Tăng phí BHYT, người nghèo lo càng thêm lo
Bắt đầu từ hôm nay (1/7), lương cơ sở tăng từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu đồng, nên mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cũng tăng ít nhất 21.600 đồng/năm. Cùng với việc tăng viện phí, tăng phí đóng BHYT khiến người nghèo càng thêm lo.
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật Bảo hiểm y tế, quy định mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình của người thứ nhất bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức phí của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.
Khi tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm 4.500 đồng/tháng, người thứ năm trở đi tăng 1.800 đồng/tháng.
Mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Cùng với việc tăng giá viện phí hồi đầu năm nay, người dân kỳ vọng khi tăng mức đóng BHYT, chất lượng các dịch vụ y tế cũng sẽ tốt hơn.
Cùng với mức tăng phí đóng BHYT, người dân hy vọng sẽ được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn. Ảnh: IT
Anh Nguyễn Văn Nhật (54 tuổi, quê ở Tiền Giang), đang điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, do mắc bệnh hiểm nghèo nên các chi phí cho việc khám, chữa bệnh cũng như chi phí đi lại, ăn ở trong những ngày điều trị ở bệnh viện trong hơn một năm qua đã “ngốn” hết số tiền tiết kiệm nhiều năm của gia đình.
Tới tháng 5 vừa qua, gia đình anh đã phải thế chấp căn nhà nhỏ, vay thêm ít tiền cho việc chữa trị bệnh tật. Cũng may, nhờ có BHYT tự nguyện mua tại địa phương nên anh được bảo hiểm chi trả nhiều khoản viện phí.
“Từ hồi sau Tết năm nay, viện phí tăng gia đình càng khó, dù đã được bảo hiểm trả đến 80% chi phí. Mình làm nông mà không may bệnh nặng, tiền điều trị cả trăm triệu nên dù được bảo hiểm rồi thì phần còn lại cũng lớn lắm”, anh Nhật chia sẻ.
Video đang HOT
Cùng theo anh Nhật, bệnh tật đã khiến anh suy giảm sức khỏe rất nhiều, tuy nhiên, việc đi lại, chờ đợi khi khám chữa bệnh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, nhiều dịch vụ, nhiều loại thuốc men chưa có trong danh mục bảo hiểm hoặc bệnh viện “hết thuốc”, gia đình phải tìm mua bên ngoài với giá rất cao. Do đó, khi viện phí tăng, mức tiền mua bảo hiểm cũng tăng, anh Nhật mong muốn chất lượng khám chữa bệnh cũng tốt hơn.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Hồng (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn lo lắng, có thể, giá viện phí sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới, do mức tính viện phí hiện dựa theo mức lương cơ sở. Mà mức lương cơ sở thì vừa được tăng từ 1,39 triệu đồng lên mức 1,49 triệu đồng từ ngày 1/7.
Bà Hồng cho rằng, nếu tăng viện phí, tăng mức phí đóng BHYT mà đảm bảo được quyền lợi cho người dân đồng thời, tăng chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở, như bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì người dân được hưởng lợi nhiều. Vì người dân vừa được hưởng dịch vụ y tế tốt, vừa không phải đi xa chữa bệnh, mà càng lên tuyến cao hơn, mức chi trả bảo hiểm càng thấp.
Khi chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến dưới tăng, người dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Ảnh: IT.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2019, viện phí sẽ tiếp tục được tính thêm chi phí quản lý, bên cạnh điều chỉnh theo mức tăng của lương cơ sở. Sau đó, tùy tình hình cân đối quỹ BHYT, viện phí có thể sẽ được tăng hằng năm theo lương cơ sở.
Tuy nhiên mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc điều chỉnh viện phí sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện kinh tế – xã hội. Nếu các loại giá hàng hóa còn ở mức cao hoặc tiếp tục tăng thì Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng và Ban điều hành giá để hoãn tăng viện phí sang năm 2020. Đến năm 2021, viện phí sẽ bao gồm cả khấu hao tài sản cố định.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện, được áp dụng đối với các đối tượng do luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận.
Như vậy, theo phương thức quản lý của Nhà nước thì hiện nay có 2 loại hình BHYT là BHYT bắt buộc và BHYT tự nguyện. Tuy nhiên, theo Công văn 777/BHXH-BT, từ ngày 1/1/2016 trở đi, nếu muốn tham gia BHYT tự nguyện thì người dân bắt buộc phải tham gia theo hộ gia đình.
Hiện tại, BHYT tự nguyện theo hộ gia đình không được bán tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh mà chỉ được đăng ký tại địa phương. Người dân muốn tham gia BHYT tự nguyện có thể đăng ký tại cơ quan Bảo hiểm xã hội xã/phường/thị trấn nơi cư trú hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội.
Đến giữa tháng 5/2019, cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ 89%. Mục tiêu năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế.
Theo Danviet
Hà Nội: Thanh tra 80 doanh nghiệp "chây ì" nợ hàng tỉ đồng tiền BHXH
Tính đến cuối tháng 5/2019, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Hà Nội lên tới hơn 3.430 tỉ đồng (chiếm 7,91% kế hoạch thu). Đáng chú ý, có 11.449 đơn vị nợ kéo dài từ 36 tháng.
Ngày 27/6, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã công bố Quyết định 2878/QĐ-TTTP thanh tra đối với 80 đơn vị nợ đọng tiền tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn.
Theo đó, đoàn thanh tra liên ngành gồm 4 tổ công tác. Mỗi tổ công tác thực hiện thanh tra tại 20 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Thời gian thanh tra tại mỗi đơn vị từ 1-2 ngày. Dự kiến, các tổ công tác thanh tra lần này sẽ tiến hành thanh tra tại các đơn vị trong tháng 7/2019.
Nội dung thanh tra bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó các đoàn sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT, BHXH, BHYT.
Xác định rõ số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục của các đơn vị trong việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT.
Thanh tra TP. Hà Nội sẽ thanh tra đối với 80 đơn vị "chây ì" nộp tiền BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn. (Ảnh minh họa: IT).
Thanh tra TP. Hà Nội cho biết, trường hợp các đơn vị được thanh tra tự giác chấp hành nộp đầy đủ tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, Tổ trưởng tổ thanh tra sẽ lập Biên bản về việc nộp tiền khắc phục nợ và sử dụng, kê khai lao động trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, giải quyết có thể cho dừng thanh tra, kiểm tra tại đơn vị.
Theo báo cáo của đại diện BHXH Hà Nội, trong số các đơn vị nợ đọng, Công ty cổ phần Lilama 3 có số nợ lớn nhất thành phố với 33 tỷ đồng, nợ kéo dài gần sáu năm. Đứng thứ hai về nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment, với số nợ hơn 21 tỷ đồng, kéo dài 18 tháng.
Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho hay, việc các doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN hoặc có dấu hiệu trốn nộp, nộp không đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc... ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Tính đến cuối tháng 5/2019, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Hà Nội lên tới 3.432,8 tỷ đồng, chiếm 7,91% kế hoạch thu. Trong đó có trên 34.212 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, hết lao động với số tiền nợ bảo hiểm là 1.109 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng số nợ. Đặc biệt, có 1.449 đơn vị nợ kéo dài từ 36 tháng với số tiền là 663,3 tỷ đồng; 367 đơn vị nợ từ 24 đến dưới 36 tháng với số tiền 169,7 tỷ đồng...
Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, Thanh tra Hà Nội xác định việc giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ.
Được biết, thời gian qua, BHXH Thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với Công an Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và Cục Thuế TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội triển khai Quy chế phối hợp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên địa bàn Thành phố.
Trước đó, với diễn biến phức tạp về nợ đọng trên địa bàn TP, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, đơn vị này đã rất chủ động, quyết liệt phối hợp các sở, ban, ngành tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tính đến cuối tháng 5/2019, BHXH Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 1.372 đơn vị, bước đầu thu hồi được 113,6/302,7 tỷ đồng tiền nợ BHXH, xử phạt 6 đơn vị với số tiền 721 triệu đồng.
Mặt khác, qua công tác khai thác cơ sở dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, BHXH Hà Nội đã rà soát được 16.483/46.336 đơn vị. Số đơn vị khai thác, phát triển mới là 6.225 đơn vị với 16.812 lao động.
Theo thống kê của BHXH Hà Nội, tính đến cuối tháng 5/2019, toàn thành phố có số người tham gia: BHXH bắt buộc là 1.672.417 người, đạt 94,85% kế hoạch, BHXH tự nguyện là 25.736 người, đạt 64,54% kế hoạch, BHYT là 6.776.505 người, đạt 99% kế hoạch. Tổng số thu là 16.742.058 tỷ đồng, đạt 39,4% kế hoạch giao.
Theo Danviet
Hà Nội sắp thanh tra 80 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài Ngày 27-6, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã công bố quyết định thanh tra đối với 80 đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn. Đại diện đơn vị sử dụng lao động ký biên bản thanh tra Theo Quyết định 2878/QĐ-TTTP, đoàn thanh tra liên ngành gồm 4 tổ...