Tăng trưởng GDP cả năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ quý I/2015 tăng khả quan hơn cùng kỳ năm ngoái.
Giải thích cho nhận định này, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho hay: Tổng cầu cải thiện trước hết về cầu tiêu dùng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2015 sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% so cùng kì năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của cùng kì 2014.
Mức tiêu thụ điện trong quý I/2015 cũng tăng nhanh hơn cùng kì năm ngoái, đạt mức 12,7% (cùng kì là 9,2%). Chỉ số niềm tin tiêu dùng (ANZ) cũng tăng, từ mức 135,4 điểm trong tháng 1 lên mức 142,3 điểm trong tháng 2. Điều này cho thấy người tiêu dùng lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Về cầu đầu tư cũng cải thiện khi dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng nhanh hơn cùng kì. Tính đến 20/3/2015 tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 1,25%, cao hơn nhiều so với mức giảm 0,57% của cùng kỳ năm 2014. Tình hình tín dụng cải thiện một phần do mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Tính đến 18/3 lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng ở mức 5,8%, giảm 0,2 điểm % so với đầu năm.
Trong khi đó, vốn FDI thực hiện trong quý I cũng tăng cao hơn cùng kì (7% so với 5,6%).
Video đang HOT
Tổng cung cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm. Điều tra PMI của HSBC cho thấy giá cả đầu vào đã liên tục giảm kể từ tháng 11/2014. Chi phí đầu vào giảm một mặt do giá hàng hóa thế giới giảm, nhất là giá năng lượng, một mặt do môi trường kinh doanh được cải thiện. Hệ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ 70
(năm 2013) lên 68 (2014-2015), trong đó có sự đóng góp của những tiến bộ về thể chế và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, năng suất của nền kinh tế đã có sự chuyển biến và mức tăng trưởng dài hạn bắt đầu cải thiện từ quý 1/2014.
Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tích cực đến sản xuất kinh doanh
Bên cạnh đó, việc kinh tế tăng trưởng tốt cũng giúp bù đắp phần nào ảnh hưởng của việc giảm giá dầu đến thu ngân sách nhà nước. Lũy kế đến hết tháng 3/2015, mặc dù thu từ dầu thô giảm 35,9% so cùng kì thu nội địa tăng 19,6% so cùng kì. Nhờ đó, tổng thu NSNN lũy kế quý I đạt 226.000 tỷ đồng, vẫn tăng 10,3% so với cùng kỳ 2014.
Ủy ban này ước tính cho cả năm 2015, giá dầu bình quân 60 USD/thùng sẽ trực tiếp làm thu NSNN từ dầu thô giảm 37.000 tỷ đồng so với dự toán. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua giảm chi phí sản xuất, nhờ đó thu NSNN từ khu vực sản xuất, kinh doanh có thể tăng khoảng 22.000 tỷ đồng so với dự toán (UBGSTCQG).
Ngoài ra, điều chỉnh phí và thuế nhập khẩu xăng dầu cũng như một số loại thuế khóa liên quan đến sử dụng xăng dầu có thể bù đắp giảm thu về dầu thô Với những yếu tố tích cực nêu trên, chưa tính đến khả năng giá dầu thế giới giảm xuống dưới 40 USD/thùng, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%./.
Theo VOV
HSBC: Tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn phải cẩn trọng
Ngân hàng này nhận định sự suy giảm xuất khẩu của các công ty trong nước và ngành du lịch sẽ gây ra nhiều rủi ro suy thoái cho nền kinh tế.
Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố GDP quý I/2015 tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2014. Theo HSBC, con số tăng trưởng ngoạn mục này phản ánh kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu cao hơn, tăng trưởng tín dụng khối tư nhân đạt mức 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong báo cáo mang tiêu đề "Đoạn đường dài phía trước", cơ quan này cũng nhận định mọi người vẫn đang trong tâm thế cẩn thận.
"Mặc dù nhu cầu trong nước được cải thiện nhưng các điều kiện bên ngoài lại xấu đi, tạo sức ép lên hai nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam", HSBC cho hay. Xuất khẩu mặc dù vẫn còn cao so với tiêu chuẩn khu vực nhưng cũng đã giảm xuống mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2014 tăng 12,7%). Các lô hàng từ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm trong quý vừa rồi càng nêu bật việc doanh nghiệp Việt Nam đang dần mất năng lực cạnh tranh.
Đơn đặt hàng mới chậm và nhân công giảm gây rủi ro cho sản xuất Việt Nam.
Trong 5 năm qua, câu chuyện xuất khẩu xuất sắc của Việt Nam phần lớn nhờ vào sự thúc đẩy của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này không hẳn là xấu khi đã đem lại cho doanh nghiệp trong nước cơ hội để khai thác các chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu suất đáng thất vọng của các doanh nghiệp trong nước đã khiến quá trình này diễn ra chậm và việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI bị giới hạn.
"Nếu không có một chiến lược chủ động để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao kiến thức về công nghệ của mình thì những lợi ích từ FDI sẽ bị giới hạn, ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi như thuế để thu hút nguồn vốn FDI kỹ thuật cao", HSBC khuyến cáo.
Bên cạnh xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, nhập khẩu tăng mạnh mẽ trong quý I cũng là điểm đáng chú ý. Về ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng điều này không đáng lo ngại vì đa phần hàng hóa nhập về quý này đều là máy móc, nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, rủi ro lại nằm ở sự gia tăng nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như nhập khẩu xe ôtô tăng gần 80%, tín dụng tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước và tăng 1,25% so cuối năm 2014.
"Nếu như cho vay tiếp tục tăng trưởng nhanh, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ tăng dẫn đến thâm hụt thương mại ngày càng rộng. Trong khi các kế hoạch cải cách đối với ngành ngân hàng đang được tiến hành một cách chậm chạp, thì tăng trưởng tín dụng nhanh lại trở thành mối lo, đặc biệt là đối với những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả như bất động sản", báo cáo nhận định. Phần đóng góp của tín dụng cho GDP đã tăng đến mức 100% trong năm 2014 so với mức 95% vào năm 2012.
Ngành du lịch cũng đang suy yếu. Trong quý I/2015 lượng khách du lịch đến Việt Nam đã giảm 13,7% so với năm ngoái, chỉ đạt mức 2 triệu khách. Ngoại trừ khách du lịch đến từ Hàn Quốc, số lượng khách từ các nước giảm đều, chủ yếu là khách du lịch đến từ Australia, Trung Quốc và Nhật Bản.
Một phần nguyên nhân là do sự biến động của tỷ giá. Người Nhật Bản, châu Âu và Australia đang kém mặn mà với việc đi du lịch do nền kinh tế khó khăn. Cộng thêm đồng yen, euro và đôla Úc yếu đã làm lượng khách du lịch đến Việt Nam chuyển hướng, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc, khiến cho ngành du lịch của Việt Nam chịu tác động kép.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất cũng báo hiệu những mối lo ngại về khả năng bền vững của đà tăng ngành sản xuất. Mặc dù chỉ số toàn phần vẫn trên mức trung bình nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Trong tháng 3, chỉ số PMI đã giảm từ mức 51,7 điểm của tháng 2 còn 50,7 điểm.
Thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao luôn là vấn đề quan tâm khi hệ thống giáo dục đại học không theo kịp nhu cầu của công ty. Thêm nữa, mối quan hệ giữa quản lý và lao động vẫn còn là một thách thức gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất. Cùng với đó, tiến trình cải cách chậm trễ có thể sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam, trong đó có thể khiến tiến trình ổn định đưa đất nước tiến lên thịnh vượng gặp nhiều rủi ro.
"Chúng tôi tin tưởng sự suy giảm xuất khẩu của các công ty trong nước và ngành du lịch sẽ gây ra nhiều rủi ro suy thoái cho nền kinh tế. Thêm vào đó, nhu cầu trong nước mạnh trong quý I/2015 nhưng triển vọng vẫn còn khá mong manh", nhà băng này nhận xét.
Do đó, trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. "Các mức lãi suất thực đang ở mức cao trong lịch sử và chúng tôi dự đoán lãi suất trên thị trường mở giảm thêm 0,5% xuống còn 4,5%", HSBC cho biết.
Theo Vnexpress
"Vàng ròng trong dân số" tiếp sức cho tăng trưởng GDP GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp hơn 10 lần trong vòng hơn 20 năm qua, từ 140 USD/người năm 1992 lên 1.540 USD/người năm 2012, trong đó có sự góp sức quan trọng của việc tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc của Trưởng ban Kinh tế...