Tăng T-14 Nga có thể tự phát hiện mục tiêu
Trí tuệ nhân tạo của T-14 Armata có thể phát hiện các mục tiêu tiêu biểu trên chiến trường, nhưng quyết định khai hỏa vẫn do trưởng xe đưa ra.
“Hệ thống điều khiển hỏa lực của T-14 Armata có một danh sách dấu hiệu mục tiêu điển hình trên chiến trường gồm xe tăng, thiết giáp kháng mìn, trực thăng… Các yếu tố trí tuệ nhân tạo cho phép hệ thống trên xe tự tìm kiếm và nhận dạng mục tiêu, lựa chọn ưu tiên để đối phó”, một nguồn tin quân sự Nga ngày 25/2 cho biết.
Hệ thống máy tính trên tăng chủ lực T-14 có thể phân biệt giữa mục tiêu với môi trường phức tạp xung quanh mà không cần thành viên kíp lái tham gia, nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn mục tiêu để khai hỏa vẫn phụ thuộc vào trưởng xe.
Tăng chủ lực T-14 Armata trong lễ duyệt binh tại thủ đô Moskva, tháng 6/2020. Ảnh: RIA Novosti .
Nguồn tin cho biết chưa có nước nào sở hữu hệ thống nhận dạng mục tiêu tương tự trên xe tăng T-14 của Nga. Các mẫu thiết giáp khác, bao gồm xe tăng nước ngoài, mới được trang bị hệ thống theo dõi mục tiêu và yêu cầu kíp lái chọn vật thể cần theo dõi trước đó.
“Trong các cuộc thử nghiệm trên thao trường, nhiều thiết giáp Nga đóng vai mục tiêu mà Armata cần tìm kiếm. Kết quả thử nghiệm xác nhận hiệu quả của hệ thống đúng với các đặc tính tác chiến được công bố”, nguồn tin cho biết. Hệ thống kính ngắm kết hợp trên T-14 tìm kiếm mục tiêu thông qua hình ảnh quang học và hồng ngoại.
Bộ phận báo chí của Uralvagonzavod, hãng sản xuất xe tăng thuộc tập đoàn Rostec của Nga, cho biết các cuộc thử nghiệm tính năng tự động tìm kiếm mục tiêu của T-14 đã thành công, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Cục Kỹ thuật Giao thông Vận tải Ural, thuộc Uralvagonzavod, phát triển nền tảng chiến đấu đa năng Armata từ năm 2010, bao gồm tăng chủ lực T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15. Xe tăng T-14 và thiết giáp T-15 xuất hiện lần đầu trong lễ duyệt binh ở Moskva hồi tháng 5/2015.
Nga đang triển khai các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đối với T-14. Quân đội Nga dự kiến biên chế mẫu xe tăng này trong năm 2021.
Bên trong trung tâm Nga cảnh báo tên lửa đạn đạo Mỹ
Trung tâm Serpukhov-15 là lớp cảnh báo đầu tiên trong hệ thống phòng thủ tầm xa, giúp Nga phát hiện và đối phó đòn phủ đầu hạt nhân của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/2 đăng video về một trong những trung tâm chỉ huy vệ tinh nhân kỷ niệm 50 năm vận hành Hệ thống Cảnh báo Tấn công Tên lửa (SPRN), lá chắn bảo vệ Nga khỏi các đòn tấn công tên lửa đạn đạo.
Video dường như được quay tại trung tâm Serpikhov-15 ở tỉnh Kaluga, cách thủ đô Moskva khoảng 145 km về phía tây nam, cho thấy lực lượng trực chiến bên trong phản ứng với kịch bản Mỹ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III nhằm vào Nga.
Hoạt động tại trung tâm Serpikhov-15. Video: Bộ Quốc phòng Nga .
Màn hình chính hiển thị hàng loạt thông tin quan trọng, trước khi kíp trực ban khởi đầu quy trình gồm phân loại vật thể, xác nhận vụ phóng là thật hay không. Một bản đồ với đường bay dự kiến của tên lửa cũng được hệ thống máy tính tự động xây dựng, cho thấy vị trí khai hỏa từ Mỹ và mục tiêu của quả đạn ở Nga.
Video cũng cho thấy toàn cảnh cơ sở này, với 8 cụm ăng ten nằm dưới các mái vòm bảo vệ. Một trong số đó là ăng ten chảo được dùng để liên lạc với mạng lưới vệ tinh cảnh báo sớm.
SPRN là lưới cảnh báo đầu tiên trong lá chắn bảo vệ Nga, có khả năng phát hiện cột khói và quầng lửa từ ICBM nhờ hệ thống vệ tinh giám sát ở độ cao 36.000 km. Nó cũng có thể cung cấp tham số mục tiêu cho hệ thống đánh chặn A-135, được thiết kế để bảo vệ thủ đô Moskva và khu vực phụ cận.
Nhiệm vụ của SPRN không chỉ là giám sát các đòn tấn công tiềm tàng bằng ICBM, mà còn hỗ trợ duy trì trạng thái "sẵn sàng phóng khi có cảnh báo", cho phép quân đội Nga tung đòn trả đũa ngay khi phát hiện mối đe dọa từ ICBM đối phương, thay vì chờ đến khi đầu đạn hạt nhân bị kích nổ trên lãnh thổ nước này.
"Đây là một trong những hệ thống đầu tiên có trách nhiệm phát hiện đòn tấn công tiềm tàng bằng tên lửa đạn đạo trong chế độ hoàn toàn tự động. Nó liên tục được hiện đại hóa trong những năm vận hành, bao gồm trang bị radar và hệ thống không gian mạnh hơn", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Serpukhov-15 là một trong hai trung tâm điều hành vệ tinh của Nga, bên cạnh cơ sở tại Komsomolsk-on-Amur ở vùng Viễn Đông. Chúng liên tục tiếp nhận và xử lý dữ liệu theo thời gian thực, sau đó chuyển tiếp cho trung tâm chỉ huy ở Solnechnogorsk.
Quân đội Nga cho biết SPRN đã phát hiện hơn 2.000 vụ phóng tên lửa đạn đạo trong nước và nước ngoài, cùng gần 1.000 vụ phóng tên lửa vũ trụ trong suốt 50 năm vận hành.
Đón Tết xa xứ vì Covid-19 Lúc anh Hoàn sang Nga, con trai đầu lòng mới ẵm ngửa. Nay cậu bé biết chạy khắp nhà cũng là hơn một năm hai bố con xa cách vì Covid-19. Nhiều năm liền du học ở Nga , chuyện đón Tết xa nhà không phải là điều gì quá mới mẻ với anh Xuân Hoàn, nghiên cứu sinh người Việt tại thủ...