Tăng độ khó, đề thi bằng lái ô tô có tình huống không làm đúng là “rớt ngay”
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến tình trạng lái xe gây tai nạn do chất lượng đào tạo, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết đã tăng độ khó của đề thi bằng lái xe ô tô và có tình huống nếu học viên không làm đúng có thể “rớt ngay”.
Chất vấn tại Nghị trường, Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đánh giá, hiện nay nhiều con đường mới được đầu tư nhưng do công tác quản lý kém, không kiểm soát được xe quá khổ, quá tải nên xuống cấp nhanh, hư hỏng nhiều, là 1 dạng lãng phí, gây bức xúc cho nhân dân.
“Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp nào khả thi nhất để giảm thiểu, tiến tới quản lý chặt chẽ xe quá khổ, quá tải” – đại biểu Thúy đặt câu hỏi.
Cũng theo đại biểu Thúy, trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, có chuyện người thực thi công vụ nhận thức về pháp luật còn hạn chế, thậm chí có hiện tượng tiêu cực.
“Bộ trưởng cho biết vì sao có tình trạng này? Bộ trưởng có chỉ đạo ra sao để khắc phục tình trạng trên?”, đại biểu Thúy tiếp tục truy vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng.
Đại biểu Ma Thị Thúy
Tiếp theo đại biểu Thúy, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) nhấn mạnh tình trạng thời gian qua xảy ra nhiều vụ lái xe sử dụng rượu bia, ma tuý gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại lớn tài sản, gây bất an cho nhân dân và người tham giao thông.
Đánh giá hậu quả này có một trong những nguyên nhân là việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe và công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, tiêu cực, Đại biểu tỉnh Ninh Thuận đặt câu hỏi: “Bộ trưởng sẽ đề xuất những giải pháp gì để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đạo đức của người lái xe qua việc xử lý vi phạm và đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe”.
Phạm Huyền Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận chất vấn
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Việc quản lý xe quá khổ, quả tải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”, còn Bộ Giao thông có Trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm và khi đăng kiểm tất cả các xe đều phải bảo đảm đúng quy trình, đúng kích thước tải trọng trong hồ sơ.
“Tuy nhiên trong thực tiễn sau khi đăng ký đăng kiểm, một số chủ phương tiện dùng hộp thùng cơi nới dẫn đến xe quá khổ, quá tải”, ông Thể nhận định và cho rằng, việc này xảy ra sau khi đăng ký đăng kiểm và xảy ra ở địa phương.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải là chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp cùng với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra để xử lý nghiêm các xe quá khổ, quá tải.
Ông Thể cũng nhấn mạnh, điều khiển xe quá khổ quá tải là hành vi phá hoại tài sản Nhà nước bởi nó làm ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường.
Liên quan đến đào tạo và sát hạch lái xe, ông Thể thừa nhận, đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông phức tạp. Do đó, Bộ đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ thanh tra, kiểm tra các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe.
Cùng với đó, Bộ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm tăng cường giám sát thời gian học cả lý thuyết và thực hành của học viên ở các trung tâm, tăng độ khó của đề thi.
“Chúng tôi đưa ra một số tình huống thi, nếu học viên không làm đúng có thể rớt ngay, ví dụ xe vượt đèn đỏ có ký hiệu đường sắt sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, học viên mắc lỗi tình huống này thì cho rớt ngay. Bộ cũng cố gắng cải tiến công tác đào tạo, sát hạch để lái xe sau khi nhận bằng sẽ tham gia giao thông tốt”, ông Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng cũng thông tin, số liệu thống kê thấy, những tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra với những lái xe thâm niên từ 8-10 năm, chứng tỏ rằng không phải lái xe mới nhận giấy phép lái xe gây nên những tai nạn nghiêm trọng mà là những lái xe đã có công ăn việc làm ổn định sau một thời gian mới vi phạm.
Để xử lý vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngoài tăng cường đào tạo sát hạch thì phải tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động các doanh nghiệp, của lái xe, nhất là tình trạng sử dụng rượu bia của các lái xe.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang lồng ghép sửa đổi các nghị định để nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp sử dụng lái xe và tăng mức hình phạt các lái xe nếu vi phạm các điều cấm như sử dụng ma túy, sử dụng bia rượu quá nồng độ.
Xuân Hưng
Theo VNMedia.vn
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn lần thứ 10 : Bộ trưởng GTVT giải trình thế nào?
Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội giải trình việc chậm tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn giải trình về những nhóm vấn đề được chọn chất vấn, công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ nhiều dự án chậm, đội vốn. Một trong số đó là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên được đặt tại ga trên cao La Khê (Ảnh: Toàn Vũ)
Đây là dự án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư là hơn 550 triệu USD (tương đương gần 8.800 tỷ đồng), được phê duyệt điều chỉnh năm 2016 với tổng mức đầu tư là 868 triệu USD (tương đương 18.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỷ đồng, tăng 9.232 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Quy mô xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên cao với chiều dài 13,05 km, bao gồm 12 ga và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ.
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án với tiến độ hoàn thành giai đoạn thực hiện dự án trong quý 4/2018 với thời gian vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc khác từ 3 - 6 tháng.
Tuy nhiên, đến nay có một số khó khăn vướng mắc dẫn đến chưa hoàn thành giai đoạn thực hiện để đưa dự án vào khai thác như tiến độ dự kiến.
Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình nguyên nhân của việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư dự án là do công trình có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, có tính chất kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới lần đầu được triển khai ở Việt Nam. Nhiều hạng mục chưa có trong quy trình trong nước, phải vận dụng, sử dụng quy trình, công nghệ của Trung Quốc.
Dự án được triển khai trong khu vực trung tâm thành phố, nên công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật khó khăn, thời gian kéo dài. Quy hoạch kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị và kết nối với các loại hình vận tải công cộng chưa được xác định cụ thể nên mất nhiều thời gian thỏa thuận, phê duyệt làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.
Quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án dài, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chế, biến động về giá nguyên nhiên vật liệu, chính sách tiền lương và tỷ giá ngoại tệ... làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổng mức đầu tư dự án.
"Vì việc thời gian kéo dài như thế, dự án trải qua 2 đợt nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát cao. Năm 2008 - CPI 19,9%; giai đoạn 2010 - 2011 CPI lần lượt là 11,8% và 18,13%. Tổng tỷ lệ lạm phát của 3 năm này là 49,83%, ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng. Cộng với đó, việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án là khó tránh khỏi," báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
Bộ trưởng Thể cũng cho biết ở trong nước chưa có nền công nghiệp đường sắt phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm cơ khí chưa cao làm tăng giá sản phẩm đầu vào, tăng tổng mức đầu tư dự án. Dự án sử dụng vốn vay ODA nên phụ thuộc vào Hiệp định vay đã được ký kết với Nhà tài trợ.
Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên áp dụng hình thức Hợp đồng EPC (tuy nhiên, quy định về hợp đồng EPC chưa đầy đủ nên việc áp dụng khó khăn, lúng túng, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật và tài chính), quá trình thực hiện phụ thuộc nhiều vào tổng thầu.
Video: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn lần thứ 10
Nguyên nhân khác là do yếu tố khác biệt về quy định giữa hai quốc gia (các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về hồ sơ thiết kế, dự toán) gây khó khăn trong điều hành, tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan, đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam, kinh nghiệm lập dự án ban đầu của tư vấn trong nước còn hạn chế, chưa kiểm soát được kỹ thuật công nghệ; nhiều nội dung chưa được đề cập và nghiên cứu kỹ nên tổng mức đầu tư chưa phù hợp.
Bộ máy quản lý dự án mới được hình thành, năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan chưa chặt chẽ và đồng bộ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, tổng thầu chưa phải là đơn vị chuyên nghiệp, không có đầy đủ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể bao gồm cả xây lắp, thông tin tín hiệu và đào tạo vận hành đồng bộ dẫn đến công tác quản lý điều hành của tổng thầu còn nhiều lúng túng và bất cập.
Công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý (Hiệp định vay bổ sung được kết từ 11/5/2017 nhưng đến 28/12/2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lý và đến ngày 25/4/2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên của dự án).
Đến nay, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Các đơn vị đang vận hành, căn chỉnh toàn hệ thống để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
MINH ĐỨC
Theo VTC
Quốc hội chất vấn trực tiếp 4 bộ trưởng Bốn bộ trưởng Tô Lâm, Phạm Hồng Hà, Nguyễn Văn Thể và Nguyễn Ngọc Thiện sẽ lần lượt ngồi "ghế nóng" trong phiên chất vấn trực tiếp kéo dài hơn 2 ngày tại Quốc hội. Từ ngày 3 đến 7/6, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 7 khóa XIV. Nội dung chính của tuần là hoạt...