Tăng lương công chức, viên chức thêm 300.000 đồng/tháng mang tính động viên là chính
Đại biểu Quốc hội cho rằng, tăng lương trong thời điểm này rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, mức tăng 20,8% chỉ mang tính tạm thời, động viên tinh thần là chính.
Với mức lương hiện hành của đội ngũ cán bộ, công chức, nếu tăng 20,8% thì số tiền lương tăng thêm vẫn rất thấp so với nhu cầu cuộc sống.
Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức từ 1/7/2023 lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã có trao đổi với phóng viên VOV tại hành lang Quốc hội về nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.
PV: Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét bố trí ngân sách cho việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, xin bà cho biết quan điểm về đề xuất này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Nếu theo lộ trình và kế hoạch của Chính phủ thì đã phải thực hiện tăng lương từ vài năm trước, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mọi nguồn lực của Trung ương và địa phương đều phải tập trung cho việc giải quyết hậu quả của Covid-19 để tăng cường và phát triển kinh tế. Do đó, 3 năm qua chúng ta chưa tăng lương. Tôi cho rằng, đề xuất tăng lương ở thời điểm này khá hợp lý.
Thứ nhất chúng ta đã chậm một nhịp trong việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức. Thứ hai, về cơ bản thời điểm này cũng đã khống chế được dịch bệnh Covid 19, kinh tế sau đại dịch bắt đầu phục hồi. Thứ ba, sau đại dịch Covid-19, cuộc sống đại đa số nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều theo hướng tiêu cực, đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy ảnh hưởng này không rõ rệt như đối với các doanh nghiệp hay các nhóm khác song giá cả leo thang, lương thấp cũng tác động trực tiếp đến đời sống của công chức, viên chức.
PV: Theo đề xuất của Chính phủ, thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 với mức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, bà có đánh giá gì về mức đề xuất tăng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi việc chúng ta cải cách tiền lương trong thời điểm này là rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, mức tăng 20,8% chỉ mang tính tạm thời, động viên tinh thần là chính. Với mức lương hiện hành của đội ngũ cán bộ, công chức, nếu tăng 20% thì số tiền lương tăng thêm vẫn rất thấp so với nhu cầu cuộc sống hiện tại.
Tôi hy vọng chúng ta dần có những cải cách về tiền lương cơ sở, song cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn ngân sách quốc gia. Đến khi thực hiện hoàn toàn cải cách lương theo bảng thang bậc lương mới và cách tính lương mới thì chế độ tiền lương mới được cải thiện nhiều hơn, đáp ứng mong mỏi của đông đảo cán bộ công chức, viên chức.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, lương công chức, viên chức hiện nay không những thấp mà còn được trả theo kiểu cào bằng, khó tạo ra động lực làm việc trong cơ quan nhà nước, quan điểm của bà về vấn đề này ra sao, thưa đại biểu?
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi nghĩ rằng với cách tính và hướng cách cải cách tiền lương trong tương lai theo vị trí việc làm sẽ phần nào giải quyết được những bất cập như trên. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đang nỗ lực xây dựng các đề án, có những chính sách ưu đãi đối với những người thực sự tài năng, có cống hiến đặc biệt cho địa phương. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải nỗ lực trong việc cải tiến cách tính tiền lương, thang, bảng lương.
Hiện nay có một hiện tượng rất đáng buồn là chảy máu chất xám ở các cơ quan nhà nước. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, người có năng lực sẽ di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và nguyên nhân do là tiền lương ở khu vực công vẫn quá ít ỏi so với khu vực tư.
Thứ 2, hiện tượng chảy máu chất xám khi công chức, viên chức bỏ luôn nghề để làm những công việc khác có thu nhập tốt hơn, đỡ vất vả hơn.
Cả 2 hiện tượng này cũng đều rất đáng suy nghĩ, liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền công của người lao động được nhận, bản thân họ cảm thấy không thỏa đáng và không thể nuôi sống được gia đình trong điều kiện tiền lương như vậy. Tôi nghĩ rằng, việc cải cách tiền lương cũng là một trong những giải pháp để giữ chân người tài trong lĩnh vực công.
PV: Vậy giải pháp nào để công chức, viên chức có lương đủ sống, thưa bà?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Thứ nhất, để cải cách tiền lương thì chúng ta cần có nguồn lực đủ mạnh. Muốn vậy phải đi đôi với các giải pháp phát triển kinh tế, chỉ khi kinh tế phát triển chúng ta mới có nguồn lực để cải cách tiền lương. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và tinh giản biên chế. Nếu một bộ máy cồng kềnh chắc chắn số tiền lương bỏ ra sẽ rất tốn kém. Chúng ta đang nỗ lực trong những năm qua để sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh gọn và hiệu quả hơn.
Thứ hai, song song với các biện pháp sắp xếp lại tổ chức bộ máy vẫn phải có những biện pháp đủ mạnh để phát triển kinh tế trong thời gian tới, chỉ khi phát triển được kinh tế mới có nguồn để cải cách tiền lương.
Vẫn biết rằng thang bảng lương hiện giờ vẫn rất thấp. Tuy nhiên, để cải cách tiền lương không phải là chuyện ngày một ngày 2. Với nỗ lực của Chính phủ, tôi tin chắc rằng trong thời gian tới sẽ đạt được mục tiêu công chức, viên chức sống được bằng lương. PV: Xin cảm ơn bà./.
Lương GV năm 2023 có thể lên tới gần 20 triệu đồng/tháng nhưng ít người đạt được
Lương giáo viên sẽ lên đến trên dưới 20 triệu đồng/tháng là điều có thể xảy ra trong thời điểm tăng lương cơ sở tới đây nhưng rất ít người đạt được.
Tại buổi Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 17/10, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo VOV.VN về kỳ họp thứ 4, Quốc hội cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết:
Chính phủ đang trình Quốc hội mức tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, tương đương khoảng 20,8% và tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm khoảng 12,2%;
Hỗ trợ thêm với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức thưởng thấp, tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội, gắn với lương cơ sở khoảng 20,8. (*)
Giáo viên các cấp đang hưởng mức lương nào?
Hiện nay, mức lương khởi điểm của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đang áp dụng hệ số 2,34 - tương đương 3,487 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất áp dụng hệ số 6,78 - khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài lương cơ bản, giáo viên còn được tính thêm các khoản phụ cấp khác như:
Phụ cấp ưu đãi theo nghề = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi gồm các mức: 25%, 30%, 35%, 40%, 45%, 50% (căn cứ Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC).
Ảnh minh họa: Lã Tiến
Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn bao gồm:
Phụ cấp lưu động của giáo viên đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục buộc phải đi lại thường xuyên giữa các thôn là 0,2 so với mức lương cơ sở.
Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số là 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) (căn cứ Nghị định số 76/2019/NĐ-CP).
Phụ cấp khu vực dành cho giáo viên làm việc tại vùng có yếu tố địa lý khí hậu khắc nghiệt, xa xôi, đường xá đi lại khó khăn, vùng biên giới, hải đảo... (căn cứ Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT), với hệ số dao động từ 10 - 100% mức lương cơ sở.
Tính cả các khoản phụ cấp, thu nhập của giáo viên các cấp hiện nay dao động khoảng từ 4,2 - 14 triệu đồng/tháng.
Lương giáo viên các cấp sẽ thay đổi thế nào?
Ngày 2/2/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông).
Giả sử lương cán bộ, công chức, viên chức (chỉ bàn đến viên chức giáo viên) được tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì ước tính lương khởi điểm của giáo viên hạng III bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ là 4.212.000 đồng/tháng.
Với hệ số lương cao nhất là 6,78, giáo viên hạng I sẽ nhận được mức lương là 12.204.000 đồng/tháng. Sau khi cộng thêm các khoản phụ cấp khác, mức thu nhập có thể lên tới gần 20 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, số lượng giáo viên được thăng hạng còn phụ thuộc vào vị trí việc làm. Ví dụ, trường trung học phổ thông có 100 giáo viên thì có thể không cần giáo viên hạng I.
Trong tổng số lương này sẽ trừ các khoản sau: bảo hiểm xã hội 10,5%; bảo hiểm y tế 1,5%; bảo hiểm thất nghiệp 1%. Về đến trường trừ 1% công đoàn phí; 1% Đảng phí (nếu là Đảng viên).
Như vậy, về cơ bản giáo viên sẽ bị trừ bắt buộc từ 14-15% tổng lương (tương đương với 650.000- 697.000 đồng).
Vậy nên, lương giáo viên sẽ lên đến trên dưới 20 triệu đồng/tháng như tính toán là điều có thể xảy ra trong thời điểm tăng lương cơ sở tới đây nhưng rất ít giáo viên đạt được.
Tăng lương cơ bản là hợp tình hợp lí
Nhìn chung, nếu được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng thì giáo viên mầm non, phổ thông công lập mới ra trường thực nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Việc tăng lương cơ sở khoảng 20,8% được cho là phù hợp điều kiện ngân sách Nhà nước.
Nhưng mức tăng này vẫn còn là quá thấp so với yêu cầu của cuộc sống. Giáo viên nuôi con ăn học; mua phương tiện đi làm; chi phí khám chữa bệnh, các việc hiếu hỉ và mua nhà cửa, với mức lương như thế không thể kham nổi.
Một số chuyên gia đã từng đưa ra bài toán giả sử hộ gia đình trẻ có tổng thu nhập 20 triệu/tháng muốn mua căn hộ 70m2, đơn giá khoảng 20 triệu đồng/m2, giá nhà khoảng 1,5 tỉ tại Hà Nội thì cần 20 năm để trả hết nợ để mua nhà, trong trường hợp sử dụng 50% thu nhập để trả nợ và lãi suất vay ngân hàng trung bình ở mức 10%/năm như hiện nay.
Tuy vậy, các cơ quan đề xuất tăng lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023 là việc làm hợp tình hợp lí. Bởi 3 năm qua, Nhà nước chưa tăng lương cơ sở do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hơn nữa, việc chậm tăng hệ số lương khiến đời sống giáo viên gặp rất nhiều rất khó khăn, do lạm phát kinh tế, giá cả tăng cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều giáo viên nghỉ việc thời gian qua.
Riêng viên chức ngành giáo dục, việc tăng lương giúp cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên ổn định tâm lí, có thêm động lực dạy học.
Hiện tại, đồng lương giáo viên được đánh giá là quá thấp, họ phải làm nhiều nghề tay trái để mưu sinh, khó toàn tâm toàn ý cho việc dạy học, kéo theo chất lượng giáo dục khó đảm bảo.
Tài liệu tham khảo:
(*) https://vov.vn/chinh-tri/de-xuat-tang-luong-co-so-len-18-trieu-dong-cho-cong-chuc-vien-chuc-post977897.vov
Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Lao động nữ nghỉ hưu trước tuổi có bị trừ tỷ lệ % lương hưu? Bạn đọc hỏi: Tôi sinh tháng 1/1971, đi làm trong điều kiện bình thường và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 7/1988, trong đó có 2 năm liền kề có số ngày nghỉ hưởng lương BHXH ít nhất 60 ngày/năm. Tôi có dự định xin nghỉ hưu trước tuổi vào tháng 10/2023. Vậy, nếu tôi nghỉ hưu trước tuổi có bị...