Tăng lương phải là khoản ưu tiên chi hàng đầu
Lộ trình tăng lương đã phải lùi 2 năm vì kinh tế khó khăn và năm 2015 tới cũng chưa bố trí được nguồn để tăng lương… Nguy cơ hiện hữu này khiến nhiều đại biểu Quốc hội không thể nén bức xúc, lo lắng…
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Lương tăng đúng lộ trình cũng mới đáp ứng 70% nhu cầu
Ảnh: Minh Thanh
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hôm qua, 21/10, ghi nhận nhiều ý kiến thúc giục bức thiết về việc phải dành nguồn tăng lương, dù tình hình kinh tế đất nước có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, tăng 100.000 đồng tiền lương không nhiều ý nghĩa, thậm chí còn là thêm áp lực với đời sống người lao động. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tiền lương được xác định là một trong những nhân tố làm tăng năng suất lao động. Trong lúc tại đất nước ta năng suất lao động thấp, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển.
Nếu có điều kiện chúng ta cần xử lý ngân sách để nâng lương cho cán bộ công chức, cải thiện điều kiện đời sống làm sao cho tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, gia đình của cán bộ công chức. Mức lương thỏa đáng sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề lớn, trong đó cơ bản nhất là tăng năng suất lao động.
Vấn đề quan trọng thứ 2 là tăng lương để giải quyết vấn đề xã hội, hạn chế được nạn tham nhũng tiêu cực của một bộ phận cán bộ, khó khăn quá thì dẫn đến sai lầm về tham nhũng, tiêu cực, tiền lương giải quyết như thế. Hiện nay ngân sách của ta còn khó khăn, nhiều chương trình phải đầu tư để đảm bảo quốc kế dân sinh, chăm lo an sinh xã hội, giáo dục, y tế… tức rất nhiều việc phải chi.
Nhưng dù vậy, theo tôi, đầu tư cho con người, cho tiền lương nên là ưu tiên số 1 vì lộ trình cải cách tiền lương đã được đặt ra từ lâu cho giai đoạn 2006-2014. Năm 2011-2013 chúng ta đã 3 lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu nhưng bản chất mức lương đó so nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Khu vực doanh nghiệp thì hàng năm điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng, dự kiến năm 2015 cũng sẽ tăng thêm 15% nhưng số tiền này cũng chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu sống tối thiểu.
Vậy theo ông, lý do đưa ra là không thể cân đối thu chi nên không tăng lương có thuyết phục?
Theo tôi nếu không tăng lương thì sẽ gây tác động đến nhiều mặt nên thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương phải là một trong những mục tiêu chi ưu tiên hàng đầu. Muốn tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu được nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho người lao động, không làm cho đời sống người lao động được đảm bảo để tái sản xuất sức lao động thì cũng có nghĩa là không có điều kiện để tăng năng suất lao động.
Mà hiện nay, như đánh giá của ILO, năng suất lao động tại Việt Nam đang thuộc dạng kém nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương thì nghĩa là nguồn nhân lực đang kém. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố sức khỏe, năng lực con người rất quan trọng nên cải cách tiền lương theo đó cũng là việc trọng yếu.
Video đang HOT
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Vỡ kế hoạch tăng lương vì tinh giản biên chế chậm chạp
Ảnh: Minh Thanh
Thưa ông, lộ trình tăng lương tối thiểu đã bị lùi 2 năm và sang năm 2015 cũng sẽ tiếp tục lùi do ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn. Nhiều ý kiến cho rằng, không thể trì hoãn hạn tăng lương cho người lao động thêm nữa vì áp lực chống chọi của người làm công ăn lương trong mấy năm khó khăn vừa qua đã rất nặng nề?
Đúng vậy, tôi cho rằng cần phải tính toán và xem xét kỹ lưỡng để có thể tăng lương tối thiểu cho người lao động. Hiện tại, trong cơ cấu chi ngân sách thì tới 67% dành cho chi thường xuyên (chi lương, công tác hành chính, đi công tác nước ngoài…). Nếu chúng ta “chắt chiu”, tiết giảm các khoản chi không cần thiết, như chi cho khánh tiết, chi tổ chức lễ hội, chi tiếp khách…. thì có thể tiết kiệm và khoản này sẽ dành cho chi trả lương.
Thông tin mới nhất khiến nhiều đại biểu cũng bức xúc là dù dự kiến thu ngân sách năm 2014 vượt 10% nhưng Bộ Tài chính vẫn cho rằng, sẽ không còn nguồn nào dành cho chi tăng lương, bởi vượt thu thì phải dành để trả nợ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đúng là ngân sách đang rất khó khăn, khoản vượt thu phải dùng vào nhiều việc, trong đó có một phần dành cho trả nợ. Nhưng tôi nhắc lại, việc điều chỉnh tiền lương vẫn có thể thực hiện được nếu tính toán khoa học và cơ cấu lại nguồn chi có giới hạn một cách hợp lý.
Trong trường hợp không thể tăng lương đồng loạt cho các đối tượng thì cũng có thể tính tới phương án tăng từng phần theo từng nhóm đối tượng ưu tiên với tỷ lệ tăng khác nhau. Đơn cử, trong đợt tăng đầu tiên có thể xét ưu tiên tăng lương cho người lao động thu nhập thấp, dưới 5 triệu đồng/tháng. Còn với đối tượng thu nhập hàng tháng trên 5 triệu đồng/tháng thì có thể xét tăng sau. Ứng với từng nhóm cụ thể sẽ có tỷ lệ tăng lương khác nhau, dao động từ 2-5%.
Nếu thực hiện theo phương án này thì chúng ta phải tổ chức, sắp xếp lại lao động. Vì hiện trong cùng bộ máy khu vực Nhà nước cũng có những công việc, vị trí mức lương hàng tháng khá thấp, như y tá, giáo viên… Ngược lại, có những vị trí thu nhập lại rất cao. Phải đánh giá để kéo gần lại khoảng cách chênh lệch về thu nhập hiện nay.
Vừa rồi chúng ta hoãn việc tăng lương vì trông chờ vào kết quả đề án cơ cấu lại, tinh giản biên chế bộ máy hành chính sự nghiệp. Nhưng tiếc là việc tinh giản tiến hành quá chậm chạp, bộ máy vẫn cồng kềnh.
Thực tế lương công chức, viên chức khu vực hành chính hiện tại thậm chí còn thấp hơn khu vực doanh nghiệp, được cho là chỉ đáp ứng được một nửa so với nhu cầu sống tối thiểu. Điều đó gây hệ lụy trực tiếp với nạn tham nhũng. Như ông nói, kế hoạch tăng lương ở khu vực này bằng cách tinh giản biên chế đã thất bại thì cách nào để giải quyết vấn đề này?
Bộ máy hành chính của ta hiện quá lớn. Giờ rất khó khi gần 70% khoản chi ngân sách đã phải dành cho chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển 17% và chi trả nợ 13% cũng là những khoản không thể cắt giảm hơn. Trông chờ lớn nhất là nguồn tăng thu nhưng thu từ dầu thô đã cạn, thu từ xuất nhập khẩu cũng khó khăn. Nguồn duy nhất có thể tăng thu là thu nội địa, trong đó khả năng tốt nhất là thu từ doanh nghiệp nhà nước. Khối doanh nghiệp FDI cũng còn dư địa, nguồn thu chưa tương xứng, cần tăng cường hơn.
P.Thảo (ghi)
Theo Dantri
Cần giảm biên chế, chứ không thể hoãn tăng lương
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương theo lộ trình cho cán bộ công chức, hưu trí và người có công để bảo đảm đời sống.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đối với việc tăng lương tối thiểu, một số ý kiến đề nghị cần bố trí kinh phí để tăng lương tối thiểu theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho một bộ phận người nghỉ hưu và cán bộ công nhân có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động còn thấp, do đó đề nghị cân nhắc để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
Đa số ý kiến đồng ý với phương án của Chính phủ trong việc sử dụng số dư nguồn cải cách tiền lương 14 nghìn tỷ đồng nhưng đề nghị Chính phủ hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng Luật ngân sách Nhà nước, chỉ dùng để trả nợ và chi cho đầu tư phát triển.
Ngoài ra, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị, năm 2015, Chính phủ cần tăng cường quản lý không để xảy ra tình trạng phụ thu, lạm bổ vốn đã xảy ra ở một số địa phương. Đồng thời, tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, trong đó không bố trí kinh phí cho mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi cho khởi công, khánh thành các công trình.
Tiến độ tăng lương không bắt kịp trượt giá.
Bày tỏ trước Quốc hội, đại biểu Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam băn khoăn khi năm 2015 có thể chưa điều chỉnh lương từ ngân sách. Theo ông Hải, cần giảm cán bộ công chức để tăng tiền lương; quan trọng là khắc phục tham nhũng và giảm đội ngũ công chức có tiền lương cao nhưng làm việc kém hiệu quả.
Lý giải một trong những nguyên nhân không thể tăng lương, đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn TPHCM) cho biết do tinh giản biên chế chậm.
"Năm 2015 nói không tăng lương thì ai bảo đảm đến năm 2016 có chắc tăng không? Phải tinh giản biên chế, bố trí đúng người, đúng việc chứ nay quá cồng kềnh, thậm chí còn đòi tăng biên chế", đại biểu Minh nói.
Theo ông Minh, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống của cán bộ công chức, muốn vậy thì phải tiết kiệm chi tiêu.
Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Quốc hội TPHCM lại nhấn mạnh đến mức độ của việc tăng lương. Bởi nếu chỉ tăng lương thêm 100.000 đồng thì không giải quyết được gì, không chống được tham nhũng, không tuyển được người giỏi.
Ông Lịch cho rằng, nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ, hệ thống như hiện nay thì "vô phương tăng lương, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy". Không giải quyết được vấn đề này thì đừng nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi với dân. Và theo đó, nếu không tăng lương thì đừng bao giờ hy vọng thu hút được một lực lượng cán bộ viên chức là thành phần tinh hoa.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ, nếu chỉ nhìn vào con số tăng GDP 5,8% hay 6,2% thì không phản ánh được chất lượng phát triển kinh tế.
Theo bà Tâm, giữa báo cáo và thực tiễn hiện còn có khoảng cách, cần phải lý giải và tìm biện pháp khắc phục. Bà Tâm nói: "Quốc hội ngồi họp rất tốn thời gian và tốn ngân sách. Vậy cuối cùng làm được cái gì? Tôi rất lo niềm tin của người dân, nếu người dân nhìn vào cách mình nói, cách mình làm".
Bởi theo bà, ta cứ nói tăng trưởng trở lại, nhưng cân đối ngân sách năm 2015 cực kỳ khó khăn. Điều này phản ánh một phần qua việc không đủ tiền thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, với khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ sáng 9/10 về tình hình thực hiện thu chi Ngân sách Nhà nước và tình hình kinh tế, xã năm 2014 và năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Do ngân sách năm 2015 còn nhiều khó khăn, bội chi lớn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở.
Bày tỏ ý kiến tại phiên thảo luận, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Năm 2014 đã hoãn tăng tiền lương cơ sở rồi, năm 2015 cũng không thể bố trí ngân sách để tăng lương. Như vậy, dư luận băn khoăn về vấn đề này? Và nếu tăng lương thì tiền ở đâu?".
Chia sẻ về quan điểm ngân sách không có tiền để tăng lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ Tài chính không nên nói "cứng" là không tăng lương mà cần phải tính toán thêm cách nào đó hay không? Xem thu và chi của chúng ta hiện nay có cân đối hay không?
"Không tăng lương đối với cán bộ công chức thì có thể hiểu được vì họ đã có thu nhập, còn không tăng lương đối với những người được hưởng lương hưu, đối tượng trợ cấp xã hội thì các đồng chí phải xem xét lại", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Tăng lương bao nhiêu người Việt mới đủ sống? "Tôi không hài lòng với mức lương tối thiểu 3,1 triệu mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua". Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015. Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400.000 đồng so với 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương...