Tang thương cặp vợ chồng chết khi đưa dâu
Đoàn đưa dâu đại diện họ nhà gái đi trên 2 chiếc taxi và nhiều xe máy. Từ nhà chú rể ở Kim Thành – Hải Dương trở về, bất ngờ một chiếc taxi chở 5 người trong họ nhà gái đã bị lật xuống sông, khiến một cặp vợ chồng và ba người khác thiệt mạng.
Đại tang từ một đám cưới
Vừa tốt nghiệp đại học, chưa kịp vui mừng thì Giang đã vĩnh viễn mất đi bô mẹ
Tìm đến xóm 3 – thôn Đào Yêu – xã Hồng Thái – huyện An Dương – Hải Phòng sau dịp nghỉ Lễ kéo dài, chúng tôi chứng kiến không khí tang tóc, đau thương bao trùm lên dòng họ Phạm sinh sống lâu đời ở địa phương này. Theo lời kể của người nhà nạn nhân, khoảng 14 giờ ngày 29/4, tài xế Nguyễn Văn Kỷ – Hãng taxi Vũ Gia ở Hải Phòng điều khiển chiếc xe ô tô biển kiểm soát 16M-3401, chở một nhóm 5 người, trong đó có 4 nữ, 1 nam của dòng họ Phạm trong chuyến đưa dâu trở về. Xuất phát từ nhà chú rể ở Kim Thành, tỉnh Hải Dương, chiếc xe đi về hướng Hải Phòng.
Có mặt trên chiếc xe taxi hôm ấy gồm: ông Phạm Văn Trường (50 tuổi) và vợ là bà Cao Thị Vui (48 tuổi), cùng hai người chị em dâu là bà Nguyễn Thị Bích (40 tuổi), bà Đinh Thị Vân (37 tuổi). Ngoài ra còn có một người cháu họ là chị Lê Thị Vân (26 tuổi). Trong số 5 người trên, chỉ duy nhất chị Lê Thị Vân là trú ở xã Quốc Tuấn, cùng huyện An Dương, 4 người còn lại đều trú ở thôn Đào Yêu – xã Hồng Thái – huyện An Dương – Hải Phòng.
Trên đường đi, đến khu vực cống Thượng, xã Đại Đức (huyện Kim Thành, Hải Dương), do hôm đó cống được tháo nước nên dòng chảy khá siết, đường gồ ghề, khó đi, xe lại bám mép nước nên tài xế Nguyễn Văn Kỷ đã mất lái, xe taxi bị lật xuống sông. Chỉ có mỗi tài xế Kỷ đã nhanh tay bung cửa thoát thân, còn 5 hành khách trên xe đều bị chìm xuống sông cùng chiếc taxi và… thiệt mạng.
Cả 5 nạn nhân vụ tai nạn ấy đều có những hoàn cảnh khó khăn như bỏ lại con cái còn nhỏ dại, chồng ngớ ngẩn…Nhưng mất mát lớn nhất là gia đình ông Phạm Văn Khương bởi cùng lúc ông đã mất hai vợ chồng người con trai trưởng, đó là hai nạn nhân Phạm Văn Trường và Cao Thị Vui. Hai người con vắn số của ông Khương là trụ cột trong gia đình gồm có hai bố mẹ già đã ngoài 80 tuổi và một người con trai vừa tốt nghiệp đại học ra trường, chưa xin được việc làm. Mất mát quá lớn khiến ông lão tuổi gần đất xa trời như muốn ngã quỵ theo con.
Video đang HOT
Theo lời kể của ông Khương, cô dâu trong tiệc cưới hôm ấy là cháu trong dòng họ Phạm. Ông nội của cô dâu chính là em trai ruột của ông Khương. Vì mẹ cô dâu đã mất, bố và các chú bác ruột lại là những người ngờ nghệch bẩm sinh nên mọi công việc cưới hỏi hôm ấy đều do họ hàng đứng ra lo giúp. “Tôi phải cử thằng con trai ruột của tôi đại diện cho họ nhà gái đi đưa dâu. Ai ngờ…” – ông Khương nghẹn ngào nhớ lại.
Giọng nói run run, ông Khương cho biết thêm: “Đoàn nhà gái đi đưa dâu hôm đó có 2 chiếc xe taxi, chiếc còn lại chở 4 người và đi trước nên không biết chiếc taxi chở 5 bị nạn. Ngoài ra, còn có nhiều người đi xe máy theo đoàn đưa dâu. Vì đường rất bụi, các xe đi cách xa nhau nên lúc xe gặp nạn, chẳng ai nhìn thấy ngay”. Và dù người nhà các nạn nhân cùng lực lượng chức năng tích cực cứu hộ nhưng phải 4 tiếng sau, vào lúc 18 giờ, chiếc xe mới được tìm thấy và trục vớt. Ngay trong đêm ấy, cả 5 thi thể nạn nhân được đưa về đến nhà để hôm sau mai táng.
Trong đoàn đưa dâu hôm ấy có cả con trai của hai vợ chồng nạn nhân Trường tên là Phạm Văn Giang. Tuy nhiên, do Giang đi xe máy và lại phóng trước taxi bị nạn nên không biết bố mẹ đã gặp rủi ro. Khi nhận tin báo, Giang đã ở cách vị trí tai nạn khoảng 10km. “Phóng xe quay lại, em đã gọi điện cho 113, vừa nghe em nói báo tai nạn, họ liền cúp máy luôn, sau đó gọi lại cũng chả thấy bắt máy. Em gọi cho đội cứu hộ đê thì họ bảo phải 2,5 tiếng mới đến được…”. – Giang đau đớn nhớ lại. Bản thân Giang và gia đình vẫn hiểu được rằng, bố mẹ em và những người họ hàng chẳng thể chờ lâu để được cứu giúp, nhưng gia đình nạn nhân không khỏi bức xúc trước thái độ bàng quan, vô trách nhiệm của lực lượng cứu hộ.
Trắng khăn tang dòng họ Phạm
Lái xe gây tai nạn (ảnh ANHP)
Người chị gái của nạn nhân Trường trong suốt buổi trò chuyện chỉ lặng lẽ khóc vì thương hai người em vắn số, mệnh bạc của mình. Khi nhắc đến chuyện cứu hộ, chừng như không thể ghìm nén bức xúc, người chị này đã lên tiếng: “ Sao người ta vô tâm thế, nghe đến tai nạn đã dập máy, không kịp để cháu tôi nói địa chỉ”. Nói rồi người phụ nữ ấy lại khóc. Trong nước mắt, chị gái hai nạn nhân chia sẻ: ” Các em tôi chết khổ quá, đến giờ chết cũng chẳng biết được chính xác thì nói gì đến giờ khâm liệm. địa phương người ta cho manh chiếu quấn tử thi, chúng tôi mang về và cứ thế đưa vào quan tài đem đi chôn thôi. Một xóm 4 đám tang toàn người trong họ, phải căn giờ để anh đi trước, em đi theo sau ra đồng…”.
Tiếp lời con gái, ông Khương chia sẻ thêm. Sống đã gần hết đời người, chưa khi nào ông đau đớn đến thế này. Ngày đưa tang các con ông cũng là ngày cả dòng họ nhà ông tất tả với ba đám ma khác. Theo tục lệ, là anh, là chị nên thi thể các con ông phải được an táng trước rồi các nạn nhân khác mới theo đó về với Đất mẹ. Thế nên, dù có nạn nhân, gia đình nhờ thầy xem giờ và được “phán” chôn trước cũng chẳng thể thực hiện theo bởi họ là anh em cùng dòng tộc, chẳng thể đi qua ngõ nhà anh chị khi anh chị vẫn chưa được côn cất. Khi thi thể hai người con của ông Khương được đưa ra nghĩa địa, lần lượt ba áo quan khác cũng được đưa đi chôn.
Hiện tại, người nhà các nạn nhân đang mong mỏi kết quả điều tra vụ tai nạn thương tâm này. Họ muốn biết nguồn cơn vụ tai nạn để được an lòng hơn, để hiểu tường tận là do các nạn nhân mệnh bạc, vắn số hay do sự cẩu thả, vô trách nhiệm của người lái xe?!
Theo VNMedia
Ngày tang thương trên sông Krông Nô
Đến 19g30 ngày 14-3, ba nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm thuyền thương tâm xảy ra tại khu vực sông Krông Nô, đoạn giáp ranh huyện Lắk (Đắk Lắk) với huyện Krông Nô (Đắk Nông) vẫn chưa được tìm thấy.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ túc trực và tìm kiếm suốt đêm.
Lực lượng cứu hộ và người dân tìm kiếm thi thể nạn nhân trên sông Krông Nô - Ảnh: Tiến Thành
Ông Đinh Xuân Sơn - đại diện Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (thuộc Tập đoàn Monsanto), chuyên về bắp giống, trụ sở tại TP.HCM - cho biết khoảng 17g30 ngày 13-3, đoàn công tác của công ty sau khi nghiệm thu cánh đồng ngô tại thôn 3 Bàu Xanh (xã Ea Rbin, huyện Lắk, Đắk Lắk) trên đường về đã bị lật thuyền khiến hai kỹ sư của công ty và bốn cán bộ thử việc thiệt mạng. Sáu người khác cùng có mặt trên thuyền may mắn được cứu sống.
Khoảng 6g ngày 14-3, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện thi thể đầu tiên bị vùi dưới cát là Phan Trần Nguyễn Đàm (26 tuổi, trú tại huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk, là kỹ sư của công ty), đến khoảng 9g thêm hai thi thể nạn nhân được tìm thấy là Hoàng Thị Kim Nhã (25 tuổi, trú tại tỉnh Đắk Lắk) và Phùng Quốc Huy (26 tuổi, trú tại Cư Quin, Đắk Lắk). Ba nạn nhân hiện còn mất tích là Nguyễn Hoàng Huyên (39 tuổi, Cư Quin, Đắk Lắk - cán bộ của công ty), Trần Thị Kim Hằng (22 tuổi, Krông Pắk, Đắk Lắk) và Lê Trung Thành (23 tuổi, Cư Mgar, Đắk Lắk).
Ông Trương Văn Ái, người trực tiếp chứng kiến vụ lật thuyền và tham gia cứu sống sáu nạn nhân, cho biết khoảng 14g ngày 13-3, trong lúc đang chăn vịt trong khuôn viên vườn nhà thì thấy một đoàn cán bộ và kỹ sư đứng bên kia sông gọi xin được chở nhờ qua sông. Lúc này, ông Doãn Thế Truyền (59 tuổi) - một người dân cạnh nhà ông - đã mượn thuyền của ông chở đoàn qua sông. Đến khoảng 17g30, trên đường trở về thì chiếc thuyền bất ngờ lật úp. Lúc này trên thuyền có tất cả 12 người kể cả lái thuyền.
"Tôi đang đứng chăn vịt thì nghe tiếng kêu la thảm thiết giữa lòng sông. Tức tốc chạy xuống thấy nhiều người đang chới với cố níu lấy chiếc thuyền. Lúc này trong làng chỉ có một mình nên tôi lao thuyền nhỏ ra cố cứu những người gần nhất. Khi kéo được người thứ 6 lên khỏi bờ thì lòng sông đã tối mịt, những người còn lại đã không còn nữa" - ông Ái kể lại.
Chiều 14-3, có mặt tại khúc sông nơi xảy ra vụ tai nạn là hàng ngàn người dân, lực lượng cứu hộ cùng nhiều người nhà nạn nhân vẫn thấp thỏm theo dõi dọc lòng sông. Trung tá Nguyễn Xuân Dụng, phụ trách đội tìm kiếm cứu nạn thuộc huyện đội, cho biết mặc dù huyện đội đã cử 20 cán bộ chiến sĩ, 20 dân quân của xã cùng đội lặn chuyên nghiệp và hàng chục người dân tham gia công tác tìm kiếm nhưng do lòng sông nơi xảy ra tai nạn chảy khá xiết, nhiều khúc cua và lượng cát bồi lớn nên việc tìm kiếm vẫn đang gặp khó khăn. Ông Dụng cũng cho hay nếu trời sẩm tối mà vẫn không có tiến triển thì lực lượng tìm kiếm phải lặn ngụp ở lòng sông kể cả trong đêm khuya.
Thượng tá Phạm Văn Phương, Công an huyện Krông Nô, cho biết vụ việc đã được chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông thụ lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Liên - vợ ông Truyền - cho biết vợ chồng ông bà sống bằng nghề nông, không phải chở đò thuê lấy tiền. Trước thời điểm xảy ra tai nạn, bà thấy bên kia sông có nhóm người gọi xin chở giúp sang sông nên chồng bà đã mượn thuyền của người hàng xóm để chở giúp, không hề lấy tiền.
Theo Tuổi Trẻ
Chìm thuyền, 2 ngư dân mất tích: Quặn lòng cảnh tang thương Hai gia đình, 2 cảnh ngộ khác nhau nhưng cùng chung nỗi khổ cực nơi làng biển nghèo mất đi 2 trụ cột chính trong gia đình, rồi đây vợ và con họ sẽ rất khó khăn... Chiều xuân ảm đạm, con đường nhỏ về làng biển Xuân Yên những luồng gió lạnh khẻ rít qua hàng cây phi lau nghe thảm hơn....