Tăng trưởng kinh tế 2016: Đâu là rào cản?
Kinh tế năm 2015 có nhiều khởi sắc so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế, rào cản cho tăng trưởng kinh tế năm 2016.
Tăng trưởng 2014 vẫn ở mức dưới 6% thì tăng trưởng năm 2015 đã ở mức 6,68%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, đưa quy mô nền kinh tế lên 204 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 2.109 USD/người (theo giá hiện hành) và 1.140 USD/người (theo giá so sánh 2005).
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh màu hồng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn những mảng tối đeo bám. Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang thiếu một số động lực cơ bản để vượt qua được vùng trũng suy giảm và đạt được tăng trưởng bền vững như chất lượng tăng trưởng còn thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện; tư duy về kinh tế nhà nước chưa có thay đổi trong thực tế; khu vực FDI mặc dù đang là động lực tăng trưởng ngắn hạn nhưng đóng góp vào tăng trưởng dài hạn còn rất hạn chế, trong khi khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân chưa có nhiều cơ hội để phát triển.
Chưa qua vùng trũng suy giảm
PGs.Ts. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích: Tăng trưởng kinh tế vẫn thiếu động lực vượt qua vùng trũng suy giảm, do tăng trưởng năm 2015 phục hồi chủ yếu từ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là từ sản xuất công nghiệp chế tạo và chế biến; cùng với sự gia tăng mạnh của tiêu dùng cuối cùng.
Tuy nhiên, nếu tính trung bình cho 5 năm (2011-2015), tốc độ tăng trưởng là 5,8%, so với 6,99% trung bình giai đoạn 5 năm 2006-2010, và kém xa giai đoạn trước khủng hoảng 2000-2006 là 7,51%.
Có thể nói, nền kinh tế vẫn ở trong vùng trũng suy giảm, tuy gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa bền vững. Nền kinh tế vẫn còn thiếu một số động lực cơ bản để vượt qua vùng trũng này.
Tiếp đó, mô hình tăng trưởng chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng tăng trưởng. Bên cạnh đó, mặc dù chất lượng đầu tư được cải thiện hơn so với giai đoạn trước (chỉ số ICOR giảm), nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các nước khác ở những giai đoạn phát triển tương đương.
PGs.Ts. Tô Trung Thành đặt câu hỏi: Điều này có chứng tỏ rằng việc tăng trưởng phục hồi dần (kể từ năm 2013) vẫn xuất phát từ mô hình tăng trưởng cũ, được hỗ trợ bởi gia tăng tỷ lệ đầu tư và chính sách tiền tệ nới lỏng đi kèm, mà chưa có những cải thiện đáng kể về chất lượng tăng trưởng.
Thêm vào đó, một chỉ tiêu khác thể hiện chất lượng tăng trưởng là năng suất lao động (chất lượng của đầu vào lao động) đang ở mức tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực.
Video đang HOT
Giá trị gia tăng công nghiệp tính trên một lao động hay GDP trên một lao động của Việt Nam ở mức rất thấp so với các nước, hiện chỉ bằng một nửa so với Phillippines, 1/4 so với Trung Quốc, và không thấy dấu hiệu của sự cải thiện rõ nét theo thời gian.
Trong khi đó, tư duy kinh tế chưa có cải cách mạnh mẽ. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và thiếu hiệu quả có nguyên nhân lớn bởi những tư duy và quan điểm kinh tế chậm được đổi mới.
Có thể nói, tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bởi các nguồn lực của nền kinh tế khó có thể hướng vào những nơi có hiệu quả nhất.
Động lực tăng trưởng của Việt Nam thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những rủi ro mất cân bằng có dấu hiệu tái xuất hiện, như nhập siêu, dự trữ ngoại hối bào mòn, ngân sách kém bền vững, lãi suất qua vùng đáy – BSC Research.
Chất lượng tăng trưởng có vấn đề
Mặt khác, khu vực FDI thiếu đóng góp bền vững, các DN FDI vẫn chủ yếu tập trung vào ngành gia công, tạo giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế, không đóng góp tích cực cho cải thiện tiến bộ khoa học công nghệ. Hiện, trên 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ cao. Các DN FDI có công nghệ cao thì ít tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ đối với các DN trong nước.
Bên cạnh đó, theo Gs.Ts. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tăng trưởng kinh tế 2015 vẫn còn nhiều “vấn đề” nổi cộm về chất lượng. Tăng trưởng kinh tế vẫn mang nặng tính chất tăng trưởng nhờ vào gia công với tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.
Chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng GO và GDP năm 2015 là 3 điểm phần trăm, giảm đi so với các năm trước của giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GO. Tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng “nhờ vào gia công”, chủ yếu dựa trên lợi thế về lao động rẻ.
“Nếu ví nền kinh tế như “một dòng sông chảy” thì tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn GDP đã phản ánh một hiện tượng đang không bình thường trong nền kinh tế Việt Nam, theo đó “thượng nguồn” đang bị “khô” còn “hạ nguồn” thì lại “ngập”.
Xu hướng “kinh tế gia công” không chỉ ở ngành công nghiệp mà còn lan sang cả nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ngày càng có xu hướng “gia công”, nhập khẩu cả phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi”, Gs.Ts. Ngô Thắng Lợi dẫn chứng.
Trước những thách thức về tăng trưởng trên, PGs. Ts. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng cần kiểm điểm 3 nút thắt (thể chế, kết cấu hạ tầng, nhân lực); 3 trọng tâm tái cơ cấu (doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đầu tư công); tăng trưởng, lạm phát và thị trường bất động sản.
Theo dự báo triển vọng vĩ mô Việt Nam vừa được BSC Research công bố, năm 2016, dự kiến GDP sẽ tăng 6,7-6,9%, tỷ lệ lạm phát có thể dao động trong vùng 1,8-3,5%, vốn FDI thực hiện có thể đạt 13,5-17 tỷ USD… Song theo nhận định của BSC, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc giữ được đà tăng trưởng nhanh trong hai năm gần đây.
Theo BSC Research, động lực tăng trưởng của Việt Nam thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những rủi ro mất cân bằng có dấu hiệu tái xuất hiện, như nhập siêu, dự trữ ngoại hối bào mòn, ngân sách kém bền vững, lãi suất qua vùng đáy.
Do vậy, triển vọng 2016 và các năm tới sẽ sáng sủa hơn chỉ khi Việt Nam tận dụng tốt nền tảng vĩ mô khả quan gây dựng trong các năm vừa qua, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, khuyến khích kinh tế tư nhân, cải thiện năng suất và nâng cấp mô hình tăng trưởng.
Gs. Ts. Nguyễn Quang Thái – Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam Kinh tế Việt Nam có thể có được những triển vọng tốt, tuy nhiên, cần dự liệu và chuẩn bị phòng tránh một số rủi ro và thách thức tiềm tàng như rủi ro về kinh tế quốc tế, rủi ro về năng lực thể chế, rủi ro về các yếu tố bất ổn tiềm tàng của kinh tế vĩ mô. Nếu những rủi ro này xảy ra đơn lẻ, tình hình kinh tế sẽ không đạt được như triển vọng. Nếu tất cả các rủi ro xảy ra, tình hình kinh tế sẽ có nhiều biến động không dự báo được. PGs. Ts. Trần Kim Chung – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương Đổi mới mô hình tăng trưởng Việt Nam và tái cơ cấu nền kinh tế phải được tiếp tục thực hiện một cách cấp bách và quyết liệt. Bên cạnh việc đổi mới tư duy về vai trò của khu vực nhà nước, cũng cần đổi mới tư duy về khu vực tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là “một trong những động lực phát triển của nền kinh tế” mà cần khẳng định là “động lực cơ bản” nhằm tạo ra được những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Gs.Ts. Trần Thọ Đạt – Trường Đại học Kinh tế quốc dân Nền kinh tế cũng đã xuất hiện những khó khăn mới của thời cơ mới hội nhập. Nếu không có những cải cách quyết liệt, sẽ không tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trong một vài năm tiếp theo sẽ có những khó khăn cực lớn đối với nền kinh tế và đất nước chúng ta. Nhà nước cần có những chính sách quyết liệt, điều hành chính đối với chính sách để việc đổi mới được mạnh mẽ hơn nữa thích ứng với thời kỳ hội nhập của đất nước.
Theo Thời báo Kinh doanh
Cho vay tiêu dùng: Nhiều dư địa phát triển
Hoạt động cho vay tiêu dùng được xem là giải pháp không chỉ giúp kích cầu mà còn giúp cho người tiêu dùng có cơ hội sử dụng các mặt hàng, dịch vụ hiện đại.
Hoạt động cho vay tiêu dùng tại các điểm bán hiện đang hỗ trợ đắc lực cho nhiều người dân khi mua sắm
Trước đây, với những người tiêu dùng ít tiền rất khó có cơ hội sử dụng các mặt hàng đắt tiền như xe máy, điện thoại smarphone... bởi dù có nhu cầu thực sự nhưng tài chính hạn hẹp, trong khi nếu để vay ngân hàng thì thủ tục phức tạp còn nếu tìm đến "tín dụng đen" chẳng những lãi suất cao mà còn chịu nhiều rủi ro. Vì vậy, việc các Cty tài chính kết hợp với các siêu thị, cửa hàng điện máy như: Media Mart, FPT Shop, Thế giới di động, Honda... đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng ngay cả khi họ chưa có khả năng chi trả cho món hàng muốn mua...
Cơ hội cho người tiêu dùng
Hiện nay, việc khách hàng vào các siêu thị điện máy gặp các quầy tư vấn tiêu dùng của các Công ty tài chính ngay tại siêu thị không còn là chuyện xa lạ nữa. Ở hầu hết các siêu thị này, nhân viên của các Công ty cho vay tài chính sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ các khoản vay trả góp với các mức lãi suất hấp dẫn từ 0% cho đến các mức cao hơn, đi kèm các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Điểm hay ở dịch vụ cho vay này là khách hàng có thể tìm hiểu thông tin về những ưu đãi thông qua sự hướng dẫn của nhân viên hoặc trực tiếp truy cập vào trang web của hệ thống để tìm hiểu, lựa chọn sao cho phù hợp với mức vay tín chấp. Thủ tục cho vay nhanh chóng và tiện lợi, chỉ cần bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu hoặc bằng lái xe (cho các khoản vay dưới 10 triệu). Ký hợp đồng xong, khách hàng đã có thể nhận sản phẩm ngay lập tức tại điểm bán, phần còn lại, công ty tài chính sẽ đại diện khách hàng thanh toán cho đơn vị bán sản phẩm (sau khi trừ khoản trả trước). Như vậy, chỉ mất khoản 10-15 phút, khách hàng đã có thể mua và cầm trong tay sản phẩm mà mình mơ ước. Ngay tại cửa hàng điện thoại di động FPT Shop (số 46 Hồ Tùng Mậu, Phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), các nhân viên ở đây cho biết, hiện hệ thống cửa hàng này đang liên kết với một số Cty tài chính triển khai áp dụng rất nhiều chương trình cho vay trả góp.
Thực tế là hoạt động cho vay tiêu dùng tại các điểm bán hiện đang hỗ trợ đắc lực cho nhiều người dân khi mua sắm, đặc biệt là với những đối tượng khó có cơ hội tiếp cận các khoản vay truyền thống như: sinh viên, các cặp vợ chồng mới cưới, người có thu nhập thấp... Điều này mang ý nghĩa xã hội quan trọng, giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Lê Vân - một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi chia sẻ: "Mình là sinh viên mới ra trường nên chưa có nhiều tiền để mua đồ dùng cá nhân có giá trị lớn. Dịch vụ cho vay trả góp đã giúp mình mua được chiếc máy tính phục vụ nhu cầu công việc tốt hơn. Hàng tháng mình sẽ để dành ra một khoản tiền để trả góp. Qua tiếp cận dịch vụ, mình thấy thủ tục cho vay tiêu dùng cá nhân khá tiện lợi đối với những đối tượng có thu nhập thấp như mình".
Việc các Cty tài chính tư vấn cho vay ngay tại các cửa hàng được xem là một giải pháp hữu hiệu để tiếp cận trực tiếp với khách hàng có nhu cầu vay vốn.
Dư địa cho nhà sản xuất
Chuyên gia tài chính, tín dụng tiêu dùng - TS Đinh Thế Hiển cho biết, còn rất nhiều dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng ở VN. Dự báo, trong vòng 3 năm tới cho vay hàng tiêu dùng sẽ tăng khoảng 15-17% trong 3 năm tới. Ông Hiển phân tích, sở dĩ còn nhiều dư địa là vì tín dụng tiêu dùng của VN chỉ mới trong giai đoạn đầu phát triển và tiềm năng để phát triển còn rất lớn. Hiện tỷ lệ tín dụng bình quân của VN chiếm khoảng 5-6% GDP (tại Mỹ 17-18% GDP). Dự kiến 5 năm tới, tỷ lệ này có thể đạt đến mức 10% GDP, tức là tăng ở mức 20%/năm. "Dịch vụ cho vay tại điểm bán đang có xu hướng ngày càng phát triển, do nhu cầu chi tiêu của người dân ngày càng cao và những tiện ích của dịch vụ này mang lại. Người tiêu dùng chỉ cần trả trước một phần tiền mua hàng, phần còn thiếu sẽ được ngân hàng hoặc Cty tài chính thanh toán. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ cho vay những khoản lớn và thủ tục đòi hỏi khắt khe. Còn các Cty tài chính thì thủ tục dễ hơn. Người tiêu dùng chỉ cần có chứng minh nhân dân, không cần thế chấp là có thể vay tiền để sở hữu món hàng cho mình" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Trên thực tế, việc các Cty tài chính tư vấn cho vay ngay tại các cửa hàng được xem là một giải pháp hữu hiệu để tiếp cận trực tiếp với khách hàng có nhu cầu vay vốn. Trong đó, ưu điểm của vay tại điểm bán là cung cấp giải pháp tài chính cho người dân có thu nhập trung bình hoặc thấp, có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện vay tại các ngân hàng.
Điều quan trọng là việc các Cty tài chính cho vay ngay tại các điểm bán hàng còn giúp hạn chế thị trường tín dụng đen, kích thích tiêu dùng và đóng góp đáng kể vào tình hình tăng trưởng kinh tế. Vì vậy mà số lượng khách hàng tìm đến các Cty tài chính đang ngày một gia tăng.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Tín hiệu nào cho tăng trưởng thực chất? Những kết quả khảo sát, dự báo tăng trưởng kinh tế gần đây có thể làm không ít người "phấn chấn". Nhưng với giới doanh nghiệp, điều băn khoăn là nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng dựa vào con số điều hành hay con số tăng trưởng thực chất và bản thân họ sẽ đối mặt những rủi ro gì? Công...