Tăng thêm kỳ họp Quốc hội: Tốn kém, mệt mỏi!
Trước đề nghị của Chính phủ tăng thêm 1 kỳ họp Quốc hội chuyên đề về xây dựng Pháp luật trong năm 2015, ngày 23/4, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc này kéo theo nhiều chi phí và gây mệt mỏi, cách tốt nhất là kéo dài kỳ họp.
Tại tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Chính phủ đề xuất Quốc hội tổ chức thêm 1 Kỳ họp chuyên đề (bất thường) về công tác xây dựng luật. Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật – cho biết, cũng có ý kiến tán thành tổ chức thêm một kỳ họp Quốc hội chuyên đề để xem xét, thông qua các dự án luật, phúc đáp yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp. Nhưng đề nghị nếu tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề thì phải bố trí lại thời gian tiến hành các kỳ họp cho phù hợp, như 3 kỳ họp bố trí tổ chức vào tháng 3, tháng 7 và tháng 11/2015.
Đại diện Ủy ban Pháp luật cho rằng thêm một kỳ họp sẽ kéo theo nhiều chi phí
Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, cũng có nhiều ý kiến đề nghị không tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề với thời gian và số lượng các dự án như đề nghị của Chính phủ. Lý do được đưa ra như về thời gian thì từ sau khi kết thúc kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 9 chỉ có 5 tháng, lại trùng vào Tết Nguyên đán; từ sau khi kết thúc kỳ họp thứ 9 đến kỳ họp thứ 10 chỉ có 4 tháng.
Video đang HOT
Do vậy, nếu tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề vào giữa các kỳ họp thường lệ thì chỉ có thể vào tháng 3 hoặc tháng 7 nên chỉ có 1 đến 2 tháng để cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý đối với khoảng 20 dự án luật; không thể bảo đảm thời gian, không bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, việc tổ chức thêm một kỳ họp Quốc hội sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các hoạt động bình thường khác.
Ngay cả trường hợp nếu tổ chức một kỳ họp chuyên đề cũng chỉ xem xét, thông qua được nhiều hơn 4 dự án so với việc không tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề. Mặt khác, việc tổ chức thêm một kỳ họp sẽ kéo theo nhiều chi phí, nhất là chi phí đi lại của đại biểu.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị kéo dài kỳ họp thường lệ của Quốc hội để có thể cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án hơn.
Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường Quốc hội – cũng ủng hộ việc kéo dài thời gian kỳ họp Quốc hội. “Kéo dài thời gian họp Quốc hội thì đỡ chứ tăng thêm một kỳ thì rất mệt mỏi!”, ông Dũng nêu quan điểm.
Quang Phong
Theo Dantri
Cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu
Chiều 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nội dung được nhiều người quan tâm là cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ.
Nhiều ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại đòi hỏi tuổi nghỉ hưu sớm
Liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, nhằm đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Do vậy, cần phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn so với quy định hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển yêu cầu nghiên cứu kỹ khả năng cân đối thu - chi trong tương lai của Quỹ BHXH. "Có nguy cơ đất nước ta chưa giàu nhưng dân số đã già, lại đứng trước cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình. Tôi đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.". Có cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần nghiêm túc nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu: "Khi bàn về quy định này trong Bộ Luật Lao động cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nay nếu thấy cần thì có thể sửa ngay trong Bộ Luật Lao động.".
Đánh giá vấn đề từ góc độ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng thu - chi của Quỹ BHXH là phải thu đúng, thu đủ với mức cao hơn. "Tại sao không thực hiện ngay Bộ Luật Lao động về thu nhập để tính tiền đóng BHXH ngay từ năm 2015 thay vì kéo dài thời gian đóng. Nữ lao động ở khu vực hành chính có thể kéo dài thời gian làm việc, chứ nhiều ngành nghề khác không thể kéo được. 58 nghìn nữ công nhân cao su chỉ 48 - 50 tuổi đã không đủ sức khỏe làm việc được nữa mà vẫn phải đợi đến 60 tuổi mới được hưởng lương hưu là rất bất hợp lý" - ông Mai Đức Chính nói.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, tuổi về hưu phải tính đến đặc thù ngành nghề và đặc điểm cơ cấu dân số. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tập hợp thông tin, phân tích đầy đủ các khía cạnh kinh tế - xã hội - chính trị để đưa ra quy định hợp tình - hợp lý. Chủ tịch Quốc hội nói: "Có lộ trình cũng là một giải pháp hay, cần nghiên cứu thêm và nếu cần thì sửa đổi đồng bộ với Bộ Luật Lao động.".
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2015. Văn phòng Quốc hội đề xuất dự kiến 6 nội dung cụ thể để giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn. Đó là hiệu quả sử dụng vốn ODA cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2013; tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... Nhiều ý kiến thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Theo ANTD
Không đưa việc lấy phiếu tín nhiệm vào luật Tổ chức Quốc hội Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ QH ngày 15/4 không có quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm vì còn chờ sửa Nghị quyết về vấn đề này. Quy định về bỏ phiếu tín nhiệm cơ bản giữ như quy định hiện hành. Cụ thể, theo dự thảo luật, Quốc hội...