“Tăng lương là ưu tiên số một khi dôi ngân sách”
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 26/5, TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội – cho biết, UB Cải cách chính sách tiền lương quốc gia vừa họp bàn, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì đến cuối năm, sẽ sớm tăng lương cơ sở.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2 ngày trước, nhiều vị đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, thu ngân sách 2014 vượt “khủng” (tới 80.000 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I lại đạt trên cả mong đợi (6,03% – cao nhất trong 5 năm qua). Nhiều khoản chi đã được tính đến như bổ sung tiền làm cao tốc, thưởng vượt thu cho các địa phương… vậy sao chưa tính đến việc tăng lương cơ sở?
Thực tế chưa đủ các điều kiện để điều chỉnh lương cơ sở. Chỉ số giá tiêu dùng chưa tăng quá mức, việc mất giá trên giá trị thực của đồng tiền không lớn, chưa ảnh hưởng đến mức sống của người dân, chưa tạo ra áp lực phải tăng lương. Nếu điều chỉnh tiền lương trong lúc chỉ số giá tiêu dùng đang ổn định như thế này thì quá bằng “đổ dầu vào lửa” vì tăng lương cũng đồng nghĩa với việc tăng tiền vào lưu thông mà như thế thì giá trị đồng tiền sẽ sụt giảm. Việc tăng lương như thế thì vô hình chung lại không có giá trị.
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và lương cơ sở cần căn cứ trên 2 yếu tố: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên và chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động tăng lên làm ảnh hưởng đến giá trị thực của tiền lương. Tăng lương khi đó là để đảm bảo tiền lương vẫn đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Thực sự, cả 2 yếu tố này chưa đòi hỏi đến mức phải điều chỉnh tiền lương trong năm nay.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: “Tăng lương cần tính sao để không gây tác động làm tăng giá” (ảnh: Việt Hưng).
Nhưng rõ ràng vấn đề cử tri và đại biểu đặt ra có lý của nó khi 2 năm qua, nhà nước đã hoãn thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cơ sở vì lý do tình hình kinh tế, ngân sách khó khăn, không có nguồn bố trí cho việc tăng lương. Cả xã hội đã cùng chia sẻ lúc khó khăn thì khi tình hình cải thiện, số vượt thu ngân sách năm 2014 rất lớn (80.000 tỷ đồng), đặt vào vị trí những người làm công ăn lương đã gồng mình suốt giai đoạn khủng hoảng vừa qua, được bù đắp phần lương bị “nợ” sẽ là nguyện vọng của tất cả mọi người?
Uỷ ban Cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước mới đây đã họp và đã đề ra chương trình xem xét lại việc này. Nếu từ nay đến cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì được như quý I, tức ngân sách tiếp tục có nguồn thu ổn định thì Chính phủ, Quốc hội chắc chắn sẽ xem xét để điều chỉnh lộ trình tăng tiền lương cơ sở.
Lần trước mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, tức chỉ tăng 100.000 đồng/tháng, có nghĩa nhà nước vẫn đang nợ công chức khoản “hụt lương” khi lộ trình tăng lương theo kế hoạch xây dựng trước đó không thực hiện được. Lộ trình là từ nay đến 2020, tiền lương cơ sở phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức và tiền lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động ở khu vực có quan hệ lao động.
Với khu vực doanh nghiệp này, cho đến nay, cứ đều đặn 1/1 hàng năm là ta điều chỉnh rồi. Chỉ còn lương cơ sở áp dụng với khối công chức viên chức thì chắc chắn Chính phủ phải tính toán cân đối trong tình hình tăng trưởng đạt được cho đến cuối năm nay. Nếu kết quả trong quý II, III tới đây tiếp tục được đà của quý I, tiếp tục nhích lên, thu ngân sách tăng thì chúng ta mới có “cơ” tính tiếp việc tăng lương.
Mới đây Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh lương cơ sở trong năm 2015 dựa trên việc tạo nguồn của Bộ Tài chính. Việc này có mối liên hệ với động thái của UB cải cách tiền lương quốc gia mà ông vừa đề cập?
Video đang HOT
Đây chính là phương án UB Cải cách chính sách tiền lương của nhà nước đề ra. Là một thành viên của UB này, tôi có thể nói là đến thời điểm này, UB mới chỉ dừng ở bước bàn để đánh giá thực trạng nguồn thu chứ chưa phải đã đưa ra Quốc hội ngay kỳ họp này.
Theo báo cáo mới gửi đến Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, mức lương cơ sở hiện tại mới chỉ bằng 44,2% mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp. Nếu tính đủ các loại hệ số, phụ cấp thì một cử nhân đại học hết tập sự mới chỉ nhận được mức lương 3,58 triệu đồng/tháng. Tiền lương của các Bộ trưởng, theo đó, cũng chỉ đạt hơn 14 triệu đồng/tháng. Đánh giá chung, Bộ Nội vụ nhìn nhận, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước rất khó khăn. Như vậy thì càng không có lý do gì để trì hoãn việc tăng lương khi có điều kiện thực hiện việc này, thưa ông?
Hai khu vực này khó có thể xem xét như nhau được bởi khu vực công, tiền lương cơ sở được sử dụng để tính theo hệ số tiền lương, ngạch bậc công chức nữa. Nhưng khu vực sản xuất kinh doanh thì mức lương tối thiểu 2,2 -3,2 triệu đồng/tháng gần như là trọn vẹn thu nhập hàng tháng của người lao động, nếu có cũng chỉ cộng thêm khoảng 7-8% nữa.
Quan trọng hơn, tương quan so sánh đặt ra cũng không được đánh giá là yếu tố để trì hoãn hay phải thúc ngay việc tăng lương vì như tôi đã nói, muốn xem xét điều chỉnh cần căn cứ vào 2 yếu tố: tốc độ tăng trưởng kinh tế phải tăng nhanh hơn nữa hoặc chỉ số trượt giá phải tăng đến mức ảnh hưởng đến tiền lương danh nghĩa. Hiện tại thì yếu tố giá chưa tác động, chưa gây áp lực gì với tiền lương.
Xét đến yếu tố thứ 2 là tình hình phát triển kinh tế thì hết quý I, kết quả tăng trưởng cũng mới đạt mức 6,03%, nhìn ra cũng chưa đủ điều kiện để tăng lương bởi nguyên tắc của tiền lương là tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng lương bình quân thì mới giữ được chỉ số giá tiêu dùng.
Còn dĩ nhiên cải cách tiền lương cơ sở vẫn mà một mục tiêu của Đảng, nhà nước nhưng việc thực hiện phải dựa trên thực trạng của nền kinh tế và khả năng cân đối của ngân sách để chi cho tiền lương sao cho việc nâng lương cơ sở không làm ảnh hưởng đến đời sống, giá cả sinh hoạt.
Là một thành viên của UB Cải cách chính sách tiền lương quốc gia, quan điểm của cá nhân ông đối với mong muốn, đòi hỏi tăng lương của cử tri lúc này?
Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được khả quan, chúng ta có phần ngân sách dôi dư như hiện nay thì theo tôi, ưu tiên số một phải tính đến là dành cho việc tăng lương.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
Lương Bộ trưởng cũng... khó sống
Dù đã 3 lần tăng lương cơ sở, nhưng mức 1,15 triệu đồng/tháng mới đạt 44% so với lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp. Đời sống của công chức còn nhiều khó khăn khi cử nhân đại học ra trường hết tập sự chỉ 3,58 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng cũng chỉ 14,4 triệu đồng/tháng...
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi đến Quốc hội. Báo cáo có một nội dung chi tiết về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cơ sở; khắc phục hạn chế bất cập trong việc thực hiện cơ chế tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp; xây dựng và hoàn thiện đề án tăng lương và đảm bảo lộ trình thực hiện.
Tốc độ tăng lương giai đoạn 2011-2015 giảm
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, từ 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở), từ mức 730.000 đồng/tháng năm 2011 lên mức 1,15 triệu đồng/tháng hiện nay.
Tính chung cả ba lần điều chỉnh tăng thêm 57,5%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12/2014 so với tháng 12/2010 do Tổng cục Thống kê công bố là 36,3%.
Bộ Nội vụ cũng ban hành chế độ phụ cấp áp dụng với cán bộ công chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách với mức tăng từ 10% lên 25%. Ngoài ra, một số chức danh lãnh đạo như Chủ tịch UBND tỉnh từ 1,25 lên 1,3; tăng tỷ lệ nâng bậc lương trước thời hạn với cán bộ công chức viên chức lập thành tích xuất sắc từ 5 lên 10%, bổ sung chế độ nâng lương đối với sĩ quan cấp tướng. Mới đây, nhà nước cũng quyết định tăng lương thêm 8% đối với người hưởng lương có hệ số từ 2,34 trở xuống.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, hạn chế hiện tại là mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng hiện hành mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân 2,6 triệu đồng/tháng năm 2015 của khu vực doanh nghiệp.
Điều này dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng. Lương Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.
Theo đó, Bộ trưởng Nội vụ xác nhận, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Thêm nữa, hệ thống thang, bậc lương còn bình quân. Do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp, nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, đã làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.
Phân tích những nguyên nhân hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đề cập kinh tế tăng trưởng chậm (từ mức bình quân 7%/năm giai đoạn 2006-2010 xuống chỉ còn 5,8%/năm giai đoạn 2011-2015), ngân sách cũng tăng chậm trong nhu cầu tăng chi đầu tư phát triển để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng chi quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, cùng với áp lực giảm bội chi ngân sách nhà nước, nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương.
Trong khi đó, đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng (gắn với tiền lương) từ ngân sách nhà nước rất lớn, khoảng 7 triệu người, chưa bao gồm quân đội và công an.
Tiết kiệm tối đa chi thường xuyên để tăng thu nhập cho cán bộ
Thời gian tới, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tối thiểu của người lao động;
Nghiên cứu, từng bước mở rộng quan hệ lương thấp nhất - trung bình - tối đa cho phù hợp với quan hệ thị trường, trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống thang, bậc lương và các chế độ phụ cấp.
Giải pháp tiếp nữa là rà soát, xác định rõ các ngành, nghề đặc thù, để làm căn cứ xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề).
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng khung cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để trình Chính phủ xem xét tổng hợp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015).
Và trong đó sẽ tính toán cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, chi trả nợ và khả năng bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho cải cách tiền lương giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo các kết luận của Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thông qua vào thời điểm thích hợp, khi có đủ điều kiện thực hiện.
Để tạo nguồn cho thực hiện điều chỉnh tiền lương các năm sau, Bộ trưởng Nội vụ nêu nhiều giải pháp. Bên cạnh thực hiện tinh giản biên chế, giải pháp được Bộ trưởng đề cập là các cơ quan, đơn vị phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm tối đa chi thường xuyên ngoài lương để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện các giải pháp tạo nguồn như cơ cấu lại chi ngân sách cùng với việc điều chỉnh lại các chính sách theo quan điểm ưu tiên chi cải cách tiền lương, chi cho con người là chi đầu tư phát triển cũng là giải pháp được nêu tại báo cáo.
P.Thảo
Theo Dantri
Tiền đâu để liên tục nâng cấp thành phố, lập mới huyện thị? Liên tiếp những phiên họp gần đây, UB Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc lập, nâng cấp lên thành phố, mở rộng thị xã, lập mới phường... ở nhiều địa phương. Các ủy viên Thường vụ Quốc hội, dù đồng ý, vẫn không khỏi lo lắng về câu hỏi "tiền đâu". Ngày 14/5, trong khuôn khổ phiên họp thứ...