Tăng “lượng” và “chất” cho sản phẩm, du lịch Hà Nội bắt đầu hồi phục
Nhờ chú trọng xây dựng mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, lượng khách đến Hà Nội bắt đầu tăng trở lại, mang đến nét tươi sáng hơn cho du lịch Thủ đô.
Du khách quốc tế tham quan Hà Nội
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính riêng tháng 10/2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 554 nghìn lượt khách, tăng 30% so với tháng 9/2020. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1,21 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với tháng 9/2020. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 – 5 sao ước đạt khoảng 28.6%, tăng 13.3% so với tháng 9/2020.
Tuy nhiên những con số này vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019. 10 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 7,27 triệu lượt khách, giảm 68,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch 10 tháng ước đạt 24,92 nghìn tỷ đồng, giảm 69,2% so với cùng kỳ năm trước (giảm 56,11 nghìn tỷ đồng).
Ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết: ngành du lịch Hà Nội đã nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do tác động của đại dịch Covid-19, thông qua việc thúc đẩy liên kết hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp du lịch và điều chỉnh linh hoạt các hoạt động kích cầu du lịch. Với điều kiện tình hình kiểm soát dịch hiệu quả như hiện nay, dự tính cả năm 2020 Hà Nội sẽ đón được khoảng 8,65 triệu lượng khách, bằng khoảng 1/3 của năm 2019.
Để thực hiện mục tiêu này, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục các giải pháp xây dựng điểm đến du lịch Hà Nội “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”.
“Song song với việc chỉ đạo, kiểm tra thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch trên địa bàn, Sở Du lịch Hà Nội chú trọng xây dựng mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Những sản phẩm này khai thác tốt các thế mạnh của Hà Nội, thực sự đảm bảo tính đặc sắc, bền vững, chất lượng; gồm du lịch di sản, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại” – ông Trần Trung Hiếu cho biết.
Hoàng thành Thăng Long về đêm. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội)
Nhiều sản phẩm du lịch mới đã được xây dựng như chương trình “Hoả Lò về đêm”, chương trình du lịch Hà Nội 36 phố phường, Thăng Long tứ trấn…, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” và nhiều chương trình du lịch liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Các khu, điểm tham quan du lịch đã tích cực hưởng ứng và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động mới, như Bảo tàng dân tộc học Việt Nam có chương trình du lịch trải nghiệm “Hương mùa thu Hà Nội”, Làng cổ Đường Lâm triển khai các gói tour du lịch trải nghiệm, miễn giảm giá vé đối với học sinh, sinh viên.
Video đang HOT
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tiên Phong Travel cho biết: Các sản phẩm du lịch đã được làm mới lại để khác với các chương trình truyền thống, tạo nhiều hứng thú cho du khách. Ví dụ như các giá trị của 36 phố phường, nét văn hoá của phố cổ không phải người dân Hà Nội nào cũng biết. Các sản phẩm mới sẽ không kết nối quá nhiều điểm đến, mà tập trung vào chiều sâu, đưa khách đến tham quan các đền chùa trong khu phố cổ, mua sắm, thưởng thức nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở đây.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; hợp tác cùng Vietnam Airlines tổ chức các chương trình quảng bá kích cầu du lịch nội địa cho dịp đông – xuân. Sản phẩm du lịch Hà Nội sẽ được quảng bá rộng rãi tại khu vực miền Trung; ngoài ra đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội với TP.HCM, với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các tỉnh miền núi phía Bắc./.
4 điểm du lịch tìm hiểu lịch sử ở Hà Nội
Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn miếu Quốc tử giám, Cột cờ Hà Nội là 4 di tích khách du lịch có thể đến tham quan.
Nhà tù Hỏa Lò
Hỏa Lò được người Pháp xây dựng ở Hà Nội từ năm 1896 với tên gọi "Maison Central" hay nhà pha Hỏa Lò. Nhà tù là nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng chống lại chế độ thực dân. Đây là một trong những công trình kiên cố bậc nhất Đông Dương thời điểm đó. Sau ngày giải phóng thủ đô, nhà tù Hỏa Lò do chính quyền cách mạng quản lý. Từ năm 1963 đến 1975, Hỏa Lò giam giữ những phi công Mỹ bị quân đội Việt Nam bắn rơi máy bay trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Nhà tù Hỏa Lò nằm trên con phố cùng tên. Ảnh: Ngọc Thành.
Ngày nay, nhà tù Hỏa Lò nằm trên con phố cùng tên ở quận Hoàn Kiếm là địa danh lịch sử, điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Tại đây lưu giữ nhiều tư liệu quý giá được trưng bày và giữ gìn cẩn thận như: Vật dụng của các thượng nghị sĩ Mỹ, giường bệnh - nơi điều trị cho các phi công, dụng cụ có từ thời trung cổ được dùng để xử tử các chiến sĩ yêu nước bị giam cầm...
Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò mở cửa từ 8h - 17h tất cả các ngày, kể ngày lễ, Tết.
Hoàng thành Thăng Long
Theo giới thiệu trên website Hoàng thành Thăng Long, đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Năm 2002, các chuyên gia tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại quận Ba Đình, Hà Nội đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.
Hoàng thành Thăng Long lưu giữ nhiều hiện vật quý giá. Ảnh: Ngọc Thành.
Công trình Hoàng thành Thăng Long được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Nơi đây vẫn còn những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ 7 đến thế kỷ 9), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 -1 945).
Đến Hoàng thành, du khách có thể thăm quần thể các di tích như: Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, cửa Bắc - một trong năm cổng của thành Hà Nội dưới thời Nguyễn, nhà D67 - nơi Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đưa ra những quyết định lịch sử.
Năm 2010, Ủy ban di sản thế giới công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới. Du khách có thể đến thăm Hoàng thành Thăng Long từ 8h - 17h00 các ngày thứ ba đến chủ nhật.
Văn miếu - Quốc tử giám
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 đời Lý Thánh Tông. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu, là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý. Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.
Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện, thu nhận con thường dân có thành tích xuất sắc. Đời Trần Minh Tông, nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn với các danh nhân, trí thức tiêu biểu của đất nước.
Năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Năm 1762, Lê Hiển Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám - cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình.
Ngày nay, Văn miếu - Quốc tử giám là điểm đến quen thuộc để các sĩ tử cầu may mỗi mùa thi, người dân, khách du lịch tới xin chữ lấy may đầu năm.
Văn miếu - Quốc Tử Giám mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần, mùa Hè (từ 15/4 - 15/10) từ 7h30 -18h, mùa Đông (thời gian còn lại) từ 8h - 17h.
Cột cờ Hà Nội
Di tích cột cờ Hà Nội (còn gọi là Kỳ đài) nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội. Cột cờ được xây dựng dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ Hà Nội cao hơn 33m, phần thân cột hình trụ tám cạnh, thu nhỏ dần từ dưới lên trên.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cột cờ Hà Nội được sử dụng như một pháo đài kiên cố, nơi phát hỏa pháo chiến đấu. Từ năm 1894 - 1897, người Pháp lấy cột cờ làm đài quan sát, đặt trạm thông tin liên lạc.
Cột cờ Hà Nội là điểm đến được du khách yêu thích. Ảnh: Tạp chí Thế giới Di sản.
Cách mạng tháng Tám thành công, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ. Hình ảnh cột cờ Hà Nội được in trên đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong lần phát hành đầu tiên.
Năm 1989 cột cờ Hà Nội được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cột cờ hơn 200 năm tuổi ngày nay nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, là một điểm đến khách du lịch yêu thích khi đến Hà Nội.
Di tích Cột cờ Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa từ 8h - 16h30 từ thứ ba đến chủ nhật.
Điểm đến Mũi Né 25 năm sau sự kiện Nhật thực toàn phần Ngày 24.10.1995, Mũi Né được nhiều người chính thức "phát hiện" nhờ sự kiện là địa điểm quan sát rõ nhất về Nhật thực toàn phần. Kể từ đó, Mũi Né đã trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng. Đã 25 năm trôi qua, Mũi Né đã khác. Khách quốc tế lướt ván diểu trên bãi biển Mũi Né, tháng 2.2020...