Tăng Maus – siêu vũ khí thảm hại của Hitler
Sở hữu lớp giáp cực dày, kích thước đồ sộ và hai khẩu pháo lớn, xe tăng Maus lại có trọng lượng quá nặng, khó có thể cơ động linh hoạt trên chiến trường hiện đại.
Mô hình xe tăng Maus của Đức. Ảnh: Wikimedia
Sau trận đại chiến tăng ở Kursk vào tháng 8/1943, phát xít Đức liên tiếp hứng chịu thất bại trên mọi chiến trường. Trước thảm bại ngày càng cận kề, trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh đẩy nhanh dự án phát triển các “siêu vũ khí”, trong đó có xe tăng Maus, với hy vọng sẽ buộc phe Đồng minh ký hiệp định đình chiến, theo Warisboring.
Siêu tăng Maus là cỗ xe có những thông số kỹ thuật nằm ngoài sức tưởng tượng của các chuyên gia quân sự và nhà thiết kế vũ khí. Để chống lại các vũ khí diệt tăng của đối phương, Maus được trang bị lớp giáp cực dày. Riêng lớp giáp nghiêng nằm dưới tháp pháo đã dày tới 200 mm.
Lớp giáp phía trước của tháp pháo dày tới 220 mm, còn lớp giáp sườn, phần dễ bị xuyên phá của xe tăng, có độ dày 180 mm. Tiger I, chiếc tăng hạng nặng đáng sợ một thời của Đức cũng chỉ có lớp giáp phía trước dày 100 mm.
Tăng Maus được trang bị pháo 128 mm và 75 mm cùng một súng máy nòng xoay MG-34, dù lúc đầu nó dự kiến lắp lựu pháo 150 mm theo lệnh của trùm phát xít Hitler. Các kỹ sư Đức đã chế tạo hai nguyên mẫu tăng Maus, nhưng chỉ có một chiếc được lắp tháp pháo, chiếc còn lại sử dụng mô hình bằng bê tông để kiểm tra trọng lượng.
Với lớp giáp và hệ thống vũ khí như vậy, xe tăng Maus có trọng lượng 180 tấn, nặng gấp ba lần tăng chiến đấu chủ lực M-1 Abrams của quân đội Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá tăng Maus là một vũ khí quá cồng kềnh và thiếu hiệu quả trong thực chiến. “Nó thậm chí không hẳn là một chiếc xe tăng mà giống một boongke khổng lồ được gắn thêm bánh xích”, bình luận viên Robert Beckhusen nhận định.
Video đang HOT
Nguyên mẫu tăng Maus thứ hai tại bãi thử Kummersdorf năm 1944. Ảnh: WarIsboring
Beckhusen cho rằng thiết kế này không phù hợp với học thuyết chiến tranh thiết giáp hiện đại vốn nhấn mạnh khả năng của xe tăng, bao gồm cả tốc độ, để có thể “thổi tung” một cứ điểm phòng ngự và thọc sâu tiêu diệt địch ở tuyến sau.
Trong khi đó, với trọng lượng nặng nề của mình, tăng Maus chỉ có thể lầm lũi tiến đến hệ thống phòng ngự của đối phương, dùng sức mạnh hủy diệt để tạo lối mở cho các lực lượng cơ động hơn tiến vào, còn nó gần như phải dừng lại ở đó. Chiến thuật này không khác nhiều lắm với cách phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng xe thiết giáp nhồi thuốc nổ để đánh bom tự sát, thổi bay vị trí phòng thủ của quân đội Iraq hiện nay.
Hitler và bộ trưởng vũ trang Đức Albert Speer lên kế hoạch sản xuất tổng cộng 152 chiếc tăng Maus. Tuy nhiên, đây là điều không tưởng bởi trong giai đoạn giữa cuộc chiến, ngành công nghiệp chiến tranh Đức luôn thiếu thép và các hợp kim quan trọng.
Một thách thức nữa trong việc sản xuất siêu tăng Maus nằm ở công nghệ động cơ. Kỹ sư của hãng sản xuất xe hơi Porsche đã tìm kiếm một số thiết kế trước khi quyết định chọn động cơ diesel MB 517 Mercedes-Benz lắp cho nguyên mẫu thứ hai. Tuy nhiên, động cơ này đã thất bại trong lần thử nghiệm đầu tiên khi bị gẫy trục dưới sức nặng khủng khiếp của cỗ chiến xa.
Dù vậy, các kỹ sư phát xít tin rằng siêu tăng Maus sẽ có sức chiến đấu rất đáng sợ bởi những người thử nghiệm nhận thấy tăng Maus rất dễ lái, khác với vẻ đồ sộ của nó.
“Tuy nhiên, đến năm 1944, việc chế tạo một cỗ tăng siêu nặng để tấn công đột phá tuyến phòng ngự của đối phương trở nên vô nghĩa bởi sự ra đời của các xe tăng hạng trung với thiết kế cân bằng giữa hỏa lực và sự linh hoạt”, Beckhusen nhấn mạnh.
Tháng 4/1945, Hồng quân Liên Xô tràn qua bãi thử nghiệm Kummersdorf và thu được hai nguyên mẫu đã bị phá hủy của xe tăng Maus. Phát xít Đức đầu hàng ba tuần sau đó.
Duy Sơn
Theo VNE
Cỗ quan tài bay khiến nhiều phi công phát xít Đức chết oan
Do có động cơ quá nóng, oanh tạc cơ Heinkel He-177 trở thành nỗi khiếp sợ của phi công phát xít Đức mỗi khi phải cầm lái tham gia tác chiến.
Oanh tạc cơ Heinkel He-177 của phát xít Đức. Ảnh: History.
Năm 1937, nhằm thiết lập ưu thế vượt trội về không quân chuẩn bị cho Thế Chiến II, lãnh đạo phát xít Đức đã lên ý tưởng sản xuất một oanh tạc cơ có tải trọng và tầm bay ngang với các phi cơ của phe Đồng minh, nhưng có khả năng bay nhanh hơn và cao hơn, theo Aviations militaires.
Sau hai năm nghiên cứu và phát triển, năm 1939, 8 phiên bản oanh tạc cơ Heinkel He-177 đầu tiên ra đời với kỳ vọng có thể mang được hai tấn bom, vận tốc đạt 540 km/h và phạm vi hoạt động lên đến 6.700 km.
Các tướng lĩnh phát xít Đức hy vọng rằng Heinkel He-177 sẽ trở thành nỗi ám ảnh cho các hạm đội tàu chiến phe Đồng Minh ở Đại Tây Dương cũng như các căn cứ của Liên Xô bên kia dãy núi Ural.
Các kỹ sư phát xít tính toán rằng để đạt được các yêu cầu đó, Heinkel He-177 cần ít nhất một cặp động cơ có sức mạnh khoảng 2000 mã lực. Nhưng tại thời điểm đó, công nghiệp hàng không của Đức chưa có loại động cơ nào mạnh như vậy, nên họ quyết định dùng động cơ Daimler DB-601 yếu hơn của máy bay BF-109 để thay thế.
Một trong những yếu điểm của động cơ Daimler DB-601 là khả năng xả nhiệt kém, khiến động cơ nóng lên rất nhanh. Ngay cả khi hoạt động bình thường, nhiệt độ trong động cơ có thể tăng lên mức xà dọc bằng kim loại của cánh máy bay bị nung mềm.
Hậu quả là 6 trong số 8 chiếc Heinkel He-177 đầu tiên đã bị rơi khi bay thử nghiệm do cháy động cơ, khiến các phi công thiệt mạng. Trong số 35 chiếc Heinkel He-177 A-0 cải tiến sản xuất tiếp theo, hơn một nửa cũng chịu chung số phận.
Một chiếc Heinkel He-177 của phát xít Đức rơi do cháy động cơ. Ảnh: History.
Các chỉ huy không quân Đức còn phạm một sai lầm nghiêm trọng về chiến thuật khi đặt ra các yêu cầu tác chiến không phù hợp cho Heinkel He-177. Họ đòi hỏi tất cả các oanh tạc cơ này phải có khả năng bổ nhào ném bom, theo cách của chiếc Junker 87 Stuka.
Năm 1942, 170 chiếc Heinkel He-177 A-3 được cải tiến về động cơ và biên chế chính thức cho quân đội Đức ở mặt trận phía đông để tấn công Liên Xô. Trong chiến dịch Stalingrad, mặc dù được trang bị thêm pháo hạng nặng 75 mm, những oanh tạc cơ này vẫn phải gánh chịu thất bại thảm hại. Hầu hết máy bay đều tự bốc cháy khi tiến hành ném bom bổ nhào mà không cần trúng bất kỳ phát đạn nào từ vũ khí phòng không Liên Xô.
Thất bại nhục nhã này khiến các phi công phát xít Đức vô cùng thất vọng và đặt biệt danh cho các oanh tạc cơ hạng nặng nàylà "những cỗ quan tài bay" hay "pháo hoa bay" để phản đối lãnh đạo không quân tiếp tục ép buộc họ sử dụng Heinkel He-177.
Tư lệnh không quân Đức thời điểm đó là Hermann Gring lại đổ tội cho cấp dưới, nói rằng ông ta không biết gì về điều này và khẳng định yêu cầu một chiếc máy bay ném bom 4 động cơ phải bổ nhào là điều "ngu ngốc".
Theo ước tính, phát xít Đức chế tạo vài nghìn chiếc Heinkel He-177, song chúng hầu như không gây tác động lớn tới cục diện chiến tranh, mà chỉ làm cho Hitler lãng phí tiền của và sinh mạng phi công Đức.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Nghi thức rước đuốc Olympic đầu tiên và mục đích tuyên truyền của Hitler Trước mỗi kỳ Olympic, nghi thức rước đuốc đều được tiến hành. Nhưng thực chất, kỳ rước đuốc đầu tiên là sản phẩm từ cỗ máy tuyên truyền của phát xít Đức. Người chạy rước đuốc trong kỳ Thế vận hội Olympic 1936 diễn ra tại Đức. Ảnh:Wikimedia Common Ngày 1/8/1936, trùm phát xít Đức Adolf Hitler mở màn Thế vận hội Olympic...