đúng và sẽ phải điều chỉnh trong luật Bảo hiểm xã hội sắp tới. UB chúng tôi dự tính, đến 2018 tiền lương trong nền kinh tế này mới bắt đầu vận hành theo chuẩn như Điều 90 Bộ luật Lao động (tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu). Từ thời điểm này, tiền lương tại Việt Nam mới bắt đầu đi vào lộ trình như xu hướng của cả thế giới. Và từ đó, người bắt đầu đi làm, đóng bảo hiểm hưu trí sẽ bắt đầu hưởng lương hưu theo cách tính hoàn toàn mới – tính trên bình quân thu nhập của cả cuộc đời. Dự kiến người hưởng đồng lương hưu đầu tiên theo cách tính này rơi vào năm 2038. Một chính sách để theo đúng xu hướng tiến bộ của thế giới chúng ta phải đi trong 20 năm như vậy.
Với những ý kiến quan ngại, tôi xin nói luôn, với những người đóng bảo hiểm hưu trí trước 2018 sẽ được hưởng lương hưu hoàn toàn theo chính sách hiện hành, ổn định, không có gì thay đổi. Số này sẽ được hưởng mức lương với công thức tính có lợi hơn – căn cứ vào mức trung bình 10 năm làm việc sau cùng (thường bao giờ cũng là những bậc lương cao nhất của người lao động).
Tuy nhiên, tiền lương hưu của những người đóng bảo hiểm từ 2018 cũng không thấp hơn vì dù tính theo trung bình cả đời nhưng tiền lương rất cao nên thu nhập thực tế cũng cao.
Việc điều chỉnh toàn bộ chính sách lương hưu sẽ đi theo lộ trình như thế. Về câu hỏi quỹ lương hưu có vỡ vào năm 2034 như tính toán của Chính phủ? Tôi tin với lộ trình như này, thời điểm vỡ quỹ đó sẽ không xảy ra.
Xin cảm ơn bà!
P.Thảo (thực hiện)
Theo dantri
Đặt mình vào vị trí người lao động yếu thế, mới thấy xót xa!
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khi được trình ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, đã không nhận được sự đồng tình của dư luận CNVCLĐ. Ngay cả các thành viên của cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.
Xung quanh vấn đề này, đồng chí ĐẶNG NGỌC TÙNG - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - đã trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng.
- Thưa Chủ tịch, đồng chí có đồng tình với tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo phương án 1 tại tờ trình của Chính phủ?
- Tuyệt đại đa số công nhân mà tôi tiếp xúc họ đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ.
Tuổi nghỉ hưu nên phụ thuộc vào ngành nghề mà người lao động đang làm, nên thực hiện đúng theo Điều 187 Bộ luật Lao động. Do đó, tôi không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
- Tại sao bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động, thưa Chủ tịch?
- Trên lý thuyết, các chế độ, chính sách BHXH của ta rất hay, rất nhân văn, rất hấp dẫn. Nhưng thực tế khi thực hiện vẫn còn nhiều phiền hà cho người lao động.
Khi người lao động lãnh lương hàng tháng là họ đã đóng BHXH rồi, nhưng người sử dụng lao động chưa nộp hoặc không nộp cho cơ quan BHXH thì người lao động lại không được hưởng các chế độ mà họ phải hưởng theo quy định của luật, hoặc sau đó còn rất nhiều thủ tục nhiêu khê để được hưởng.
Nếu không bắt buộc, họ sẽ không tham gia và họ thấy BHXH tự nguyện chưa có lợi cho người lao động, nên chưa thu hút được đông người lao động tự nguyện tham gia.
- Xin Chủ tịch cho biết tiền lương đóng BHXH hiện nay dựa trên lương thực tế hay lương ghi trên hợp đồng?
- Hiện tại cán bộ công chức, công nhân ở các doanh nghiệp nhà nước đều đóng BHXH trên lương thực tế, nhưng công nhân nhất là công nhân dệt may da giày làm việc ở khu vực ngoài nhà nước đều đóng BHXH hầu như trên lương tối thiểu ghi trên hợp đồng, nên rất thiệt thòi cho người lao động.
Tại sao chúng ta lại tiếp tục để người lao động thiệt thòi thêm 3 năm nữa? Tại sao không áp dụng Điều 90 của Bộ luật Lao động? Đáng lẽ Luật BHXH là luật nhánh của Bộ luật Lao động nên phải tuân thủ các điều của Bộ luật Lao động chứ?
Sao các nhà làm luật chỉ "xót" cho người sử dụng lao động không đóng nổi BHXH, mà không nghĩ đến những thiệt thòi của người lao động yếu thế khi phải tiếp tục đóng BHXH trên lương tối thiểu thêm 3 năm nữa? Các nhà làm luật hãy đặt mình vào vị trí của người lao động yếu thế sẽ thấy mà xót xa!
- Không tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn đến "vỡ quỹ BHXH". Chủ tịch nghĩ sao về ý kiến này?
- Theo tôi, không cần tăng tuổi nghỉ hưu, nếu quản lý tốt tiền của người lao động, hãy tiết kiệm và quản lý quỹ như một ngân hàng thì chắc chắn sẽ không vỡ quỹ!
Tôi khẳng định sẽ không vỡ quỹ BHXH. Tôi sẵn sàng gặp gỡ để trao đổi, tranh luận và chứng minh lập trường của mình với những ai nói rằng sẽ vỡ quỹ!
- Chủ tịch có đồng tình với Ban soạn thảo điều chỉnh thời gian đóng BHXH từ 15 năm lên phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng 45% mức tiền lương bình quân đóng BHXH?
- Điều này lại cũng vô lý nữa, người lao động đã gặp muôn vàn khó khăn khi nghỉ hưu nên đừng để họ thiệt thòi hơn nữa mà hãy giữ nguyên 15 năm đóng BHXH hưởng 45% mức tiền lương bình quân đóng BHXH, tôi không đồng tình tăng lên 20 năm.
- Vậy, còn chi phí quản lý BHXH tối đa bằng 3% số thu BHXH?
- Dựa vào cơ sở nào mà chi quản lý tới 3% số tiền đóng BHXH của người lao động? Các ngân hàng thương mại họ nhận tiền gửi tiết kiệm của dân họ đâu có thể lấy của dân 3% được? Tôi chưa đồng tình với 3% này.
Đáng ra ngân sách nhà nước phải chi trả cho bộ máy quản lý này, để toàn bộ số tiền người lao động đóng để chi trả lại tất cả cho người lao động. Có như vậy BHXH mới hấp dẫn, mới thu hút được người lao động tham gia.
Theo tôi, để thu hút BHXH được mọi người tham gia thì phải chứng minh cho dân thấy tham gia chỉ có lợi do đó nên sử dụng ngân sách chi cho bộ máy quản lý, không nên lấy tiền của người lao động để chi cho bộ máy quản lý.
- Về kết dư của BHXH ngắn hạn hiện nay trên 31.000 tỉ đồng, theo Chủ tịch nên xử lý thế nào?
- Trước đây, khi tổ chức công đoàn còn quản lý quỹ BHXH chi cho 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nếu còn kết dư thì chi cho sự nghiệp nghỉ ngơi, dưỡng sức tái tạo sức lao động cho người lao động, hoặc bồi dưỡng tại chỗ, hoặc chi cho chăm sóc con em công nhân lao động, hoặc chi cho bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động.
Do đó, theo tôi số kết dư này nên chi cho người lao động chứ không nên đưa vào quỹ hưu trí.
- Xin cảm ơn Chủ tịch!
Theo TS
Lao Động
Cho vay ưu đãi gần 20 tỷ đồng/tàu vỏ thép ra Trường Sa, Hoàng Sa 11 cá nhân, doanh nghiệp tại Quảng Ngãi được duyệt vay vốn đóng tàu vỏ thép công suất lớn để vươn khơi. Trong tổng giá trị con tàu hơn 23 tỷ đồng, 80% (tương đương 18,5 tỷ đồng) là tiền được vay với chính sách ưu đãi riêng biệt, dài hạn. Báo cáo việc thực hiện lời hứa sau chất vấn tại kỳ...