Tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu/tháng từ 1/7/2017
Quốc hội yêu cầu tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết.
Mức lương cơ sở 1,21 triệu đồng/tháng hiện nay sẽ được điều chỉnh tăng thành 1,3 triệu đồng/tháng từ 1-7-2017 (ảnh minh họa)
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017. Nghị quyết nói trên đã được 391 đại biểu (chiếm tỉ lệ 79,31% số đại biểu Quốc hội) tán thành thông qua ngày 11-11.
Để thực hiện chính sách này, ngân sách trung ương phải chi khoảng 6.600 tỉ đồng. Nếu tính cả 1.900 tỉ đồng hỗ trợ 50% nhu cầu tăng lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách trung ương phải chi khoảng 8.500 tỉ đồng.
Một bộ phận không nhỏ công chức khó khăn
Dự kiến trong năm 2017, tổng số thu cân đối NSNN là 1,21 triệu tỉ đồng và tổng số chi cân đối NSNN là 1,39 triệu tỉ đồng. Mức bội chi NSNN ở mức 178.300 tỉ đồng tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm bội chi ngân sách trung ương là 172.300 tỉ đồng, tương đương 3,38%GDP và bội chi ngân sách địa phương là 6.000 tỉ đồng, tương đương 0,12% GDP.
Tổng mức vay của NSNN trong năm tới, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 340.157 tỉ đồng.
Video đang HOT
Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày nêu rằng: đời sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, người hưởng lương còn gặp khó khăn, vì vậy Chính phủ đề nghị tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.
Ngoài việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tự bố trí sắp xếp cân đối nguồn, ngân sách trung ương còn phải chi khoảng 6.600 tỉ đồng. Nếu tính cả 1.900 tỉ đồng hỗ trợ 50% nhu cầu tăng lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách trung ương phải chi khoảng 8.500 tỉ đồng.
“Đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ trong thời điểm hiện nay” – Nghị quyết do Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày nêu.
Hạn chế đi khảo sát, nghiên cứu nước ngoài
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ kết hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu NSNN.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
Từ năm 2017, nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, phí đảm bảo hàng hải (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được phản ánh trong thu cân đối NSNN, sử dụng để duy tu bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải.
Năm 2017, Quốc hội sẽ điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương. Từ năm 2018, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sẽ xác định lại cơ chế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời phát hành 50.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nghị quyết cũng nêu rõ từ năm 2017, Chính phủ chỉ đạo các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí chi trả nợ lãi và nợ gốc theo đúng quy định của Luật NSNN.
Theo Chân luận (Pháp luật TP.HCM)
Sẽ kiểm tra vụ Chủ tịch TP Cà Mau đi nước ngoài
Ông Hữu thừa nhận đi Nhật là để học hỏi công nghệ đèn LED chiếu sáng, toàn bộ kinh phí chuyến đi do doanh nghiệp đài thọ.
Mấy ngày qua, có nhiều thông tin trái chiều về việc ông Hứa Minh Hữu, Chủ tịch UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đi Nhật mà không xin phép Chi bộ Văn phòng HĐND- UBND TP Cà Mau.
Theo lãnh đạo Thành ủy Cà Mau, chuyến này của ông Hữu kết hợp du lịch với việc doanh nghiệp mời dự hội thảo bên Nhật liên quan đến công nghệ đèn LED.
Trước khi đi Nhật, Thành ủy Cà Mau có tờ trình gửi Tỉnh ủy Cà Mau và được nơi đây đồng ý. Sau đó, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định cho phép ông Hữu đi tham quan, du lịch ngoài nước, với điều kiện kinh phí cá nhân tự túc.
Tờ trình thể hiện ông Hữu có xin phép cơ quan chi bộ Đảng đi du lịch nước ngoài
Trong chuyến "vi hành" sang Nhật, ông Hữu đi cùng với một doanh nghiệp từng trúng 2 gói thầu trị giá 11 tỉ đồng do UBND TP Cà Mau làm chủ đầu tư. Thời gian ông Hữu đi Nhật 5 ngày, từ 30-5 đến 5-6.
Trả lời báo chí, ông Hữu thừa nhận chuyến đi do doanh nghiệp nói trên tài trọ toàn bộ chi phí. Mục đích chuyến đi là tham quan và học hỏi công nghệ dè LED. Ông Hữu cho biết có nhận thư mời đi nước ngoài của doanh nghiệp rồi trình lên tổ chức và được đồng ý. "Do thành phố đang có kế hoạch thay đổi hệ thống đèn chiếu sáng sang đèn LED để tiết kiệm điện nên sẵn dịp tôi sang Nhật tìm hiểu luôn về công nghệ này", ông Hữu nói.
Ngày 10-11, trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Luận, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, nói: "Về mặt nào đó, ông Hữu xin nghỉ phép năm để đi du lịch nước ngoài bằng kinh phí tự túc, và được nghành chức năng tỉnh Cà Mau cho phép đến Nhật du lịch là đúng. Nếu thật sự ông Hữu đi bằng tiền túi của mình thì không có gì sai, vì hàng năm cán bộ đều được nghỉ phép năm nên họ đi du lịch ở đâu thì tùy họ. Còn việc có thông tin nói ông Hữu đi nước ngoài được doanh nghiệp mời, lo kinh phí sẽ được cho kiểm tra lại".
Quyết định của lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho phép ông Hữu đi Nhật bằng kinh phí tự túc
Tại Điều 5 Chỉ thị 21 Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: "Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành, địa phương không tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh". Ngoài ra, tại Điều 3 Chỉ thị số 38-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, cũng có quy định: "Không bố trí 2 lãnh đạo chủ chốt của một bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài; không được tham gia các đoàn đi nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh"
Ông Luận cho biết, khi thực hiện triển khai Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Cà Mau chỉ đạo triển khai đến các sở, ngành và các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. "Khi kiểm tra lại nếu thật sự ông Hữu vi phạm nội dung cấm đã nêu ở trên của Chỉ thị 21 thì sẽ xử lý nghiêm về mặt Nhà nước, sai đến đâu xử lý đến đó. Riêng trách nhiệm của những người tham mưu về việc ông Hữu đi nước ngoài cũng bị xử lý. Còn về gốc độ Ban Tuyên giáo, đơn vị sẽ có đề xuất hình thức xử lý", ông Luận nhấn mạnh.
Theo Duy Nhân - Hạnh Hoàng (Người lao động)
16 năm chưa thi công xong đoạn đường 300m Dự án khu đô thị Đại Kim - Định Công đã bàn giao hạ tầng từ năm 2000, tuy nhiên, đến nay, đoạn đường chính của dự án dài 300m vẫn chưa được thi công. Không chỉ gây khó khăn đi lại, người dân còn phải sống chung với mùi hôi thối của nước thải sinh hoạt do hệ thống thoát nước cũng...