Tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn lãi suất 2% cho doanh nghiệp
Sau gần 3 tháng kể từ khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh triển khai, nhiều doanh nghiệp phản ánh, dù “khát” vốn nhưng họ rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn lãi suất 2%.
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May mặc Hồng Quang, xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quá trình phục hồi nền kinh tế trong nước mới chỉ bắt đầu trong khi mọi nhu cầu về tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu lại đang yếu đi, rủi ro lạm phát gia tăng. Đặc biệt, khó khăn về nguồn vốn, rủi ro trong khu vực tài chính càng hiện hữu cao và là thách thức với doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm này, gói hỗ trợ lãi suất 2% dù đặt mục tiêu 800.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân chưa tới 1%. Số tiền lãi được cấp bù mới đạt hơn 1 tỷ đồng. Việc tiếp cận gói cấp bù lãi suất 2% vẫn còn nhiều khó khăn vì ngân hàng vừa thiếu hạn mức và siết chặt các thủ tục, việc kiểm soát vốn chặt vào các phân khúc rủi ro của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp trên thị trường và các ngành liên quan cũng gặp khó.
Trước vấn đề này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác nhận chỉ khoảng 1% doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ lãi suất 2% và chỉ các doanh nghiệp vừa và lớn mới vay được gói hỗ trợ này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải rời bỏ thị trường thời gian qua do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại đa số là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu các điều kiện đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi sau đại dịch… nên khó tiếp cận tín dụng cũng là dễ hiểu. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng cũng cần phải đảm bảo kinh doanh để không mất vốn Nhà nước và vốn của ngân hàng.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, gói hỗ trợ lãi suất này khác với gói hỗ trợ năm 2009 ở chỗ: nguồn vốn rõ ràng (từ ngân sách), đối tượng hỗ trợ (là 13 lĩnh vực), thời hạn cụ thể (tối đa 2 năm). Ngoài ra, đối tượng thụ hưởng phải đáp ứng cơ bản các điều kiện của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi.
Tuy nhiên, để đánh giá khả năng phục hồi lại của doanh nghiệp là khó. Vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Vì vậy, rất cần thúc đẩy Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Tại các địa phương, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp đều có nhưng hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh giúp các doanh nghiệp.
Video đang HOT
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm mảng cho thuê tài chính bởi cho thuê tài chính không cần tài sản thế chấp. Hiện, Việt Nam đã có 11 công ty cho thuê tài chính và Nhà nước nên xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa trải nghiệm dịch vụ cho thuê tài chính.
Song song đó, cũng rất cần sự nỗ lực và thiện chí của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng, vì nếu tổ chức tín dụng muốn hỗ trợ, cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và nếu doanh nghiệp thiếu tính thiện chí, trung thực, không chú trọng xây dựng phương án kinh doanh…, thì cũng sẽ khó tiếp cận được tín dụng.
Đại diện tiếng nói doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay, tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện đang rất khó khăn. Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội lại có nội dung hạn chế Ngân hàng Chính sách xã hội cho chủ đầu tư vay vốn để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay tại một số ngân hàng khác lại phải áp dụng lãi suất thấp nhất 9%/năm do bất động sản không nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên vay với lãi suất thấp. Hay Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định không hạ chuẩn cho vay và không nới lỏng điều kiện vay. Do đó, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều không đáp ứng được điều kiện, đồng nghĩa với việc không tiếp cận được tín dụng ngân hàng.
Ông Châu cho biết, từ thực tế trên, với gói 40.000 tỷ đồng; trong đó có gói 15.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay không có sản phẩm để giải ngân. Tuy nhiên các chủ nhà trọ là những đối tương đang cần hỗ trợ. Hoặc với người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại 9%/năm nhưng nếu không tiếp cận được nguồn vốn, sẽ trở thành gánh nặng.
Vì thế, ông Châu đề nghị phần tiền còn lại để hỗ trợ cho những đối tượng đã vay với lãi suất thương mại. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, ông Châu bày tỏ mong muốn các ngân hàng thương mại cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và ngược lại khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cần chú trọng làm ăn kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo uy tín thương hiệu.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, sáng 26/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước
Ngân hàng Nhà nước nhận định, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả.
Về phía các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đều cam kết giải ngân tối đa gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng; tiếp tục truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận chương trình hỗ trợ theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP với mục tiêu tiếp sức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong quá trình phục hồi và phát triển.
Nghiêm cấm thêm điều kiện, thủ tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội (2014). Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo nội dung của Chỉ thị, ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản trả lời, giải đáp các vấn đề thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước, chuyển Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng giải đáp các câu hỏi liên quan đến đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua gần 3 tháng thực hiện, một số ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai chính sách và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng thương mại chưa tập trung và quyết liệt triển khai, chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn nội bộ, chưa tổ chức truyền thông và hướng dẫn đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành xác định đây là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện khẩn trương để hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế. Chủ động triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ Ngân hàng Nhà nước đến các ngân hàng thương mại, từ Hội sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại; quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành có liên quan, các ngân hàng thương mại để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Cùng với đó, triển khai cho vay, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Bên cạnh đó, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, quy định về hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan. Đặc biệt không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất.
Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương tích cực triển khai, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các ngân hàng thương mại.
Song song đó là theo dõi chặt chẽ kết quả hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại; báo cáo thường xuyên Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về tiến độ, kết quả giải ngân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố nắm bắt rõ, đầy đủ các nội dung, quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN để theo dõi, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Thống đốc cũng đề nghị phối hợp với các cơ quan truyền thông, sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, ngân hàng thương mại trên địa bàn để tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Cùng đó, theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Thống đốc cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, trong đó công tác tín dụng cần gắn với triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách.
Chỉ thị cũng nêu rõ, cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
Doanh nghiệp có khả năng phục hồi mới được vay vốn Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp, đối tượng vay vốn qua các ngân hàng thương mại (NHTM) phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Ngân hàng Nhà nước chú trọng công tác thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất...